Thông tin Mỹ thuật số 01-02

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Những Pho Tượng Biết Đi

Vị trí đảo Phục Sinh
 

Đảo Phục Sinh (Easter Island) nằm cách những hòn đảo Galapagốt (Ecuador) 3220 km về phía Tây – Nam và cách 3600 km về phía tây thành phố Vanparaixô của ChiLê, đất nước đã thôn tính đảo Phục Sinh vào năm 1888.
Đảo Phục Sinh cho chúng ta thấy những chứng cứ có sức thuyết phục rằng: sự thật vẫn hơn là những tưởng tượng hay những hư cấu kỳ quặc.

Đó là hòn đảo đã trải qua những hiện tượng núi lửa, có hình dáng tam giác với các cạnh 16, 18, 24 km và nằm gọn trong khoảng rộng bao la của Thái Bình Dương.

Vào năm 1722, những người châu Âu tiên phong đã đến đây, việc đầu tiên là họ nhìn thấy những bức tượng đá hùng vĩ trải dài trên bờ biển. Cư dân trên đảo gặp gỡ những người ngoại quốc theo nhiều kiểu: một số vẫy tay chào con thuyền cập bến với gương mặt lạnh lùng, số khác tỏ thái độ hoài nghi và hiển nhiên là với chủ tâm để bảo vệ mình. Khi thuyền trưởng và thuỷ thủ đoàn người Hà Lan tiến lên bờ, ngay lập tức họ khám phá ra hòn đảo này hiện diện đại biểu của 3 chủng tộc khác nhau: người da đen, da đỏ và tất nhiên là cả người da trắng. Một số họ có trái tai dài quá cỡ được trang điểm bằng những vật giống như chì và họ tỏ thái độ rất tôn kính những thần tượng bằng đá. Nếu nhìn những người châu Âu này không phải là những người đi xâm chiếm thì cư dân ở đây xem như những người niềm nở và thân thiện. Còn nếu như những căng thẳng giữa họ đến tột độ thì chắc có lẽ chẳng bao lâu nữa những người lính Hà Lan sẽ bắn một số “người hoang dã” này. Trên đảo, họ không nhìn thấy một phụ nữ nào, phần lớn rõ ràng là họ e sợ và núp mình trong những hang động dưới mặt đất. Đến ngày hôm sau, những người Hà Lan đã phải rời bỏ hòn đảo này.

Năm 1970, những nhà thám hiểm Tây Ban Nha đi từ Pêru đã đến hòn đảo và họ cũng thông báo những thông tin như trên. Như trước kia, người dân trên đảo phục sinh rất thân thiện và họ lao động một cách bình yên trên mảnh đất của mình. Nhưng có một lần sau 4 năm, khi một đoàn thủy thủ đến đảo, thì bức tranh ở đây trở nên khác hẳn. Đất đai hoang vắng, cư dân trở nên cau có, bực bội và kìm nén. Hiện tại đã khác xưa, họ có mang vũ khí, lao và dùi cui bằng gỗ, những tượng đá hùng vĩ bị lật nhào, như chẳng còn ai sùng bái nó.

Vào thế kỷ XIX, hòn đảo trở thành địa điểm lý tưởng cho những người săn tìm nô lệ. Năm 1862, sau cuộc đột kích hung bạo của những người buôn bán nô lệ Peru thì dân số trên đảo giảm đáng kể. Cuối cùng nền văn hóa tại chỗ đã hoàn toàn bị tiêu diệt và những người châu Âu lại đến đảo để nghiên cứu những điều đã xảy ra tại đây. Nhiều linh mục, nhà truyền đạo thử tìm cách truyền bá đạo thiên chúa cho cư dân địa phương và khơi dậy trong họ lòng sùng kính thượng đế. Chính trong cuộc thử nghiệm này đã tìm ra những tượng thờ nhỏ ngụ cùng cư dân trong các căn lều. Sau một thời gian, họ tìm thấy những bản gỗ có chạm trổ chữ viết, nhưng phần lớn, bằng cuộc chiến quyết liệt với tín ngưỡng đa thần giáo giả dối, người châu Âu đã đập vỡ và đốt phá, nhưng số ít đã được lưu giữ một cách mầu nhiệm! Những tấm bảng này đánh dấu đầy chữ viết, lúc đầu từ trái qua phải và sau đó thì ngược lại - từ phải qua trái. Nhưng họ không thể nào giải mã được những ký tự đó.

Tượng ở Đảo Phục Sinh

Nhưng phát hiện hấp dẫn và huyền bí nhất trên đảo Phục Sinh là những tượng đá khổng lồ, rất nhiều tượng trong đó cao từ 4 đến 10 mét và cân nặng đến 20 tấn, một số ít có số đo lớn hơn rất nhiều và cân nặng đến 90 tấn. Những tượng này có đầu rất to, với những bộ râu quai nón nặng trĩu, lỗ tai dài và không có cái chân nào, một số đội trên đầu những cái nón bằng đá đỏ. Trên những tảng đá không nguyên vẹn, ngổn ngang, người ta còn tìm thấy một số tượng chưa làm xong.

Có rất nhiều lời đồn đại rằng, những cư dân cổ xưa trên đảo đã trộn lẫn những pho tượng nặng nề này lại với nhau, sau đó có người tin rằng những “người khổng lồ” đó đã tự dịch chuyển theo thời gian!?
Sau nhiều cuộc nghiên cứu và thẩm định, người ta cho rằng: trong tất cả những tượng đá đó, có một trọng tâm nằm phía dưới mà khoảng 15 người đàn ông có thể nhanh chóng đặt chúng thẳng đứng bằng sợi dây thừng. Nhưng một cách thú vị hơn, trong ngôn ngữ của những cư dân trên đảo có câu: “không có chân mà vẫn từ từ hành tiến”.

Như vậy, sự huyền bí đã tạo ra các tượng đá khổng lồ và dịch chuyển chúng giống như bao lời suy đoán và đồn đại. Nhưng tất cả các câu hỏi thắc mắc trước kia đến giờ vẫn chưa có câu trả lời xác đáng!

Các nhà khoa học và nhân chủng học đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, chứng minh nguồn gốc tổ tiên của con người trên đảo Phục Sinh và hiện tượng huyền bí của những tượng đá khổng lồ. Nhưng nhiều nghiên cứu của họ cũng chưa chứng minh được điều gì thuyết phục hơn những lý luận của Tòa án trên đảo rằng, người có “lỗ tai dài” từ phía Đông đến, “lỗ tai ngắn” thì từ phía Tây đến nhưng muộn hơn, và họ đưa ra những giả định rằng, những người đầu tiên sống trên đảo là những người đến từ châu Mỹ La Tinh, sau đó những người “lỗ tai ngắn”- ý nói những người châu Âu, đến đây để chinh phục và thôn tính cư dân trên đảo. Nhưng mọi giả thuyết đều nhỏ bé hơn những pho tượng khổng lồ đang lạnh lùng đứng nhìn ra một không gian nước mênh mông của Thái Bình Dương.

Trần Long
Điêu khắc gia, Tiến sĩ Mỹ thuật, Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Tp.HCM

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 01-02