Một Tấm Gương Lao Động Sáng Tạo Nghệ Thuật
|
Buổi trưa. 1943. Sơn dầu. 98x74cm |
Trong lịch sử mỹ thuật cận hiện đại Việt Nam, Tô Ngọc Vân là một họa sĩ tài năng uyên bác, một cán bộ tổ chức đầy năng lực, một người thầy giỏi có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ nghệ sĩ và có tiếng vang đến người yêu chuộng nghệ thuật nước ngoài.
Tô Ngọc Vân sinh năm 1906 tại Hà Nội, quê gốc ở Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, tốt nghiệp khóa II, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1926 - 1931).
Là một người ham hiểu biết, năng động nên tuy sở trường là chất liệu sơn dầu nhưng ông cũng rất thành công cả về nề họa, khắc gỗ, tranh lụa, sơn mài và có biệt tài trang trí, trình bày bìa sách, minh họa báo ít người sánh kịp. Ông nghiên cứu tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, ấn họa Nhật Bản, thủy mặc Trung Hoa và rất thích Matisse, Gauguin, Cézanne, Van Gogh…Nhưng ảnh hưởng đậm nhất vào nghệ thuật của ông vẫn là trường phái ấn tượng. Tô Ngọc Vân đã tìm thấy ở đó những điều cần thiết cho sự sáng tạo nghệ thuật của mình.
Tiếp thu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng có phương pháp khoa học, sáng tạo, kết hợp hài hòa với sự tinh túy của mỹ cảm phương Đông nên những tác phẩm của ông đạt đến trình độ hoàn hảo, ổn định và đã xác lập cho mình một bản lĩnh nghệ thuật không thể nào xáo trộn với bất cứ một họa sĩ nào khác.
Thời kỳ từ 1930 đến 1937, ông say mê nghiên cứu sự chuyển hóa màu sắc, ánh sáng thiên nhiên. Những tranh phong cảnh của ông như “Ánh sáng mặt trời”, “Bụi chuối ngoài nắng”, “Trời dịu”, “Thuyền trên sông Hương”, “Vịnh Hạ Long”, “Sư sãi Cao Miên đi khất thực”…đã làm người xem đương thời phải khâm phục. Vào thập niên bốn mươi ông chuyển sang chuyên vẽ về đề tài thiếu nữ với thân hình tròn lẳn, mềm mại, sắc màu rực rỡ, đã thực sự làm ông nổi tiếng. Ngày nay khi xem lại những bức tranh “Buổi trưa” (1936), “Thiếu nữ ngồi” (1941, “Thiếu nữ tựa kỷ” (1941), “Thiếu nữ với hoa sen” (1943), “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944), vẫn làm cho chúng ta ngây ngất trước nhịp điệu, đường nét, màu sắc, ánh sáng đồng nhất hòa quyện với nhau được thể hiện với một kỹ thuật sơn dầu điêu luyện “mà ít nghệ sĩ nào sánh kịp”.
Tuy nhiên ta cũng có thể thấy toàn bộ những tác phẩm trước Cách mạng tháng Tám của ông sáng tác theo quan điểm “Cái bí quyết của nghệ thuật ở sắc với hình”. Ông say mê đi tìm cái đẹp, một “Cái đẹp trong tranh không phải là cái đẹp ngoài đời”.
|
Thiếu nữ và hoa sen. 1943. Sơn dầu. 35x45cm
|
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nhận thức rõ “văn nghệ sĩ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng” ông sáng tác những tranh cổ động “Phá xiềng”, “Việt Nam được giải phóng” đã tác động mạnh mẽ vào người xem. Năm 1946 bức sơn dầu “Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ” được coi là đỉnh cao của nghệ thuật và là bước khởi đầu cho giai đoạn cách mạng mới của ông.
|
Bộ đội và công dân nghỉ trên đồi. 1953. Sơn mài. 35x45cm |
Trong kháng chiến, ông đi khắp nơi, từ trung du Việt Bắc lên Tây Bắc làm trưởng đoàn văn hóa rồi phụ trách xưởng họa liên khu X, khi vẽ tranh cổ động, in tranh tuyên truyền, đóng kịch, hóa trang cho diễn viên, trang trí sân khấu, lo toan xây dựng lại trường mỹ thuật tiếp tục đào tạo thế hệ họa sĩ trẻ cho đất nước.
Sau nhiều năm hòa mình vào thực tế chiến đấu, sản xuất, thâm nhập vào đối tượng nghệ thuật mới: nông dân - công nhân - bộ đội, với một tinh thần trách nhiệm: “Nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta phải trả lại nhân dân bằng hội họa” đã đưa lại cho Tô Ngọc Vân cảm hứng sáng tác những đề tài mới: “Hà Nội vùng lên” (sơn dầu, 1948), “Nghỉ chân bên đường” (sơn mài, 1948) “Chạy giặc trong rừng” (sơn mài, 1949) “Khi giặc đã qua (sơn mài, 1949), “Bác Hồ với thiếu nhi” (khắc gỗ, 1951)… cùng với rất nhiều tranh ký họa về cải cách ruộng đất, về những sinh hoạt của nhân dân, về Tây Bắc, về bộ đội.
Đặc biệt, nếu trước kia ông vẽ phụ nữ chỉ với quan niệm “Không có thứ nghệ thuật nào lại không có nhục cảm” thì bây giờ ông vẽ những người phụ nữ mới ở vùng giải phóng hoàn toàn khác với nét bút giản dị, tự nhiên, hiện thực, hình sắc tươi sáng, êm mát. Trong số đó có bức “Chị cốt cán” với dáng người đứng thẳng, khỏe mạnh, đeo túi dết, khuôn mặt trầm lắng toát lên tính cương trực, tin tưởng ở sức mình, được ông tâm đắc thổ lộ: “Đây là một bức tranh phụ nữ đẹp nhất của tôi từ trước tới nay”. Quan niệm về cái đẹp của họa sĩ đã thay đổi theo nhân sinh quan mới của mình.
Khát vọng “Sống, sống thêm! Sống thêm nữa với đau khổ hứng cảm của mọi người, rồi sáng tác và sáng tác với tất cả tấm lòng thiết tha yêu mến” lúc nào cũng cháy bỏng trong tâm hồn ông, thúc dục ông làm việc không biết mệt mỏi.
Ông đã hy sinh vào ngày 17 - 06 - 1954 trong một trận ném bom của máy bay giặc gần chiến trường Điện Biên Phủ với bức ký họa “Đèo Lũng Lô” còn đang dang dở. Để ghi nhớ những công lao của ông đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
T.D.
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16