Năm Hợi Lượm Lặt Chuyện Heo Trong Mỹ Thuật
Năm mới là năm Đinh Hợi theo âm lịch, năm mang tên con vật cuối cùng trong vòng tuần hoàn 12 con giáp, đó là con heo mà phía Bắc gọi là con lợn. Không biết từ bao giờ mà hai miền có hai tên gọi khác nhau như vậy để chỉ một con vật, chỉ biết rằng từ thế kỷ XVII, Alexandre de Rhodes trong Từ điển Việt -Bồ - La (1651) của mình đã viết về sự khác nhau của cách gọi tên này:
“Heo, con heo: con heo. Tốt hơn, con lợn.
Lợn: con lợn, con heo. Cùng một nghĩa”. (1)
Dù là heo hay lợn, con vật đó trong tâm thức người Việt vẫn luôn tượng trưng cho sự sung túc, no ấm và an nhàn. Chả thế mà người ta có câu:”Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”. Với quan niệm như vậy, tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng đều vẽ con heo trong tranh Tết, coi đó là con vật mang lại may mắn trong năm. Không chỉ có trong tranh, con heo còn xuất hiện trong các chạm khắc dân gian của người Việt như điêu khắc đình làng và các tượng heo hay một vật rất thông dụng là con heo đất.
Trung Quốc và các nước Đông Á cũng rất đề cao hình ảnh con heo bởi sự mập mạp, béo tốt và mắn đẻ của nó. Hình ảnh con heo đã xuất hiện rất sớm trong nền văn hóa Trung Quốc, ví dụ như một cái Chén gốm đen khắc hình lợn rừng của nền Văn hóa Hà Mụ Độ (Hà Mẫu Độ) trước công nguyên 5000 đến 4000 năm, hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Triết Giang (Trung Quốc). Chén được trang trí bằng các nét khắc hình con heo, mang các họa tiết đơn giản là những đường vạch và đường tròn đồng tâm (hình 1). Nồi đất hình heo thuộc Văn hóa Đại Vấn Khẩu, là một đồ vật khá ngộ nghĩnh, nửa giống cái nồi nửa giống một cái bình với thân hình là một chú heo tròn quay, Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc (hình 2).Tượng heo có chim đậu trên lưng, bằng đồng, đời Nhà Thương (1600 - 1046 trước CN). Tượng này có hình dáng khúc chiết, mạnh mẽ, được chạm khắc hoa văn khắp bề mặt (hình 3). Tượng Heo rừng tạc bằng đá (cao 62cm, dài 163cm), thời Tây Hán (206 trước CN – 7 sau CN)
tượng này được đặt trước mộ Khắc Khứ Bệnh, Hưng Bình, Thiểm Tây (hình 4). Là láng giềng của Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đề cao con heo và dùng thứ lịch can chi với hình tượng 12 con giáp. Tại cung điện Gyeongbokgung của Hàn Quốc trong sân của cung điện có một vòng tròn xếp tượng những con giáp bằng đá quay mặt ra ngoài. Tượng của các con vật này đều mặc đồ quan phục đại lễ trông thật trang nghiêm (hình 5). Đối với người Nhật, con heo rừng được gọi là inoshishi, nó là vật cưỡi của Thần chiến tranh Usa Hachiman bởi sự dũng mãnh, tại các đền thờ Thần đạo họ hay bày các tượng heo rừng nhỏ trước điện thờ thần Wakenokiyomaro. Một bức vẽ tranh heo rừng từ Chiba Shrine, Nhật Bản (hình 6). Tượng Heo rừng, gốm với men celadon trắng, giữa thế kỷ 19 (hình 7). Heo rừng tại đền Nanzen-in (hình 8).
Các nước Châu Á khác tuy không đề cao con heo như văn hóa Trung Quốc và Việt Nam nhưng cũng thể hiện các hình tượng của loài heo dưới các góc độ khác nhau. Tại Ấn Độ, kiếp thứ 3 trong 10 kiếp của thần Vishnu là một con heo rừng khổng lồ, nó là avatâra (hoá thân) của vị thần này. Với hình dáng của ravâha (heo rừng), thần Vishnu đã đánh nhau với quỷ dữ Hiranyaksa để cứu trái đất bằng cách ủi sâu vào đáy biển đưa đất lên. Hình ảnh con heo rừng được vẽ và tạc khắc trong
các đền thờ đạo Hinđu chính là để tưởng nhớ đến thần Vishnu. Tượng thần Vishnu trong hoá thân của heo rừng, Đền Vahara (hình 9). Tranh tasser (vẽ trên lụa) Hóa thân Varâha của thần Vishnu, Raghurajpur, Orissa, (hình 10). Tượng thần Vishnu đang nâng Bhu Devi trên cánh tay sau khi đã đạp rắn dưới chân mình, Đền Durga, Aihole (hình 11). Nằm kề bên Ấn Độ và có chung nền văn hóa, tại Nêpan cũng có thờ các tượng đá hóa thân của thần Vishnu. Tượng đá Vahara, hóa thần của thần Vishnu (thế kỷ 7) tại Dlumvarahi, Nêpan (hình 12). Heo rừng đứng là một tượng nhỏ bằng đồng của thời kỳ Đông Java, Inđônêxia thế kỷ thứ 14 (hình 13). Tương tự như con heo trên, con heo nhỏ trong hình này có dáng vẻ tròn trịa của một con heo nhà, nó chính là bản sao một tác phẩm bằng đất nung đảo Java, thời kỳ Majapahit, thế kỷ 15, Bảo tàng Metropolitan (hình 14). Con heo gỗ nhỏ nhắn được chạm khắc từ hòn đảo Wood Lak, Papua New Guinea xa xôi tại Thái Bình Dương, trên nền gỗ mun là các hình khắc vạch trang trí (hình 15). Cũng thuộc nền văn hóa Papua New Guinea, Heo thờ của bộ tộc Iatmul làm bằng các sợi dây đan lại, vỏ sò và nhuộm màu tự nhiên cho ta một vẻ đep độc đáo, mang đậm sắc thái của vùng hải đảo (hình 16). Ở Hawaii thần heo Kamapua là một vị thần chiến tranh được tôn sùng nhất, tình yêu của thần với nữ thần núi lửa Pele là một chuyện tình đẹp (hình bên). Tại Thái Lan, một đất nước gần gũi chúng ta có một tượng đài về heo rất đặc biệt, đó là tượng đài Saha Chat, tại quận Phra Nakhon, Băngkốc. Tượng được đặt trên bờ kênh đối diện Wat Ratchabophit, với hình tượng chính là một con heo vàng trên nền một cái bệ cao. Tượng được xây dựng vào năm 1913 dành tặng cho hoàng hậu Saovabha, một người sinh vào năm Hợi nhân dịp lần sinh nhật thứ 50 của bà (hình 17). Cho dù khác biệt về các nền văn hóa và tôn giáo, mặt nạ heo lại là một vật khá phổ biến trên thế giới tuy mục đích sử dụng của chúng có khác nhau. Mặt nạ heo của Nêpan làm bằng gỗ, tô màu, nó được dùng trong các lễ hội đạo Hindu có niên đại đầu thế kỷ 20 (hình 18). Mặt nạ nghi lễ heo của Kalimantan, được làm vào năm 1940 từ đầu thú, có cả lông và tai, một hiện vật tiêu biểu cho văn hóa dân gian Indonesia (hình 19). Mặt nạ heo rừng Barong được làm bằng gỗ sơn, phong cách Bali, Inđônêxia, được dùng trong các điệu múa trong lễ hội (hình 20). Mặt nạ sân khấu topeng mô tả mặt heo, một sự diễn tả không thay đổi từ xưa cho kịch múa wayang topeng, Tây Java, Inđônêxia (hình 21). Trong bài giới thiệu hai mặt nạ heo của Châu Phi, chúng gồm mặt nạ Ngulu (Angola) bằng gỗ tô màu (hình 22), mặt nạ Ngulu (Congo, Angola, Zambia) bằng gỗ, sợi đan (hinh 23). Mặt nạ heo Hồng Công, Trung Quốc được làm bằng giấy bồi, tô màu và viền kim nhũ (hình 24).
Ngoài các nước Đông và Đông Nam Á, đa phần các nước trên thế giới đều không “coi trọng” con heo cho lắm. Thậm chí họ còn coi đó là một con vật bẩn thỉu, phàm ăn tượng trưng cho sự ngu dốt, tham lam và dục vọng. Dù có coi con heo như thế nào đi nữa, các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đều thể hiện con heo trong không gian mỹ thuật của mình. Những người tiền sử đã vẽ trong hang động Altamira, phía bắc Tây Ban Nha rất nhiều con thú như bò và ngựa rừng, trong đó có cả heo rừng (hình 25). Lợn rừng, chạm nổi trên đá cách đây 17000 năm, Bảo tàng Cổ vật quốc gia Pháp (hình 26).
Hình tượng heo cũng được xuất hiện ở Ai Cập cổ đại, Heo mẹ cho con bú, gốm men xanh thế kỷ 7 - 6 trước công nguyên (hình 27). Một bức phù điêu đá cạnh cửa của ngôi nhà mồ Kagemni thuộc Ai Cập cổ đại diển tả một cảnh chăm sóc heo thời xưa. Một người chăn heo mớm sữa cho con heo nhỏ bằng miệng của mình với sự tiếp sữa từ bình của người đày tớ (hình 28). Thời Hy Lạp cổ đại, con heo được gắn với thần Circé, vị nữ thần này hóa những người đàn ông thành heo hoặc chó theo bản tính của họ. Trong trường ca Odysseus, Ulysses đã cứu những người bạn của mình bằng cách khống chế Circe với sự giúp đỡ của thần Hermes. Câu chuyện đó thể hiện nhiều trong các đồ vật thời Hy Lạp cổ đại, trên một chiếc bình gốm phong cách hình đỏ năm 440 trước công nguyên diễn tả cảnh Odysseus hăm dọa Circe, phía sau Odysseus là người bạn thủy thủ đã biến thành heo (hình 29). Đề tài trên không chỉ có người Hy Lạp ưa thích, nhiều họa sĩ đời sau cũng vẽ về huyền thoại này. Tranh khắc kẽm Circe trả tự do cho thủy thủ đoàn của Odysseus (thế kỷ 17) của Theodor van Thulden (1606 - 1669) (hình 30). John William Waterhouse một họa sĩ người Anh, là một người hay vẽ các đề tài huyền thoại. Ông vẽ hai bức tranh về Cice, trong đó có bức Cice tặng cúp cho Odysseus, vẽ Cicer ngồi trên ngai, và bên chân nàng là các nạn nhân đã hóa thành heo (hình 31). Một bức tranh khác Circe và các người bạn của Ulysses của Briton Riviere lại vẽ hình tượng chính là đàn heo đang qui phục nàng Circe (hình 32).
Trên một chiếc bình hai quai trang trí theo phong cách động vật Corinth buổi đầu, 625-600 trước CN, Hy Lạp, trang trí bằng các con vật, trong đó có con heo rừng đặt ở vị trí cao nhất (hình 33). Những chiếc vại của Hy Lạp cổ dùng trong các buổi tiệc tùng thường có hình đầu các con vật, hoặc người, chiếc vại đầu heo phong cách hình đen Aten kiểu Rhytons (hình 34). Trên một cái bình cổ của Hy Lạp có trang trí hình Hercules và con heo rừng Erymanthian, trong hình Herculles đang dốc ngược con heo thần thoại trên vai mình để đặt xuống Eurystheus, vị vua này đang run sợ trốn trong một chiếc bình lớn bằng đồng. (hình 35). Còn có một truyền thuyết khác trong thần thoại Hy Lạp về nữ thần sắc đẹp Aphrodite (Venus) và thần Ái tình Adonis đã giết heo rừng, tranh ghép mảnh (mosaic) Andonis và heo rừng của La Mã cổ đại, Bảo tàng Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ (hình 36). Alexandre Đại đế săn heo rừng, đồ trang sức bằng đá mã não thuộc La Mã cổ đại, thế kỷ 1 sau CN (hình 37). Săn heo rừng là một đề tài được ưa chuộng vì nó thể hiện được lòng dũng cảm của người thợ săn, một cái thắt lưng sang trọng Săn heo rừng của nền Văn hóa Sakae, được làm bằng vàng, thủy tinh côban, đá, thế kỷ 5 - 4 trước CN đã thể hiện rõ chủ đề này (hình 38). Tranh Cuộc săn heo rừng của danh họa Peter Paul Rubens vẽ năm 1618 - 1620, sơn dầu trên gỗ. Tranh diễn tả sinh động cảnh chó săn săn heo rừng bằng bút pháp phóng khoáng của ông (hình 39). Bức tranh của Rubens có một bản sao đặc biệt, đó chính là bức tranh chép lại của Delacroix vào năm 1839, tuy là bản sao nhưng nó cũng nổi tiếng không kém gì bản chính và hiện đang treo tại New Pinacolthek của Munich, Đức (hình 40).
Ở xứ Gaul tại Châu Âu thuở xưa, hình tượng con heo rừng được dùng làm biểu tượng cho sự độc lập, nó được hiện diện trên các đồng tiền cổ và các lá cờ lệnh được chạm khắc trên Khải hoàn môn Oranger. Đồng tiền vàng Stater ở xứ Celtic Gaul, thời kỳ Coriosolites khoảng 75 - 50 trước CN, được trang trí hình đầu người mặt phải và hình kỵ sĩ cưỡi ngựa và heo rừng mặt trái (hình 41). Tòa lâu đài Hoàng gia Amboise được xây dựng trên sườn núi giữa sông Loire và sông Amasse, nước Pháp. Dưới các dải trang trí, vòm mái nhọn mang phong cách gothich của tòa lâu đài xây từ thế kỷ 13 này là các máng xối bằng đá (gargoyles) với hình thù kì dị gây sửng sốt và thích thú cho khách tham quan. Phần đầu của máng xối được đẽo gọt trang trí bằng hình ảnh các con vật huyền thoại, gia súc và hình người. Trong các máng xối này có hình con heo nhô nửa thân trước ra khỏi gờ nóc của tòa lâu đài (hình 42). Cũng vẫn máng xối kiểu gothich đó, trên nóc nhà thờ Đức bà ở Epine là hình ảnh con heo nái chơi đàn lia (hình 43).
|
Trong một bức tranh đề tài tôn giáo của họa sĩ vùng Siena vào thế kỷ 15, Sano di Pietro có vẽ sự tích thánh Blaise, khi Con sói mang con heo về cho một người nghèo (hình 44). Nghệ thuật minh họa sách bắt đầu thịnh hành ở Pháp vào thế kỷ 15, với đỉnh cao là ba anh em nhà Limboura, Pol, Herman và Jean. Cuốn sách viết tay Kinh giờ rất phong phú mà anh em họ trình bày là một trong những tác phẩm sách viết tay theo phong cách gothich quốc tế hoàn hảo, đẹp nhất; trong cuốn sách này các tháng được minh họa nguyên trang bằng những bức tiểu họa và trang Tháng mười một vẽ cảnh người nông dân đang chăn heo trên sườn đồi (hình 45). Là gia súc quan trọng, nên cảnh chăn heo còn được thể hiện trong nhiều tác phẩm của nhiều thời kỳ khác nhau. Một họa sĩ vẽ động vật nổi tiếng người Anh, Edwin Henry Landsser đã vẽ nhiều bức tranh minh họa về heo như Heo Anh, khắc kẽm (hình 46), Heo Pháp, khắc kẽm (hình 47) với độ chính xác về mặt sinh học và tính nghệ thuật cao. Tranh Đàn heo trắng và dê của Gauguin (hình 48). Thịt heo là một thực phẩm ngon lành nên có nhiều tranh thể hiện sự sung túc qua sự diễn tả những súc thịt tươi rói. Tranh Mổ heo của Isaak van Ostade, một họa sĩ thế kỷ 17 theo trường phái Baroque Hà Lan có một không khí phảng phất bút pháp của Rembrandt (hình 49). Tranh Mổ heo năm 1563 của Joachim Beuckelaer, Bảo tàng Wallraf-Richartz, Cologne, Đức (hình 50). Tại Châu Mỹ, hình tượng con heo cũng rất phổ biến trong ẩm thực, đời sống hàng ngày và nghệ thuật. Ở Mêhicô người ta hay dùng một cái cối để giã gia vị, ngũ cốc theo truyền thống có hình con heo, nó được gọi là molcajete heo, nó thường được làm bằng đá badan hay nham thạch (hình 51).
Dùng hình ảnh con heo để ám chỉ những cái gì xấu xa, trong các bức tranh biếm họa mang tính cách mạng của Honoré Daumier đã vẽ vua Louis Philippe thành một con heo. Một con heo ngu dốt được bao bọc bởi những kẻ xu nịnh, tranh in đá của tạp chí La Caricature, 1 - 1 - 1834 (hình 52). Richard Doyle (1824 - 1883) là họa sĩ minh họa sách và vẽ biếm họa có niều tác phẩm vẽ về thiếu nhi; minh họa Bắt heo được bôi mỡ, tranh khắc gỗ của ông tả lại một trò chơi có tính hài hước của thế kỷ 19 (hình 53). Một tấm thiệp vui được phát hành ở Áo vào năm 1903 có tựa là Thiệp năm mới với heo và họa sĩ, chất liệu in đá nhiều màu theo phong cách Art Nouveau. Trong đó con heo to lớn đang được tô điểm bởi một anh họa sĩ lùn ngộ nghĩnh (hình 54).
Cùng với thời gian, hình tượng con heo trong mỹ thuật được nhiều người vẽ nặn hơn, dù khai thác hình ảnh nó dưới góc độ nào thì họ cũng không kỳ thị nó như trước nữa. Ta có thể điểm qua vài tác phẩm về heo như: Tranh Quí bà heo (hình 55), Tượng Heo của Teodors Zalkalns (Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Latvia) làm năm 1937 (hình 56). Tượng Heo tốt của Mogens Bogglid (Đan Mạch) tại cuộc Triển lãm Tái hiện điêu khắc 1950 tại Riga (2004) (hình 57). Bức tranh Đàn heo xông tới của Leonora Carrington, họa sĩ Mehicô vẽ năm 1960 là một tác phẩm được đánh giá cao, hấp dẫn người xem (hình 58). Một bản vẽ hình mang tên Con heo nhỏ của Picasso, ngộ nghĩnh với nét phóng khoáng gần như những chú bò tót mà ta thường gặp ở tranh ông. Tranh Hào quang của chú heo do Stan Rice một nhà thơ và họa sĩ sống ở San Francisco mang lại một hình ảnh thi vị về heo (hình 60)...
T.L
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16