Hoa văn trên trang phục của tộc người Gia Rai
|
Cô dâu, chú rể trong ngày cưới. Nguồn: Sách "Việt Nam hình ảnh cộng đồng 54 dân tộc" của NXB Văn hóa dân tộc |
Người Giarai gọi hoa văn là p’nga hay rúp có nghĩa là hình để gọi tên các đồ hình trang trí trên nền vải thổ cẩm, hay đan lát của mình. Cũng như nhiều tộc người khác, người Giarai sử dụng nhiều mô típ hoa văn khác nhau và nó được xem như là một loại ngôn ngữ biểu trưng thể hiện những sắc màu tươi sáng của núi rừng, những mong ước giản dị về một cuộc sống bình yên và cả những ký ức xa xưa về lịch sử tộc người của họ…
Những mô típ rúp (hình) của người Giarai có thể thấy ở khắp nơi, người ta vẽ trên kho thóc, trên thân nêu trong lễ cúng lúa, lễ bỏ mả,... và trên cả các vật dụng sinh hoạt: gùi, rổ,... nhưng phong phú và biểu cảm nhất vẫn là những hoa văn trên trang phục của các chàng trai, cô gái Giarai.
1. Hệ thống các mô típ hoa văn:
Hoa văn trên trang phục của người Giarai khá đa dạng về mô típ và màu sắc. Về cơ bản, hệ thống các mô típ hoa văn có thể phân loại:
Hoa văn hình học gồm: hoa văn đường thẳng (dưng room) thường được dệt ở ống tay áo; hoa văn đường cong (den đông) trang trí cho thân váy; hoa văn hình thoi (klang liếp) là hoa văn thường thấy trong nghi lễ đâm trâu, trang trí trên cây nêu và trên khố của già làng; hoa văn hình mái nhà mồ (sat char) thường được dệt trên tấm đắp…
Hoa văn hình động vật và thực vật gồm: hoa văn hình cây rau dớn (k’toanh) (H.1) - đây là loại hoa văn phổ biến nhất. Theo người già kể lại thì cây rau này có liên quan mật thiết với người Giarai vì nó là một loại cây từng nuôi sống tổ tiên người Giarai khi họ bắt đầu sống nơi mảnh đất Tây Nguyên này. Mô típ hoa văn này có thể thấy trên đồ đan tre nứa, trên nền vải với cách tạo dáng cong, lượn khác nhau; hoa văn hình cây (tneh) được tạo dáng cách điệu bằng hình đa giác với các góc có hai viền cuốn vào trong tạo thành hình cây (H.2); hoa văn trái kdăk - có hình dáng giống như bông hoa với hai hình tam giác cân đối đỉnh vào nhau (H.3); hoa văn chân rết (lê pan): được dệt với ba đường thẳng song song có một chữ V nằm ngang nối liền ba đường song song đó (H.4); hoa văn hình mắt chim (mta buh) là những hình thoi nhỏ được dệt vào các khoảng trống của hình ngoằn nghèo (H.5); hoa văn hình chó (sâu) được dệt trên mái nhà mồ ở tư thế hai con đang giao phối và cả các kiểu hoa văn hình con gà (pờchon), hình con rùa (calpa) cũng được dệt cách điệu hết sức sống động và linh loạt trên nền vải Gia rai…
Hoa văn hình người (mơ nuih) (H.6): loại hoa văn này được xem là một loại hoa văn dệt khá phức tạp, nó đòi hỏi trình độ tay nghề của người dệt và tùy vào trang phục mà họ còn sử dụng kỹ thuật đục thủng vải tạo thành hình người với các kiểu trang trí khác nhau, như: hình người múa kiếm, uống rượu cần, cưỡi voi,… hay là dệt hình người cầm ô múa với những họa tiết cách điệu đơn giản.
|
|
2. Cách trang trí hoa văn trên trang phục: Tuỳ theo từng bộ phận của trang phục mà người dệt có cách thể hiện hoa văn - tạo hình đặc trưng. Nguyên tắc chung thì thông thường người Giarai bố trí các mô típ và màu sắc hoa văn đan xen vào nhau làm sao cho nổi bật lên các hoa văn chủ đạo.
Hoa văn trên váy: Váy của người phụ nữ Giarai có thể chia làm ba phần, gồm: cạp váy, chân váy và thân váy... Cạp váy - dùng vải thô thường là màu trắng cạp vào chân váy cho nổi bật, không trang trí hoa văn, cao khoảng 20 cm. Phần chân váy được xem là phần trang trí nhiều hoa văn nhất, với loại hoa văn chủ đạo là pngan tơngan - một loại hoa văn biến thể của hoa văn rau dớn (ktoanh) nằm giới hạn trong hai dải hoa văn dọc. Bên cạnh đó, chân váy còn được bố trí bằng các dải hoa văn ngang viền đậm dài hoặc tạo thành các hình gẫy góc nối dài thành những đường ngoằn nghèo, uốn lượn thành một dải ngang được sắp xếp trên và cả phía dưới hoa văn chính pnga tơnga. Còn trên thân váy, người ta thường trang trí hoa văn pnga tơnga thành từng cặp và là hoa văn chủ đạo, được dệt lặp đi lặp lại trong một ô hình chữ nhật, được bố trí thành dải ngang.
|
|
Màu sắc trên chiếc váy của phụ nữ Giarai thực ra không phong phú, chỉ có bốn màu cơ bản: đỏ, đen, vàng, trắng. Song để tôn lên vẻ rực rỡ, bắt mắt cho chiếc váy thì người ta đã biết cách kết hợp từng màu sắc đó lại và dệt đan xen nhau để màu này tôn lên cho màu kia và đứng gần nhau mà không chọi nhau trên màu nền chàm sẫm của váy. Nhìn toàn thể chiếc váy, trên nền vải chàm sẫm, hoa văn được trang trí thường nổi bật lên với màu đỏ và nó được xem là màu chủ đạo khi kết hợp với các màu còn lại và còn là màu nền cho các dải chứa các kiểu hoa văn phụ khác.
Hoa văn trên khố: khố của nam giới thường gồm hai phần thân khố và chân khố, được phân chia làm hai loại: khố dành mặc cho ngày thường và khố dành mặc trong các ngày lễ của gia đình và cộng đồng. Điểm khác biệt để phân biệt hai loại khố này là dựa trên các kiểu hoa văn được tạo hình trên khố. Thông thường, loại khố mặc thường điểm xuyết hoa văn rất ít, đơn giản khác hẳn so với loại khố mặc lễ. Phần thân khố có chiều dài khoảng 80 cm, trên nền vải chàm đen, người ta dệt những dải hoa văn viền hai bên thân khố và nối tiếp nhau trong dải hoa văn đó là các hoa văn koi kơrâu - cách điệu như cổ con chim cu với chỉ màu vàng, đỏ đan xen. Nói chung hoa văn ở phần này khá đơn giản, bố trí không nhiều trên nền vải. Tập trung hoa văn nhiều nhất vẫn là ở phần chân khố và được dệt theo dải ngang. Hoa văn chủ đạo được dệt nơi chân khố là mô típ rau dớn được dệt ở vị trí trung tâm và có các dải hoa văn nhỏ được dệt đối xứng với hoa văn trung tâm. Ngoài ra, còn có các dải hoa văn phụ được dệt cách điệu hình mắt chim nhằm phân biệt giữa các dải hoa văn khác nhau đã tạo cho phần chân khố thêm nổi bật. Và để trang trí cho chiếc khố thêm đẹp hơn, người ta còn gắn các hạt cườm và các rua đỏ, rua đen...
Tóm lại, hoa văn - tự thân nó đã là một thứ ngôn ngữ biểu trưng và nó được con người sáng tạo, gửi gắm theo những ước mơ giản dị về cuộc đời và đó còn là một thứ ngôn ngữ không lời gìn giữ những ký ức về văn hóa một tộc người. Trên trang phục của người Giarai, các mô típ hoa văn thật sống động và hồn nhiên đã phần nào biểu hiện được những tâm tư tình cảm, quan điểm thẩm mỹ, và cả niềm tin tôn giáo… của người Giarai chứ không còn chỉ là một giá trị vật chất đơn thuần.
B.T.H
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16