Tranh In Ván Khắc Vẫn Đứng Vững Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số
|
Mấy năm vừa qua, tranh in ván khắc đã trải qua một cuộc khủng hoảng, các trường mỹ thuật đóng cửa các khoa chuyên về in tranh và dành các nguồn lực cùng các cơ sở vật chất đó cho việc giảng dạy và mua sắm trang thiết bị kỹ thuật số. Ở Hoa Kỳ từ trước tới nay, tranh in mỹ thuật vẫn thuộc “khu vực mờ” bất định, thường ở khoảng giữa hội hoạ với đồ hoạ và nhiếp ảnh. Mô hình Châu Âu- với các nghệ sĩ như Durer và Goya chuyên in tranh khắc gỗ, khắc đồng, hoặc khắc axít, có thể sánh ngang hoặc thậm chí còn hơn cả các tác phẩm tuyệt nhất của họ- xưa nay vẫn chưa hề thực hiện được ở nước Mỹ.
Trong bối cảnh ấy, những người như Tatyana Grosman đã nhảy vào hoạt động trong lĩnh vực này. Năm 1957, Bà Grosman đã khai trương cơ sở Universal Limited Art Editions ở West Islip trên đảo Long Island, đồng thời chiêu mộ các hoạ sĩ và nghệ sĩ điêu khắc tới xưởng sáng tác ngay cạnh ngôi nhà mái ván lợp ở ngoại ô của bà. Chính Jasper Johns đã xuất thân lập nghiệp từ một thợ in tranh ván khắc nhờ Bà Grosman (thực tế Bà Grosman đã gửi thạch bản in đầu tiên tới xưởng sáng tác của ông vào năm 1960); cả các trường hợp Robert Rauschenberg, Lee Bontecou và Barnett Newman cũng vậy. Sau khi Bà Grosman qua đời năm 1982, bậc thầy về in tranh ván khắc Bill Goldston đã tiếp quản cơ sở này và cuốn hút được nhiều nghệ sĩ như Kiki Smith chuyển hẳn sang nghệ thuật in tranh khắc.
“Cộng tác Nghệ thuật: Kỷ niệm 50 năm của Universal Limited Art Editions” đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ hoạt động của xưởng sáng tác này cùng với sự gắn bó của nó với Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại (MoMA): Viện Bảo tàng đã thu thập được một bản in gốc cho mỗi ấn hành tại xưởng sáng tác Universal Limited Art Editions trước đây, tổng cộng được hơn 1.200 tác phẩm của gần 50 nghệ sĩ tác giả. Lần trưng bày này gồm có tác phẩm của 12 nghệ sĩ.
|
Rembrandt Harmensz van Rijn. Ba cây thánh giá. 1653. Khắc đồng |
Trong số các bản trưng bày có tác phẩm của Jasper Johns, phần lớn được sáng tác vào những năm 1960, với những bản đồ, cờ hiệu của nghệ sĩ. “Vật nghi trang” (Decoy), một bản in tranh khắc cỡ lớn sáng tác năm 1971, có chức năng như một bức tranh tổng thể mini về điêu khắc đồng đổ khuôn của Jasper Johns, có cả đèn điện, đèn nháy gắn ở dưới đáy và lon bia Ballantine gắn ở chính giữa.
Rembrandt Harmensz van Rijn. Ba cây thánh giá. 1653. Khắc đồng
Các tác phẩm của Robert Rauschenberg chủ yếu gồm toàn những tranh in thạch bản, cũng được sáng tác vào những năm 1960, có hình các nhân vật như John F.Kennedy và Lyndon B.Johnson, cũng những nét ngoằn ngoèo, uốn lượn gắn liền với Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Bức “Đột phá II” (Breakthrough II), sáng tác năm 1965, thể hiện mối quan tâm của Rauschenberg đến chuyện ngẫu nhiên, dịp may, một loại chiến lược mỹ thuật phản nghệ thuật ông đã tiếp thu được của John Cage và Marcel Duchamp. Khi bản in đá đó bị vỡ, ông đã quyết định lồng ghép rủi ro ấy vào tác phẩm của mình. Nó thể hiện bằng một nét trắng lởm chởm chạy ngang hình đen trắng theo một đường chéo góc.
|
Terry Winters. Vorticity field. 1995.Aquatint |
Những bản in sắc nét, thanh tao của Bontecou phản ánh các hình điêu khắc của bà, đặc biệt loạt tranh in nhan đề “Nhà giam” (Prison), sáng tác đầu những năm 1960. Bức “Phiến đá thứ tư” (Fourth Stone) của bà trông giống như một chòm các vật thể bay không xác định được (U.F.O.) lao thẳng về phía người xem.
Toàn bộ loạt tranh in nhan đề “18 đoạn thơ” (18 Cantos) của Newman, sáng tác vào những năm 1963-1964, là cả một sự bùng nổ màu sắc nổi bật nhất trong cuộc triển lãm này. Những bức in thạch bản khổ nhỏ đối lập hẳn với những bức hoạ cỡ lớn của ông. Tuy nhiên, những dải màu đỏ tươi, xanh lam và xanh lá cây đều được phân liệt bằng các vạch màu mạnh mẽ, một nét điển hình của Newman.
|
|
Francisco Goya. Công lý ngủ say để Quỉ dữ hoành hành. Khắc đồng |
ANDY ENGLISH. Wouter Van Gysel. 2002. Khắc gỗ |
Hoạ sĩ Terry Winters bắt đầu làm việc tại xưởng Universal vào năm 1982, và những bức in thạch bản, khắc đồng sáng tác tại đây có sức thu hút mạnh mẽ nhất, bởi vì phong cách táo bạo của Winters rất hợp với thể loại khắc trên các chất liệu này. “Morula III”, một bức in thạch bản trắng đen cỡ lớn của nghệ sĩ, thoạt nhìn trông giống như một bức tranh về một chòm thiên thể trừu tượng, trôi nổi trong không gian, bao quanh bởi những mảng mờ mờ, cùng những đốm mực vô cùng gợi cảm. Chúng tôi được biết “morula” thực tế là khối hình cầu các tế bào hình thành từ một trứng mới thụ tinh, tạo cho bức tranh một ấn tượng hoàn toàn khác lạ. Cũng như Jasper Johns, người đã khắc được hơn 400 bản in tranh, Winters đã trở thành một nghệ sĩ khắc tranh đầy sức sống, cho đến nay đã tạo được hơn 200 bản in tranh, gần một nửa số đó là tại xưởng Universal.
Các tác phẩm của Kiki Smith, một nghệ sĩ khác thuộc thế hệ của Terry Winters, gồm một loạt các tranh in thạch bản trừu tượng tạo nên từ các bản photocopy các mảng tóc, cổ và mặt cùng một bộ tóc giả rất “cưng” của chị cho đến những bản in gần đây có tính chất biểu trưng hơn, kết hợp cả nghệ thuật khắc đồng (etching) với khắc axít (aquatint), khắc đồng khô không dùng axít (drypoint) và màu nước (watercolors), lấy nguồn cảm hứng từ những bức phác hoạ của Lewis Carroll, minh họa cho cuốn “Cuộc Phiêu lưu của Alice dưới lòng đất” (Alice’s Adventures Under Ground) xuất bản năm 1886.
Albretcht Durer. Bốn người cưỡi ngựa trong khách sạn Khải Huyền
Loạt tranh khắc nhan đề “13 chân dung phụ nữ” ( 13 Female Portraits) có lẽ minh hoạ rõ nét nhất cho mối quan hệ phức tạp, đôi khi gây nhiều tranh cãi, giữa nghệ thuật in tranh ván khắc với các phương tiện kỹ thuật số. Những hình sặc sỡ, có tính chất biếm hoạ- các giám tuyển miêu tả chúng như những “chân dung biếm hoạ ”, còn Dunham gọi chúng là “các biếm hoạ bị bóp méo”- bắt đầu bằng những bản ký hoạ bằng bút dạ, rồi sau đó được quét vào một máy vi tính và đánh màu bằng kỹ thuật số. Các nghệ sĩ sáng tác tranh in ván khắc tại xưởng Universal đã bỏ ra hàng tháng trời tìm kiếm các loại mực cho hợp với màu hồng, vàng và xanh lam điện của các hình ảnh kỹ thuật số của họ.
|
Albretcht Durer. Bốn người cưỡi ngựa trong khách sạn Khải Huyền |
Trong các tình huống khác, thay vào đó, có lẽ người ta sẽ sử dụng một máy in kỹ thuật số. Cái “nét vẽ” của người nghệ sĩ thể hiện rất rõ trong các bức tranh in của Terry Winters- đây là một trong những biểu hiện điển hình của tranh in thạch bản- nhưng trong trường hợp của Dunham, ta khó có thể phân biệt được sự khác nhau giữa tranh in kỹ thuật số với tranh in bằng các phương tiện truyền thống.
Một tuyển tập ảnh các nghệ sĩ đang làm việc tại xưởng sáng tác Universal nêu rõ hơn hai khía cạnh cộng tác trong in tranh ván khắc và tác phong của họ. Một bức ảnh chụp năm 1968 cho thấy Newman vận sơ-mi, thắt cà-vạt và đeo tạp-dề đang hăng say làm việc trong xưởng sáng tác. Một ảnh khác, chụp một năm sau đó, lại cho thấy một James Rosenquist đang xoay trần, cúi lom khom trên chiếc máy in. Còn Rauschenberg thì chân đất đang tất tả khắp phòng, chị Smith thì ngồi trên một chiếc đĩa đồng khổng lồ sẽ trở thành một bản in nhan đề “Suero”.
Nếu có một nhược điểm trong triển lãm “Cộng tác nghệ thuật...” (do Giám tuyển mỹ thuật Wendy Weitman tổ chức), đó chính là sự thiếu vắng các tác phẩm của các nghệ sĩ thuộc thế hệ trẻ hơn. Bức “Giữa đám hoa tươi” (G in the Flowers) màu pastel, sáng tác năm 2005 của Lisa Yuskavage, miêu tả một trong những thiếu nữ mảnh mai xinh đẹp như trong mơ của chị, là ngoại lệ duy nhất. Những nghệ sĩ trẻ khác cũng công tác tại xưởng Universal nhưng không bày tranh trong triển lãm là Cecily Brown, Ellen Gallagher, Amy Cutler, và Orly Genger.
Ta khó có thể trách cứ một cuộc triển lãm trưng bày toàn những tranh in ván khắc của các nghệ sĩ bậc thầy như Jasper Johns, Robert Rauschenberg, Terry Winters, Kiki Smith. Nhưng mặc cho vị thế có phần nào gian nan của tranh in ván khắc trong thế giới mỹ thuật đương đại, đồng thời lại có nhiều nghệ sĩ có xu hướng chạy sang kỹ thuật số, ta vẫn có quyền hy vọng rằng sáng tác tranh in ván khắc truyền thống vẫn thức thời và vẫn ẩn chứa nhiều khả năng cho các nghệ sĩ trẻ.
(Ghi chú: Đây là một số các nghệ sĩ bậc thầy về tranh khắc, có người trong số họ đã có những kiệt tác bất tử, vượt cả không gian lẫn thời gian, và vẫn còn sống mãi: Valenti Angelo, Werner Drewes, Albretcht Durer, Andy English, Jane Hammond, Edvard Much, Rembrandt van Rijn, Utagawa Hiroshige, Katsushika Hokusai, Francisco Goya,... và rất nhiều người khác nữa!).
Điền Thanh
(Sưu tầm & giới thiệu theo bài
Even in the Digital Age, a Strong Case for Printmaking của MarthaSchwendener trên tạp chí TBNY số ra ngày 12.2.2007)
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 17-18