Thông tin Mỹ thuật số 15-16

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Những Chú Heo Tạc Trên Vì Kèo Của Đình Chùa Cổ

Con heo trong mỹ thuật
Vừa cho heo ăn vừa cho con bú-chạm nổi trên "cốn" gỗ - Đình Phất Lộc (Thái Bình) TK 17. Ảnh: Nguyễn Hải Phong (Viện Mỹ thuật)

Đó là những chú heo nhà, đang được người cho ăn, trong một quang cảnh đầm ấm. Quả là hiếm hoi bởi ít khi heo được tạc tượng ở Việt Nam (trong khi heo ở tranh dân gian khá nhiều) trái ngược hẳn với một số con vật chưa chắc đã có thật nhưng lại được tạc tượng quá nhiều như rồng, phượng, lân, nghê v.v... Nhân dịp tết Đinh Hợi, mời các bạn cùng chiêm ngưỡng mấy chú heo hiếm hoi mà ông cha xưa đã tạc trên gỗ cách đây 4 thế kỷ.

Heo được tạc ở đình Phất Lộc (Thái Bình)                                   

Đây là một phiến đoạn chạm nổi trên gỗ ở vị trí gọi là “cốn” thuộc hệ vì kèo của đình Phất Lộc. Căn cứ vào phong cách tạo hình (và cả văn bia), các nhà nghiên cứu đã đoán định bức chạm này ra đời ở TK 17. Hình tượng rất dễ hiểu: một người đàn bà đang ngồi vừa cho con bú, vừa cho heo ăn. Em bé đang rất “tranh thủ”: chân đứng dưới đất, đầu luồn qua nách mẹ để bú. Ngược lại, chú heo rất thong dong, nghếch mõm, đủng đỉnh bước tới... Tạo dáng heo đơn giản nhưng rõ rệt đặc điểm: mõm, tai, lưng võng, bụng phệ, chân ngắn...

Heo được tạc ở tam quan chùa Cự Trữ (Nam Định)

Cũng vẫn là hình chạm trên “cốn” gỗ, nhưng lần này có vẻ uyển chuyển hơn do có hình hoa văn làm nền, kết nối giữa người và heo. Vẫn là người mẹ tranh thủ cho con bú, em bé tội nghiệp đang đứng dưới đất mà rúc vú mẹ. Còn chú heo đang thanh thản bên máng ăn. Hình tượng heo cũng đơn giản, nhưng chi tiết thật rõ nét: mõm vểnh, mắt híp, lưng võng, bụng xệ...

Những bức chạm heo trên vì kèo đình - chùa cổ đẹp ở chỗ nào?

Người viết bài này từng dẫn sinh viên đi tham quan đình chùa ngoài Bắc. Có đôi ba lần, trò lấy hết can đảm nói với thầy rằng: các em không thấy đẹp! Quả là những thắc mắc thẳng thắn và hợp lý! Thuở mới học nghề, chúng tôi cũng từng cảm thấy như vậy. Lý do khá dễ hiểu: sinh viên mỹ thuật được học bài bản các môn khoa học của nghệ thuật như: giải phẫu, luật xa gần, hình họa. Thế nên các em quen nhìn các tác phẩm chuẩn mực, nhất là tác phẩm hiện thực. Với thước đo ấy, các chú heo tạc gỗ nói trên và toàn bộ các bức chạm lộng trên vì kèo đình làng xưa đều không chính xác, thiếu chuẩn mực. Các em đâu biết tác giả đều là dân làng, chẳng học qua trường lớp điêu khắc nào hết, họ ngẫu hứng tạc tượng mà thôi. Ấy thế nhưng, những bức chạm ngây ngô đó có một số giá trị hết sức đặc sắc trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, xin gợi ý để bạn đọc suy ngẫm:
Giá trị lịch sử: mọi người Việt Nam đều biết lịch sử oai hùng của dân tộc đã trải gần 4000 năm, nếu kể từ thời Phùng Nguyên (sơ kỳ đồ đồng) đến nay. Những trang sử bằng chữ thì dài mênh mông với vô vàn chiến công hiển hách. Nhưng sử bằng hình ảnh thì ngắn vô cùng mà còn đứt đoạn.  Có thể nói: ngàn năm Bắc thuộc không có sử bằng hình ảnh (ta hầu như chẳng còn hiện vật nào từ thời đó). Cũng có giai đoạn độc lập tự chủ rực rỡ, hiện vật lịch sử còn nhiều nhưng toàn những tượng rồng, phượng, lân, rùa, mây, sóng, đài sen, Đức Phật v.v... Tất thảy đều không phải người Việt, nên ngày nay chẳng ai biết chính xác trang phục của các vị: Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi... ra sao?
Hóa ra trong lịch sử chỉ có 3 lần người Việt tự họa (tự vẽ, tự tạc hình ảnh bản thân). Đó là: lần 1 – thời Đông Sơn (500 tr.CN đến CN) đúc hình người Việt trên mặt trống đồng, rìu đồng. Lần 2: thời hậu kỳ phong kiến (Mạc, Lê Trung Hưng, tk 16, 17, 18) tạc hình người Việt trên các vì kèo đình làng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ. Lần 3: thời nay.

YTWBMC103812
Vừa cho con bú, vừa cho heo ăn - chạm nổi trên "cốn" gỗ - Tam quan chùa Cự Trữ (Nam Định) TK17. Ảnh: Nguyễn Hải Phong (Viện Mỹ thuật)

Bởi vậy những bức chạm gỗ có hình tượng người và các vật nuôi đang sinh hoạt chân thực đều có giá trị lịch sử bằng hình ảnh. Chỉ xin lưu ý những thứ này đang mất dần do mối, mọt, tự mục rỗng, do chiến tranh, bão tố...
Giá trị hình ảnh đời sống xã hội: chúng ta theo nghề nghệ thuật tạo hình nghĩa là tư duy bằng hình ảnh, tác phẩm là hình tượng. Mọi lời tán dương dù hay ho đến đâu đều vô nghĩa nếu hoạ sĩ mà không vẽ tranh, nhà điêu khắc mà không tạc tượng. Bạn hãy tưởng tượng xem: các đạo diễn điện ảnh gặp khó khăn biết chừng nào nếu phải làm phim về các thời Lý, Trần, Lê mà chỉ thông qua những trang sử sách dày đặc toàn chữ? Thế nên sẽ là quý giá vô cùng nếu ta tham quan đình, chùa cổ để còn thấy: hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc với nguyên trang phục hoàng hậu (chùa Mật – nay chuyển về BTMTVN), phụ nữ Việt Nam điển hình TK18 (Ngọc Nữ chùa Dâu – Bắc Ninh), cảnh “Mẹ gánh con chạy loạn” (đình Tây Đằng – Hà Tây), cảnh “Đá cầu ngày hội” (đình Thổ Tang – Vĩnh Phúc), cảnh “Trai gái vui đùa” (đình Hưng Lộc – Nam Định) và đây nữa những bà mẹ bận bịu, vừa cho con bú, vừa phải cho heo ăn, nên các em bé tội nghiệp phải bú đứng. Những khoảnh khắc đời thường như vậy thật vô cùng sinh động và cũng xúc động!

Giá trị nghệ thuật tạo hình điêu khắc dân gian.

Các tác giả “dân làng” xưa chẳng hề được học hành, nhưng tác phẩm của họ làm đầy kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam (nếu không, đó sẽ là những trang trắng về hình ảnh – chỉ có mỗi lời). Đấy là chưa kể những biểu cảm tạo hình đặc sắc của các bức chạm. Nào ai dám tạc một bức tượng thứ hai có thể sánh với 4 nụ cười (ở các cung bậc khác nhau) của bức “Trai gái vui đùa” (đình Hưng Lộc)? Nào ai dám tạc tượng người say rượu cho bằng cảnh “Chuốc rượu” có hai bác đang say bét nhè, vênh váo nhìn trời? Nào ai dám tả cho bằng chú mèo ở đình Bình Lục (Quảng Ninh) đang gồng mình, vận hết nội công, ngoạm chặt con cá lớn nhất đời chú. Và cuối cùng, có vẻ dễ hơn mà chưa chắc dễ: tình cảnh đối lập trong hai bức chạm: vừa cho con bú, vừa cho heo ăn. Một bên là chú heo tươi tốt thảnh thơi, bên kia là em bé hối hả rúc vú mẹ – bé không được ưu tiên và không béo tốt. Bạn hãy thử đoán tiếp thông điệp đằng sau bức hình này? (đừng tưởng cứ dân gian là ngây thơ và nông cạn)

Lời kết

Heo là 1 trong 12 con vật đại diện cho năm – tháng theo lịch xưa của chúng ta (mà vẫn còn dùng đến ngày nay). Người Việt nuôi heo theo truyền thống ở mọi gia đình nông thôn. Đó là nguồn thịt chủ yếu thời xưa, hơn cả gà và bò. Dù quý hay không thì đây là một trong vài loài vật nuôi đã đi cùng người qua tất cả các chặng đường dài lịch sử, là biểu tượng no đủ. Bởi vậy mà heo được vẽ ở tranh dân gian Đông Hồ với xoáy âm dương, cũng được chạm nổi một cách trân trọng và thân thương như hai bức chạm mà chúng ta chiêm ngưỡng ở đây.

Đ.H.

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16