Thông tin Mỹ thuật số 11-12

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Thăm Minh Trị Thôn Nghĩ Về Việc Bảo Tồn Di Sản Kiến Trúc Ở Huế

Kawasaki
 

Khi Kojima Yuki, một người bạn Nhật, thông báo sẽ đưa chúng tôi đến thăm bảo tàng kiến trúc thời Minh Trị ở tỉnh Aichi, tôi cứ tưởng nơi đến là một tòa nhà hiện đại ở trung tâm Nagoya, trưng bày những mô hình kiến trúc thu nhỏ, có hệ thống nghe nhìn giúp du khách cảm nhận đầy đủ hơn về cảnh quan kiến trúc Nhật Bản dưới thời Minh Trị (1868 - 1912), nghĩa là chúng tôi sẽ đến thăm một bảo tàng theo có kiểu thức trưng bày truyền thống. Song không phải thế. Từ trung tâm thành phố Nagoya, mất 30 phút đi xe điện, 50 phút xe lửa và 55 phút xe buýt, chúng tôi mới đến được bảo tàng này. Đó là khu bảo tàng ngoài trời (open-air museum) rộng hơn 1 triệu m2, nằm giữa một thung lũng thơ mộng, nhìn ra hồ Iruka xanh ngắt và lộng gió, xa xa có núi giăng mây phủ. Do tọa lạc ở nơi thôn dã, nên người ta gọi khu bảo tàng này là Meiji - mura (Minh Trị thôn). Bảo tàng khánh thành ngày 18/3/1965 với mục đích bảo tồn và trưng bày những thành tựu kiến trúc của Nhật Bản thời Minh Trị. Trong khuôn viên khu bảo tàng có 64 công trình kiến trúc đến từ nhiều tỉnh của Nhật Bản và 3 công trình đến từ các vùng nhượng địa của Nhật ở Hawaii, Seatle (Mỹ) và Registro (Brazil). Tất cả đều là những kiến trúc tiêu biểu của thời Minh Trị, được tháo dỡ, vận chuyển đến và phục dựng nguyên trạng ở Minh Trị thôn.

Thời Minh Trị là lúc nước Nhật mở cửa với thế giới bên ngoài, là thời kỳ đặt nền móng cho việc tiếp thu và du nhập những thể chế và văn hóa phương Tây vào Nhật Bản. Trước đó, thời kỳ Asuka - Nara (593 - 793) đã định hình những giá trị biểu trưng cho về lịch sử, văn hóa và kiến trúc Nhật Bản. Tiếp theo, sự tích hợp và kế thừa những thành tựu tuyệt vời của nền kiến trúc gỗ truyền thống trong thời kỳ Edo (1615 - 1867) đã ươm mầm cho việc áp dụng những kiểu thức, kỹ thuật và chất liệu của lối kiến trúc đá và gạch của phương Tây ở Nhật Bản. Sau đó, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp tiếp tục mở lối cho nền kiến trúc hiện đại du nhập vào Nhật Bản với các chất liệu thép, beton và kính, xuất hiện lần đầu vào thời Minh Trị. Tuy nhiên, nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật của thời kỳ này đã bị hủy hoại do những trận động đất, do chiến tranh và đặc biệt là do tốc độ tăng trưởng công nghiệp thời hậu chiến.

Nhằm cứu vãn những di sản văn hóa đang bị xâm hại, TS. Yoshiro Taniguchi (1904 - 1979) và người bạn thời trung học, Motoo Tsuchikawa (1903 - 1974), sau này là Phó chủ tịch Công ty đường sắt Nagoya đã hợp tác thành lập nên Minh Trị thôn. Họ lựa chọn những kiến trúc tiêu biểu trong số những công trình đang bị hư hại, đưa đến Minh Trị thôn phục dựng như nguyên trạng. Trong số đó có 10 công trình và 2 xưởng máy được công nhận là di sản văn hóa quan trọng của quốc gia.

Đồn cảnh sát Tokyo
 

Những công trình kiến trúc được tuyển chọn để phục dựng trong khuôn viên Minh Trị thôn rất phong phú, từ những kiến trúc cung đình như: hành cung mùa hè của Thiên hoàng Nhật Bản (đến từ tỉnh Shizuoka); biệt phủ của hoàng tử Kimmochi Saionji (từ Shizuoka); các công sở như: trụ sở chính quyền (từ tỉnh Mie), đồn cảnh sát (từ Tokyo và Kyoto), Thư viện Nội các (từ Tokyo), nhà tù (từ Kanazawa và Gumma); tòa án (từ Kyoto), phòng đăng ký xuất nhập cảnh Nhật Bản (từ Nagasaki, Brazil, Hawaii); công trình giao thông như: cầu Tendo (từ Yamagata), cầu Shin - Ohashi (từ Tokyo), cầu đường sắt bắc qua sông Rokugo (từ Tokyo), ga xe lửa Iwakura (từ Nagoya); các trường học ở Tokyo, Osaka, Kanazawa...; các kiến trúc tôn giáo như: thánh đường Công giáo (từ Kyoto, Tokyo), thần xã của đạo Shinto (từ Seatle, Mỹ); cho đến các kiến trúc dân sự như: khách sạn, nhà trọ, phòng mạch tư, trà thất, nhà hát, phòng tập thể thao công cộng, phòng thí nghiệm của các khoa học gia, ngân hàng, bưu điện, xưởng làm rượu sake, xưởng làm thủy tinh, phòng tắm hơi, cửa hàng bán thịt, cửa hiệu cắt tóc... đến từ mọi miền Nhật Bản.
 

Nhà máy rượu sake Nakai
 

Những người kiến tạo khu bảo tàng không chỉ phục nguyên các công trình kiến trúc mà còn quan tâm đến việc tái hiện những khu vườn, lối đi, những rừng cây, môi trường xung quanh kiến trúc theo đúng phong cách thời Minh Trị. Đồ đạc, vật dụng và những tiện nghi bày biện ở nội thất các công trình thể hiện mối quan hệ sâu sắc với kiến trúc, nhằm tái hiện không gian lịch sử như đã từng hiện hữu dưới thời Minh Trị. Có những cổ vật được xếp vào hàng quốc bảo của Nhật Bản cũng trưng bày nơi đây như cỗ xe ngựa của Thiên hoàng Minh Trị và Hoàng hậu Shoken, hay những chiếc đèn cổ gắn trên cầu Nijubashi trong Hoàng cung ở Tokyo...

Du khách có thể đi bộ để thăm thú các công trình kiến trúc trong khu bảo tàng, hoặc bỏ ra 1000 yên cho một hành trình đi đến các điểm trong Minh Trị thôn bằng xe lửa bởi chiếc đầu máy chạy bằng hơi nước sản xuất năm 1897, hay 1500 yên cho hành  trình bằng chiếc xe buýt đời 1910 do Đức sản xuất.

Người ta còn tổ chức những buổi biểu diễn kịch No trong nhà hát xưa; những cửa hiệu bày bán các mặt hàng thủ công, các món đồ chơi trẻ em thời xưa. Nhân viên phục vụ trong Minh Trị thôn ăn mặc và dùng từ theo đúng phong cách thời Minh Trị. Tất cả đều nhằm tái hiện những giá trị văn hóa mang tính biểu trưng của một thời đại, được người Nhật đánh giá là “thời kỳ cải tân, khai phá”. Minh Trị thôn là một địa chỉ của sự giáo dục mang tính xã hội, là nơi du khách có cơ hội khám phá và tiếp xúc trực diện với những nền tảng vật thể và tinh thần của thời Minh Trị. “Đó cũng là bằng chứng của sự giao lưu văn hóa Đông - Tây, giúp gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản với các quốc gia khác trên thế giới”, như ước vọng của TS. Yoshiro Taniguchi, người sáng lập, đồng thời cũng là vị giám đốc đầu tiên của Minh Trị thôn.

Thăm Minh Trị thôn, xem những gì người Nhật làm, tôi chợt liên hệ đến việc bảo tồn di sản kiến trúc ở Huế, một vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay. Hẳn là chúng ta chưa có đủ tài lực để lập nên một khu bảo tàng kiến trúc như Minh Trị thôn. Nhưng ước mơ về một bảo tàng như thế thì không ai cấm, nên tôi muốn nêu những suy nghĩ của mình, từ những cảm nhận sau khi thăm Minh Trị thôn:
Thứ nhất, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, các di sản kiến trúc ở Huế đã, đang và sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng, trong khi chúng ta không đủ tiền của và trí lực để bảo tồn tất cả những gì hiện có. Vậy thì, cách tốt nhất là khẩn trương đánh giá di sản kiến trúc đô thị Huế. Từ đó, xác định khu vực nào? kiến trúc nào? cần phải bảo tồn; rồi định hướng mức độ bảo tồn: nguyên trạng hay thích nghi? tại chỗ hay dịch chuyển sang vị trí khác? bảo tồn toàn phần hay chỉ bảo tồn những giá trị tiêu biểu nhất? Chúng ta không thể ra lệnh cho người dân phải giữ lại tất cả những ngôi nhà rường, trong đó có những cái đã mục nát, xập xệ, đe dọa đến sinh mạng của người dân, mà chỉ tập trung cứu vãn và bảo tồn những ngôi nhà rường tiêu biểu, hội tụ những tinh hoa của kiến trúc truyền thống, của nghệ thuật trang trí, điêu khắc, chạm trổ, khảm cẩn của xứ Huế.
 

Nhà hát Kureha-za
 

Thứ hai, thay vì tốn tiền đầu tư những khu vui chơi giải trí kém hiệu quả như đã làm trong những năm qua, chính quyền nên đầu tư một mô hình như Minh Trị thôn, vừa để bảo tồn di sản kiến trúc Huế, vừa biến nơi đó thành một nơi vui chơi giải trí mang đậm nét văn hóa Huế để thu hút du khách. Huế đã có lăng tẩm, đền đài, cung điện... là những nơi bảo tồn kiến trúc cung đình. Nếu có thêm những khu bảo tồn kiến trúc dân gian, kiến trúc thời thuộc Pháp, thậm chí kiến trúc hiện đại, thì việc bảo tồn kiến trúc Huế sẽ trở nên toàn diện và phong phú. Có những hoạt động văn hóa hay những lễ hội dân gian không thể diễn ra nơi cung điện lăng tẩm tôn nghiêm, thì có thể tổ chức trong các khu bảo tồn kiến trúc nói trên.

Thứ ba, hãy bắt đầu mô hình này từ những ý tưởng giản dị, ít tốn kém, để tiến đến hoàn thiện những kiểu thức bảo tồn quy mô, hoành tráng như Minh Trị thôn khi có điều kiện. Với ý nghĩ trên, tôi kiến nghị nên xây dựng một khu bảo tồn nhà rường ở vùng ven Huế, có thể là khu vực điện Voi Ré, một nơi sơn thủy hữu tình, lại không quá xa thành phố, coi đó như là điểm khởi đầu cho một “Minh Trị thôn” của Huế, đồng thời, giúp cho những người dân có cơ hội trao nhượng những ngôi nhà cổ, khi họ muốn kiến tạo những ngôi nhà tiện nghi hơn, góp phần hạn chế nạn chảy máu nhà cổ đã và đang xảy ra bấy lâu nay.



Trần Đức Anh Sơn

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12