Thông tin Mỹ thuật số 01-02

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Dấu Ấn Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh Trong Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố

 

Lê Văn Mậu - Bóng xế tà

Lê Văn Mậu. Bóng xế tà
Đá. 53x41 cm

Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo họa si, điêu khắc gia và các viện bảo tàng mỹ thuật, các nhà sưu tập lớn về mỹ thuật là mối quan hệ rất phổ biến, hỗ tương. Phần đông những nhân tài nghệ thuật đã xuất hiện từ các trung tâm đào tạo chuyên ngành mỹ thuật và tác phẩm của họ trở thành mục tiêu của những bảo tàng cũng như những nhà sưu tập lớn.

Trường Mỹ thuật Gia Định đã tồn tại ở Sài Gòn từ rất lâu, song lại chưa có một bảo tàng chuyên ngành này hay một nhà sưu tập tranh tượng lớn, khiến cho công chúng muốn thưởng thức mỹ thuật một cách có hệ thống, đầy đủ thật khó. Bởi những tác phẩm của tác giả đã được nhiều người sưu tầm va lưu giữ ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Cho nên sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (ngày 05 tháng 9 năm 1987), tuy khá muộn màng, nhưng thật cần thiết đối với thành phố.

 

Trái tim Dũng sĩ

Cổ Tấn Long Chu. Trái tim dũng sĩ
1997. Sơn dầu. 160x200 cm

 

Bảo tàng được thành lập, - là sự kiện quan trọng trong đời sống mỹ thuật thành phố nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, nó đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của công chúng Việt Nam yêu nghệ thuật và khách quốc tế. Bên cạnh đó, nó còn có một chức năng khác nữa đối với giới mỹ thuật – khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ sỹ bằng những hoạt động thực tiễn. Công tác sưu tầm của Bảo tàng góp phần vào việc đánh giá chất lượng đào tạo của các trường Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

CNUVRT041753

Nguyễn Trung Tín Khỏa Thân Với Mặt Nạ. 1994 Sơn dầu. 155x295 cm

Ngay từ buổi đầu thành lập Bảo tàng đã xác định cho mình mục tiêu sưu tầm hiện vật khá cụ thể; trong đó một trong những mảng quan trọng nhất là tranh tượng mỹ thuật đương đại – những tác phẩm có giá trị, phản ảnh đặc trưng, quá trình phát triển của mỹ thuật thành phố và các khu vực lân cận. Mà điều đó không thể không có liên quan đến những người đã từng dạy và học tại trường Mỹ thuật Gia Định trước đây và Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh bây giờ. Đến nay số lượng tác phẩm Mỹ thuật đương đại Việt Nam trong sưu tập của Bảo tàng còn khá khiêm tốn: hơn 700 tranh và hơn 100 tượng. Thế nhưng trong đó đã có gần 300 tranh và hơn 40 tượng là tác phẩm của các họa si, điêu khắc gia là giáo viên, sinh viên của Trường Mỹ thuật Gia Định trước đây và Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ngày nay.

Căn cứ vào đặc thù và để có thể dễ dàng hơn trong kế hoạch sưu tầm, Bảo tàng tạm chia thành hai giai đoạn: những tác giả đã từng dạy và học tại trường trước và sau năm 1975.

Khi sưu tầm tác phẩm của những tác giả trước 1975 Bảo tàng gặp nhiều khó khăn: khó khăn vì một số các tác giả đã mất, tác phẩm thất lạc, và đa số tác phẩm giai đoạn này nằm rải rác

 

CNUVRT041753

Dương Văn Đen. Quán cóc
Sơn dầu. 60 x 74cm

 

ở trong các sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước, mà không phải ai cũng muốn bán, giá bán lại cao, trong khi kinh phí của Bảo tàng thì có hạn. Nhưng với sự cố gắng hết mức của ban giám đốc và các cán bộ chuyên môn, đến nay trong sưu tập của Bảo tàng đã có nhiều tác phẩm của các họa sĩ giai đoạn này, tuy chưa thể đầy đủ, nhưng cũng đã có khá nhiều tên tuổi của trường và giới mỹ thuật Sài Gòn xưa như: Cổ Tấn Long Châu, Trịnh Cung, Huỳnh Phương Đông, Dương Văn Đen (Văn Đen), Đỗ Quang Em, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Phi Hoanh, Lưu Đình Khải, Nguyễn Lâm, Lê Văn Mậu, Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy), Nguyễn Siên, Nguyễn Thị Tâm, Trương Thị Thịnh, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Trương Văn Ý… Sưu tầm mảng tranh tượng trước 1975 tại Sài Gòn là một trong những công tác trọng tâm của trong kế hoạch sưu tầm năm 2005 của Bảo tàng.

CNUVRT041753

Tú Duyên. Danh tướng Trần Bình Trọng. Thủ ấn họa. 90x50cm

Đối với những tác giả là thầy dạy tại trường sau năm 1975 và là những người có uy tín trong nghề và có nhiều cống hiến cho công tác đào tạo của Trường, Bảo tàng cũng đã cố gắng khắc phục những khó khăn về tài chính, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng bộ sưu tập này đầy đu hơn; đó là tranh, tượng của các tác giả: Nguyễn Hoàng Ánh, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Thanh Bình, Trịnh Dũng, Nguyễn Xuân Đông, Cao Thị Được, Nguyễn Hoàng, Phan Gia Hương, Trần Văn Lắm, Phạm Mười, Phan Hoài Phi, Quách Phong, Trần Văn Phú, Ngô Tuý Phượng, Phước Sanh, Đinh Rú, Phạm Văn Tâm, Ca Lê Thắng, Hoàng Trầm Đào Minh Tri, Phan Phương Trực, Phan Hữu Thiện, Xuân Tiên, Nguyễn Trung Tín, Trịnh Kim Vinh, Đặng Ái Việt…

Ngoài ra Bảo tàng còn sưu tầm khá nhiều tác phẩm của các tác giả đã từng học trong trường như: Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Văn Đoàn, Trần Xuân Hòa, Võ Thanh Hoàng, Ánh Hồng, Lâm Quang Nới, Bùi Hải Sơn, Lý Cao Tấn, Nguyễn Toàn Thi, Nguyễn Thành Thi, Huỳnh Thị Kim Tiến, Đỗ Hoàng Tường, Lê Vượng… Bảo tàng cũng đặc biệt chú ý phát hiện những tài năng trẻ, khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc vừa mới tốt nghiệp bằng cách chọn mua tác phẩm (tuy chưa nhiều) cho sưu tập của mình, chứ không chờ đến khi họ nổi tiếng mới mua. Đó cũng là một cách động viên, khuyến khích thế hệ trẻ và cũng để khẳng định chất lượng đào tạo của trường Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh hôm nay.

CNUVRT041753

Nguyễn Trung. Áo trắng. 1993. Sơndầu. 100x100 cm

Các tác phẩm của thầy và trò Trường Mỹ thuật thành phố trong sưu tập của Bảo tàng rất phong phú về chất liệu: sơn dầu, sơn mài, lụa, thuốc nước, bột màu… trong hội họa; đá, đồng, nhôm, inox, gốm, thạch cao… trong điêu khắc. 

Những tác phẩm của thầy và trò trong Trường có một vị trí rất quan trọng trong việc khẳng định giá trị của bộ sưu tập mỹ thuật đương đại của Bảo tàng; cả về số lượng lẫm chất lượng. Ngoài mối quan hệ thiết thực trong công tác đào tạo của Trường và việc sưu tầm của Bảo tàng, từ khi được thành lập đến nay Bảo tàng luôn giữ mối quan hệ mật thiết đối với Trường bằng những hoạt động cụ thể. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều triển lãm mỹ thuật nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm, tổ chức triển lãm nhóm, cá nhân các thầy, cô, học trò của Trường tại Bảo tàng.

Thực tế qua công tác sưu tầm và một số các hoạt động khác của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh trong 17 năm qua đã thực sự góp phần làm cho đời sống mỹ thuật của thành phố thêm phong phú hơn, những người yêu mỹ thuật Việt Nam cũng như khách nước ngoài đã có nơi để có thể tìm hiểu về nghệ thuật đương đại Việt Nam thông qua những tác giả là thầy và trò của Trường Mỹ thuật Gia Định trước đây và Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh bây giờ. Những hoạt động và công tác sưu tầm của Bảo tàng góp phần vào việc khẳng định chất lượng đào tạo cũng như những đóng góp của Trường đối với đời sóng mỹ thuật của thành phố Hồ Chí Minh.


Thanh Cao

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 01-02