Thông tin Mỹ thuật số 11-12

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Lớp Hội Họa Đầu Tiên Của Ban Tuyên Huấn Khu Trung Nam Bộ (Khu 8)

Phong trào đồng khởi ngày 17 tháng giêng năm 1960 ở Bến Tre đã nhanh chóng lan ra các tỉnh lân cận trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Khí thế cách mạng dâng cao, địch hoang mang co cụm, cố thủ những vị trí xung yếu ở thị xã, các thị trấn và các trục giao thông chiến lược, đại bộ phận nông thôn đã được giải phóng.
Chưa đầy một năm sau ngày đồng khởi, dọc theo các tuyến giao liên ở Bến Tre, trục lộ chính trong vùng giải phóng, phòng thông tin được xây dựng, bằng, cờ, biểu ngữ, tranh cổ động, hình nộm bù nhìn Ngô Đình Diệm, Trần Lệ Xuân, Cố vấn Mỹ được nhân dân treo dán, đặt khắp nơi làm thay đổi hẳn bộ mặt văn hóa vung giải phóng, một nét văn hóa kháng chiến thật độc đáo. Báo chí, tin tức cách mạng đã được in ấn, phát hành bằng nhiều phương tiện như in bột, in Stencil cao nhất là in Typo. Như vậy, một yêu cầu đặt ra cho cách mạng là phải có một đội ngũ họa sĩ, kẻ vẽ đông đảo khắp các địa phương để phục vụ yêu cầu tuyên truyền cách mạng và nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân.
Lúc ấy, tôi đang làm nhiệm vụ thư ký cho Chi bộ xã Binh Hòa, huyện Giồng Trôm. Thấy tôi có năng khiếu hội họa, đồng chí Ba Phương Bí thư Chi bộ giao cho tôi thêm nhiệm vụ vẽ tranh cổ động phóng lớn theo các tờ báo treo ở các trục lộ chính và vẽ ngay lên vách phòng thông tin của các ấp trong xã. Sự nghiệp mỹ thuật của tôi bắt đầu từ đó.

tranh cổ động
LÊ DÂN. Cổ động. 1973. Khắc gỗ

Tháng 10 năm 1961, tôi được lệnh đi học. Tôi cứ đinh ninh, mình sẽ đi học lớp quân sự ngắn hạn để được đi bộ đội, vì lứa tuổi tôi lúc đó, ai cũng náo nức xin đi bộ đội. Đến khi gặp đồng chí Chín Vũ, huyện ủy viên phụ trách xã lúc bấy giờ, tôi mới biết Chi bộ cử tôi đi học lớp hội họa khóa một, do Ban Tuyên huấn T2 (Tức khu Trung Nam bộ) tổ chức tại tỉnh Mỹ Tho.
Mấy ngày sau, tôi mang ba lô từ giã gia đình, bạn bè và các anh trong Chi bộ theo giao liên đi học. Lần đầu tiên phải một mình đi xa trong hoàn cảnh chiến tranh, thật lòng tôi cũng lo trong bụng. Nhưng khí thế cách mạng, lòng hăng hái, nhiệt tình của tuổi trẻ, đã nhanh chóng làm tan nỗi lo âu trong tôi. Anh Chín Vũ và các anh trong chi bộ động viên tôi cố gắng học tập và tin tưởng tôi học tốt.
Nơi chúng tôi học là xã Thạnh Mỹ Tây còn gọi là xóm Vườn Điều thuộc huyện Cai Lậy tỉnh Mỹ Tho. Hội trường và nhà ở của học viên được cất gọn trong một khu rừng tràm để tránh máy bay địch phát hiện. Hai bên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp nhà dân san sát, bộ đội, cơ quan tấp nập, mua bán, sinh hoạt như một khu thị tứ, nhiều người còn gọi là khu Sài Gòn mới. Tình hình lúc bấy giờ thật yên ổn, giặc gần như co cụm hoàn toàn, máy bay, pháo, bộ binh địch lâu lắm mới có hoạt động phản ứng khi quân ta tấn công.
Lớp học chúng tôi do anh Châu Hồ, một sinh viên trường Mỹ thuật Gia Định vừa ra vùng giải phóng tham gia kháng chiến phụ trách giảng dạy. Anh Châu Hồ còn là một tay chơi đàn mandoline giỏi vì anh là học trò của nhạc sĩ Trần Anh Tuấn, giáo sư trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Do đó lớp chúng tôi luôn luôn náo nhiệt, ca hát suốt ngày.
Đoàn học viên Bến Tre và một vài tỉnh đến sớm, do đó chúng tôi phải chờ thêm mấy ngày để học viên các tỉnh còn lại đến đủ, trong lúc chờ, chúng tôi tham gia cất nhà, quơ củi, làm bò đặt cá, chuẩn bị giá vẽ để học. Mấy hôm sau học viên các tỉnh ở xa như An Giang, Kiến Phong, Long An đến và lớp học được khai giảng.
Lớp học có 6 tỉnh tham gia với 14 học viên như sau:
Bến Tre có 4 học viên: Ba Vân, Lê Dân, Lê Tấn, Hồng Phi.
Long An có 3 học viên: Ba Cui, Mười Thùng, Chín Triết.
Mỹ Tho có 3 học viên: Năm Bình, Tư Râu, Trần Oanh.
Kiến Phong có 2 học viên: Toàn Thi, Sáu Cường.
An Giang có 1 học viên: Ba Lê.
Kiến Tường có 1 học viên là anh Ba An.
Lễ khai giảng lớp rất trang trọng, Ban Tuyên huấn khu ủy có đồng chí Năm Hát đến dự vừa là người trực tiếp phụ trách việc học tập chính trị, lãnh đạo của lớp. Đại diện Ban Tuyên huấn tỉnh Mỹ Tho là đồng chí Năm Bi, Tổng biên tập báo Mỹ Tho, một số cán bộ đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho. Anh Tám Sài Gòn họa sĩ của Ban Tuyên huấn tỉnh Mỹ Tho đến dự.

Tranh cổ động
LÊ DÂN. Trong rào gai Bình Định. 1969. Khắc gỗ

Chương trình lớp học là 6 tháng, chúng tôi học chủ yếu là 2 môn hình họa và trang trí, ngoài ra còn có nhiều buổi ký họa. Thật ngỡ ngàng, lần đầu tiên, chúng tôi những thanh niên ở các miền quê Nam Bộ lại được ngồi trước giá vẽ, cầm que đo, dây dọi, cầm viết chì, cầm cọ theo cách của họa sĩ. Chúng tôi được học, được đo, được biết tỉ lệ của từng bộ phận trên cơ thể con người, vẽ hình họa, vẽ trang trí. Lần đầu tiên mới nghe đến cụm từ kiểu thức hóa (tức cách điệu), cái gì cũng lạ, cái gì cũng mới, cái gì cũng hay. Quả là một sự mở mang kiến thức thật tuyệt vời.
Sau 6 tháng học chúng tôi được “tốt nghiệp” hẳn hoi, có giấy chứng nhận của Ban Tuyên huấn khu ủy khu Trung Nam bộ. Chúng tôi thật tự hào về lớp hội họa đầu tiên ấy.
Tết năm 1962, chúng tôi ăn Tết tại lớp học, tôi còn nhớ đêm 30 Tết Chú Năm Hát đến vui Tết với chúng tôi có đem giới thiệu 2 cuốn phim đèn chiếu của Bến Tre có tên là “Em gái Hương Hòa” và “Binh ong, bom Mỹ đại chiến” do anh Hà Mãnh vẽ. Đặc biệt là báo xuân 1962 của các tỉnh, trong đó nổi bật là báo xuân “Chiến thắng” của tỉnh Bến Tre in khổ lớn, bìa in tranh khắc gỗ 5 màu của họa sĩ  Hà Mãnh, ruột in 2 màu, có minh họa bằng tranh khắc gỗ. Mọi người đều thán phục tỉnh ủy Bến Tre, trong kháng chiến mà in báo xuân đẹp không thua báo Sài Gòn. Là con em Bến Tre lúc bấy giờ chúng tôi là người hạnh phúc vô cùng.
Cuối tháng 4 năm 1962, lớp học bế giảng, chúng tôi phải từ giã nhau, mỗi người đi về một chiến trường ở khắp miền, nơi ấy nhiệm vụ mới đang chờ chúng tôi.
Sau ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi tìm lại nhau, lớp hội họa đầu tiên ấy giờ chỉ còn sống sót 5 đồng chí là anh Mười Thùng ở Long An, anh Chín Triết ở Tân Trụ (Long An) anh Tư Râu quê Mỹ Tho, anh Toàn Thi quê Kiến Phong và tôi quê Bến Tre, chín đồng chí khác đã hy sinh trên chiến trường ở các tỉnh.

Lê Dân

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12