Thông tin Mỹ thuật số 01-02

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Nhất Sinh Tại Thủy Tạo Hình Cho Nước

Nước xoáy - Mai Thu Vân

Mai Thu Vân. Nước xoáy. Săp đặt

Tranh của sóng - Lê Anh Vân
Lê Anh Vân. Tranh của sóng. Nhiếp ảnh

Trong lịch sử dài lâu của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, buổi chiều ngày 23 tháng 8 năm 2004 hẳn sẽ là một buổi chiều đáng nhớ. Trước giờ khai mạc không lâu, khuôn viên trường đã đầy ắp sự háo hức chờ đợi của rất đông người đến xem. Quả thật 28 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế đã đem đến cho người xem nhiều ý vị bất ngờ.

Đây là một cuộc triển lãm nhóm không giống với những cuộc triển lãm “hội hè” mà ta vẫn thường thấy trong đời sống Mỹ thuật nước nhà. Triển lãm không lấy thời gian làm cái cớ, như kiểu triển lãm mùa xuân, triển lãm mùa thu, triển lãm khóa X, triển lãm nhân ngày giải phóng thủ đô, triển lãm các họa sĩ tuổi Mùi, tuổt Thân. Cũng không phải loại triển lãm lấy không gian làm cái cớ như triển lãm các họa sĩ Quảng Ninh hay Hải Phòng… Và cũng không phải loại triển lãm lấy chất liệu làm tiêu chí như kiểu triển lãm sơn dầu, sơn mài hay lụa gì đó. Chủ đề tạo hình cho nước là một chủ đề rất mở như trước đây họa sĩ Nguyên Cầm năm 1998 cùng với một số giảng viên trẻ của trường Đại học Mỹ thuật bày chung một cuộc triển lãm có tên là hành trình. Thường thì chúng ta vẫn quen với những cuộc triển lãm kiểu triển lãm phong cảnh, dân tộc thiểu số, lực lượng vũ trang… Đấy là đề tài hơn là chủ đề. Tạo hình cho nước - Giving Water an Image là một cuộc chơi được khởi xướng bởi họa sĩ Veronika và họa sĩ Lê Anh Vân. Những ai quan tâm tới các hoạt động mỹ thuật đương đại trên thế giới sẽ nhận ra đẳng cấp chuyên nghiệp của triển lãm ngay từ tên gọi. Cũng vào thời gian này, ở Hàn Quốc dang diễn ra Busan Biennale với chủ đề chính Chasm (sự rạn nứt, chasm còn có một nghĩa bóng là sự ngăn cách lớn về tư tưởng và lợi).

28 nghệ sĩ trong triển lãm này thông qua nhiều hình thức nghệ thuật như hội họa giá vẽ, nhiếp ảnh, sắp đặt, tác phẩm video, trình diễn nghệ thuật để bày tỏ thái độ, trách nhiệm với cuộc sống.

Nước làm cho cuộc sống của chúng ta thi vị và thơ mộng biết bao nhiêu. Tác phẩm sơn mài Vịnh Hạ Long của họa sĩ lão thành Trần Đình Thọ, tác phẩm sơn dầu Sông Hồng của Đỗ Minh Tâm, tác phẩm lụa của họa sĩ Nguyễn Thụ hay tác phẩm khắc gỗ của họa sĩ Trần Tuyết Mai, Trần Lưu Tuấn cho ta cảm nhận mối liên hệ giữ nuớc – thiên nhiên – cái Đẹp. Trong tác phẩm “tranh của sóng”( painting made by wave), họa sỹ Lê Anh Vân với bức ảnh đặc tả ghi lại khoảnh khắc khi sóng vừa rút đi, để lại những dấu tích dan díu của sóng và cát dưới ánh tà dương. Nếu như Lê Trần Hậu Anh truyền cho chúng ta một vẻ đẹp mạnh mẽ của nước qua cảnh quay tập trung vào những làn sóng tỏa ra từ một chiếc xuồng máy, thì Lưu Chí Hiếu lại làm ta mơ màng với những những chuyển động thật khẽ khàng, nhịp nhàng của những con sứa.

Té ra, chúng ta đã vô tình để lỡ những món quà mà nước đã không ngừng dâng hiến cho loài người; và hơn thế, còn vô tâm, vô ý hủy hoại Nước, nguồn sống của chúng ta. Cùng chung tiếng nói kêu cứu này các tác phẩm của Lê Quí Tông, Nguyễn Nghĩa Phương, Giang Nguyệt ánh, Nguyễn Thế Sơn, Trần quang Dũng, Brian Ring, Đoàn Văn Bằng đã lôi cuốn người xem vào cuộc đối thoại với chính bản thân cái gọi là giá trị văn minh hiện đại, đối mặt với một tương lai khắc nghiệt. Với những tác phẩm nhiếp ảnh, Nguyễn Nghĩa Phương, nêu lên câu hỏi “chúng ta sẽ uống loại nước nào?” khi mà tình trạng ô nhiễm nước diễn ra khắp nơi. Lê Quí Tông lại không nói gì nhiều chỉ viết lên cột mốc kilômét dòng chữ “nước 0 km”. Bày luôn cả một tảng đất khô nẻ, trần trụi và khắc khổ là cách giả làm thinh của Trần Quang Dũng.

Xem video art

Khán giả xem video art. Ảnh Lê Trần Hậu Anh

Trong tác phẩm “ Leuchtfeuer - Leuchttum” (video) của Christoph Griardet và Matthias Mueller (Đức) nước là tấm gương soi lắng những khoảnh khắc buồn vui trong cuộc đời. Sông vẫn chảy, sóng vẫn vỗ, nhưng nước vẫn luôn lưu giữ những hồi ức trong cuộc đời chúng ta. Christofer Fredriksson và Christina Eriksson Fredriksson làm chúng ta khắc khoải, đăm đắm nhìn ra biển cả mênh mông nơi mà người cha của họ trong một lần ra biển đã không trở về nữa - my father has gone forerver (video). Tưởng như là vu vơ, bâng quơ, các tác phẩm của Lê Lạng Lương, Juliane Heise, Mai Thu Vân, cho ta cảm nhận vẻ nước muôn màu của nước.

Lee Wen (Lý Văn) người Nghệ sỹ trình diễn đến từ Singapore đã có một buổi trình diễn xuất sắc trong buổi khai mạc. Nước đã đồng diễn với Lee trong một câu chuyện xúc động về cuộc sống của nhưng con người nhỏ bé mà ta hình như đã gặp quanh hè phố hay trong một hẻm ngõ hôm nào. Tiếng thét gào lẫn cùng tiếng ngập lặn ùm ùm từ trong lu nuớc của Lee là những hình ảnh cuối cùng đã đẩy hồi kết của câu chuyện về một khát vọng phải sống lên tới tột cùng căng thẳng.

Lee Wen trình diễn tác phẩm tại triển lãm

Lee Wen trình diễn tác phẩm của mình tại triển lãm

Nếu Lê Thị Dung mộc mạc kể về đời sống ngư dân ở biển, thì tác phẩm “dòng đời” của Nguyễn Bích Thủy được tạo dựng bằng 1984 con cá lại mang tính tượng trưng. Veronika quả là sắc sảo khi phát hiện ra tính đa nghĩa của từ “nước” trong tiếng Việt, chị đã cấp thêm cho tác phẩm dòng đời một sắc thái văn hóa bản địa bằng cách viết lại những từ ghép có chữ nước như đất nước, sông nước, nước ngoài… lên trên các con cá. Trang Thanh Hiền liên tưởng Nước đến cái lẽ Sắc- Không của nhà Phật chăng mà thoắt một cái đã biến một khoảnh nền đá Granít thành một hồ sen nhấp nhô những cọng sen và các vị chư Phật được cắt bằng giấy mã.

Thành công của triển lãm có sự đóng góp không nhỏ của Họa sĩ Veronika và Họa sĩ Lê Anh Vân - đồng curator của triển lãm này (ở ta, trên thiệp mời triển lãm, trên pano triển lãm, hay trong catalogue vẫn chưa quen ghi tên người đề xuất ý tưởng, người phụ trách nghệ thuật, chịu trách nhiệm tuyển chọn và chịu trách nhiệm nội dung và hình thức triển lãm – curator)

Nhất sinh tại Thủy, hy vọng rằng triển lãm tạo hình cho nước sẽ giống như một cơn mưa đầu mùa tươi mát dẫu chưa đủ thỏa lòng khát khao nhưng cũng làm bớt đi ít nhiều cái không khí oi bức lưu cữu lâu nay. Chắc thấu hiểu lòng người nên trước giờ khai mạc ít phút, ông trời cũng trút xuống đây một trận mưa rào.


Trần Hậu Yên Thế
Giảng viên trường Đại học mỹ thuật Hà Nội

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 01-02