Thông tin Mỹ thuật số 15-16

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Vài Nét Về Hình Thức Video Art Ở Việt Nam

Tác phẩm của Lê Trần Hậu Anh

Cùng với cuộc cách mạng truyền thông, truyền hình, số hoá, những ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới đã được các nghệ sĩ tận dụng, hỗ trợ cho các sáng tác nghệ thuật thị giác. Thời đại mới cần những hình thức diễn đạt mới, thể hiện được tốc độ sống và những thành tựu kỹ thuật cao, từ những phức cảm thẩm mỹ đương đại dẫn đến việc hình thành Digital art (nghệ thuật Kỹ thuật số), Video art (nghệ thuật Video). Trên thế giới và các nước trong khu vực, Digital art và Video art không còn là xa lạ trong các cuộc triển lãm nghệ thuật hiện nay, trở thành một phương tiện biểu đạt bình thường của sáng tạo nghệ thuật thị giác và đang từng bước tranh giành vị trí với nghệ thuật “truyền thống” như hội họa, đồ họa giá vẽ... Ở Việt Nam, tình hình chưa đến mức như vậy, so với Installation và Performance, Video art ở Việt Nam có số lượng các nghệ sĩ và triển lãm khiêm tốn hơn, là thứ sáng tạo có vẻ “thời thượng” hơn bởi những yếu tố liên quan đến kỹ thuật cao của nó. Vì vậy, có thể thấy ở Việt Nam tiếp cận đến hình thức Video art hầu như chỉ là các nghệ sĩ trẻ, ham thích cái mới, ham và hiểu biết về kỹ thuật, mạng internet..., chí thú trong việc thử nghiệm kỹ thuật nhằm tạo ra một phương thức biểu đạt mới trong nghệ thuật thị giác để hòa nhập với cộng đồng sáng tạo thế giới. Cũng bởi là “mới” ở Việt Nam, nên Video art còn xa lạ với giới mỹ thuật “chính thống”, không lôi cuốn được thế hệ nghệ sĩ trung niên và cao tuổi, cũng như những người bị hạn chế nhất định về thông tin và hiểu biết kỹ thuật, ít khả năng dám chịu chấp nhận rủi ro về tài chính trong việc đầu tư máy móc, phương tiện...
1. Video art là gì?
Có họ hàng với điện ảnh, truyền hình, nhưng chắc chắn từng tác phẩm Video art không phải là những phóng sự, hay thậm chí là một thể nghiệm phim ngắn (mặc dù, Video art cũng có thể sử dụng đan xen nhiều thủ pháp của kỹ thuật điện ảnh, ánh sáng, montage hình ảnh... để tạo hình). Và trong quá trình thử nghiệm bước đầu với Video art, nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã đồng nhất ngôn ngữ phóng sự tài liệu truyền hình với một cấu trúc độc lập của Video art.

Tác phẩm của Nguyễn Đức Lợi

Nghệ sĩ Chang Tsong Sung (Trung Quốc) cho rằng Video art là “bất cứ cái gì dùng đến một cái máy quay video”. Còn Micael Norberg (Thụy Điển) trong dịp đến Việt Nam tháng 1-2003 làm giảng viên thỉnh giảng về Video art tại Trường ĐHMT Hà Nội đã có ý kiến: “...Video art chẳng có gì là quá cao siêu và khó hiểu... Không có một giới hạn nào (sự khác nhau giữa Video art và những thể loại phim khác), theo tôi bất cứ là một thể loại phim nào mà đem lại cho người xem một ý tưởng, ấn tượng hoặc tình cảm, thì đều có tính nghệ thuật. Video art (nghệ thuật thu và phát hình ảnh động) là một phạm trù rất rộng và chỉ khác các thể loại phim truyện hay phim tài liệu, quảng cáo... là không mang tính thị trường, không có giá trị thương mại. Điều quan trọng nhất của các bộ phim này là câu hỏi: Vậy những gì thể hiện trong phim có phải là thế giới chúng ta đang sống hay không? Có nghĩa, một Video art cần mang một giá trị nhân văn cao, mang tính con người. Tôi quan niệm là ta không cần một định nghĩa Video art là gì quá rõ ràng. Nếu một bộ phim không đem lại cho ta một giá trị nào về tính nhân văn, thì nó cũng là một tác phẩm tồi mà thôi...” (Thể thao văn hoá số 29, 9 - 4 - 2004). Trong thời điểm cuối thập niên 1960 thời kỳ truyền hình thương mại hoá đã ảnh hưởng mạnh đến từng gia đình, và lối sống xã hội Mỹ, Video art ra đời xuất phát từ hai khả năng: một là ghi lại các hoạt động, sự kiện chính trị xã hội với dạng thông  tin thời sự đặc biệt... thứ hai là truyền hình nghệ thuật. Có ý kiến cho rằng cuốn băng của nghệ sĩ Nam June Paik cùng các bạn quay được hoạt động của Giáo hoàng tại New York năm 1965 đánh dấu sự ra đời của Video art.
Mặc dù được xem là nghệ thuật có tính phi thương mại, tuy nhiên, hiện nay trên thế giới đã có những tác phẩm Video art được Bảo tàng Mỹ thuật mua bản quyền, lưu giữ. Video art đã trải qua nhiều thể loại ở những thời kỳ khác nhau trong đó nổi lên tên tuổi một số nghệ sĩ như Nam June Paik, vợ chồng nghệ sĩ Vasulka, Johan Jonas, David Goldenberg...Đặc biệt là Bill Viola bởi tính hoàn mỹ của các tác phẩm, kỹ thuật công phu phức tạp, đạt hiệu quả thị giác cao với sự kết hợp giữa âm thanh và ánh sáng. Có lẽ cái để phân biệt của một tác phẩm Video art của nghệ thuật thị giác với các tác phẩm phim truyền hình, điện ảnh là ở chỗ kết cấu của tác phẩm Video art mở hơn, có thể sử dụng nhiều thủ pháp kỹ thuật phụ trợ bên ngoài, cộng thêm sự phối hợp các loại hình nghệ thuật khác, kết hợp không gian, thời gian để đưa ra một thông điệp nghệ thuật nào đó, thậm chí không phụ thuộc cố định thời gian trình chiếu tác phẩm nhằm gợi mở liên tưởng (nhiều khi như là những trò chơi trí tuệ tạo ảo giác có được nhờ kỹ thuật số). Tính khoảnh khắc và tính ghi phát đồng bộ của hình ảnh nhiều chiều của kỹ thuật Video có phần vượt trội hơn biểu hiện của điện ảnh. Mặt khác, tác phẩm Video art còn tạo cảm giác trực tiếp và gần gũi hơn so với điện ảnh (truyền hình nhiều kênh và dùng nhiều máy chiếu cùng hoạt động một lúc sẽ tạo được hiệu quả đáng kể, không gian Video nhiều chiều, nhiều tầng lớp). Khác với thông điệp của điện ảnh, truyền hình thường là sự dẫn dắt luồng suy nghĩ người xem vào một nội dung có sẵn, với sự mở đầu và kết thúc đã nằm trong một chương trình định sẵn. Video art không chú tâm đến nội dung câu chuyện,  kịch bản như điện ảnh mà mục đích chính của nó là sáng tạo ra những hình ảnh mới, mỹ cảm mới tác động lên thị giác và cảm giác người xem: tạo hiệu quả hoành tráng, mới lạ, một quá trình phóng to cận cảnh như dưới kính lúp, những chuyển động lồng ảo không ngừng, đan xen hư thực, giả tưởng, cái nhìn đa chiều vừa tổng hợp vừa phân tích, kết hợp không gian ánh sáng, tiếng động, chú trọng đến sự tương tác và hiệu quả đa phương tiện. Có ảnh hưởng của nghệ thuật quảng cáo hoặc kết hợp với istallation tạo thành Sắp đặt video đa phương tiện... Cũng như, cùng là sử dụng ngôn ngữ của động tác, hình thể để nói lên một nội dung nào đó nhưng ở kịch câm là những động tác, những tình huống kịch được định sẵn, được tập luyện theo kịch bản, rất ít thay đổi trong khi đó ở hình thức Performance nghệ sĩ lại chú ý nhiều hơn đến khả năng ứng biến (improvisation) trước hoàn cảnh, trước khán giả nhiều hơn.

Tác phẩm của Nguyễn Xuân Sơn

2. Một số thử nghiệm Video art ở Việt Nam
Cũng như các hình thức nghệ thuật đương đại khác, Video art là một trào lưu mới nhưng có nhiều tiềm năng phát triển.
Không tính đến một số cuộc triển lãm giao lưu của một số nghệ sĩ nước ngoài ghé thăm Việt Nam. Nhìn chung các sáng tác video có kỹ thuật thô sơ, nhiều sáng tác còn ở dạng video clip, quan niệm tạo hình còn mang nặng xúc cảm hội họa, ít sử dụng khả năng multimedia với nhiều đường truyền và máy chiếu do điều kiện kinh tế và kỹ thuật rất hạn chế. Theo thống kê chưa đầy đủ, có một số triển lãm Video art như:
- Tháng 1 - 1998 có tác phẩm thử nghiệm Video art Chảy – Flowing (thời lượng 11’30s) của Trần Lương.
- 8 - 1999 có triển lãm sử dụng nhiều loại máy chiếu, màn hình... Video projection của Trần Lương.
- 5 - 2000 Video art – Giấy gói hàng của Lê Vũ.
- 10 - 2001 tại Mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) có Video art Tắm và than của Lê Vũ – Nguyễn Trí Mạnh. Video installation tại Quảng Ninh.
- 11 - 2002 video Workshop quốc tế tại TTMTĐĐ Hà Nội đến với phương tiện truyền thông mới.
- 3 - 2003 Triển lãm Việt Nam tại New York có 3 tác phẩm:
- Sắp đặt + Video art của Nguyễn Minh Phước.
+ Sắp đặt – Video của Đinh Gia Lê.
+ Video projection của Trần Lương, chủ đề “Chúng ta ăn như thế nào? Chúng ta ăn cái gì? Chúng ta ăn ở đâu?”.
- 12 - 2003 Triển lãm kỷ niệm 5 năm Nhà Sàn Mạnh Đức có bày Tranh – Sắp đặt – Video art.
- 12 - 2003 Video art về Hà Nội, chủ đề Moving city movement của nhóm nghệ sĩ Việt Nam, Pháp, Đức do L’espace và Viện Goethe tổ chức.
- 10 - 2003 Triển lãm Xanh - Đỏ - Vàng tại Viện Goethe (Hà Nội) có tác phẩm Video art của Nguyễn Quang Huy, Vũ Thuỵ, Nguyễn Minh Phước (Video projection), Brian Bring.
- 2004 Brian Bring (họa sĩ Canađa, sống nhiều năm tại Hà Nội) có triển lãm Walkcross tại L’Espace. Kết hợp Installation và Video. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Brian Bring là người “có nghề” trong Video art. Các tác phẩm của ông vừa có những ứng dụng kỹ thuật mới lạ, hấp dẫn nhưng không thiếu sự lãng mạn bay bổng.
Từ năm 2004, Ryllega cũng là nơi có nhiều triển lãm Video art của một số nghệ sĩ trẻ như Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Lợi (kết hợp sắp đặt và video)

- Trường ĐHMTHN từ năm 2003 cũng phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức một số trại sáng tác Video art và qua hai triển lãm Nước và Cây do Trung tâm Ứng dụng phát triển NTTH cùng Viện Goethe tổ chức thâý nổi lên một thế hệ giảng viên trẻ ham thích khám phá kỹ thuật mới và chiều hướng phát triển như Lưu Trí Hiếu, Lê Trần Hậu Anh, Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Giang Nguyệt Ánh,...
Ngoài ra, còn các triển lãm khác cũng sử dụng hình thức kết hợp projector, video, sắp đặt của Nguyễn Mạnh Thắng, Phương Vũ Mạnh, Hoàng Dương Cầm...
Ở thành phố HCM, tại một số nơi như Mai gallery, Quỳnh gallery... cũng có  một số triển lãm Video art. Một số nghệ sĩ trẻ như Trần Dân, Thanh Chung... cũng có những thử nghiệm Video art. Trong môi trường đó ba nghệ sĩ Việt Kiều có những tác phẩm Video art được chú ý là Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyễn Hashushiba, Rich Streimatter Trân, 
Lê Quang Đỉnh tham gia triển lãm nghệ thuật châu Á Thái Bình Dương 2006 tại Australia có bày 1 tác phẩm Video art, 2 tác phẩm installation.
Jun Nguyễn Hashushiba nổi lên như một nghệ sĩ Việt kiều xuất sắc trong nghệ thuật đương đại Việt Nam. Tuy không có nhiều mối giao lưu rộng rãi trong cộng đồng nghệ sĩ Việt nhưng tác phẩm Video art của anh được biết đến nhiều trên trường quốc tế và tham dự triển lãm quốc tế Venice Bienale 2003....

P.Q.T

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16