Thông tin Mỹ thuật số 17-18

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Mỹ Thuật Đương Đại

UADFYS014933
TRẦN HẬU YÊN THẾ. Ngoằng

Sứ mệnh lịch sử, cao cả của nghệ thuật nói chung, một tác phẩm mỹ thuật nói riêng phải đề cập trúng và giải quyết tốt những vấn đề hiện thực cuộc sống bức xúc của dân tộc và thời đại.
Xét theo quan điểm lịch sử, đó chính là tính đương đại của nghệ thuật, thiếu nó khó tạo nên cái đẹp, cái hấp dẫn và không đủ khả năng đối thoại của nghệ thuật. Tất nhiên, trong cuộc đời và nghệ thuật nói chung và mỗi tác giả nói riêng, cũng như tính đương đại của nghệ thuật luôn có tính đa chiều:
Có quá khứ để hồi tưởng
Có hiện tại để nếm trải
Có tương lai để ước mơ
Tính đương đại là một phẩm chất nghệ thuật cực kỳ quý hiếm, làm nên giá trị nghệ thuật đích thực của các tác phẩm mỹ thuật của bất kỳ lịch sử dân tộc và thời đại nào, thuộc nhiều xu hướng, loại hình, loại thể mỹ thuật nào, xét theo quan điểm lịch sử mỹ thuật đều có tính đương đại.
Có điều, từ những năm cuối thế kỷ 20 đến những năm đầu của thế kỷ 21 trên các phương tiện thông tin đại chúng, cá biệt có một số họa sĩ, nhà phê bình ưa dùng cụm từ “Mỹ thuật đương đại”, nói rộng ra là nghệ thuật đương đại. Cứ  tưởng như thế mới tạo được vị thế “tiền phong” của mình, nếu không muốn nói quá lạm dụng để đánh bóng tên tuổi của mình, tiếp thị các chương trình văn hóa nghệ thuật, các triển lãm mỹ thuật,… cho thêm phần hấp dẫn không đúng với thực chất và nhất là không đúng với khái niệm đương đại.
Trong tiếng Việt ai cũng hiểu từ “đương” là đang diễn ra, còn “đương đại” là đang diễn ra trong thời đại mình đang sống và lao động nghệ thuật. Chuyện tưởng rõ như ban ngày, ấy thế mà một số vị lại quan niệm mỹ thuật đương đại được xác định cho một vài xu hướng, thể loại mỹ thuật mới du nhập vào nước ta như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art v.v. Hỏi tại sao lại thế? Thì được trả lời: “Thế giới người ta gọi là nghệ thuật đương đại”. Đó mới  là nghệ thuật thời thượng, nghệ thuật tiền phong, còn tranh giá vẽ là lỗi thời, “Thế giới bây giờ  người ta có làm như ta đâu?” E rằng vài chuyến đi công cán nước ngoài của các vị đó không khéo theo kiểu “Thầy bói xem voi”, mới sờ được vào tai hay đuôi voi đã vội đồn rằng đó là một chú voi to đùng. Còn phải tiếp tục nghiên cứu. Mới đây, được tiếp xúc với các họa sĩ Nhật bản, Trung Quốc, Ác-hen-ti-na, v.v. tôi có đem câu hỏi: “thế giới bây giờ làm như ta đâu”? được các bạn trả lời: “bằng chứng chúng tôi đem tranh giá vẽ, tranh đồ họa sang trưng bày và trao đổi với các bạn”. Một hoạ sĩ Nhật Bản thì trả lời thẳng thừng: ở nước tôi những người làm sắp đặt, trình diễn không phải là họa sĩ! Các họa sĩ Trung Quốc nói cũng có những triển lãm sắp đặt, trình diễn nhưng chưa nhiều, còn chúng tôi sống bằng tranh, bằng các thiết kế đồ họa, v.v. một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống mỹ thuật của đông đảo công chúng yêu mỹ thuật.

UADFYS014933
VŨ DÂN TÂN. Mặt nạ. Vẽ trên bao thuốc lá đặt trong hộp kính

Quả thật “không nên lấy ngoài đo trong” nếu không muốn sai lầm về phương pháp luận trong sáng tác- thẩm định- hưởng thụ nghệ thuật. Ai cũng biết, sáng tạo nghệ thuật là yêu cầu tự thân mỗi nghệ sĩ, hưởng thụ nghệ thuật cũng theo “yêu cầu tự thân” của người, không ai ép được ai.
Sự khác nhau trong sáng tác-thẩm định- hưởng thụ nghệ thuật tất cả đều tùy thuộc vào “cái thích”, cụ thể “cái gu” của mỗi người, có như vậy nghệ thuật mới trăm hoa đua nở. Đó chính là lẽ sống của nghệ thuật. Không nên vì mình thích nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art,… mà từ bỏ nghệ thuật giá vẽ, “thế giới bây giờ người ta có làm như ta đâu?”. Liều lĩnh hơn còn dám gọi tranh đề tài là “tranh cúng cụ!”. Trớ trêu thay, 18 danh họa của chúng ta được giải thưởng Hồ Chí Minh và 32 tác giả mỹ thuật tên tuổi được giải thưởng Nhà nước, tác phẩm của họ phần lớn đều là tranh đề tài. Hơn thế, Đảng và nhà nước ta đã và đang đầu tư tiền tỉ cho thể loại tranh đề tài. Buồn thay cho mấy vị cứ tưởng mình đang đứng đầu “chủ nghĩa tiền phong” của giới mỹ thuật dám xổ toẹt tranh đề tài. Chẳng lẽ các họa sĩ, nhà điêu khắc đang sống những năm của thế kỷ 21 vẽ một bức tranh giá vẽ, nặn một bức tượng tròn, làm một thiết kế đồ họa của sinh viên không phải là mỹ thuật đương đại? Triển lãm các bài học thiết kế đồ họa của sinh viên khoa Mỹ thuật Ứng dụng trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, các bài học về thiết kế đồ họa trong triển lãm đích thực là mỹ thuật đương đại, đã đề cập và giải quyết tốt, kịp thời nhu cầu nền kinh tế thị trường. Còn đẹp- xấu ư? Xin dành cho một dịp khác, một bài viết khác của tôi.

UADFYS014933
KHỔNG ĐỖ TUYỀN. Dòng chảy

Lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam, nhất là những tác phẩm đẹp, tiêu biểu cho từng thời kỳ lịch sử đều được coi là mỹ thuật đương đại, đúng hơn đều có tính đương đại của nó, bất kể nó thuộc loại hình, thể loại mỹ thuật nào, bất kể nó thuộc xu hướng, khuynh hướng, các isme nào, chúng đều có tên gọi của nó như Nghệ thuật cổ điển, Nghệ thuật phục hưng, Nghệ thuật ấn tượng. Hay các isme cũng vậy: Chủ nghĩa lập thể, Chủ nghĩa siêu thực, Chủ nghĩa biểu tượng trừu tượng và trừu tượng người ta có hàm hồ gọi là mỹ thuật đương đại đâu. Theo tôi, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art đó là tên gọi đúng, đích thực của các trào lưu, thể loại mỹ thuật mới du nhập vào nước ta. Không nên đánh bóng nó bằng tên gọi Mỹ thuật đương đại như một số vị, không đúng với bản chất của các loại hình nghệ thuật đó.
Còn nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, video art có là mỹ thuật đương đại, là thời thượng, là tiên phong hay không? Chúng ta hãy cùng trao đổi, xác định cho được một quan niệm đúng.

UADFYS014933
Mưa. Bài tập sắp đặt lớp Mỹ thuật Ứng dụng IV trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM

Một khi sáng tác mỹ thuật là “yêu cầu tự thân” của mỗi họa sĩ thì nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art đã và đang hiện diện trong đời sống mỹ thuật của chúng ta. Các cuộc chơi nghệ thuật tốn kém và vô tư đó được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, các trường đại học mỹ thuật Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Gớt, Trung tâm Văn hóa Pháp v.v. thậm chí đã diễn ra tại Hồ Gươm, Văn Miếu.
Các họa sĩ Trần Lương, Bảo Toàn, Anh Khánh, Đặng Thị Khuê, Đinh Gia Lê, v.v. đã có triển lãm cá nhân ở trong và ngoài nước. Câu lạc bộ họa sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc chơi về loại hình mỹ thuật này. Tôi còn được biết ở mỗi trường đại học đều có một nhóm sinh viên hàng tháng, hàng quý đều có một cuộc chơi sắp đặt- trình diễn. Đó là một yêu cầu tự thân của anh chị em, chúng ta phải thật sự tôn trọng.
Song, mỗi khi có một xu hướng nghệ thuật mới xuất hiện, một tác phẩm mới ra đời đều có những “dị ứng”, những ý kiến nhiều chiều khen- chê trong giới mỹ thuật và công chúng yêu mỹ thuật. Âu cũng là lẽ thường tình.
Nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art ra đời đều có cái lý của nó. Đó là một nhu cầu giãi bày, đối thoại của họa sĩ đối với công chúng, không nên, không được phép phủ nhận nó. Thực tiễn thời gian qua, các cuộc chơi sắp đặt, trình diễn đều có một lớp công chúng của nó. Không nhiều, nhưng đã có một lớp công chúng riêng.
Có điều, cần cùng nhau xác định một quan niệm đúng và đầy đủ về loại hình mỹ thuật sắp đặt, trình diễn, video art cho cả người chơi- tác giả sáng tác- trình diễn và người thưởng thức- công chúng yêu mỹ thuật.
Từ góc nhìn hình thức- chất liệu trong mỹ thuật, tôi tiếp cận loại hình nghệ thuật này.
Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn có cần cho cuộc sống con người Việt Nam không?
Khi con người thoát khỏi cảnh ăn sống, ở hang cùng với tiến trình lịch sử, con người đã hình thành ý thức sắp đặt trong gia đình và ngoài xã hội. Ai mà chẳng biết tổ chức không gian trong nhà sao cho đẹp và tiện dụng. Những ngày lễ, ngày tết bày bàn thờ tổ tiên, phòng khách trong nhà ngoài ngõ sao cho đẹp. Rộng lớn hơn, những ngày hội làng, đình chùa, nhất là những đám rước trong các lễ hội tổ chức, sắp xếp làm sao cho đẹp, tạo được một không gian văn hóa phù hợp với tập tục mỗi làng. Đó chẳng phải là nghệ thuật sắp đặt, trình diễn ư? Có gì là đương đại, là mới? Có khác chăng chúng chưa trở thành một xu hướng, một thể loại nghệ thuật như hôm nay. Chuyện đâu còn đó, không nên quá bức xúc một khi nội lực của chúng ta chưa hội đủ.
Trước hết phải xác định cho được ngôn ngữ và đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, video art,…
1. Ngôn ngữ tổng hợp
Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn thường sử dụng đồng bộ nhiều ngôn ngữ loại hình, thể loại mỹ thuật như hội họa, đồ họa, điêu khắc, trang trí, kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng,... Nếu là nghệ thuật trình diễn còn sử dụng cả ngôn ngữ sân khấu- điện ảnh, múa, v.v.
Có một xu thế sáng tác mỹ thuật hôm nay là sử dụng ngôn ngữ tổng hợp, chất liệu tổng hợp. Ngay tranh giá vẽ, sơn dầu, sơn mài của các họa sĩ trẻ, có tác phẩm đã sử dụng yếu tố nét làm phương tiện tạo hình chủ đạo, mà nét là đặc trưng ngôn ngữ của đồ họa nói chung, tranh khắc nói riêng. Còn tranh khắc là khai thác được cách hình, điền màu của hội họa, dù muốn hay không đã làm mới hình thức tạo hình. Đặc biệt một số họa sĩ trẻ trong tranh sơn mài của mình không chỉ mài- phẳng-bóng-trong và độ sâu thăm thẳm của màu… mà còn phủ-đắp màu, gắn đá, đồng xu, chăng dây,… thậm chí gắn cả một đầu rồng lên mặt tranh. Không còn là tranh sơn mài nữa, là tranh sử dụng ngôn ngữ tổng hợp, chất liệu tổng hợp mà rồi gọi là sơn Phú Thọ tổng hợp. Đúng thế!
Tất nhiên, ngôn ngữ tổng hợp không phải là “con số cộng” mà là sử dụng ngôn ngữ loại hình, thể loại với tư cách là một phương tiện, một yếu tố tạo hình biểu hiện kết hợp nhuần nhuyễn với nhau tạo nên một ngôn ngữ, một thể loại mỹ thuật mới- nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, nghệ thuật tổng hợp, ngôn ngữ tổng hợp loại trừ tính tự nhiên nguyên hình của từng loại hình, thể loại- ngôn ngữ đặc trưng của từng loại hình, thể loại. Tất cả tạo nên một thể loại mỹ thuật mới, một ngôn ngữ mới. Một khi sử dụng nhiều ngôn ngữ để xây dựng một hình tượng nghệ thuật thường xảy ra: độ vênh ít hay nhiều, hay hài hòa giữa các ngôn ngữ loại hình, thể loại. Tất cả tùy thuộc vào tài năng của mỗi họa sĩ sắp đặt, trình diễn.

UADFYS014933
Buôn bán phụ nữ

2. Chất liệu tổng hợp
Nghệ thuật sắp đặt trình diễn thường sử dụng nhiều chất liệu trong một tác phẩm, một công trình, một cuộc chơi. Có thể là những sản phẩm sẵn có trong cuộc sống như chum, vại, gáo dừa, mành mành, đồ hàng mã, đồ mỹ thuật, bại,… và cả rơm, sỏi đá,… nói chung những gì sẵn có trong cuộc sống làm sáng tỏ ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của tác giả. Có thể dùng nguyên mẫu hay chế tác lại.
Tất nhiên, không thể thiếu những hình tượng, mô típ, tác phẩm do tác giả sáng tác… tất cả tạo nên một hình tượng nghệ thuật của một tác phẩm, một cuộc trình diễn,… đủ hài hòa giữa nhiều chất liệu quả thật không đơn giản chút nào.
3. Không gian rộng và đông
Sự khác nhau giữa các loại hình, thể loại mỹ thuật do cách chiếm lĩnh không gian khác nhau như: hội họa chiếm lĩnh không gian ba chiều trên một mặt phẳng, còn trang trí là không gian hai chiều trên một mặt phẳng, điêu khắc là khối với không gian ba chiều.
Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn chiếm lĩnh một không gian rộng và đông. Có thể là một phòng triển lãm, một ngôi nhà, một khu vườn, một đường phố, có khi chiếm lĩnh cả một công trình kiến trúc, cả một triền đồi, đường phố- một không gian sống động, bắn bó với đời sống con người.
Một không gian có nhiều chiều thời gian, một không gian gắn với hoạt động của con người, con người được sống, tắm mình trong không gian rộng lớn đó.
Đó chính là ba nét đặc thù để xác định ngôn ngữ và đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt- trình diễn.
Một khi hiểu được ngôn ngữ và đặc trưng ngôn ngữ chắc không ai gọi nó là mỹ thuật đương đại- nghệ thuật đương đại. Xét theo quan điểm lịch sử tất cả các xu hướng, trào lưu, thể loại mỹ thuật ra đời theo tiến trình lịch sử đều có tính đương đại của nó, chúng đều có tên riêng của nó: hội họa giá vẽ, đồ họa độc lập, tượng tròn, phù điêu, thiết kế đồ họa, v.v. và các isme: lập thể, siêu thực, biểu hiện trừu tượng,… Nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art, v.v. chính tên gọi đích thực của nó, đúng với bản chất vốn có của nó. Không cần thiết phải cho nó cái tên- Mỹ thuật đương đại mới cao hơn, sang hơn đâu.
Tài năng mỹ thuật đâu có phụ thuộc vào tranh đề tài hay tranh không đề tài, đâu có phụ thuộc vào tranh giá vẽ hay nghệ thuật sắp đặt, trình diễn. Tất cả đều thuộc “cái tạng” nghệ thuật của mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc cộng với tài năng sẽ niềm vui lớn cho đời.
Tựu trung, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn là một loại hình kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ tổng hợp, chất liệu tổng hợp và chiếm lĩnh không gian rộng và động, thuộc dòng nghệ thuật tổng hợp như sân khấu- điện ảnh,... Còn có nên coi nghệ thuật sắp đặt- trình diễn là nghệ thuật đương đại không? Không nên nhầm lẫn giữa nội dung phản ánh với hình thức phản ánh. Các tác phẩm văn học sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đề cập và giải quyết tốt những vấn đề hiện thực đời sống với… đang sống đều là nghệ thuật đương đại. Còn  Mỹ thuật đương đại trên một số vị chỉ là nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn. Một  sự nhầm lẫn đáng trách lấy hình thức phản ánh: loại hình, loại thể, trào lưu mỹ thuật làm nội dung phản ánh, xét theo quan điểm lịch sử tất cả các loại hình, loại thể, trào lưu mỹ thuật ra đời theo diễn trình lịch sử mỹ thuật đều có tính đương đại, đều là những hình thức phản ánh mới. Quyết không có chuyện cũ- mới, lỗi thời và thời thượng ở đây.
Nghệ thuật luôn  như một quan niệm. Mỗi dân tộc, thời đại, thậm chí mỗi tác giả đều có một quan niệm riêng, không ai có thể áp đặt được ai. Chỉ có đối thoại và đối thoại thẳng thắn với cái tâm của mình mới xác định được quan niệm đúng với “cái tạng”  nghệ thuật của mình. Hơn thế, đúng với tâm lý cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật của dân tộc và thời đại. Đó chính là “lẽ sống” của nghệ thuật.
Có điều phải đứng vững trên mảnh đất hiện thực và truyền thống dân tộc. Càng không được phép “lấy ngoài đo trong”. Chẳng phải chúng ta đã có một quan niệm đúng được coi như một đường lối, phương châm trong sáng tạo nghệ thuật “xưa và nay”, “ngoài và trong” đó sao? Một bài học vỡ lòng mỗi khi cầm bút vẽ, mỗi khi đưa ra những quan điểm để thẩm định nghệ thuật, nếu không muốn sai lầm về phương pháp luận, đưa ra những quan niệm không xuất phát từ đời sống thực tiễn mỹ thuật dân tộc.

L.Q.B.

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 17-18