Thông tin Mỹ thuật số 17-18

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Họa Sỹ Huỳnh Văn Thuận Với Những Bức Tranh Cổ Động

Họa sỹ Huỳnh Văn Thuận

Với đặc trưng ngôn ngữ của thể loại đặc biệt, tranh cổ động là một phần quan trọng của đời sống chính trị- xã hội. Ở nước ta, tranh cổ động hình thành và phát triển từ những ngày tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhằm tuyên truyền phục vụ cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và tranh cổ động đã có hơn 60 năm gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Tranh cổ động thuộc loại hình nghệ thuật đồ họa mang tính khái quát cao với  những yêu cầu như: tính súc tích, tính thời sự, điển hình hoá,... phục vụ nhu cầu phản ánh tuyên truyền một cách kịp thời, dễ hiểu, biểu đạt rõ ràng, thuyết phục nhằm đưa ra một thông điệp chính trị xã hội. Nhìn lại thời kỳ sôi động của tranh cổ động qua hai cuộc kháng chiến, nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật và thời sự nóng bỏng đã tạo dựng được sức sống mang dấu ấn lịch sử, vượt qua thời gian làm giàu cho kho tàng thể loại tranh cổ động Việt Nam. Một trong những hoạ sĩ góp phần lớn vào loại hình tranh cổ động và đi tiên phong trong hoạt động của mỹ thuật phục vụ kháng chiến ở hai cuộc chiến của nhân dân ta, đó là hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận. Những bức tranh cổ động nhạy bén về đề tài, phong phú về bút pháp của ông đã cổ vũ tinh thần yêu nước, niềm tin vào cuộc kháng chiến trường kỳ; kịp thời phản ánh chủ trương, chiến lược, sách lược của Đảng. Đặc biệt những bức tranh cổ động địch vận đã có sức mạnh thực tiễn, làm thức tỉnh hàng loạt binh sĩ Pháp và nguỵ binh rời bỏ hàng ngũ.
hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận sinh năm 1921, quê ở Gia Định- Sài Gòn trong một gia đình không có truyền thống hội họa, học hết phổ thông trung học, ông thi vào trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, và đỗ đầu. Khi đang học năm thứ 3, ông lại thi thẳng vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương rồi trở thành sinh viên xuất sắc trong trường. Ông tốt nghiệp khóa 1939-1944 và tham gia cách mạng ở Hà Nội rồi ra Việt Bắc tham gia kháng chiến và công tác tại tổ họa của Trung ương Đoàn. Năm 1946 ông cùng hoạ sĩ Lê Phả tổ chức một triển lãm tại Hà Nội lấy tên “Triển lãm nhóm đồ họa hai người” gồm các tác phẩm khắc gỗ màu với nội dung tuyên truyền cổ động cho phong trào cách mạng. Vào giữa năm 1951 tại Việt Bắc, ngay sau Đại hội toàn quốc Đoàn Thanh niên cứu quốc, ông cùng hoạ sĩ Tôn Đức Lượng được tổ chức giao cho phác thảo huy hiệu Đoàn Thanh niên cứu quốc. Và bản phác thảo của ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm biểu tượng của Đoàn. Bác còn đề dưới bản vẽ là: “Thanh niên tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”.

Huỳnh Văn Thuận Huỳnh Văn Thuận Huỳnh Văn Thuận

Năm 1953, ông cùng hoạ sĩ Lê Phả, Bùi Trang Chước được giao nhiệm vụ vẽ đồng tiền riêng của Việt Nam. Năm 1974, ông được bầu làm Cục trưởng Cục Mỹ thuật miền Nam khi tham gia đoàn quân tiếp quản thành phố. Nhưng cuối năm 1976, ông lại sẵn sàng giao lại cả biệt thự và ôtô để ra Bắc thuê nhà sống và công tác. Hòa bình lập lại, ông làm Cục trưởng Mỹ thuật Bộ Văn hóa, sau chuyển sang Hội Mỹ thuật và hiện đã nghỉ hưu. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt trong hai lĩnh vực sơn khắc và tranh cổ động. Năm 1988 ông cùng hoạ sĩ Thục Phi tổ chức triển lãm tranh cổ động tại thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh, sau đó  đưa về Hà Nội. Trong các triển lãm nhóm năm 2004-2005, ông đều có tranh cổ động tham dự.

Huỳnh Văn Thuận Huỳnh Văn Thuận

Tác phẩm của ông, dù là sơn khắc, sơn mài hay tranh cổ động cũng thể hiện một cái nhìn tỉ mỉ đến từng chi tiết, thanh thoát và phóng khoáng trong cấu trúc của hình và nét. Nét dày, nét thưa được tập hợp trong các không gian dày đặc mà không rối, tạo được lớp lang của chiều sâu và chắt lọc được hình ảnh tiêu biểu của sự vật. Các mảng màu giản dị và tinh khiết, giản lược mà không đơn điệu đã nói lên được sự mặn mà của ông đối với thể loại tranh mang tính phục vụ cao như loại hình tranh cổ động. Đây là một thể loại mà ông rất yêu thích và dường như ông đã lấy tranh cổ động làm sự nghiệp sáng tác, cam chịu những vất vả khó khăn để vẽ nên một khối lượng lớn suốt từ năm 1946 đến nay, nhiều bức đã trở thành tiêu biểu cho thể loại này. Từ những ưu điểm đó mà tranh cổ động của ông như gần gũi với người xem, vừa truyền tải được tính thời sự, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của loại tranh này và đặc biệt nó được nâng cao mang tính biểu trưng mà ngày nay khi nhắc đến không ai là không biết như: “Huy hiệu Đoàn” năm 1951 là một ví dụ. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác nhiều tranh cổ động về Bác Hồ vì với ông, nhờ Bác Hồ, nhờ cách mạng mà ông được vẽ những bức tranh đẹp cho đất nước, cũng nhờ theo Bác Hồ, theo cách mạng, mà ông được vinh dự vẽ huy hiệu Đoàn và mẫu vẽ ấy được Bác Hồ phê chuẩn. Ông còn vinh dự được gắn bó với một công việc rất khó là vẽ hình Bác Hồ trên những đồng tiền đầu tiên của nước nhà.  Ông tâm niệm “mình chuyên vẽ Bác Hồ, lại chuyên vẽ tranh cổ động về Bác thì càng phải gương mẫu trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức Bác Hồ. Có rèn luyện, học tập đạo đức Bác Hồ thì nét vẽ về Bác mới trong sáng, chân thật”. Cũng như chuyện học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ bây giờ, những người làm công tác tuyên truyền, vận động trước hết phải là những tấm gương về đạo đức thì quần chúng mới tin theo, làm theo.

Huỳnh Văn Thuận Huỳnh Văn Thuận

Chính vì thế mà trong khối lượng tranh cổ động của ông, hình tượng Bác Hồ- vị lãnh tụ kiệt xuất của Đảng, của dân tộc- luôn chiếm vị trí quan trọng trong bố cục cũng như chiếm vị trí trang trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác tranh cổ động của hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận. Tranh cổ động của ông đã phát triển mạnh mẽ và có nhiều tác phẩm xuất sắc có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.

H.L.

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 17-18