Thông tin Mỹ thuật số 15-16

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Công Xưởng Mỹ Thuật Trung Hoa

Yue Minjun
Yue Minjun. Chân dung người Trung Hoa

Những nhà sưu tầm mỹ thuật đương đại Trung Hoa giờ đây có cả một loạt tên mới để biết và để nhớ: đó là tên tuổi của các nghệ sĩ Trung Hoa mà sự nghiệp của họ hiện đang nổi lên như sóng cồn trong một khu vực thị trường vừa mới mẻ, vừa sôi động. Tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là Zhang Xiaogang, với loạt tranh nhan đề “Huyết thống” (Bloodline Series) bao gồm toàn những bức chân dung trong bối cảnh thời kỳ Cách mạng Văn hoá; Yue Minjun, tác giả của những bức chân dung vẽ những người Trung Quốc có bộ mặt rất giống bản thân hoạ sĩ; Zhang Huan, một hoạ sĩ “conceptual”, sáng tác những tác phẩm như “Nâng mực nước ao cá” (đây là một phần của tác phẩm nghệ thuật trình diễn trong đó Zhang đã chụp ảnh một số dân lao động địa phương đứng trong một ao cá cho thấy họ chẳng có tác dụng gì đối với nước ao cả)...
Người ta có thể thấy các tác phẩm này ở các galleries, các hội chợ mỹ thuật, các nhà bán đấu giá... ở nhiều thủ đô các nước ưa chuộng nghệ thuật trên thế giới, giá mỗi tác phẩm này giờ đây đã lên tới hàng triệu đô la Mỹ. Charles Saatchi, trùm quảng cáo, nhà sưu tầm tác phẩm mỹ thuật và chủ gallery ở Luân Đôn, hiện đang bắt đầu săn lùng và vơ vét các tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Hoa đương đại, ông dự định sẽ tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm này qui mô nhất, hoành tráng nhất từ trước tới nay, tại gallery mới của ông đang được xây dựng  trên đường Kings Road của Luân Đôn.
Henry Howard-Sneyd, Giám đốc kinh doanh của nhà bán đấu giá Sotheby phụ trách Châu Á và Australia, cho biết: “Chỉ trong có một năm, chúng tôi đã bán được các tác phẩm đương đại Trung Hoa trị giá hơn 60 triệu đô la Mỹ, so với con số 15 triệu đô-la năm 2005. Chỉ riêng tháng 4 - 2006, nhà bán đấu giá này đã dành một phiên bán đấu giá đặc biệt tại New York cho thể loại này và đã thu được 13,2 triệu đô la. Từ bấy đến nay, giá tranh các tác phẩm đương đại Trung Hoa cứ tăng lên một cách đều đặn. 
Một phiên bán đấu giá hồi tháng 11 vừa qua, tại Hồng Kông, của nhà bán đấu giá Christie dành cho các tác phẩm đượng đại Trung Hoa, đã thu về 68 triệu đô la. Ấy vậy mà các chuyên gia của Christie ở New York và Hồng Kông vẫn còn cho việc đem bán những tác phẩm ấy giới hạn trong phạm vi thể loại hẹp như vậy là một sai lầm, đáng lẽ phải mở rộng phạm vi các phiên đấu giá bao gồm các tác phẩm mỹ thuật cả đương đại lẫn thời hậu chiến thì có thể sẽ lợi hơn nhiều. (Tuy vậy, Sotheby chủ trương dành các phiên bán đấu giá đặc biệt hoàn toàn cho mỹ thuật đương đại Trung Hoa mà thôi!).
Liệu sự bùng nổ về giá các tác phẩm mỹ thuật đương đại Trung Hoa có được bền lâu hay không chưa ai biết rõ. Brett Gorvy, một trong số những người đứng đầu ban chuyên trách mỹ thuật hậu chiến và đương đại trên toàn thế giới của Christie, nhận định: “Mặc dù có thể có người cho rằng đây chỉ là sự phấn khích bộc phát theo “mốt” lần thứ nhất mà thôi, nhưng thực ra đây là một thị trường hoạt động sâu rộng hơn nhiều.” Còn Henry Howard-Sneyd thì cho rằng tổng doanh số các phiên đấu giá các tác phẩm mỹ thuật đương đại Trung Hoa tăng cao như vậy là do nhiều năm người ta đánh giá thấp các nghệ sĩ này, chứ không phải là chuyện cứ phát giá tướng lên một cách giả tạo thường thấy trong một số phiên đấu giá.
Cho nên, nếu ta tiên đoán rằng đây chẳng qua chỉ là một bong bóng sắp vỡ tung đến nơi, thì có lẽ đó là một sự đơn giản hoá vấn đề quá mức chăng. Henry Howard-Sneyd kết luận “Trong quá trình nền mỹ thuật đương đại Trung Hoa được quốc tế hoá một cách nhanh chóng, sớm muộn  thể nào cũng sẽ có một sự điều chỉnh, và lúc đó giá cả các tác phẩm sẽ đi vào cân bằng, ổn định hơn.” ...
Chân dung một số nghệ sĩ nổi bật hiện nay

Hán Bình
Nghệ sĩ Hán Bình với tác phẩm nghệ thuật trình diễn "Dắt cây Cải thảo "

Lang thang quanh khu Thiên An Môn đông đúc, tấp nập, thể nào ta cũng bắt gặp Hán Bình đang kéo lê một cây cải thảo bằng một dây xích sắt nhỏ. Cây cải thảo của Hán Bình không phải là một cây rau được trình diễn trong một màn. Nó đã được kéo lê trên Vạn lý Trường thành, dọc theo bãi tắm ngoài bờ biển tại thành phố nghỉ mát Tân Hoàng đảo, cả ở chốn thôn dã thanh bình của một ngôi làng tại Tô Châu nữa. “Dắt cây Cải thảo”, cũng như tất cả các tác phẩm khác của Hán Bình, một nghệ sĩ nghệ thuật trình diễn của Trung Hoa ngày nay, là một lời bình luận cay độc về việc nước này hối hả dấn bước trên con đường hiện đại hoá, tôn thờ chủ nghĩa vật chất đến nhầy nhụa. Chàng nghệ sĩ 31 tuổi ấy, tốt nghiệp Viện Mỹ thuật Trung ương của Trung Hoa, trường mỹ thuật hàng đầu của cả nước, nói: “Tôi muốn cho mọi người thấy rõ chúng tôi đang mù quáng lao vào những trò tầm thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi tới mức nào.”
Hán Bình là một cá nhân của cả một thế hệ các nghệ sĩ Trung Hoa trẻ tuổi đang tìm kiếm những phương thức mới lạ, năng động nhằm lý giải cho cuộc bùng nổ kinh tế của đất nước họ. Họ đang loại bỏ những hình ảnh đã quá quen về chính trị và những bức chân dung về Chủ tịch Mao, người đã đưa các bậc tiền bối của họ vào những vị trí nổi bật trên trường quốc tế, thay vào đó họ giới thiệu Trung Hoa là một xã hội đa dạng có hướng tư bản chủ nghĩa. Là sản phẩm của một thế hệ cuồng vọng, đôi ba mươi nghệ sĩ này còn quá trẻ, không nhớ được cảnh náo động đầy hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hoá. Họ cũng không trải qua nỗi sợ hãi bị khủng bố, bị tù đày vì nghệ thuật của họ, như rất nhiều người trong các bậc tiền bối có tinh thần sáng tạo của họ, trong đó có Zhang Xiaogang  và Wang Guangyi. Michael Goedhuis, nhà sưu tầm và buôn bán các tác phẩm mỹ thuật đương đại Trung Hoa, nói, “Các nghệ sĩ sáng tác trẻ tuổi của Trung Hoa ngày nay đã có được lòng tự tin, miêu tả một nước Trung Hoa hoàn toàn mới”.

ZENG CHUANXING. Cô dâu mặc áo cưới bằng giấy

Và thế giới đang vét sạch các tác phẩm của họ. Năm ngoái, hai nhà bán đấu giá tác phẩm mỹ thuật Sotheby và Christie đã bán được hơn 210 triệu đô-la Mỹ các tác phẩm mỹ thuật Châu Á, đại đa số là của Trung Hoa, đó là doanh số kỷ lục của họ. Tại một cuộc bán đấu giá tác phẩm mỹ thuật đương đại tại Christie, Luân Đôn, vào tháng trước, một bức chân dung năm 2006 của hoạ sĩ “mới trình làng” Zeng Chuanxing, vẽ một cô dâu trẻ tuổi, vận chiếc áo cưới bằng giấy, đã gây nên một cuộc tranh mua sổi nổi, cuối cùng ngã giá 164.800 bảng Anh – cao gấp 7 lần giá ước định ban đầu của nhà bán đấu giá. Pilar Ordovas, một chuyên gia về mỹ thuật đương đại Trung Hoa tại Christie cho biết: “Chúng tôi có tới 30 người yết danh, tranh nhau mua tác phẩm này của Zeng Chuanxing. Nó có sức hấp dẫn mọi người đến kỳ lạ!”
Các nhà phê bình mỹ thuật và các chủ galleries đều nhất trí cho rằng các nghệ sĩ trẻ tuổi của Trung Hoa đều đề cập đến các chủ đề xã hội chưa từng được khai thác - kể cả dịch tiêu thụ đầy ham muốn, thèm khát của dân Trung Hoa thời nay. Việc mở rộng cửa và tình trạng lan tràn công nghệ có nghĩa là nghệ thuật nhiếp ảnh, nghệ thuật trình diễn và video art nhanh chóng trở thành những phương tiện được chấp nhận đối với thế hệ “click,click” đa phương tiện của nước này,  cũng như đối với các nghệ sĩ đương đại trên toàn thế giới.
Các bức ảnh chân dung nhiều tới mức bão hoà do nghệ sĩ nhiếp ảnh Yang Yong chụp các thanh niên thành phố trông mệt mỏi, chán chường bày nhan nhản tại các galleries từ Luân Đôn tới New York. Elaine Ng., biên tập viên tạp chí Mỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương, nói: “Tính chất nhạt nhẽo của cuộc sống thành thị là hình ảnh nổi trội trong nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ tuổi. Nó phản ánh rất trung thực những gì đang điễn ra tại Trung Hoa ngày nay.”
Các nghệ sĩ đến với chủ đề này bằng nhiều ngả đường khác nhau. Chẳng hạn, các bức tranh của Cui Xiuwen miêu tả một nữ sinh bị thương tật trong Tử Cấm thành với cặp mắt thẫn thờ, đờ đẫn thể hiện hùng hồn tuổi thơ ngây của em bị mất và cuộc sống của em bị tách biệt hẳn với cảnh phồn hoa đô hội của nước Trung Hoa hiện đại.
Khung cảnh nền mỹ thuật còn non trẻ của Trung Hoa liên hệ mật thiết với công cuộc tự do hoá ngày càng tăng của nước này, nó cho phép đặc biệt là các ngành nghệ thuật thị giác được tự do thể hiện lớn hơn. Nữ nghệ sĩ Cao Fei, năm nay 28 tuổi, mới đây đã được giải thưởng dành cho các nghệ sĩ trẻ tuổi tài năng nhất của Uli Sigg, nhà sưu tầm mỹ thuật Trung hoa đương đại lớn nhất thế giới, về tác phẩm video art kỳ cục của cô nhan đề “Phản ứng Dây chuyền” (Chain Reaction), quay cảnh các nghệ sĩ vận áo choàng trắng của ngành y tế trình diễn các động tác của những người thợ cơ khí.
Tuy nhiên, cũng có những hạn chế nhất định đối với thị trường mỹ thuật “bị cháy chợ” của Trung Hoa cùng với tiếng tăm ngày càng nổi như sóng cồn trên trường quốc tế của các nghệ sĩ. Một lý do là, ngày càng có nhiều nghệ sĩ lao vào con đường này chỉ vì đồng tiền. Nữ nghệ sĩ Yu Chen ở Bắc Kinh, nổi tiếng về những bức chân dung các chú bé tí hon vận đồng phục Hồng quân của bà, đồng thời là giảng viên môn hình hoạ trong hơn 20 năm nay tại Viện Mỹ thuật Trung ương, đã nói: “Đầu óc các sinh viên của tôi ngày nay lúc nào cũng chỉ  quay cuồng những ý nghĩ liên hệ việc học mỹ thuật với vẽ tranh thương mại để kiếm được nhiều tiền. Hồi tôi còn trẻ, hai vấn đề đó tách biệt hẳn nhau. Thế hệ các hoạ sĩ đầu tiên không bao giờ sáng tác vì tiền cả!”

Yang Yong
YANG YONG. Chân dung trong bồn tắm

Thực vậy, ngày nay các nghệ sĩ kiếm được nhiều tiền tới mức một số  phụ huynh cố vận động con cái mình thi vào ngành mỹ thuật, chứ không học luật hoặc cơ khí. Và cuộc cạnh tranh diễn ra vô cùng khốc liệt; riêng trong năm học này, Viện Mỹ thuật Trung ương đã nhận được hơn 20.000 đơn xin dự thi. Ấy vậy mà chỉ có khoảng 500 người đã tìm cách vượt qua được kỳ thi tuyển rất chặt chẽ, ngặt nghèo diễn ra trong 2 ngày, bao gồm một bài thực hành kéo dài 4 tiếng đồng hồ, một bài thi viết lý thuyết và một bài thi tiếng Anh, ngoài ra còn phải nộp mẫu các công trình đã sáng tác trước đây. Johnson Chang, chủ HanArt TZ Gallery tại Hồng Kông, nói, “nếu một người trẻ tuổi muốn trở thành  hoạ sĩ ở Trung Hoa lúc này, tất cả những gì mà người đó phải làm chỉ là giơ ra cho bố mình xem bản tin mới nhất của nhà bán đấu giá Sotheby là đủ sức thuyết phục rồi.”
Ngày nay, cả các nghệ sĩ lẫn các galleries đều tìm cách kiếm chác từ cuộc bùng nổ này bằng cách sao chép lại một cách vô liêm sỉ những gì mà họ cho là bán chạy nhất. Nếu những bức chân dung Chủ tịch Mao với cái đầu to tướng mà bán chạy thì lập tức họ cũng sẽ vẽ liền rồi trưng bày ngay. Điều này có thể có lý trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài,có thể nó sẽ là một thảm hoạ đối với nền mỹ thuật đương đại Trung Hoa, theo ý kiến của nhà quan sát lão thành Brian Wallace, người đã điều hành Gallery Xích Môn ở Bắc Kinh từ năm 1991 tới nay. Ông ghi nhận rằng tình hình mỹ thuật ngày nay khác xa so với cách đây 5 năm. Ông nói, “Do quảng cáo rùm beng nhiều như vậy cho nên ta ngày càng khó có thể tìm kiếm được người tài thực sự. Rất nhiều nghệ sĩ đều chạy theo một công thức vì mục đích thương mại.”
Dẫu sao, đó vẫn là một dấu hiệu của thời đại. Trong lúc các xu hướng như “Hội hoạ Vết Sẹo” (Scar Painting) vào cuối những năm 70, chuyên đi sâu vào chủ đề các ký ức đau thương về cuộc Cách mạng Văn hoá, và “Chủ nghĩa hiện thực Yếm thế” (Cynical Realism), nhạo báng tính chất đồng điệu của chính trị với văn hoá đã từng ngự trị khung cảnh nghệ thuật Trung Hoa vào đầu những năm 90, các nghệ sĩ Trung Hoa ngày nay đều miêu tả và phản ánh thương trường Trung Quốc đang ngổn ngang như một mớ bòng bong. Như vậy, họ đã hoàn thành vai trò quan trọng của họ rồi. Hán Bình, người sẽ lại kéo lê cây cải thảo của mình trong màn trình diễn lang thang khắp bang California nước Mỹ vào cuối tháng này, phát biểu: “Tôi không tin rằng nghệ thuật trình diễn của tôi đưa ra được những lời giải đáp cho những câu hỏi lớn của cuộc sống. Nhưng chắc chắn, nó có thể công khai nêu lên nhiều vấn đề khiến mọi người phải suy nghĩ.” Thực vậy, trong bối cảnh cả nước Trung Hoa hiện đang hối hả, hăm hở lao đầu về phía trước, rõ ràng là có vô khối điều khiến người ta phải suy ngẫm, phải băn khoăn!!!

Điền Thanh
(sưu tầm & giới thiệu theo bài China’s Art Factory cua Jessica Au, đăng trên tạp chí Newsweek, ngày 20 – 11- 2006 và bài China Celebrates the Year of the Art Market cua Carol Vogel, đăng trên Thời Báo New York ngày 25 - 12 - 2006)

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16