Thông tin Mỹ thuật số 15-16

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Sự Ra Đời Của Nghệ Thuật Trang Trí

Trang trí có từ bao giờ? Ở đâu? Tại sao? Do khởi đầu người ta đã muốn làm đẹp hay chỉ để đánh dấu? - Đó là những băn khoăn của giới sử học nghệ thuật... Với chút ít tư liệu trong tay, chúng tôi xin mời các bạn cùng tìm hiểu và suy ngẫm.

Trang trí Trang trí
Nét vẽ màu trên sỏi. Cách đây khoảng 10.000 năm, Pháp Nét khắc trang trí trên sừng hươu. Tìm thấy trong hang Isturitz vùng núi Pyerenee miền nam nước Pháp. Khoảng 12.000 TCN. Bảo tàng cổ vật Quốc gia Pháp

Thiên nhiên - Người thầy vĩ đại
Ai cũng phải tiếp xúc với thiên nhiên từ lúc mới ra đời vì một lẽ thường tình: con người là sản phẩm cao cấp của tự nhiên và luôn sống trong thiên nhiên (đất, nước, không khí, nắng, gió, bóng đêm...). Ngược lại, thiên nhiên là người thầy đầu tiên, rất vĩ đại và vĩnh viễn của loài người, với những bài học ngọt ngào và nghiệt ngã để lại hệ quả ở tất cả các cấp độ cuộc sống. Những chuyện to tát, xin không dám lạm bàn, ở đây chúng tôi chỉ định chuyên chú vào nghề trang trí...

Trang trí
Hình bò vẽ đầy hoa văn trang trí trên vách đá Gufamaser, Ấn Độ. Khoảng 8.000-10.000TCN

Thế đứng thăng bằng là bài học cơ bản nhất mà con người nhận biết qua bản năng của chính mình. Lực hút của trái đất buộc mọi sinh vật phải giữ thăng bằng để tồn tại; cấu trúc cơ thể không cho phép chúng tự do nhào lộn liên miên. Bạn nghĩ sao nếu thấy một người đứng nghiêng 450 mà chẳng dựa vào đâu? Cảm giác thăng bằng thường trực trong ta sẽ giúp ta có phản ứng. Chính bởi vậy, nghệ thuật trang trí sẽ sử dụng yếu tố thăng bằng theo 2 cách đối lập: hoặc đúng quy luật muôn đời, gây cảm giác bình thường; hoặc ngược lại gây cảm giác giật gân (mà có khi hấp dẫn hơn).
Kết cấu đối xứng là bài học thứ hai nhưng rất trọng yếu vì đó là cơ sở của trang trí. Đối xứng cũng là kết cấu cơ bản của tuyệt đại đa số sinh vật: lá ở hai bên cành cây, người có hai tay, hai chân, hai mắt, hai tai đối xứng; động vật có 2 hoặc 4 chân; côn trùng có 6, 8 hay 10 chân; thậm chí nhiều hơn như cuốn chiếu và rết thì chân vẫn là số chẵn (con vật nào có số chân lẻ 3, 5, 7 chắc là cực... cực hiếm hoặc dị dạng, đáng dùng làm ảo thuật). Cũng có những bộ phận chỉ là độc nhất nhưng lại mọc lên ở chính giữa trục dọc cơ thể và do đó vẫn mang tính đối xứng: sừng tê giác, vòi voi, mào gà, u bò hay đuôi của nhiều loài vật... như vậy trang trí đối xứng chính là mô phỏng cuộc sống một cách điển hình, có chọn lọc.

Trang trí
Xiếc bò. Tranh tường trong cung điện Knossos. Khoảng 1500 TCN. Đảo Crete, Hy Lạp

Kết cấu sole là bài học thứ 3 mà thiên nhiên mang lại. Có thể gọi đây là sự “lệch pha” của kết cấu đối xứng. Cành cây vẫn ngần ấy cái lá và lá cây vẫn ngần ấy đường gân nhưng không đối diện từng cặp nữa mà so le nhau một cách đều đặn, lần lượt. Chính nhờ bài học này mà cách làm trang trí trở nên nhịp nhàng, sinh động hơn, đỡ cứng nhắc khô khan, nhất là ở hình loại diềm tường.
Kết cấu toả tròn là bài học quý báu thứ tư mà trang trí học được ở các bông hoa nở nhìn chính diện hay các vòng sóng lan toả khi ta ném hòn sỏi xuống nước... Kết cấu này bao giờ cũng có một tâm điểm chung cho mọi chi tiết toả đều bao quanh vòng trong, vòng ngoài. Nếu đối xứng và so le mang tính nối tiếp, chạy dài thì toả tròn hấp dẫn hơn nhiều do có lực hút vào tâm và sức lan toả gợi lại ánh xạ của các vì tinh tú. Do đó, kết cấu toả tròn thường được ưu tiên làm trọng tâm cho các loại hình trang trí: vuông, tròn, chữ nhật, tam giác... hoặc làm điểm nhấn cho đường diềm.

Trang trí Trang trí Trang trí
Mặt trống đồng Ngọc Lũ. Việt Nam. Khoảng 500 TCN Thố gốm Phùng Nguyên cao 20cm, đường kính miệng 24cm, đáy 16cm. Do Nguyễn Kim Dung và Tăng Chung phát hiện năm 2002 tại di chỉ Xóm Rền Thố gốm Phùng Nguyên cao 22cm, đường kính miệng 28,5cm, chân đế 16,8cm

Sự lặp đi lặp lại là phương án chủ yếu mà nghệ thuật trang trí thường xuyên sử dụng. Bài học này do con người học đuợc, khi quan sát các loại dây leo: dây có thể dài bao nhiêu cũng được nhưng bao giờ cũng chỉ kèm theo vài chi tiết phụ trợ như lá, tay cuốn, chồi nách, nụ và hoa mà lại với khoảng cách khá đều đặn. Cũng đạt hiệu quả tương tự khi người ta quan sát vẩy cá hay những gợn sóng lăn tăn đều đều đến vô tận. Các nguyên nhân trên lý giải tầng tầng lớp lớp sóng nước dưới đáy bệ tượng A di đà (Việt nam) hay diềm tranh tường của nền văn minh cổ Minoen (Hy Lạp). Và như thế chỉ cần vài hoạ tiết cơ bản là ta có thể nhân rộng các đồ án trang trí trên bất cứ diện tích tối đa nào. Điều này cho thấy trang trí  không đòi hỏi giá trị độc lập và độc nhất như một tác phẩm nghệ thuật mà đóng vai phụ trợ, làm nền, làm diềm...
Từ mô phỏng tới sáng tạo

Các hình hình học của thiên nhiên.
Thiên nhiên hấp dẫn ta bởi tính vừa độc đáo, vừa phổ biến của các hình hình học cơ bản: Hình tròn của trăng rằm và mặt trời, hình ống trụ của thân tre nứa, nhóm đường song song của gân lá tre, hình lục lăng của tổ ong, hình sin của thân rắn lượn, hình xoáy trôn ốc của trôn ốc, hình xương cá, hình giọt nước, đường cung tròn của lá cây v.v... đều rất đẹp, lại rất cô đọng mà hoàn toàn tự nhiên. Đó là những gợi ý tuyệt hảo để con người mô phỏng và đưa vào trang trí.
Các hình hình học do con người tạo ra.
Có những hình không có trong tự nhiên mà do con người sáng tạo trên cơ sở quan sát và tuyệt đối hoá hình thể của tự nhiên. Các nhà khoa học đã chứng minh không có góc vuông tuyệt đối ngoài thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên cũng có những gợi ý góc vuông khi những đường song song cắt nhau theo hai hướng hoàn toàn đối lập. Và do vậy, con người đã có thể tạo ra những hình tuyệt đối vuông, tuyệt đối tam giác đều và các biến thể của chúng như hình bình hành, hình thoi, hình thang cân... Bản thân chúng đầy tính trang trí khi có các góc đều nhau và các cạnh đối lập song song và đều nhau.
Các đồ án tổng hợp.
Nhờ có trí tuệ, con người đã mày mò, liên kết, lồng ghép các hình, nét và chấm đơn lẻ thành các tổ hợp trang trí rất hấp dẫn, trông rất quen mà cũng rất lạ. Những tổ hợp này nâng cao giá trị cho vật dụng, nhạc cụ, vũ khí và trang phục của các bộ lạc nguyên thuỷ và đôi khi đẹp đến mức trở thành báu vật của các bảo tàng lịch sử nghệ thuật (mặt trống đồng Đông Sơn của Việt Nam là một thí dụ điển hình)
Hiệu quả nghệ thuật
Trang trí đẹp gây ra những ảo giác kỳ lạ: đồ vật sang trọng hẳn lên, đôi khi mang sức mạnh tâm linh, thánh thần, ít nhất thì tác giả vô danh ngàn xưa cũng dồn hết tâm trí vào đó khi tạo tác và để lại dấu ấn sáng tạo bất diệt. Trang trí đẹp đôi khi còn biến đổi hiệu quả chất liệu: đá mềm như vải, mặt đồng lung linh như mây khói, khúc xương khô xoắn xuýt mơ mộng... ngàn xưa sống động đến tận ngày nay.

Trang trí có từ bao giờ? Tại sao?
Thích trang hoàng và làm đẹp là bản tính của con người, không chỉ  cho bản thân mà còn cho mọi vật dụng quanh mình. Điều này xuất hiện từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại khi con người có trí khôn. Cùng với khả năng sử dụng lửa và công cụ, đây là điểm ưu việt nữa cho thấy tính hơn hẳn của loài người so với loài vật trên bước đường tiến hoá. Bằng chứng còn lại đến ngày nay là vô vàn công cụ lao động sơ khai của người nguyên thuỷ được trau chuốt và trang trí tối giản nhưng không kém phần thú vị.
Mẫu trang trí xa xưa nhất.
Đó là tổ hợp các vạch khắc song song bắt chéo nhau, tạo thành các ô hình thoi đều đặn và liên tiếp trên mặt phẳng được mài nhẵn của một khối đất sét đã khô cứng. Rõ ràng đấy là sản phẩm nhân tạo, dù hết sức sơ khai. Vấn đề đáng chú ý ở chỗ những vạch nét này là cố tình, có tính toán, bởi nếu chỉ là vạch nét khắc chơi thì chắc khó lòng cách đều, càng khó lòng song song và chẳng thể tạo ra các ô hình thoi. Tất nhiên những vạch nét trên đây rất sơ khai nhưng có chủ định và sự lặp đi lặp lại cho thấy cảm quan có tính trang trí của con người đã xuất hiện từ rất sớm ở buổi bình minh của lịch sử. Bằng phương pháp đồng vị phóng xạ cácbon C14, các nhà khảo cổ đã xác định được niên đại của nhóm cổ vật trong đó có khối đất khắc vạch trang trí: cách đây những 77.000 năm! Phát hiện chấn động nói trên do tiến sĩ Mỹ Christopher Henshilwood (Đại học New York) công bố năm 2002 sau 10 năm cùng các đồng nghiệp Nam Phi khai quật hang động ở Blombos (Nam Phi).
Trên khắp thế giới còn có vô số hình trang trí khác, dù không xưa bằng nhưng niên đại cũng rất “đáng nể” được công bố tại Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc v.v...

Suy nghĩ về trang trí nguyên thủy và cổ đại
Loài người đã tiến những bước rất dài trên con đừơng vạn dặm của nghệ thuật trang trí. Ngày nay, kho trang trí của nhân loại rộng mênh mông với vô số thành tựu. Thế mà ngoảnh lại thời xa xưa mông muội, đôi khi chúng ta vẫn phải giật mình: tại sao những con người thô sơ đến vậy, chưa có dụng cụ tinh xảo (chỉ dùng đá nhọn, mũi dùi đồng, thỏi đất màu...) lại có thể thao tác và vẽ nên những đồ án trang trí hấp dẫn đến thế? Câu trả lời cũng mơ hồ không kém nhưng rất khó bác bỏ: tài năng sáng tạo của con người có những đỉnh cao đột xuất không nhất thiết tỉ lệ thuận với trình độ phát triển xã hội. Có như vậy thì con người ngày nay và cả mai sau mới phải mãi mãi ngả mũ cúi chào ánh hào quang của tranh tường Ai Cập, hoa văn gốm cổ Trung Quốc, tranh vách đá sa mạc Sahara và các vòng trang trí đồng tâm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ của Việt Nam.

Đ.H.

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16