Thông tin Mỹ thuật số 01-02

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Tượng Salon: Một Hướng Nhìn…

Triển lãm Nhóm Điêu Khắc lần 2 (Năm 2004) do Hội Mỹ thuật thành phố HCM phối hợp với Trung tâm Mỹ thuật Đương đại Không Gian Xanh tổ chức.

Chuyển động - Bùi Hải Sơn
Chuyển động - Bùi Hải Sơn
Inox, đá - 50x60x200cm

Triển lãm quy tụ 28 tác phẩm của 11 nhà điêu khắc gồm : Bùi Hải Sơn, Phan Nhất Phương, Nguyễn Anh On, Hoàng Tường Minh, Phan Ngọc Long, Trần Thanh Nam, Trần Việt Hưng, Vĩnh Đô, Đỗ Xuân Diệu, Nguyễn Thành Tuệ, Nguyễn Thanh Giang. Đa số các tác giả đều trẻ. Tuy nhiên, cũng có một số người đã thành danh.

Đề tài của họ là những vấn đề của cuộc sống đương đại được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc phong phú và mới mẻ. Lần này, ngoài các chất liệu đá, đồng đúc, đồng gò còn có gỗ, nhôm, inox, thủy tinh... Các chất liệu bền vững đã thay thế dần vật liệu composite và thạch cao… khắc họa rõ nét dấu ấn cá nhân làm tiền đề cho sự định hình phong cách. Cách đặt vấn đề ở tác phẩm cũng sâu sắc hơn, nêu lên nhiều khía cạnh đa dạng của cuộc sống.

Nhìn chung, triển lãm phản ánh khát vọng lao động, sáng tạo, trưng bày của các tác giả. Nó cũng tiếp nhận sự quan tâm của công chúng đối với loại hình nghệ thuật điêu khắc, thể hiện qua số lượng công chúng đến tham quan và số lượng tác phẩm bán được… Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số tác giả.

Đa số các tác phẩm được trưng bày là loại tượng có kích thước vừa và nhỏ, bày trong nhà, loại hình này trước đây ít được chú ý. Trong một bài báo đăng trên Văn hóa Thể thao, các anh tự nhận tượng của mình là tượng Salon. Theo quan niệm ngày nay, tên gọi này hàm chứa rất nhiều ý khá tiêu cực nhằm chỉ một loại tranh, tượng ít tính nghệ thuật. Các anh nghĩ thế nào về chuyện này?

Khánh II - Trần Việt Hưng

Trần Việt Hưng. Khánh II. Composite. Cao 95cm

Bùi Hải Sơn: Theo tôi từ Salon có nghĩa rộng, nhưng nhiều khi bị hiểu theo nghĩa hẹp, hàm ý thấp kém. Đó là điều không đúng. Trong “Từ điển Mỹ thuật” do Lê thanh Lộc biên soạn, NXB Văn Hoá Thông Tin ấn hành có nói về nghệ thuật Salon, xuất xứ từ các cuộc triển lãm luân phiên xuất hiện ở Paris từ TK 17 trở đi. Từ “Salon” xuất hiện lần đầu tiên khi các thành viên Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp trưng bày sáng tác tại Salon d’Apollon, một phòng trong bảo tàng Louvre năm 1667. Tên gọi điêu khắc Salon cũng xuất phát từ thông tin trên. Chúng tôi không quá chú trọng đến ngôn từ, vấn đề chính là không gian trưng bày và tính định kỳ của triển lãm… Không gian nhỏ của Gallery Không gian Xanh rất phù hợp với loại tượng trong nhà và nơi đây cũng tạo điều kiện cho chúng tôi tổ chức triển lãm 2 năm một lần. Tượng Salon về cơ bản là tượng nghệ thuật tồn tại trong không gian nội thất, do đó dễ tiếp cận với người xem và nhất là dễ đi vào lòng người. Loại hình điêu khắc này là một nhu cầu có thật và rất cần thiết đối với cuộc sống cuả cư dân đô thị đang phát triển hiện nay, nội dung của nó mang đậm tình cảm con người, nhưng là tình cảm rất cá nhân của tác giả lẫn người xem.

Cây đời - Trần Thanh Nam

Trần Thanh Nam. Cây đời. 2003. Đồng. Cao 40cm

Trần Thanh Nam: Theo tôi, tượng Salon bao gồm hai vấn đề: Một là hình thức; Hình thức bị chi phối bởi không gian trưng bày, đặc biệt là trưng bày trong nhà nên chất liệu và ngôn ngữ phải phù hợp. Hai là nội dung. Theo tôi thì nội dung tượng Salon dễ đi vào tâm lí tình cảm con người. Hiện nay, đời sống nghệ thuật phong phú, tượng Salon đại diện cho cái tôi, cái riêng tư của người nghệ sĩ, nó gần với đời sống hiện tại. Tượng Salon tương phản với tượng công viên, tượng đài với không gian rộng, đề tài lớn.

Tượng Salon có yêu cầu đặc biệt gì về chất liệu?

Bùi Hải Sơn: Tượng Salon không hạn chế chất liệu. Vấn đe quan trọng là xử lí chất liệu sao cho phù hợp với nội dung và không gian trưng bày trong nhà. Chẳng hạn, tượng gỗ cuả hai tác giả Tường Minh, Việt Hưng có cách xử lí kỹ thuật bề mặt chất liệu khá hiện đại. Người xem rất gần với tượng, thậm chí sống cùng với tượng, do đó tượng của các tác giả này tinh tế phù hợp với tầm nhìn của người xem. Tương tự, tượng đồng của Ngọc Long và Tường Minh có bề mặt khối trau chuốt, mượt mà phù hợp với nội thất hiện đại. Điều này khác với kỹ thuật bề mặt thô, khỏe của tượng ngoài trời, không gian rộng mở. Có thể nói, cái mới trong triển lãm lần này còn là việc sử dụng ngôn ngữ đa chất liệu, kết hợp giữa đá-đồng, kim loại-thủy tinh… tạo được sự phong phú, tương phản độc đáo. Sự đa dạng về chất liệu là cần thiết vì mỗi không gian nội thất khác nhau cần có những chất liệu tương hợp...

Đối thoại - Phan Ngọc  Long Gia đình - Phan Nhất Phương

Phan Ngọc Long. Đối thoại. 2003. Đồng. Cao 40cm

Phan Nhất Phương. Gia đình.
Đá. Cao 80cm

Chúng ta đã nói đến sự khác nhau về ngôn ngữ, giữa tượng Salon và tượng đài, tượng công viên với các loại trên. Vậy đề tài của tượng Salon có gì khác?

Đỗ Xuân Diệu: Hướng chủ yếu của tượng là đẹp nên đề tài nhẹ nhàng, không đi vào triết lí sâu xa hay hoành tráng như tượng công viên, tượng đài.

Trần Thanh Nam: Tượng Salon là một phần trong không gian nội thất nên rất đa dạng, cho dù ngôn ngữ của nó là ngôn ngữ bộc bạch cá nhân, không đòi hỏi tiêu chí lớn. Triển lãm không đặt nặng chủ đề nên mỗi tác giả đều có cái tôi, cái riêng khác nhau...

Thế thì làm thế nào để gắn bó với nhau giữa các hoạt động triển lãm và tính thị trường để cùng hướng đến một nền nghệ thuật chuyên nghiệp?

Bùi Hải Sơn: Chúng tôi có cảm nhận là điêu khắc hiện nay nhìn chung còn hạn hẹp, chưa thoát khỏi tầm khu vực. Cần phải cùng nhau làm việc, thúc đẩy sáng tác để hướng đến một nền điêu khắc chuyên nghiệp thông qua các cuộc triển lãm đều đặn và các mối quan hệ quốc tế.

Các anh nghĩ gì về việc buôn bán tác phẩm ?

Trần Thanh Nam: Triển lãm điêu khắc là hoạt động nghề nghiệp của những nhà điêu khắc. Triển lãm đưa ra cái riêng, mang tư chất riêng, khẳng định vai trò của sự sáng tạo, không phụ thuộc vào đơn đặt hàng…

Bùi Hải Sơn: Có một bài báo nêu vấn đề “Tựơng đẹp bán cho ai?”, dễ gây ngộ nhận về mục đích của cuộc triển lãm. Cần nhắc lại một điều: Tiêu chí của triển lãm không đặt nặng vấn đề này. Trần Việt Hưng: Triển lãm là để thỏa mãn sáng tạo cá nhân chứ không phải để kiếm sống. Triển lãm điêu khắc quá hiếm. Lẽ ra phải thường xuyên triển lãm nhóm và cần thiết có một phòng triển lãm riêng cho điêu khắc để tạo điều kiện cho anh em mới ra trường có cơ hội sáng tác.

Các anh nghĩ gì về triển lãm điêu khắc lần này?

Đỗ Xuân Diệu: Triển lãm cho thấy sự tiến bộ nhiều trong việc xử dụng chất liệu. Trong triển lãm lần I (2002) chất liệu “giả”rất nhiều. Lần này chất liệu “thật” hơn, quý hơn nên mang lại cho người xem cảm xúc sâu sắc hơn. Điều này lôi cuốn các tác giả mới ra trường và hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.

Bùi Hải Sơn: Nhìn chung, trong vài năm gần đây triển lãm nhóm điêu khắc đã làm được những việc như sau:

Lần I, tập họp và tự giới thiệu.

Lần II, chuẩn bị tốt. Tạo được sự quan tâm trong và ngoài giới mỹ thuật.

Cả 2 lần triển lãm đã thu hút nhiều người xem, cho thấy một bộ phận lớn công chúng đã quan tâm đến điêu khắc. Đó là vì trong đời sống, tính thực tế của điêu khắc cao, dễ tiếp cận và cảm nhận hơn hội họa. Chính công chúng đã xác định một nhu cầu văn hóa của xã hội qua việc tiếp cận bộ môn nghệ thuật này.

Trong thực tế, nhóm đánh giá rất cao vai trò của công chúng đối với điêu khắc, do đó họ sẽ tổ chức triển lãm định kỳ thường xuyên hơn để tạo một không gian hoạt động lành mạnh, thiết thực. Giới báo chí cũng ngạc nhiên trước những tác động của cuộc triển lãm và qua đó quan tâm hơn đến những hoạt động cuả điêu khắc.

Tuy nhiên, cũng còn những khiếm khuyết. Đó là tính chuyên nghiệp: thiếu người tổ chức quản lý, thiếu ý tưởng chủ đạo... Nhận thức cái yếu để chuẩn bị chuyên nghiệp hơn : làm thế nào để bảo đảm 2 năm hoặc 1 năm tổ chức một lần, triển lãm ở đâu, chủ đề như thế nào, bao nhiêu người tham gia? Đó luôn là những vấn đề…

BBT

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 01-02