Thông tin Mỹ thuật số 13-14

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Pháp Lang, Pháp Lam Và Shipouyaki

Trong thế giới cổ ngoạn có một loại cổ vật cốt làm bằng kim loại, bên ngoài tráng men nhiều màu, người Trung Hoa gọi là falang (âm Hán – Việt đọc là pháp lang), người Nhật Bản gọi là shipouyaky, còn người Việt Nam thì gọi là Pháp Lam. Loại cổ vật này có sức mê hoặc rất lớn đối với giới sưu tầm cổ ngoạn và các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ.
Bài viết này xin giới thiệu những kiến thức khái quát, kèm theo hình ảnh về các dòng pháp lam của ba nước Trung – Nhật – Việt cho những ai quan tâm đến loại cổ vật đặc biệt này.

Pháp lang Trung Hoa

- Sách Cách cổ yếu luận do Tào Chiếu biên soạn vào năm Hồng Vũ 21 nhà Minh (1388) cho biết: Những đồ dùng như lư trầm, bình hoa, hộp, chén... có thai cốt bằng đồng, bên ngoài phủ men nhiều màu, thường thấy trong khuê phòng của các khuê nữ quyền quý mà người đời sau gọi là đồ Cảnh Thái lam, đương thời gọi là Quỷ quốc diêu  hay Phật lang khảm, du nhập vào Trung Hoa từ thế kỷ XIII theo vó ngựa viễn chinh của quân Mông Nguyên. Do chúng có nguồn gốc từ xứ Đại Thực,(1) nên cũng gọi là Đại Thực diêu.
- Sách Cảnh Đức Trấn đào lục , biên soạn vào thế kỷ XVIII, trong phần khảo về Cổ diêu (quyển 7), có viết về Đại Thực diêu, đại ý như sau: Đại Thực diêu là đồ của nước Đại Thực, có cốt thai làm bằng đồng, bên ngoài phủ lớp men màu thiên thanh, ngũ sắc sáng bóng... Tương tự đồ Phật lang khảm , không rõ chế tác vào thời nào, cũng gọi là Quỷ quốc diêu, mà ngày nay (tức vào thời nhà Thanh - T.Đ.A.S.) gọi là đồ Phát lam , lại do gọi sai thành Pháp lang(2)

Lư Kháp Pháp Lang Bình Tế Pháp Lang Ấm trà Pháp Lang

Lư Kháp ti pháp lang, tai hình vòi voi, hoa văn cành sen, thời Nguyên

Bình tế Tạm thai pháp lang, hình con thú, niên hiệu Càn Long, thời Thanh Ấm trà Họa pháp lang, hoa văn hoa cúc, niên hiệu Càn Long, thời Thanh

- Sách Cố cung tàng kim thuộc thai pháp lang khí  (3) do Trần Lệ Hoabiên soạn, cho biết: “Pháp lang (4) còn được gọi là Phật lang , Phất lang, Phát lam.(5)
Dựa vào phương pháp chế tạo thai cốt và kỹ thuật thể hiện men màu, họa tiết, Trần Lệ Hoa đã phân chia chế phẩm pháp lang Trung Hoa thành 4 loại:
+ Kháp ti pháp lang: Pháp lang làm theo kiểu ngăn chia ô hộc): Cách làm là dùng những sợi tơ đồng mảnh và nhỏ kết thành các dạng họa tiết gắn lên cốt bằng đồng, rồi trát đầy men pháp lang nhiều màu lên phần trong và ngoài các ô trang trí ấy, đưa vào lò nung đốt nhiều lần, cho đến khi bên ngoài món đồ phủ kín men pháp lam với độ dày thích hợp, thì đem mài nhẵn, rồi mạ vàng các đường chỉ đồng để hoàn chỉnh sản phẩm.
+Họa pháp lang (Pháp lang làm theo kiểu vẽ trên nền men như các tác phẩm hội họa): Dùng men pháp lang một màu quét trực tiếp lên cốt kim loại, rồi căn cứ theo màu sắc thiết kế của hoa văn, dùng men pháp lang vẽ nên các họa tiết, sau đó đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao. Sản phẩm sau khi đưa ra khỏi lò được mài bóng để hoàn chỉnh. Trên thực tế nhiều họa tiết vẽ trên cốt đồng là nhân vật, phong cảnh với các điển tích lịch sử…
+ Tạm thai pháp lang (Pháp lang có cốt được chạm trổ): Cách làm cũng giống Kháp ti pháp lang, chỉ khác ở chỗ hoa văn tô điểm bên ngoài, cùng cốt món đồ, được khắc lõm xuống khiến đường viền hoa văn nổi lên. Ở phần lõm xuống được phủ đầy men pháp lang, sau khi nung đốt, thì đem mài bóng để hoàn thiện. Các đường nổi trên đồ Tạm thai pháp lang tuy thô tháp nhưng đạt được sự trang trọng mà mộc mạc trong nghệ thuật.
+ Thấu minh pháp lang (Pháp lang có phủ lớp men trong bên ngoài): Chỉ tráng men pháp lang trong suốt lên cốt bằng vàng, bạc, đồng sau khi đã được chạm nổi, khắc chìm, rồi đem nung là xong, có các màu lam, xanh, tím, vàng, cũng gọi là Thiêu lam. Cốt có hoa văn chạm nổi hoặc khắc chìm, đôi khi các đường nét hoa văn chạm khắc này được thếp vàng bạc, hiện rõ xuyên qua lớp men pháp lang một màu như vàng, lục, lam, tím… Loại này lợi dụng tính chất của lớp men thấu minh hoặc bán thấu minh để biểu thị sự biến đổi của đồ án hoa văn do độ sáng tối, đậm nhạt mà có.

Bình tạm Pháp Lam hình con voi
Bình Tạm thai pháp lam, hình con voi, niên hiệu Càn Long, thời Thanh

Cũng theo Trần Lệ Hoa: Kháp ti pháp lang thời Nguyên gọi là Đại Thực diêu (6) hay Quỉ quốc khảm, người đời nay thường gọi là Cảnh Thái lam.(7) Họa pháp lang ở Quảng Châu gọi là Dương từ (8). Tạm thai pháp lang còn có tên gọi khác là Phất lang khảm , cách làm cũng giống Kháp ti pháp lang, chỉ khác ở chỗ không dùng chỉ đồng để tạo hoa văn mà nhờ kỹ thuật khắc lõm (chạm lộng) lên cốt của món đồ để làm nổi bật các đường nét hoa văn. Thấu minh pháp lang, còn gọi là Quảng pháp lang , là loại pháp lang có cốt làm bằng vàng, bạc hoặc đồng. Sau khi chạm trổ lên cốt thì tráng lớp men pháp lang nhiều màu dưới lớp men phủ trong suốt, rồi mới đem nung. Do vậy, Thấu minh pháp lang còn có tên gọi khác là Thiêu lam . 
Sử sách Trung Quốc lưu truyền rằng kỹ nghệ chế tác Kháp ti pháp lang của Trung Hoa phát triển rực rỡ vào đời Minh Cảnh Tông, niên hiệu Cảnh Thái (1450-1456), nên đồ Kháp ti pháp lang đời Minh Cảnh Tông được gọi là đồ Cảnh Thái lam, lừng danh muôn đời. Nhưng theo Trần Lệ Hoa, do Minh Cảnh Tông chỉ tại vị 7 năm, trong hoàn cảnh đất nước Trung Hoa bị suy kiệt tài lực, nên không thể chế tạo nhiều đồ Cảnh Thái lam đặc sắc như lưu truyền. Thực tế, có nhiều đồ pháp lang hiệu đề Cảnh Thái niên chế, nhưng là đồ pháp lang của thời mạt Nguyên - sơ Minh, được chắp vá, sửa đổi hiệu đề, rồi gia công nung lại mà thành. Cũng có một số đồ pháp lang ghi hiệu đề Cảnh Thái niên chế nhưng do người đời sau, vì mộ danh Cảnh Thái, mà phỏng chế và ngụy tạo hiệu đề. Song có một thực tế là từ đời Cảnh Thái về sau, người Trung Hoa gọi tất cả những món đồ Kháp ti pháp lang là Cảnh Thái lam.
Từ những tư liệu trên, có thể rút ra các nhận xét sau:
- Nguồn gốc của công nghệ chế tác pháp lang Trung Hoa xuất phát từ nước Đại Thực ở Tây Vực, du nhập vào Trung Hoa từ thế kỷ XIII. Vì thế tên gọi đầu tiên của loại chế phẩm này là Đại Thực diêu. Vì là sản phẩm quốc ngoại, nên người Trung Quốc gọi chúng là Quỷ quốc diêu (đồ xứ Quỷ).(9)
- Từ tên gọi ban đầu là Đại Thực diêu, hay Quỷ quốc diêu, qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, những đồ đồng tráng men này được đặt cho nhiều tên gọi khác nhau như: Phát lam, Phật lang, Phất lang, Pháp lang. Tên gọi Pháp lang là do từ Phát lam nói trại ra, bởi nguyên thủy những món đồ này thường được tráng men màu xanh lam.      
- Ngày nay, Pháp lang là tên gọi chung của tất cả các chế phẩm có thai cốt làm bằng đồng, được phủ một hoặc nhiều lớp men màu, rồi đem nung mà thành. Tùy theo phương pháp chế tác thai cốt (dán chỉ đồng hay chạm trổ trực tiếp lên cốt đồng) và phương thức tráng men (phủ men vào các ô trũng hay trực tiếp vẽ các họa tiết trang trí bằng men màu lên bề mặt cốt đồng) mà người ta phân định chế phẩm pháp lang thuộc 1 trong 4 loại: Kháp ti pháp lang; Họa pháp lang; Tạm thai pháp lang hay Thấu minh pháp lang. Riêng đồ Kháp ti pháp lang, từ thời Minh Cảnh Tông trở đi, thường được gọi là đồ Cảnh Thái lam.

Shipouyaki Nhật Bản

Từ thời mạt Minh (thế kỷ XVII), đồ Cảnh Thái lam và đồ Thấu minh pháp lang của Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản và người Nhật nhanh chóng nắm bắt kỹ nghệ chế tác hai dòng pháp lang này. Tuy nhiên, do thiên khiếu mỹ thuật riêng biệt, người Nhật chỉ chuyên tâm sản xuất thấu minh pháp lang và dùng danh xưng shipouyaki để gọi tên những chế phẩm này. Shipouyaki là âm Hán - Hòa của ba chữ Ỉß ±¦ Ÿý, mà người Việt đọc là thất bửu thiêu, nghĩa là “bảy thứ quý thiêu đốt mà thành”. Danh xưng này chứng tỏ người Nhật coi pháp lang do họ làm ra như những báu vật trân quý.
Tuy tiếp thu công nghệ chế tác pháp lang từ Trung Hoa, nhưng đồ shipouyaki của người Nhật đạt đến mức thượng thừa về mỹ thuật lẫn kỹ thuật. Điều thú vị là những món shipouyaki do người Nhật sản xuất theo công nghệ phỏng chế của Trung Hoa lại được xuất khẩu trở lại vào Trung Quốc và rất được người Hoa ưa chuộng. Triệu Nhữ Trân, một nhà nghiên cứu mỹ thuật người Trung Hoa, tác giả cuốn Trung Quốc cổ ngoạn đại quan đã thừa nhận: “Đồ pháp lang (Trung Hoa), không sáng trong óng mượt như đồ thất bửu thiêu (Nhật Bản)... Sắc độ pháp lang sáng rỡ, nhưng không thấu minh. Sắc độ thất bửu thiêu nhờ thấu quang dưới lớp pha lê trong suốt nên sáng trong lóng lánh mượt mà” (Lý Thân dịch). Lý do của sự khác biệt này là do kỹ thuật chế tác: Pháp lang Trung Quốc dùng chất pha lê tán thành bột rồi trộn với các chất phát màu có gốc kim loại pha với chất dầu thành một thứ hồ nhão, phết lên bề mặt thai cốt khảm chỉ đồng rồi đem nung. Trong khi đó, người Nhật luôn tráng lót một lớp oxide chì hoặc oxide thủy ngân lên cốt để chống rỉ sét, trước khi dùng màu tạo họa tiết, rồi mới đem nung. Nhờ vậy mà đồ shipouyaki của Nhật bản luôn bóng mượt lộng lẫy.
Từ đầu thế kỷ XVIII, người Nhật xuất khẩu đồ shipouyaki đi khắp thế giới, nhiều nhất là đến châu Âu. Đây là thời kỳ người Nhật đạt đến đỉnh cao trong kỹ nghệ chế tác shipouyaki. Họ chủ động trong việc tạo màu sắc, linh hoạt trong thể hiện họa tiết, sáng tạo trong kỹ nghệ phối màu và tinh tế trong việc tạo dáng sản phẩm. Nhật Bản là một dân tộc thích “bày biện”. Do vậy, trong khi người Trung Hoa thích tạo ra những sản phẩm pháp lang kích thước lớn như lư, đỉnh, vạc, bồn... để tăng sự uy nghi, thì người Nhật lại thích tạo ra những chế phẩm xinh xắn như bình, lọ, hũ... dùng cho nhu cầu trang trí, bày biện trong nội thất, đặc biệt là các kiểu mai bình vẽ hoa điểu và muông thú.

 

KPOXYR103724
Đầu hồ, pháp lam thời Tự Đức

Pháp lam Huế

Pháp lang Trung Hoa du nhập vào Việt Nam dưới thời Nguyễn. Kinh đô Huế là cai nôi duy nhất của pháp lang Việt Nam, với một tên gọi mới: Pháp lam (¬m     ).  
Sử sách nhà Nguyễn cho biết thời điểm khai sinh kỹ nghệ chế tác pháp lam ở Việt Nam là năm 1827; thịnh hành vào các đời vua Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1848 - 1883); sa sút từ sau thời kỳ tứ nguyệt tam vương và dù được phục hồi, chỉnh đốn dưới triều Đồng Khánh (1885 - 1889) song không phục hưng nỗi, mà rơi vào thoái trào rồi thất truyền. Như vậy, thời gian tồn tại của kỹ nghệ pháp lam Huế, từ lúc khai sinh đến khi thất truyền, chỉ hơn 60 năm. Nhưng di sản pháp lam còn lại trên mảnh đất cố đô Huế khá đồ sộ, phong phú về số lượng; đa dạng về loại hình và kiểu thức, người đời sau phải thán phục.    
Du khách đến Huế, thấy ở bờ nóc, bờ quyết các cung điện triều Nguyễn có những đồ án nhật nguyệt, những con rồng, con phượng cưỡi mây ngũ sắc; thấy ở các hàng cổ diêm ẩn hiện dưới những mái ngói rêu phong hay trên các nghi môn trước các lăng tẩm nhiều ô hộc trang trí chim hoa, muông thú cùng các bài thơ chữ Hán màu sắc tươi sáng, lộng lẫy, dường như đối lập với nét trầm mặc, cổ kính của cố đô xưa. Đó chính là pháp lam Huế, một loại hình chất liệu/cổ vật/vật liệu kiến trúc/kiểu thức trang trí rất đặc biệt trong di sản văn hóa xứ Huế.
Thực ra, những món pháp lam đầu tiên hiện diện trên đất Huế không phải ở trong cung vàng điện ngọc của các vua triều Nguyễn, mà ở trong nhà của thường dân và quan lại. Từ thế kỷ XVIII, thuyền buôn Trung Hoa khi cập cảng Thanh Hà - Bao Vinh ở ven Huế đã mang đến Phú Xuân những món pháp lang Quảng Đông (Trung Quốc). Thương nhân xứ Huế thấy chúng xinh xinh, hay hay, nên mua về làm đồ thờ tự hoặc để bày biện ở phòng khách. Sang đầu thời Nguyễn, quan lại có dịp sang Thanh công cán cũng tìm mua pháp lang Tàu về chưng nơi thư phòng. Bấy giờ ở Huế có ông Vũ Văn Mai, thấy nhu cầu dùng đồ pháp lang trong giới quý tộc và dân chúng xứ Huế trở nên thời thượng, bèn sang Quảng Đông học nghề làm pháp lang. Về nước, Vũ Văn Mai tấu trình lên vua và được giao cho lập xưởng chế tác pháp lang cho triều đình. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho hay: “Minh Mạng năm thứ 8... (1827) đặt tượng cục pháp lam. Bọn Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam. Bèn sai đặt cục ấy, hạn cho 15 người, thiếu thì mộ mà sung vào” (10). Huế có lò chế tác pháp lam từ đó.
Kỹ nghệ làm pháp lam ở Huế vào thời Nguyễn tiếp thu trực tiếp từ kỹ nghệ chế tác họa pháp lang của vùng Quảng Đông, chứ không theo kỹ nghệ kháp ty pháp lang ở Bắc Kinh. Quảng Đông là cửa ngõ du nhập công nghệ chế tác họa pháp lang từ Âu châu vào Trung Hoa. Kỹ nghệ họa pháp lang xuất xứ từ vùng Limoges ở Pháp và vùng Battersea ở Anh, du nhập vào Trung Hoa theo chân các tu sĩ dòng Tên vào cuối thế kỷ XVII. Vì thế, mà người Tàu còn gọi chế phẩm họa pháp lang là “Dương từ”, nghĩa là “đồ tráng men Tây dương”.
Thế rồi, khi du nhập vào kinh đô Huế, họa pháp lang lại được gọi là pháp lam. Cố họa sĩ Phạm Đăng Trí cho rằng vì người Huế phát âm chữ lang và chữ lan như nhau, nên triều Nguyễn đã gọi trại từ pháp lang thành pháp lam để tránh âm Lan (ž±) trong tên của chúa Nguyễn Phúc Lan, trong khi, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì cho là để tránh âm Lan (»_) trong tên của bà Tống Thị Lan, chính cung của vua Gia Long. Kỳ thực ra các chữ Lan này tuy khác nhau về tự dạng nhưng trùng âm nên đều phải kiêng cử, vì phạm vào quốc húy của triều Nguyễn.

Chậu Pháp Lam
Cành vàng lá ngọc chưng trong chậu pháp lam ký kiểu thời Đồng Khánh

Buổi đầu, triều đình nhà Nguyễn cho mời thợ Quảng Đông qua Huế dạy nghề cho lính thợ trong Pháp lam tượng cục. Do việc tiếp thu kỹ thuật chế tác pháp lam buổi đầu chưa thành thục nên song song với việc làm pháp lam ở Huế, nhà Nguyễn còn cho người sang Quảng Đông đặt làm những chế phẩm pháp lam chất lượng cao để phục vụ nhu cầu quan trọng trong cung. Những món pháp lam này tuy làm ở Trung Hoa nhưng tuân thủ các yêu cầu về kiểu dáng, hoa văn, họa tiết... do triều Nguyễn đặt hàng và có hiệu đề mang niên hiệu các vua triều Nguyễn. Đó chính là những món pháp lam ký kiểu của triều Nguyễn. Hai học giả người Pháp là Gaide và Henry Peyssonneaux, trong một bài viết in trên B.A.V.H vào năm 1925, đã sử dụng hai thuật ngữ: “émaux d’Annam” (Pháp lam Annam) và “émaux faits pour l’Annam” (Pháp lam làm cho Annam)(11) để phân biệt pháp lam Huế với pháp lam ký kiểu của triều Nguyễn.
Dựa và công năng, có thể phân chia di sản Huế thành ba nhóm, gồm:
- Pháp lam trang trí ngoại thất: Đó là những chi tiết trang trí hình rồng mây... gắn trên các đầu đao ở bờ nóc, bờ quyết của các cung điện và các cửa tam quan trong lăng tẩm các vua Nguyễn; các ô hộc trang trí nhất thi nhất họa ở cổ diềm, đầu hồi, bờ mái các cung điện ở Huế. Dòng sản phẩm này được sản xuất chủ yếu ở các ngự xưởng của triều Nguyễn đóng tại Huế, Ái Tử (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình).
- Pháp lam trang trí nội thất: Đó là những bức hoành hoặc đối liễn hình chữ nhật, có chữ Hán chạm nổi ở giữa, xung quanh trang trí cúc dây, dơi ngậm tua hoặc kim tiền; hoặc là những chữ Hán rời bằng pháp lam dùng để gắn lên các phiến gỗ tạo thành các đôi câu đối treo trong nội thất cung điện, đôi khi, chúng còn được gắn lên phương môn bằng đá trước cửa lăng vua Thiệu Trị.
- Pháp lam tế tự và gia dụng: Là những đồ tự khí như: cơi trầu, quả bồng, bát nhang, lọ hoa thờ... được tôn trí nơi đền miếu, lăng tẩm vua quan triều Nguyễn ở Huế; những mỹ thuật phẩm từng được bài trí trong nội thất các cung điện như cành vàng lá ngọc, độc bình, chậu hoa; các loại đồ dùng sinh hoạt như: tô, đĩa, tìm, chóe, hộp ấn, hộp bút... Những món đồ này phần lớn được làm ở Huế, song cũng có những món được ký kiểu tại Quảng Đông.
Dù là một sản phẩm bắt nguồn từ kỹ thuật của ngoại quốc, pháp lam Huế xứng đáng được nhìn nhận như một loại hình cổ vật đặc sắc và là thành tựu của nền thủ công mỹ nghệ thời Nguyễn.

T.Đ.A.S.

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 13-14