Thông tin Mỹ thuật số 11-12

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Tư Liệu Về Nhà Cổ Nam Bộ

“Du khảo” một vòng quanh các ngôi nhà cổ nổi tiếng ở nam bộ mà xưa nay đã được ­nhắc đến ít nhiều qua việc lược ghi một số tư liệu

ĐỒNG NAI

Nhà cổ Đồng Nai Nhà cổ Đồng Nai
   

Ngôi nhà mang tên Đạt Đức đường nhưng nhân dân địa phương quen gọi là nhà Hội đồng Liêu, tọa lạc ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch. Nhà được xây dựng cách nay khoảng một trăm năm. Do nhà có tới 114 cột, nên một tốp thợ thi công gồm 10 người đã phải mất hai năm mới hoàn tất ngôi nhà.

Nhà có dạng chữ đinh, nằm khuất sau hàng rào quýt dại và sau những tán lá xanh tươi của vườn sầu riêng, hài hoà trong cảnh vật của làng quê thanh bình. Bước vào hiên nhà là những mảng điêu khắc hoa, lá, trái cây sống động trên khung cửa, trên các khuôn bông và trước những kèo hiên chạm khắc những cành lá được cách điệu khéo léo thành những con rồng như đang vươn ra đỡ mái hiên nhà. Nội thất, cách bài trí cho đến các vật dụng đều được duy trì từ ngày đầu xây dựng ngôi nhà cho đến nay. Ba gian thờ đều nằm sát vách và còn đầy đủ những tự khí như đỉnh đồng, bát nhang, chân đèn và bình hoa, chò tử quả được bài trí đúng cách: đông bình tây quả.  

Nhiều chi tiết được chạm trổ rất tinh xảo như các thành kèo, khuôn bông, các mảng cánh én hay những khung cửa buồng. Đặc biệt ba bức bao lam của những gian thờ là những tuyệt tác chạm lộng với những đoá hoa sen nở xòe trong dáng điệu gợi cảm thanh cao, những dải hoa lá xen nhau mềm mại, uyển chuyển, sinh động. Một đôi chim thiêng, dáng như chim phượng với cánh và đuôi xoè ra như múa. Các bức đại tự, bức liễn sơn son thếp vàng hay cẩn xà cừ chứa đựng những ước nguyện của người xưa càng làm cho không gian ngôi nhà có thêm một vẻ đẹp sâu xa.

BÌNH DƯƠNG .

Cụm nhà cổ gồm 3 ngôi nhà nằm cách nhau trên một khu đất giữa một bên là đường Đinh Bộ Lĩnh, một bên là chợ Phú Cường (thị xã Thủ Dầu Một). Nếu tính từ sông Sài Gòn trở lên, lần lượt là nhà các ông Trần Văn Hồ, Trần Văn Tề và Trần Công Vàng, chủ nhân của ba ngôi nhà này đều có quan hệ huyết thống với nhau.  Nhà ông Trần Văn Hồ xây vào năm 1890, nhà ông Trần Văn Tề là năm 1895 và nhà ông Trần Công Vàng dựng vào năm 1835.  Về kiểu thức kiến trúc, ngoại trừ nhà ông Hồ, hai ngôi nhà kia đều theo lối chữ đinh, có sân con và cầu nổi. Nhà ông Tề theo kiểu chữ đinh thuận, còn nhà ông Vàng theo lối chữ đinh nghịch. Nhà ông Vàng thiết kế theo hình chữ nhật, gồm 8 căn 2 chái (8 cột, 8 dầm, 8 khuyết), dài 24m, ngang 22m, diện tích sử dụng khoảng 500m2. Mái khá thấp so với kiến trúc hiện nay nhưng bên trong lúc nào cũng thoáng mát nhờ bốn phía đều có cửa sổ. Nền nhà lát gạch tàu. Vật liệu xây dựng chủ yếu là các loại danh mộc như sao, cẩm lai, mun, huỳnh đường… Có cả thảy 6 hàng cột với 48 cây. Giàn kèo đều được chạm trổ hình đầu rồng có những con dơi bám vào rất tinh vi. Nhưng đặc biệt hơn cả là giàn kèo cột đều được vào mộng, toàn bộ ngôi nhà không sử dụng một cây đinh!     

Phần nhà trên của cả ba ngôi nhà đều cất theo kiểu xuyên trính với hai mái hai chái. Riêng nhà ông Hồ không có phần hành lang nội bao bọc quanh phần nhà thờ như hai ngôi nhà kia. Về những môtip chạm trổ thì cả ba ngôi nhà có những nét giống nhau, nhưng nhà ông Vàng nét chạm trổ tinh vi, sống động hơn, nhất là ở các bao lam, khám thờ và đầu vách ngăn. Các liễn đối, hoành phi, bao lam, bức thờ thì ở mỗi ngôi nhà có nét độc đáo riêng, tinh xảo và đa dạng.   Nhà ông Hồ có cái thủ quyển treo giữa nhà trông hoành tráng, nét chạm hình tứ linh thật sinh động. Hai bức thờ khảm xà cừ mà mỗi chữ Hán lại là sự kết hợp hình những con chim, con bướm, cành lá, đoá hoa… tạo thành một bức tranh sinh động.      

Ở nhà ông Tề có những câu đối viết lối chân đỉnh, những chữ triện cách điệu, những bức tranh hoạt cảnh có kèm theo những bài thơ bát cú minh hoạ, tất cả đều khảm xà cừ công phu.       

 Nhà ông Vàng còn lưu một cặp liễn đối vẽ cách điệu bằng hình ảnh hoa trái treo hai bên bàn thờ giữa và cũng được cẩn xà cừ.

LONG AN
 

Nhà cổ Long An
 

Nhà Hội đồng Trần Văn Hoa ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước được xây dựng vào năm 1898.   Ban đầu khi xây dựng có đến 160 cột. Đến nay ngôi nhà còn 120 cột: 68 cột tròn bằng gỗ, 52 cột vuông xây bằng gạch. Các cột tròn được phân bố thành 6 hàng, các cột vuông chủ yếu ở các vách tường và hai chái phía sau. Cột cao nhất cũng gần 5m, làm bằng các loại gỗ tốt như cẩm lai, gõ đỏ, thao lao, giáng hương… Tường làm bằng vôi trộn mật đường. Mái ngói dày đến 3 lớp: ngói thí tạo nguồn sáng cho nhà, lớp âm dương ở giữa và lớp ngói ống bên cho mát mẻ. Diện tích nhà trên 460m2, được xây theo kiểu chữ đinh, gồm 5 gian 2 chái, hai cửa ra vào theo hướng đông và đông nam. Phần trước để tiếp khách và thờ tự, phần sau để sinh hoạt.     

Nền nhà lót gạch tàu hình lục giác, nền cao nhất vùng (92cm) được cẩn đá hộc và xi măng kiên cố nhằm chống lại những con nước lớn từ sông Rạch Cát tràn vào. Các bao lam được chạm trổ tinh xảo theo kiểu cung đình Huế càng tôn thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà. Ngôi nhà được xây dựng chỉ trong hai năm nhưng công đoạn chạm trổ, trang trí thì mất đến ba năm ròng qua bàn tay của 15 nghệ nhân từ miền Trung vào. Các đề tài tứ linh, tứ thời, “phúc - lộc - thọ” được chạm trổ rất điêu luyện. Mỗi đầu kèo đều được chạm khắc hình rồng, phần giữa kèo, nơi tiếp giáp với đầu cột được chạm một bông hoa nổi lớn, trên các thanh xà đều trang trí hoa văn. Những công đoạn khó ở trên cao, nghệ nhân phải mắc võng trên trần để thực hiện. Ba kiến trúc sư thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phải mất hơn nửa tháng mới vẽ xong toàn bộ căn nhà để góp phần vào việc phục chế, sửa chữa lại căn nhà quý giá này.  Bộ lư đồng thờ cúng, các tấm liễn sơn son thếp vàng, khảm xà cừ, bộ bàn ghế, trường kỷ có chạm khắc, bộ xalông thúng, bàn quay tròn, đèn lồng, tủ, giường trong ngôi nhà cổ này đến nay vẫn còn được gìn giữ cẩn thận.    
 

 

Năm 1997, ngôi nhà cổ “trăm cột” này được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Ong Trần Văn Ngộ, cháu nội Hội đồng Trần Văn Hoa hiện là vị chủ nhà kiêm luôn thuyết minh lẫn nhân viên bảo vệ di tích.   

“Xóm nhà giàu” ở xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành để chỉ 4 căn nhà nằm liền nhau do 4 anh em nhà họ Nguyễn xây dựng khoảng từ năm 1900 - 1908.    Bốn ngôi nhà đều có chung kiểu kiến trúc chữ công, ba gian hai chái, lợp ngói đại ống và được bao quanh bằng hàng rào với những thanh sắt được tạo dáng một cách công phu và tao nhã. Điều gây ấn tượng đầu tiên là 4 hàng cột, mỗi hàng 6 cột, đường kính một vòng tay người ôm, làm bằng gỗ căm xe lên nước đen bóng.      

 Giữa các hàng cột là 3 bao lam với những mảng chạm khắc hình muông thú, hoa trái vô cùng tinh xảo. Chỉ riêng việc trang trí nội thất cho ngôi nhà đã mất 3 năm trời. Các bao lam trung tâm phía dưới chạm hoa sen lá xòe, lá cụp, gương sen mãn khai lẫn búp sen; bên trên chạm cây tùng, chim trĩ, hoa cúc và chim hoàng anh, trông thật sinh động. Giữa bao lam chạm cuốn thư khắc ba chữ “phúc - lộc - thọ” theo kiểu chữ triện chân lư, dưới cùng là môtip bướm và hai bao lam tả hữu giống nhau, chạm hoa hồng và chim sẻ, cây tùng và chim công, chim hoàng anh và hoa cúc, ở giữa chạm dơi tả thực và dơi cách điệu. Kỹ thuật chạm lộng đặc sắc, tinh xảo, nét đục sắc gọn, đường vuốt công phu.  Ngoài ra, còn có những hoành phi, liễn, câu đối mang đậm nét văn hoá phương Đông; tất cả được bảo quản rất tốt. Nhiều đoàn làm phim đã mượn bối cảnh ở đây làm trường quay, cũng như  đã có nhiều thợ chạm khắc đến tham quan, học hỏi tay nghề bậc thầy của người xưa.

BẾN TRE.

Nhà của Hương Liêm (tức Huỳnh Ngọc Khiêm, sinh 1842) ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú được xây dựng trước năm 1900. Một điền chủ có trên 2.000 mẫu ruộng.         

Nhà cổ Bến Tre
 

Ngôi nhà trông rất đồ sộ, kiến trúc như một ngôi đình. Nhà cất theo hình chữ nhật, chu vi khoảng 100m với 48 cột bằng gỗ lim và căm xe quý. Cột hàng ba cao 3,5m, mỗi cột chu vi khoảng 80cm. Cột chính cao 4,5m, mỗi cột chu vi hơn 1,2m. Nhiều cột có chạm khắc, cẩn chữ Hán, hoa văn bằng ốc xà cừ. Xuyên, trính, kèo đều được chạm trổ. Hoành phi sơn son thếp vàng với 4 chữ: Hiếu, Để, Trung, Tín. Thành vọng chạm, lọng, với những họa tiết phong cảnh hay tứ linh trông thật sống động. Tủ, bàn, trường kỷ và hàng chục bức chạm khắc gỗ theo các điển tích xưa được cẩn xà cừ.  Mái lợp ngói âm dương, trên từng miếng ngói có in cảnh sinh hoạt dân gian với các chủ đề quen thuộc như mục đồng cưỡi trâu, con gà, con cua, bó lúa…Nền cao trên 1m, viền bọc nền là những thớt đá hoa cương dài 2 - 3m, được đục và gắn kết liền mặt, bao quanh nền nhà. Ngày trước thợ chạm, lọng thành vọng, cửa nhà, vách nhà được tính tiền công theo số dăm bào trong ngày, bao nhiêu chén dăm bào thì trả bấy nhiêu tiền. Việc vận chuyển gỗ, đá để làm nhà theo đường sông Hàm Luông. Ngôi nhà do những người thợ tài hoa của Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Cần Giuộc (Long An) đến xây dựng. Người ta kể rằng, khi làm lễ khởi công, kéo gỗ từ ngoài bến vào, thợ làm nhà ăn bưởi cúng lễ khởi công rồi vứt hạt ra xung quanh. Những hạt bưởi đó mọc thành cây, lớn lên ra lứa quả đầu tiên (trong khoảng 5 năm) mà ngôi nhà vẫn chưa làm xong!

CẦN THƠ   

Ngôi nhà cổ năm gian hai chái nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ được xây dựng từ năm 1870. Nhà kiến trúc theo kiểu Pháp với nền nhà được nâng cao 1m so với mặt sân, có bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã nối kết nhà với khoảng sân rộng, trần cao trang trí hoa văn, mở nhiều cửa lớn nhỏ với khung sắt uốn khá đơn giản trông ngôi nhà có vẻ thông thoáng, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi. Toàn bộ gạch bông hoa hồng đỏ, đen lót nền nhà cùng hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên đều được đặt và chở từ Pháp sang. Đây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn ở đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện khá đầy đủ những đặc trưng về nhà ở nông thôn khu vực này ở thế kỷ trước. Đó là nhà luôn gắn với vườn với hơn 6.000m/8.000m2 toàn khuôn viên; rộng 22m; chiều dài 16m. Tiền sảnh dùng để tiếp khách mà không chia thành các phòng nhỏ, hai cửa hậu thông ra khu nhà ở phía sau, sân rộng có lát gạch tàu có đủ hòn non bộ, chậu kiểng, cổng tam quan, khu nuôi thú…

Các đồ vật trong nhà được bố trí hài hoà: hai bộ bàn ghế Vân Nam (Trung Quốc), xalông kiểu Pháp đời Louis XV, chùm đèn bạch đăng thế kỷ 18, cặp đèn treo thế kỷ 19, lavabô cùng bốn cây đèn đường đốt bằng dầu cao hơn 3m được chế tác tại Pháp vào thế kỷ 18, tách nậm trà - rượu đời Minh -  Thanh…Trước đây, để xử lý chống mối mọt và giữ độ lạnh trong nhà, người ta rải đều dưới nền nhà một lớp muối hột dày 10cm. Nhà không dùng ximăng để xây mà dùng ô dước. Hệ thống vì kèo, bao lam cùng 16 cây cột lớn đường kính 180cm, cao 4 - 6m được nối kết bằng mộng - ngàm.    

Giữa tiền sảnh, nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ, khánh thờ tổ tiên, phía sau là giường thờ luôn trải chiếu, tủ chè, sập gụ, trường kỷ, cặp thành vọng cao hơn 3m…do những bàn tay tài hoa của nghệ nhân ba miền tạo tác bằng gỗ quý được phủ sơn son thếp vàng hoặc cẩn xà cừ, nét chạm khắc rất tinh tế.  Ngôi nhà này từng là phim trường của hàng chục bộ phim trong đó có bộ phim nổi tiếng Người tình của đạo diễn Pháp J.J. Annaud vào tháng 3 - 1990.

ĐỒNG THÁP       
 

Nhà cổ Đồng Tháp Nhà cổ Đồng tháp
   

Nhà của Hương chủ Dược ở làng Tân Phú Đông (nay thuộc thị xã Sa Đéc) được xây dựng vào năm 1860, nằm trên hương lộ 5 nối liền Sa Đéc với Hà Tiên. Ngôi nhà có bề ngang 18,7m, dài 16m, cao 7m, trên lợp ngói, cấu trúc theo kiểu ba căn hai chái bát dần (gọi là kiểu nhà tám đấm, tám khuyết), làm toàn bằng gỗ căm xe. Nhà có mái hiên với hàng cột vuông tám cây, cây nào cũng đục, khắc chữ Hán. Sau hàng cột vuông là hàng cột tròn, to, cao, uy nghi đường bệ. Ngay giữa bao lơn rộng lớn là một bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. Ngăn giữa bao lơn và gian trong là vọng cửa với ba cửa lớn có hoa văn được chạm trổ rất công phu, đường nét sắc sảo, tinh tế.    Ngay gian giữa nhà là nơi thờ tổ tiên với tủ thờ, giường thờ, đồ thờ, lư đồng, bên trên có một tấm bảng sơn son thếp vàng ghi dòng chữ Nguyễn phủ đường. Hai bên là tủ thờ của người trong thân tộc. Gian trong là nơi nghỉ ngơi của gia đình, hai bên chái dùng làm chỗ sinh hoạt thường ngày.     

Ngôi nhà quy tụ những thợ giỏi của miền Bắc, miền Trung và cả Nam Vang (Campuchia), công việc kéo dài đúng một năm ròng. Giá trị ngôi nhà là 950 đồng bạc lớn vào lúc bấy giờ. Hiện ngôi nhà do ông Lê Văn Võ (81 tuổi), cháu năm đời của Hương chủ Dược trông nom.

KIÊN GIANG      

Nhà của ông Trần Chánh (người Hoa), toạ lạc tại số 27, thị xã Rạch Giá được xây trong 9 năm từ 1911 đến 1920, thuộc loại đồ sộ nhất Rạch Giá lúc bấy giờ. Ngôi từ đường của Trần phủ rộng 2000m2, kiến trúc ba gian hai chái, theo dạng “nội công ngoại quốc”, chất liệu gỗ truyền thống, riêng phần nền cao 7 tấc ở cái xứ biển hồi đầu thế kỷ trước quả là kỳ công. Nhà cao 9m, móng nền xây đá, tường nhà xây bằng gạch thẻ, mái lợp ngói âm dương. Mỗi gian rộng 3m, mỗi chái rộng 4m, chiều sâu 16,2m, hàng hiên chạy bốn mặt.    

Thiết kế bên ngoài chịu ảnh hưởng theo lối kiến trúc Pháp thời bấy giờ, chỉ có khác là phần trong làm toàn bằng gõ đỏ theo kiểu kẻ chuyển, tiền kẻ hậu bẩy có soi chạm, hoành tháo xẻ (hoành vuông). Kết cấu chịu lực cả ngôi nhà theo sáu vì kèo, gồm 30 cột chia ra làm 8 cột cái, 16 cột quân và 6 cột hiên, đều làm bằng căm xe. Cột kê tảng bằng đá giáp hộc (cao 0,45m).   

Nếu như nơi tiền sảnh, mặt trước, mặt sau và hai bên hông của ngôi nhà được xây dựng theo kiểu Pháp (Vila Daniel) thì nơi chính điện để thờ ông bà lại theo phong cách kiến trúc phương Đông. Thần vọng, khám thờ, hoa văn trên các khung cửa và cột kèo bằng danh mộc được sơn son thếp vàng, chạm khắc rất công phu. Ba gian giữa nhà ngăn với tây phòng, đông phòng là hai bức thuận cao 3,60m. Các hình trên giàn chạm trổ mai, tùng, trúc, sen, lan, đào, mẫu đơn và dây nho cách điệu; chim muông gồm phượng hoàng, khổng tước, anh vũ xen lẫn bầu rượu, ống thơ, sách bên cạnh nét mềm mại của dải lụa.   Trên trăm tay thợ trứ danh ở Gia Định, miền Bắc đảm nhận việc xây dựng ngôi nhà trong suốt 9 năm. Tiếc là phần mái nhà do phải trùng tu (vẫn mái ngói âm dương) nên ít nhiều mất đi vẻ trầm mặc vốn có.  Thời Pháp, ngôi nhà bị trưng dụng làm toà án. Đến thời Mỹ dùng làm câu lạc bộ tổ chức các cuộc giao lưu của các quan chức cỡ lớn. Sau năm 1975, ngôi nhà cổ được sử dụng làm nhà triển lãm của Sở Văn hoá Thông tin Kiên Giang. Từ năm 1981 trở thành Nhà bảo tàng Kiên Giang. Năm 1993, ngôi nhà đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.



NGUYỄN THANH LỢI (tổng hợp)

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12