Thông tin Mỹ thuật số 11-12

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Những Chiếc Mặt Nạ Vàng Phát Hiện Ở Giồng Lớn - Long Sơn

Chiếc mặt nạ thứ nhất

Giồng Lớn là một di chỉ mộ táng tọa lạc trên một giồng cát ven biển, nằm dài 1km theo hướng đông – tây với bề rộng khoảng 100m, thuộc xã đảo Long Sơn - thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại đây, qua hai đợt khai quật khảo cổ năm 2003 và 2005, hàng ngàn hiện vật đã được phát hiện, gồm có: đồ gốm, đồ đá, đồ sắt; đặc biệt rất phong phú đồ trang sức bằng thủy tinh, đá nê-phrít, mã não, hồng ngọc và bằng vàng.
Mộ táng ở Giồng Lớn có 2 loại hình: mộ nồi và mộ huyệt đất, trong đó đa số là mộ huyệt đất. So sánh táng thức cũng như hiện vật tùy táng có thể nhận thấy rằng di chỉ Giồng Lớn có những đặc điểm gần gũi với Giồng Cá Vồ (Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh) và Gò Ô Chùa (Vĩnh Hưng - Long An).

Chiếc mặt nạ thứ 2

Với 672 hiện vật thu được trong khai quật lần thứ II (2005) cùng với 1.638 hiện vật thu được trong khai quật lần I (2003), di tích Giồng Lớn đã có một bộ sưu tập lớn, rất phong phú về chất liệu và loại hình. Đặc biệt trong bài viết này, tác giả muốn đề cập tới ba chiếc mặt nạ bằng vàng thuộc bộ sưu tập trên đây:
Chiếc thứ nhất (H1): là một mảnh lá vàng hình chữ nhật (dài khoảng 15cm, rộng khoảng 3cm), được chạm nổi với đôi mắt hình lá răm, đôi lông mày nhuyễn, cong  và sống mũi cao.
Chiếc thứ hai (H2): là một mảnh lá vàng hình chữ nhật (dài khoảng 15cm, rộng khoảng 6cm), được chạm nổi với đôi mắt mở lớn, đôi lông mày xuôi và sống mũi cao.
Chiếc thứ ba (H3): là một mảnh lá vàng hình chữ nhật (dài khoảng 15cm, rộng khoảng 8cm), được chạm nổi hình đôi mắt mở lớn, đôi lông mày rậm giao nhau, mũi to, sống mũi nổi cao và có đôi môi khá dày. Có ý kiến cho rằng những họa tiết trên chiếc mặt nạ này thể hiện đặc trưng của nhóm nhân chủng Polynesien (Đặng Văn Thắng, 2005). Ngoài rìa của các hiện vật đều có lỗ để buộc dây đeo. Có nhiều khả năng đây là những chiếc mặt nạ được đặt trên mắt người chết, trước khi mai táng (Vũ Quốc Hiền, 2003).

Chiếc mặt nạ thứ ba

Nhận định trên hoàn toàn được ủng hộ, bởi trong thời sơ sử, cư dân cổ với khả năng khai khoáng và chế tác vàng đã tác động đến việc thay đổi trong văn hóa vật chất của họ trên toàn vùng Đông Nam Á. Loại quý kim không bị phong hóa và có giá trị dâng cúng bậc tiền nhân đã hiện diện khắp nơi trong khu vực. Trong những ngôi mộ ở Indonesia và Philippin từ thiên niên kỷ thứ nhất Công nguyên (A.D.) các nhà khảo cổ học đã phát hiện những tấm lá vàng phủ lên mắt, mũi và miệng của người quá cố. Một di tích ở Bali (Indonesia) được khai quật có hệ thống đã cho các mặt nạ trên một niên đại C-14 là 100 năm A.D. (Nancy Hock, 1992).
Tương tự như cư dân cổ Đông Nam Á, theo nghi thức tang lễ cổ truyền của dân tộc Việt, bà con ta thường dùng một mảnh vải hay một tờ giấy bản để phủ lên mặt người chết. Người chết được coi như tách khỏi đời thường kể từ lúc ấy (Hữu Ngọc, 1995).
Những chiếc mặt nạ vàng ở Long Sơn thực sự là những hiện vật đặc sắc góp phần làm phong phú thêm cho sưu tập cổ vật bằng vàng thời kỳ tiền- Oc Eo và Oc Eo trên vùng đất phương Nam của tổ quốc.

Vương Thu Hồng

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12