Thông tin Mỹ thuật số 13-14

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Tưởng Nhớ Họa Sỹ Mai Văn Hiến "Gặp Nhau"

Trung tuần tháng 9 - 1945 tôi được điều động về Tổng cục chính trị,  công tác ở Cục Tuyên huấn – nơi có tờ Sinh hoạt văn nghệ, báo Vệ quốc quân mà tôi đã gửi bài và tranh từ mặt trận Điện Biên về đó. Tôi bước ra một mình từ trong những khu rừng vầu, bương thân cao vút xào xạc lá cuối thu. Mũ lưới ngụy trang, với ba lô trên lưng nhẹ tênh hơn những ngày đi chiến dịch, tôi chưa nghĩ mình đã rời đơn vị chiến đấu, đã dần xa núi rừng Việt Bắc… nhưng bước đi đã thấp dần về phía Đại Từ - Thái Nguyên. Hỏi thăm, tới một ngôi nhà tranh sau lũy tre có cái sân gạch nhỏ, có mấy cái chum, vại hứng nước mưa từ dưới cây cau. Tôi đã gặp chính anh: họa sĩ Mai Văn Hiến. Người dáng to cao, trắng trẻo và hơi béo hơn anh em: Anh có cái mũi hơi Tây, mắt mở to, nói oang oang, vồn vã, vui vẻ.
Vừa đọc qua giấy giới thiệu, anh bỗng “A, Phạm Thanh Tâm!”. Rồi cảm tưởng luôn: - Xem tranh Điện Biên Phủ, tôi cứ ngỡ người vẽ phải là người có tuổi… hóa ra là anh bạn trẻ! Rồi anh dẫn tôi sang mấy nhà bên giới thiệu tôi với các anh Vũ Tú Nam, Vũ Cao, Thanh Tịnh, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Bích, Tử Phác, Trần Dần, Lê Thanh Đức… Thật “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”.
Tôi ở luôn cùng Mai Văn Hiến trong ngôi nhà đó và ngủ chung trên một cái giường tre. Nhà chỉ có vợ chồng bác chủ nhà với cô con gái tuổi mười bảy thơ ngây, thùy mị và chân thật. Cô gái không hề e ngại trong sự săn sóc giúp đỡ chúng tôi, từ những việc vặt như đun nước pha trà, múc nước rửa bát và quấn quýt mỗi khi chúng tôi giở ký họa ra xem.
Trong lúc này tất cả mọi người, mọi nơi đều nao nức hoạt động thi hành Hiệp định Genève, Đại Từ là nơi tập kết các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh từ trên căn cứ ATK về chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Kế hoạch rất nhiều, rất lớn cho ngày về lịch sử. Còn đang phải gọi tiếp các anh em văn nghệ từ các đơn vị trong toàn quân mới có đủ lực lượng làm việc. Hai đoàn văn công cũng được tập trung củng cố, chuẩn bị chương trình biểu diễn khi tiếp quản. Đưa lực lượng chuẩn bị đón cán bộ, đón đoàn quân từ miền Nam ra tập kết, đón các đồng chí, đồng bào Côn Đảo trở về…
Tuy nhiên chúng tôi cũng có thời gian cá nhân trong sự chờ đợi. Tôi giở nhật ký sửa lại mấy bài thơ đưa anh Vũ Cao, đang chuẩn bị ra tập thơ “Lòng miền Nam”, “Tiếng hát”. Tôi chưa vẽ gì ngay vì không mang theo đủ “vật liệu” trong ba lô; cũng bởi còn ngần ngại, muốn theo sát mọi hoạt động nghề nghiệp ở anh Hiến để học tập.
Thực ra hơn ba tháng qua khi từ Điện Biên trở về căn cứ, đơn vị đã tạo điều kiện cho tôi vẽ được vài bức tranh, tôi đang đà sáng tác. Nhưng sáu năm trời ở một đơn vị chiến đấu, tôi vẫn thèm có giao lưu trao đổi nghề nghiệp. Biết mình học cơ bản chưa đến nơi, đến chốn, tôi cần học hỏi để vươn lên.

Gặp nhau. 1954. Bột màu. 57x93cm

May mắn đã từng có thời gian tôi được gần gũi học các thầy: Mai Văn Nam, Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái, Lê Quốc Lộc ở Phù Lưu Chanh (1948). Tôi rất nhớ là các thầy vẽ rất khác nhau… điều đó đã nói cho tôi biết: Muốn nghệ thuật phong phú, tác phẩm phải toát lên cái đẹp, qua cách nhìn, sáng tạo khác nhau giữa các họa sĩ. Đó là bút pháp, là màu, là hình, là phong cách, thể cách (style), là cảm thụ về thẩm mỹ… Còn các vấn đề như cảm xúc nghệ thuật (hémotion artistique), các thứ isme (trường phái) và điều kiện sáng tác nữa, với bao nhiêu dấu hỏi trong đầu…
Tôi tìm ở Mai Văn Hiến những gì đây? Trong khi anh cũng sinh hoạt giản dị, ba lô cặp vẽ trên lưng đi đây đi đó cùng bộ đội – mặc dù ở cơ quan trung ương, anh có được một số điều kiện nghiên cứu làm việc hơn tôi trong kháng chiến.
Thế rồi một buổi trưa ngủ dậy, tôi thấy anh dở cuốn giấy ra, lấy một tờ trắng, căng trên tấm bảng gỗ, bảng vẽ đặt trên đất, dựa vào cột nhà. Anh lại mở cái cặp vẽ dầy đầy tài liệu ra tìm tòi, chọn lọc. Tôi quan sát, anh bắt đầu nguệch ngoạc mấy nét lớn bằng chì, rồi anh lên bột màu mấy mảng, mấy nét rất nhạt, rất mỏng. Và cứ thế anh đắp dầy lên dần dần.
Cô gái đi đâu vừa về tới cổng, anh gọi luôn.
- Này Mai, lại đây anh Hiến nhờ một chút, quan trọng lắm, mau lên! Hình như đã có một đôi lần Hiến nhờ rồi, nên không chút ngại ngần cô gái nhoẻn miệng cười, tới gần, rất ngoan ngoãn đứng mẫu theo động tác anh uốn nắn. Chúng tôi, và cả bác chủ nhà không hề buồn chán chút nào trong khi Hiến vẽ, vì anh rất mau miệng, vừa vẽ vừa kể chuyện vabiết “pha trò” nữa. Mai không e lệ mà cười khúc khích rất hồn nhiên.
“Gặp nhau” của đôi trai gái trên đường hình thành như vậy, chỉ mươi phút thôi. Chẳng lẽ sáng tác một bức tranh rất “lẹ” và “dễ” đến thế sao? Nhưng trên đời có những mối tình “sét đánh” mà gắn bó trăm năm. Đã có nhiều sinh viên mỹ thuật học tập công phu, đỗ đạt mà không thành họa sĩ sáng tác. Có những người sáng tác rất cần cù, kỹ càng theo đúng quy phạm nhà trường mà không thành tác phẩm. “Gặp nhau” tuy được sáng tác chóng vánh nhưng là một bức tranh đẹp, có thể phân tích theo nhận thức khoa học về một sáng tác mỹ thuật.
Cũng là rất đặc biệt. Vì cái không khí lịch sử, cái tâm trạng của họa sĩ thời điểm ấy. Mai Văn Hiến đã đặt cả tình yêu nước, kháng chiến của mình hòa nhập với nhiều người mẫu thực, đời thường mà anh đã gần gũi trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ để rồi tập trung vào nhân vật trong tranh anh.
Từ xưa, trong nghệ thuật thế giới, người ta đã từng khen về những cái đẹp trong sự buông bút giữa chừng, “còn chưa xong” (inachevé). Những mảng màu, những nét “chưa xong” mà gợi cảm ấy, là yếu tố đặc trưng trong bức tranh “Gặp nhau”. Bút pháp tranh “Gặp nhau” cũng chứng tỏ tác giả đã nắm rất chắc tính năng riêng biệt của chất liệu bột mầu. Tôi còn theo dõi những bức tranh sáng tác thành công của Mai Văn Hiến về sau này (Những lời dạy bảo, Trước giờ ra thao trường, Bướm dọc đường) nhưng chẳng bao giờ thấy anh còn có thể vẽ nhanh được như thế.
Bức tranh diễn tả anh bộ đội trên đường hành quân lên tiền tuyến, bất ngờ gặp cô nông dân đi dân công - người cùng quê - cũng đi cùng một hướng. Giữa nườm nượp dòng người bộ đội, dân công giữa núi rừng. Họ là một đôi hối hả, vội vàng mà quyến luyến, cái vẻ ngỡ ngàng, bịn rịn… đủ nói lên tình cảm thân thương. Đó là bức tranh “Gặp nhau” đã được tặng giải nhì trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1954.
Ngày chúng tôi lên xe tiến về tiếp quản Hà Nội thì bức tranh “Gặp nhau” đã xong. Nhưng tôi và nhất là Mai Văn Hiến không bao giờ quên cái điểm chia tay ở Đại Từ nhiều nước mắt, cuộc chia tay sau bức “Gặp nhau”.

Phạm Thanh Tâm

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 13-14