Thông tin Mỹ thuật số 13-14

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Thăm Bảo Tàng Quốc Gia Nghệ Thuật Đương Đại Hàn Quốc

Rời đường cao tốc tấp nập xe cộ, rẽ vào một con đường nhỏ ngoằn ngoèo chạy giữa rừng cây, giữa những tán cây xanh lấp ló các bảng chỉ dẫn đường vào Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật đương đại Hàn Quốc. Một nơi trưng bày thường xuyên trên 500 tác phẩm nghệ thuật, qua các tác phẩm này giới thiệu cho công chúng một cái nhìn tổng quan về nền nghệ thuật Hàn Quốc cùng với lịch sử hình thành và phát triển. Bảo tàng là một tập hợp kiến trúc đồ sộ màu đá trắng xám, với những khối nhà không cửa sổ, trông tựa một tòa thành nằm kề bên một khu vui chơi giải trí. Toàn bộ khối màu trắng của bảo tàng hiện lên trên nền xanh thẫm của núi Ch’oggye và Kwanak phía sau, bóng của nó in hình xuống hồ nước bên dưới. Mặt bằng của bảo tàng chia làm 3 phần tách biệt, ngay lối vào là khu điêu khắc ngoài trời, kế đó là khối nhà bảo tàng  và sau cùng là bãi đậu xe. 

Toan Canh Bao tang Đương đại Hàn Quốc
Toàn cảnh Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật đương đại Hàn Quốc, phía sau là công viên lớn Seoul

Đón chào người xem là Vườn điêu khắc ngoài trời, toàn bộ vườn là một công viên nhỏ với bãi cỏ, hàng cây và lối đi dạo lượn quanh sườn đồi, một không gian lý tưởng để trưng bày các tác phẩm điêu khắc. Các tác phẩm điêu khắc ngoài trời được sắp đặt cẩn thận phù hợp với hướng nhìn, chiều đi của người xem. Ấn  tượng nhất trong vô số các tác phẩm điêu khắc ở đây là một bức tượng người đàn ông đồ sộ bằng inox đứng vươn mình trước hình núi phía sau, hàm dưới của tượng chuyển động được, mỗi lần nó đều đặn xoay chuyển thì từ tượng lại phát ra một âm thanh ê a như một tiếng hát trầm lắng giữa núi rừng. Tượng không chỉ bày trên các thảm cỏ mà còn

NAM JUNE PAICK. Nhiều hơn, tốt hơn. Nghệ thuật sắp đặt

được bày trên 2 tầng không gian phía trước lối vào bảo tàng với đủ các hình thức và phong cách, từ cổ điển cho đến đương đại với 60 tác phẩm của các nhà điêu khắc điêu khắc Hàn Quốc như U-Fan Lee, Seung-Teak Lee, Duck-Jun Kwak… cùng các nhà điêu khắc quốc tế như Magdalena Abakanowicz, Tal Streeter, Mauro Staccioli… Mỗi năm bảo tàng còn có các đồ án và kế hoạch làm việc với các nghệ sĩ mới nhằm bổ sung cho bộ sưu tập của mình. Nghệ thuật điêu khắc đương đại ở đây nhằm thỏa mãn một không khí sáng tạo mới, tính toàn cầu hóa, nhằm tìm ra một hướng đi cho tương lai. Với diện tích trên 30.000m2, “Vườn điêu khắc ngoài trời” không chỉ là nơi bày tượng, nó còn là nơi diễn ra các hoạt động bảo tồn văn hóa như lễ hội âm nhạc, múa, ngâm thơ và là nơi tổ chức các chương trình giáo dục phong phú đầy sáng tạo. Cửa chính vào khối nhà bảo tàng dẫn người xem đến khu trung tâm có tên là”dốc trung tâm”, đây là một không gian hình trụ to lớn với đường kính 13,8m được bao bọc bởi cầu thang hình xoắn ốc, dốc thoai thoải không có bậc, dẫn người xem từ từ đi lên. Là trung tâm của khối kiến trúc, không gian này cũng là cửa mở vào các phòng triển lãm xung quanh. Chính giữa “dốc trung tâm” là “cây đinh” của bảo tàng, đó là tác phẩm sắp đặt của Nam-June Paick “Nhiều hơn, tốt hơn” như một biểu tượng chào đón công chúng. Tác phẩm này là một tháp video có đường kính 7,5m, chiều cao 18,5m, cấu tạo bởi 1003 màn hình TV (monitor). Không gian hừng hực của những màn hình đang chiếu sáng vừa dựng đứng lên vừa trải nằm xuống mặt sàn là một tác phẩm hùng vĩ nhằm kỷ niệm ngày quốc khánh Hàn Quốc.

Tầng trệt của bảo tàng là một hội trường dành cho hội thảo, bên cạnh đó là phòng hội viên, văn phòng, phía trên là thư viện. Bảo tàng có nhiều phòng trưng bày (gallery) phân bố khắp tòa nhà, gồm nhiều kiểu dạng trưng bày phục vụ cho các chuyên đề khác nhau. Từ không gian dốc trung tâm đi về phía phải là gallery 1, gallery gồm 2 phòng và một sảnh trung tâm nằm giữa, sảnh chuyên trưng bày các tác phẩm điêu khắc và sắp đặt trong nhà. Phía cuối phòng thứ 2 của gallery 1 là gallery 7. Hôm chúng tôi đến thăm bảo tàng, các phòng của gallery 1 đang trưng bày các tác phẩm của cố họa sĩ  Oh Yoon nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông. Tranh của ông rất đa dạng, nhiều chất liệu, nhưng đẹp nhất chính là những bức tranh khắc gỗ. Nét khắc chắc khỏe, mộc mạc, mạnh mẽ tạo nên một cái nhìn đầy biểu cảm về thân phận con người. Trong phòng trưng bày còn có một gian video riêng, chiếu hình ảnh lúc sinh thời của tác giả. Đồng thời với triển lãm của Oh Yoon là triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đương đại Các nghệ sĩ Trẻ Hàn quốc 2006 tại sảnh trung tâm và gallery 7. Triển lãm gồm các tác phẩm sắp đặt, video art, nghệ thuật ý niệm, ảnh kỹ thuật số. Gallery 7 còn gọi là gallery đối thoại, nơi trưng bày thường xuyên cùng các cuộc triển lãm chuyên đề (special exhibition), trong đó có rất nhiều cuộc triển lãm hấp dẫn trong năm 2006 như: Giấc mơ Hàn Quốc hiện đại: Hình ảnh của những đứa trẻ, Nghệ thuật Lập thể quốc tế ở Châu Á:Đối thoại không biên giới, Rops & Munch: Đàn ông và đàn bà, Nhìn lại sáng tác của Jean Dubuffe.

  Một số tác phẩm tại Bảo tàng

Theo con đường dốc hình xoắn ốc, dẫn người xem vào gallery hình tròn. Một không gian kiến trúc đặc biệt, rộng và thoáng, chỉ có khối cột ở giữa, được chiếu sáng bằng ánh sáng trời và đèn. Không gian này rất phù hợp cho các cuộc trưng bày lớn dành cho đủ thể loại tạo hình, từ tranh in, tranh trên giá cho đến các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt và video art. Nơi đây trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đương đại nổi tiếng không chỉ của Hàn Quốc mà còn cả thế giới một cách thường xuyên.
Gallery 3 và 4 nằm ở tầng 2 tòa nhà là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại Hàn Quốc giai đoạn 1910 - 1960. Nền mỹ thuật phương Tây được người Hàn biết đến vào những năm cuối của thế kỷ XIX thông qua các nhà truyền giáo. Điềuđó đã thúc đẩy một số họa sĩ  Hàn đi du học ở các Học viện nước ngoài, trong đó có Hee-Dong Ko. Nền mỹ thuật Hàn Quốc tiếp nhận các thành quả và chịu sự tác động của các khuynh hướng nghệ thuật khác nhau trên thế giới. Từ Tân cổ điển đến An tượng, rồi Dã thú, Biểu hiện và Trừu tượng. Bên cạnh hội họa phương Tây du nhập, hội họa truyền thống của Hàn cũng tìm cách thay đổi theo trào lưu mới. Với lối vẽ thủy mặc, các họa sĩ cũng tìm cách thể hiện những kỹ thuật khác nhau của mực và giấy nhằm tạo cá tính riêng cho các tác phẩm của mình. Cũng với những chủ đề truyền thống trong điêu khắc Phật giáo, các nhà điêu khắc Hàn cũng có cách nhìn phóng khoáng hơn nhằm nhấn mạnh đến cá tính của người sáng tạo.

Kho tranh của Bảo tàng

Các gallery 5, 6 trình bày một chủ đề khác: Nghệ thuật đương đại Hàn Quốc, một mốc thời gian sau thập niên 50 của thế kỷ trước. Các gian trưng bày của gallery này dẫn người xem thấy sự đổi thay của nghệ thuật Hàn Quốc từ những năm 1960 tới 80, qua từng bức tranh của từng tác giả được trưng bày. Đó là các bức tranh trừu tượng của thập niên 1960 với lớp màu đã cũ qua thời gian, các tác phẩm từng là bước đột phá khỏi sự ràng buộc của nghệ thuật kinh điển. Những năm 1960, các nghệ sĩ trẻ đã tiếp thu các trào lưu đương đại thời đó như Op art, Nghệ thuật ngẫu nhiên (happening), Nghệ thuật Khái niệm. Thập niên 70 với Nghệ thuật Tối thiểu và những năm 1980 là sự trở lại của Nghệ thuật Tượng trưng thông qua sự đa dạng của phương tiện truyền thông. Nghệ thuật với các xu hướng khác nhau cùng tồn tại và chịu sự tác động qua lại vói nhau, chia sẻ các khái niệm cũng như các vấn đề kỹ thuật. Cách trình bày tác phẩm theo một chuỗi liên tục, giúp người xem có một cái nhìn xuyên suốt một quá trình phát triển của nghệ thuật, các phát kiến, các ảnh hưởng và sự quay lại và tiến tới tương lai của nghệ thuật.
Trên phần cao nhất của tòa nhà, gồm gallery hình tròn 2 (nó là hành lang vòng cung phía trên gallery hình tròn) và Sân thượng cho điêu khắc là phần trưng bày điêu khắc hiện đại và đương đại Hàn Quốc như  Kyung-Seung, Hyo-Jung Yoon, Jin-Kyu Kwon và quốc tế như Mark Brusse, Alberto Guzman, Erik Dietman. Khoảng 70 tác phẩm đã được trưng bày ở đây và chia làm 2 khu, trong gallery hình tròn 2 trưng bày các tượng nhỏ ở khoảng giữa các cửa sổ, khu Sân thượng điêu khắc trưng bày các tác phẩm có kích thước lớn.
Hành lang tầng 2 và 3 cũng dùng để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Hành lang tầng 2 trưng bày tranh trừu tượng và điêu khắc từ 1980 đến nay. Hành lang tầng 3 trưng bày một loạt các tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc và nhiếp ảnh từ năm 1990 đến nay dưới một chủ đề: “Cuộc sống hàng ngày, con người hàng ngày”. Có một không gian Gallery trẻ em dành để phục vụ cho một chương trình giáo dục về nghệ thuật cho người xem nhỏ tuổi, tại đây còn trưng bày các tác phẩm của trẻ em tham gia chương trình giáo dục đó.

Nguyễn Trung Tín

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 13-14