Thông tin Mỹ thuật số 01-02

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Lớp Học Trong Chiến Khu Thời Chống Mỹ 1964-1965

Vượt Trường Sơn vào tới ban tuyên huấn R vào cuối năm 1963, tôi được phân công đi thực tế ngay. Tôi đi thực tế chiến trường ở đất thép Củ Chi và miền hạ Long An. Sau khi đi thực tế về, tôi đề xuất với ban tuyên huấn nhu cầu cần có ngay lực lượng họa sĩ bám sát địa phương để ghi chép tư liệu và vẽ tranh cổ động phục vụ phong trào ở các vùng cách mạng làm chủ tình hình, lúc đó đồng chí Trần Bạch Đằng làm phó ban thường trực.

LÊ HỒNG HẢI. Lớp học vẽ trong căn cứ.
1969. Bút dạ đệm màu nước. 24.5x16.5cm

Tôi được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo cấp tốc trong vòng 6 tháng. Học viên được triệu tập từ cực Nam Trung Bộ đến mũi Cà Mau. Cùng phụ trách lớp có các họa sĩ Văn Lương, Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu, Năm Thành. Lớp tập trung được 67 học viên, bắt đầu học tập từ tháng 8 – 1964 đến tháng 2 – 1965 thì kết thúc.

Trong 67 học viên được địa phương cử về có các anh: Đào Hữu Phước, Châu Hồ ở Mỹ Tho, Anh Hồng ở Rạch Giá, Hai Bình ở Cà Mau đã từng học ở trường mỹ thuật Gia Định cũng góp phần hướng dẫn học viên. Phần đông anh em chưa từng biết vẽ, lúc đó là nam, duy nhất có một nữ là Ai Việt từ đoàn văn công R cử qua. Đặc biệt có nhà văn Võ Trần Nhã cũng dự lớp này.

Phan Mai Trực lúc đó là Phan Phương Trực đưa hai bàn tay cho tôi xem và nói: Em là học sinh chưa biết vẽ gì hết. Sau này trưởng thành rồi làm giảng viên trường ĐHMT Tp. HCM cho đến nay.

HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG. Du kích củ chi.
1964. chì. 25x18.5cm

Lớp học mở tại Đồi Thỏ gần xóm giữa nay thuộc huyện Tân Biên – Tây Ninh. Lớp chia làm 4 tổ để học tập và sản xuất tự túc. Mở đầu lớp học, tất cả học viên cùng tham gia lao động đào hầm trú ẩn, trồng rau, trồng lúa, trồng mì để góp phần tự túc lương thực thực phẩm thêm ngoài tiêu chuẩn của ban tuyên huấn cấp (bình quân đầu người như anh em các cơ quan khác). Mỗi ngày học viên thức sớm tập thể dục rồi học chuyên môn: hình họa, luyện vẽ mẫu. Lớp quy định mỗi ngày mỗi học viên phải đạt 20 - 30 ký họa dáng người. Cũng may là họa phẩm mua được từ vùng địch kiểm soát.

Trong lớp có một học viên tên Tư Quang nguyên là lực sĩ đẹp. Tôi kết hợp nhờ anh luyện cho anh em trong lớp, tập luyện thể hình nên rất hao lương thực. Vì vậy mà tôi thường phải xin thêm lương thực ngoài tiêu chuẩn được cấp. Chương trình học gồm: hình họa, ký họa ghi chép, vẽ tranh cổ động, vẽ màu, bố cục tranh. Hôm sơ kết 3 tháng có bày tranh triển lãm kết hợp với trình diễn 12 lực sĩ đẹp, cũng cơ bắp nổi cuộn bóng loáng như các lực sĩ chuyên nghiệp. Đồng chí Trần Bạch Đằng chợt hiểu ra lý do mà lớp học hay xin thêm lương thực. Đến tháng 2 – 1965 lớp học kết thúc, tôi đem tranh lên cho ban tuyên huấn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xem, mọi người phấn khởi lên đường trở về địa phương công tác. Tôi cũng đi cùng các học viên để vẽ, ghi chép ký họa ở Ấp Bắc, Thới Sơn, Bến Tre…

Trong khoảng 10 năm sau, các học viên đã đưa nét vẽ của mình để phục vụ chiến đấu như các chiến sĩ trên mặt trận chống xâm lược Mỹ và tay sai Ngụy quyền. Trong 67 học viên dự lớp, sau này có hơn 40 học viên họa sĩ, chiến sĩ đã hy sinh. Các họa sĩ - chiến sĩ đã được ghi danh ở Bia Truyền thống đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM.

 

 

Huỳnh Phương Đông

 

 

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 01-02