Thông tin Mỹ thuật số 15-16

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Hoa Văn Trang Trí Kh'me Nam Bộ

Hoa văn trang trí Kh’mer Nam Bộ tập trung chủ yếu ở hơn 500 ngôi chùa  ở miền Tây Nam Bộ nói chung, Trà Vinh và Sóc Trăng nói riêng. Nên khi nói về hoa văn trang trí, chúng ta không thể tách chúng ra khỏi tổng thể của nó, bởi hoa văn có tác dụng làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho ngôi chùa làm cho ngôi chùa thêm phần lung linh, lộng lẫy...

Chùa Kh'mer Chùa Kh'mer Trang trí Kh'mer
Hoa văn hoa lá, kỷ hà (đầu hồi chùa Âng, Châu Thành, Trà Vinh) Văn hóa Angco (cổng chùa Munirangsay, đại lộ Hòa Bình, Cần Thơ Hoa văn Angco (trên rắn Naga 5 đầu chùa Phướng, Trà Vinh

Hoa văn trang trí Kh’mer có nhiều loại hình đa dạng, nhiều bố cục phức tạp, ngoài ra họ còn tạo ra được nhiều đồ án hoa văn từ  những hình tượng sẵn có trong thiên nhiên. Trên bề mặt chất liệu, từ độ cứng, mềm của gỗ, của đá, hay của một loại hỗn hợp kết dính nào đó, đều khoe được nhiều nét tinh xảo, mềm mại.
Bố Cục
Hoa văn trang trí Kh’mer Nam Bộ có những bố cục điển hình sau: bố cục thành dải, bố cục hình tam giác, bố cục hình tròn và nhiều kiểu khác. Nhưng ở đây bố cục hình tam giác và hình dải là phổ biến nhất. Với nhiều hình thức phức tạp phối hợp với nhau, chạm chìm, chạm nổi trên nhiều chất liệu, các mô típ hoa văn được phối hợp xen kẽ với nhau tạo thành một tổng thể công phu tỉ mỉ.

Trang trí Kh'mer
Hoa văn Angco (cổng chùa Phướng, Trà Vinh)

Bố cục tam giác chỉ xuất hiện và chỉ đẹp khi được phối hợp trong kiến trúc chùa Kh’mer. Bố cục này hiện lên từ xa, mà điển hình là ở đầu hồi chùa (ho - chen). Trong bố cục này, sự bố trí họa tiết hoa văn thường theo phép đối xứng qua một trục dọc nối liền từ đỉnh của tam giác đến cạnh đáy, đây là trục để hoa văn chính. Những họa tiết phụ kết hợp đối xứng qua trục dọc này, chiếm kết các khoảng trống còn lại, nhiều chi tiết dày đặc hoặc chỉ là một đường cong đơn giản, nhẹ nhàng.
Bố cục thành dải có mặt khắp nơi trong mỗi ngôi chùa, nhưng vẫn đảm bảo được liều lượng nhất định. Với diện phân bố hoa văn theo hướng dàn đều thành hàng ngang đã mang lại một vẻ đẹp độc đáo, cùng với sự kết hợp với nhiều loại bố cục, với các loại hình trang trí khác đã kết hợp hài hòa với kiến trúc. Mỗi đường diềm kết hợp hai hay nhiều đường song song gọi là đường diềm kép, một chính một phụ. 
Các chuyên gia nghiên cứu nhiều kinh nghiệm đã phân chia các loại hình hoa văn trang trí chùa Kh’mer thành 5 nhóm tiêu biểu:
1 - Hoa văn hình ngọn lửa (Pnhi - Phlơng)
Hoa văn hình tam giác là biến thể của hoa văn hình ngọn lửa. Nếu xét về cấu trúc thì hoa văn hình ngọn lửa khá đơn giản. Tổng thể của môtíp nằm trong một hình bình hành hay tam giác, với các góc mềm mại được kết hợp với nhau thành một bố cục đẹp có tính lặp lại, nhẹ nhàng, bay bổng như ngọn lửa. Ở chùa Kl’eng (Sóc Trăng), hoa văn lửa thường được đặt trang trọng trên bệ tượng, thường xuất hiện trên các hình mão vua và những nơi thiêng liêng khác trong chùa, với sự kết hợp của nhiều loại hình hoa lá, đôi khi kết hợp thêm với các hoa văn của môtíp Angco tạo thành một tổng thể hoa văn sinh động.

Kh'mer

Trên: Hoa văn hoa lá, động vật (chạm khắc gỗ), chùa Samrong EEk, Trà Vinh Dưới: Hoa văn Ăng co, Chùa Dơi, Sóc Trăng

Kh'mer

2 - Hoa văn các loại hình hoa lá, kỷ hà (Pnhi-tee hay vu)
Hoa văn hình hoa lá, kỷ hà có mặt khắp nơi trong mỗi ngôi chùa. Với diện phân bố hoa văn theo hướng đan xen nhau trong khuôn khổ bố cục chung, đã mang lại một vẻ đẹp độc đáo, hài hòa, tạo thành một tổng thể mềm mại của kiến trúc.
Trong nhóm hoa văn hoa lá, kỷ hà, thì hoa sen là một môtíp trang trí phổ biến nhất, được thể hiện lặp đi lặp lại qua nhiều thời đại với nhiều hình dáng khác nhau đã được bàn tay tài nghệ của người nghệ nhân Kh’mer sáng tạo và đưa lên một tầm cao quan trọng trong chùa. Như đã biết, hoa sen là biểu tượng cao quý của Phật giáo, tượng trưng cho sự trong sạch và tinh khiết của đức Phật. Ngoài ra còn có hoa cúc, cũng là môtíp trang trí thông dụng các chùa, đặc biệt là các khung cửa gỗ ở chùa Kl’eang. Hoa cúc ở đây được thể hiện với nguyên cành lá, được cách điệu hóa nằm kín trong một bố cục chật. Sự khoẻ mạnh của hình khối với vẻ mềm mại uyển chuyển của hoa lá làm nên sự sống động cho môtíp. Đối lập với những đường cong mềm mại của hoa cúc là hoa “chen”. Hoa này thường được trang trí trong các đường diềm như diềm mái, các y phục của nhân vật. Hoa có hình sáu cánh cứng cáp, nhưng tùy theo từng chùa và từng nghệ nhân mà loại hoa này có thể có bốn hoặc tám cánh.
Bên cạnh đó, còn có nhiều ô trang trí trên trần nhà, vách tường... mỗi ô trang trí gồm một hay nhiều hoạ tiết xếp đặt thành một hình vuông, hình thoi, hình tròn... Mỗi hoạ tiết chính thường gồm một họa tiết phụ hay một hoạ tiết rồi sắp đặt đối xứng, đảo ngược trong khuôn khổ của bố cục hình. Họa tiết trang trí có khi là một bông hoa, một nhánh hoa hay một nhân vật trong chuyện thần thoại như: Reahu, Hanuman, Apsara... với màu vàng của vàng lá làm lung linh một vẻ đẹp huyền ảo.
3 - Hoa văn Ăngco
Hoa văn Angco được lấy từ các hoa văn điển hình trong các trang trí của Angco Vát, Angco Thơm… ở Campuchia. Những hoa văn này khá phức tạp về hình khối, đường nét nhưng khi sang đến chùa Kh’mer Nam Bộ thì được các nghệ nhân giản lược thành những hình khối đơn giản hơn, dễ làm hơn và mang nhiều phong vị của văn hóa bản địa.
4 - Nhóm hoa văn tổng hợp
Tại các chùa: K’leang, chùa Sà Lôn, chùa Chà Tiêm, chùa Peng Som Kếch, Bãi Sàu… Cho thấy một điều là các nhóm hoa văn không đứng độc lập mà được kết hợp với nhau, xen kẽ nhau thành một tổng hợp của họa tiết, đường nét, màu sắc. Nhưng vẫn giữ đặc điểm đặc trưng và nổi bật hơn của các nhóm cũng như loại hình. Ở chùa K’leang, nổi bật nhất là hoa văn hình ngọn lửa và các loại hình hoa lá, kỷ hà. Ở chùa Chà Tiêm lại mang một điển hình khác, đó là hoa văn Ăngco giản lược. Tuỳ thuộc vào liều lượng mà mỗi một loại hình hoa văn lại là chủ đạo, chi phối toàn bộ các loại hoa văn khác, hoa văn chủ đạo đó có tính chất điều tiết và là điểm nhấn, cũng như đóng vai trò chủ đạo trong tổng thể chùa.
5 - Nhóm ảnh hưởng của các dân tộc khác
Trong các ngôi chùa Kh’mer ở Nam Bộ, đều thấy có rõ nét sự giao lưu của các nền văn hoá. Có thể thấy sự giao lưu này ở chùa Sà Lôn (Chén kiểu), các mẫu hoa văn thể hiện rõ sự giao lưu văn hóa – nghệ thuật với các tộc người khác như: Việt, Hoa, Thái Lan… Toàn bộ ngôi chính điện trang trí những chất liệu lấy từ sành sứ, chén, đĩa vỡ gắn lên thành những hình hoa văn lạ mắt. Ngoài ra, thay vào đường diềm truyền thống là những viên gạch men có hoa văn hiện đại, màu sắc sặc sỡ làm cho ngôi chùa thêm phần độc đáo. Ở Chùa Mahatup hay còn gọi là Chùa Dơi, ở các tháp cốt được trang trí bằng những viên gạch men có hoa văn đơn giản cũng làm cho ngôi chùa thêm lạ mắt.

QJGRON114819 QJGRON114819 QJGRON114819
Khỉ Hanuman chiến đấu với rắn Naga được cách điệu thành hoa văn hoa lá. Tưởng rào chùa Phướng, Trà Vinh Hoa văn hoa lá, kỷ hà (ảnh hưởng nghệ thuật Hoa). Chùa nước mặn, Sóc Trăng Hoa văn hoa lá (cánh cửa chùa Phướng, Trà Vinh)

6. Màu sắc
Tất cả các loại hoa văn trên đều được thể hiện với những màu sắc rực rỡ không hạn chế, cũng không khắt khe lắm về cách đặt màu. Tuy vậy trong nền nghệ thuật tạo hình, người  Kh’mer  không dùng nhiều màu sắc, họ chỉ dùng 6 màu, là những màu cơ bản nhất, cũng là 6 màu cờ của Phật giáo và cũng tượng trưng cho mỗi kiếp hóa thân của đức Phật
Những nhân vật, mô típ trong thần thoại Bà La Môn cũng như trong Phật thoại đều được thể hiện lên với một lòng ngưỡng mộ và sùng kính. Những mô típ trang trí như: hoa lá, các hoa văn cổ được chạm khắc và tô màu. Với sự góp mặt của các loại hình nghệ thuật mà hoa văn trang trí góp một phần quan trọng trong việc tôn vinh ngôi chùa như một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.
Hoa văn trang trí Kh’mer Nam Bộ nói chung, chủ yếu tập chung trong chùa nên ngôi chùa không những là trung tâm của mỗi phum, sóc mà còn mang trong mình một giá trị thẩm mỹ cao, một giá trị văn hoá tinh thần đậm bản sắc của người dân. Ngoài ra, ngôi chùa còn là một “bảo tàng” của các loại hình, môtíp, bố cục trang trí hoa văn. Thật vậy, sự đa dạng của hoa văn trang trí, sự phong phú các thể loại, đề tài đã đem lại cho ngôi chùa một giá trị thẩm mỹ lớn lao, đã nói lên được bản năng sáng tạo và bản sắc văn hoá đặc trưng của người dân Kh’mer Nam Bộ.

L.B.T.

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16