Thông tin Mỹ thuật số 13-14

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Lớp Tập Huấn Họa Sĩ Quân Giải Phóng

Một số họa sĩ của lớp tập huấn chụp hình chung với họa sĩ Huỳnh Phương Đông (người thứ 4, hàng đứng từ trái sang) và họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (áo trắng) ngày mới giải phóng. Ảnh: H.L.T

Sau tết Mậu Thân năm 1968, tôi được Ban tuyên huấn (R) biệt phái sang Cục chính trị quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, phòng Tuyên huấn với cấp bậc Thượng úy. Qua các lần đi thực tế tại các sư đoàn 7, sư đoàn 9 và sư đoàn 1, phân khu 2 – 3, bám sát các đơn vị chiến đấu, chiến trường Ba Thu, đến tháng 5 năm 1971, phòng Tuyên huấn được lệnh mở lớp tập huấn cho anh em họa sĩ quân Giải phóng. Lúc ấy Cục chính trị đóng trên đất bạn Campuchia thuộc tỉnh Cong song chăm, khu rừng đầm Ray phong (tức Vũng voi nằm). Vũng này là rừng sâu, nước độc nên thường có bệnh sốt rét rất nặng, loại sốt rét tiểu ra huyết sắc tố, quen gọi là bịnh “Đái nước đái đen”, bệnh này làm chết nhiều bộ đội và người dân sống ở đây. Ngoài bệnh hiểm nguy ra, còn bị Mỹ và ngụy quân dùng B52 ném bom trải thảm liên tục, kéo quân càn quét bắn giết nhân dân, tìm diệt cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến (Trung ương Cục miền Nam), làm quân ta phải dời cơ quan liên tục, gian khổ vô cùng.
Mở lớp tập huấn trong tình hình ác liệt, gian khổ như vậy, nên cả thầy và trò phải có quyết tâm cao mới hoàn thành được nhiệm vụ cấp trên giao. Anh em học viên là các họa sĩ, hạ sĩ quan thuộc Cục Tham mưu, Cục Chính trị, Pháo binh, Thông tin, Hậu cần, các sư đoàn về đông đủ đúng theo thông báo triệu tập lớp có tới 25 – 30 học viên. Phụ trách lớp còn có cô Hồng Xuân từ miền Bắc chi viện về Cục chính trị quân Giải phóng cùng với tôi lo cho lớp. Nhờ sự giúp đỡ của trạm quân bưu cục Chính trị Miền nên lớp có chỗ ở, có nồi niêu để nấu ăn. Trạm cử người nấu còn học viên lo kiếm củi. Sau ba tháng học, học viên và trạm quân bưu gắn bó thân thiết. Còn giấy và màu tôi lấy từ nhà máy giấy Sa lơn đã ngừng hoạt đông nhưng còn rất nhiều giấy mực. Tôi có dịp vào chọn giấy và đem ra gởi bà con Việt kiều giữ dùm (để lót dưới chiếu nằm). Sau đó ít lâu quân địch càn quét và đốt phá nhà máy cháy rụi hoàn toàn.
Bắt đầu khai mạc lớp học bằng một bữa liên hoan chỉ có thịt cheo, thịt chồn do (Phong đen) tức Hồng Phong và Hà Diều Chính đi săn mang về, rượu thuốc do Hậu cần tặng và rượu chế từ con men u-zê-mi. Đặc biệt có cả bún do Phan Oánh tự biên bằng cách phát mỗi người một lon (lon sữa bò) gạo, đâm riết thành bột rồi lấy rùng, ép thành bún. Tuy không đủ gia vị nhưng có thịt rừng, rượu thuốc cũng làm nên bữa tiệc thịnh soạn cho anh em lúc bấy giờ đã tạo được khí thế, phấn khởi bước vào lớp học.
BÀI HÌNH HỌA: mỗi học viên luân phiên nhau đứng mẫu để cả lớp làm bài.
TRANH CỔ ĐỘNG: thể hiện phong trào thừa thắng xông lên, cướp thời cơ giành chiến thắng, thần tốc tiến lên thì lấy hình tượng từ đơn vị mình. Như vẽ nòng pháo to giữa tranh thể hiện khí thế áp đảo trận địa của pháo binh ta của Lâm Quang Nới.
Tranh chuyển đạn ra tiền tuyến của Trương Quốc Lương bằng hình tượng các đoàn xe thồ tải đạn.
Trận đánh quyết chiến điểm trận Bàn Cột, sư đoàn 7 đánh kỵ binh bay của địch do Phan Oánh vẽ.
Võ Xương vẽ cảnh tải thương trên trận địa. Đặc biệt nhất là ở cầu Cần Lê đường 13 có dũng sĩ Nguyễn Hồng Phi, diệt xe tăng bị thương mù một mắt.
Tranh của Đỗ Xuyên vẽ trận Mậu Thân, chiến sĩ Thông tin giữ giàn máy thông tin nằm trên đài nước bị bắn hỏng. Nhịn đói nhịn khát để giữ liên lạc cho bộ chỉ huy chiến dịch trên đường tiến vào Sài Gòn.

Họa sỹ Huỳnh Phương Đông thời kỳ chống Mỹ. Ảnh: H.P.Đ Thầy Huỳnh Phương Đông. Ký họa của Phan Hoài Phi

Hoài Phi, Doãn Vượng vẽ chiến sĩ thông tin lấy thân mình nối dòng điện liên lạc với Bộ chỉ huy tiền phương.
Tố Oanh vẽ con chó màu xanh làm cho ai cũng nhớ và nhắc nhiều.
Tôi còn nhớ ngoài các tranh cổ động, những sáng tác khác cũng rất sôi động quyết liệt, Phương Trực còn vẽ bức tranh dí dỏm: “Trận đánh không tên” vẽ các cháu thiếu nhi cầm súng bẹ chuối xung phong trên mặt trận tí hon gây cho các học viên cười vui hào hứng. Cả thầy và trò làm việc, sáng tạo liên tục, không nề nà gian khổ, ác liệt.
Có một buổi tối, một con rắn hổ ngựa dài 3m vào theo con mèo tam thể của cô Hồng Xuân đặt tên: Lô-ri-ta (có người nói rắn thích mèo tam thể) nghe cô Hồng Xuân la “rắn”, mọi người thức dậy xúm nhau rọi đèn pin và đập chết ngay. Thế là ngay đêm đó cả lớp và trạm quân bưu được dịp bồi dưỡng bằng nồi cháo rắn thơm ngon do chú Năm nhà bếp Trương Quốc Lương chế biến.
Lớp học chịu nhiều đợt B52 phải xuống hầm núp, khi yên thì lại lên tiếp tục vẽ. Suốt thời gian học nhiều gian khổ, nguy nan nhưng không lúc nào ngớt tiếng hát hò và quan trọng hơn hết là mạch sáng tạo nghệ thuật, lòng yêu nghề của các họa sĩ mặc áo lính nhưng bị đứt quãng hoặc chùn xuống.
Giai đoạn cuối của lớp là lo việc sao chép tranh. Cứ một tranh được cả lớp nhân ra 25 tranh. Để mỗi người khi ra về ai cũng có một bộ 25 tranh đem về đơn vị có tranh của bạn, của mình. Tất cả các học viên khẩn trương tỏa về đơn vị của mình. Ít lâu sau tôi nhận được thư của Phan Oánh bảo là “em về bày tranh cho đơn vị xem được thủ trưởng đãi ăn cháo gà”. Đó là một lớp tập huấn đầy hào hứng, vui trong gian khổ, ác liệt nơi chiến trường Miền Đông gian lao mà oai dũng. Tôi không bao giờ quên.

H.P.Đ.

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 13-14