Thông tin Mỹ thuật số 17-18

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Tranh Luận Liên Quan Đến Viện Bảo Tàng Louvre

Bảo tàng louvreLouvre là viện bảo tàng lớn nhất thế giới, chứa đến 380.000 tác phẩm, nhưng thông thường chỉ trưng bày 35.000 bức, gởi tại các viện bảo tàng tỉnh 30.000 bức và cho mượn để triển lãm 1.500 bức.
Mới đây, viện bảo tàng Louvre có ý định ký kết để thành lập tại Tiểu Vương quốc  Ả Rập Abu Dhabi một chi nhánh vào năm  2012, và thỏa hiệp với thành phố Atlanta (Hoa Kỳ) để đưa tranh tới treo tại viện bảo tàng ở đó.

Dự tính vừa nói đã gây nên tranh luận gay gắt tại Pháp. Một bên là các giám đốc của viện bảo tàng Louvre, Orsay, Beaubourg, bênh vực dự án. Bên kia là bà cựu giám đốc viện bảo tàng Orsay cầm đầu một số người chống đối. Sau đây là tóm tắt các ý kiến bênh và chống.
Theo bà Francine Mariani- Ducray, giám đốc cơ quan, các viện bảo tàng Pháp, thì đây không phải là một chuyện dời cơ sở, mà là hợp tác. Ngày nay, ưu thế của các viện bảo tàng là khả năng hợp tác trong các dự án quôc tế. Các hành động ấy tôn trọng cùng một nguyên tắc: các bộ sưu tập nghệ thuật phẩm của Pháp không thể sang nhượng. Dự án ấy gây ấn tượng chung cho việc cởi mở của nước Pháp trong đối thoại giữa các nền văn hóa và sự công nhận tính kiệt xuất của Pháp trong địa hạt viện bảo tàng.
Dự án ấy có mục đích giúp cho công chúng chưa hiểu rành, khám phá nghệ thuật, dưới một hình thức do người Pháp sáng tạo.
Chi nhánh Le Louvre Abu Dhabi trước tiên là một dự án văn hóa và khoa học. Thật ra hình thức hợp tác này không mới, dù nó có tính độc đáo. Cách nay vài năm, tiểu bang Bahia (ở Brasil) đã nhờ viện bảo tàng Rodin giúp đỡ. Thành phố Thượng Hải hiện hợp tác với Trung tâm Pompidou. Với Abu Dhabi, đây là lần đầu tiên nước Pháp giúp kiến tạo hoàn toàn một viện bảo tàng quốc gia. Tiểu vương quốc ấy muốn thuật lại một lịch sử nghệ thuật và các nền văn minh, từ các nghệ thuật sơ khai đến nghệ thuật hiện đại.
Trong số các bộ sưu tập được yêu cầu, có các nghệ thuật phẩm của trung tâm Pompidou, của viện bảo tàng Louvre, của Vercailles. Chỉ vài trăm món thôi, toàn thể các viện bảo tàng ở Pháp cùng góp sức vào dự án ấy.
Ngày nay, ngân quỹ dành cho Louvre để mua nghệ thuật phẩm khoảng 20 triệu euro, được điều chỉnh nếu giá cả có tăng. Còn các Tiểu Vương quốc Ả Rập sẽ trả cho Pháp 700 triệu euro cho dự án Abu Dhabi, nếu ký kết thành công.

Bảo tàng Louvre Louvre
Bên dưới Kim tự tháp băng kính HUBERT ROBERT. Phòng trưng bày lớn của Louvre. 1796. Sơn dầu. 112x143cm

Người ta không thể lo liệu về nghệ thuật mà không quan tâm tới tiền bạc. người ta chỉ có thể dửng dưng với tiền bạc nếu thu nhập cá nhân đủ cho việc ấy, hoặc đang ở trong địa hạt học hỏi, nghiên cứu. Nhưng khi ta mong muốn đưa nghệ thuật ra cho dân chúng thưởng thức, thì không thể không quan tâm. Chúng ta phải có các phương tiện, tài trợ, công thu tiền vé vào cửa, hợp tác.
Tất nhiên mọi viện bảo tàng đều phải có các tác phẩm dự trữ trong kho để thay đổi. Louvre có 380.000 tác phẩm, nhưng không phải tất cả đều có thể treo lên cho khách xem. Một phần lớn tác phẩm chứa trong kho dùng để nghiên cứu. Một số khác cần được khôi phục. Từ 50 năm nay, tranh được thay đổi luân phiên, và viện bảo tàng cũng tổ chức các triển lãm nhất thời.
Dĩ nhiên là các tác phẩm vô giá như La Joconde thì không bao giờ được đưa tới Abu Dhabi. Nhưng một số kiệt tác sẽ được gởi đi trưng bày tại các cuộc triển lãm quốc tế.
Bà Francoise Cachin, cựu giám đốc cơ quan, các viện bảo tàng Pháp, cùng ký tên với Jean Clair (quản thủ gia) và Roland Recht (sử gia) trong một bài đăng trên nhật báo “Le Monde” có tựa “Các viện bảo tàng không phải để bán”. Sau đó có bản thỉnh nguyện với 2000 chữ ký xuất hiện.
Bà tố cáo việc toàn cầu hóa các viện bảo tàng Pháp và thương mại hóa di sản của Pháp. Bà không có ác cảm với việc các viện bảo tàng Pháp tỏa sáng, và ủng hộ các cuộc triển lãm nghệ thuật trên thế giới. Nhưng bà không thích xem Louvre, Orsay hoặc Versailles như các nhãn hiệu thời trang hoặc nước hoa, cũng như đưa các tác phẩm đi xa hàng nhiều tháng, nhiều năm. Có nghĩa là bà thích chỉ cho mượn thay vì cho mướn. Chưa có một việc bảo tàng lớn nào ở Âu châu làm cái việc mà Louvre định làm. Riêng việc bảo tàng Guggenheim mở chi nhánh ở Bilbao (Tây Ban Nha) thì cho đến nay, không được các bảo tàng khác tán thành.

Louvre Louvre
Phòng trưng bày tranh Rubens DEGAS. Marry Cassatt ở Bảo tàng Louvre

Sứ mạng chính của các quản thủ gia là giới thiệu tác phẩm cho công chúng, bảo tồn, khôi phục chúng, và thúc đẩy lịch sử nghệ thuật bằng các cuộc triển lãm hoặc tìm tòi khoa học.
Trong số khách đến xem các viện bảo tàng lớn ở Pháp, thì 70% là người nước ngoài. Vì thế, người Pháp cho họ xem ngay trong xứ các tác phẩm đẹp nhất. Hằng năm có đến 76 triệu du khách đến Pháp, và viện bảo tàng Pháp đem lại nhiều tiền hơn là hao tốn.
Có người lo ngại ngày nay giá nghệ thuật phẩm tăng nhanh, sợ viện bảo tàng không đủ sức mua sắm thêm. Nhưng để tránh các tác phẩm có giá trị lọt ra nước ngoài, Pháp đã ban hành các điều luật giúp giảm nguy cơ ấy: giảm thuế cho mạnh thường quân của viện bảo tàng, giảm thuế thừa kế cho người biếu tặng nghệ thuật phẩm cho quốc gia,… Tất cả các viện bảo tàng lớn trên thế giới ngày càng có nhiều khách đến viếng. Khác với Abu Dhabi, xứ chỉ có 900.000 dân, dành cho tỷ phú. Du khách có thể đến Paris hoặc Luân Đôn để xem tranh nếu họ muốn.

Trần Lệ Tài
(Dựa theo tài liệu của P.Match, ngày 24-1-2007)

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 17-18