Nhà Rường Huỳnh Phủ - Bến Tre
Làng Đại Điền xưa nổi tiếng là vùng đất trù phú có nhiều người giàu có, trong số đó có những người mà đến nay vẫn được người dân trong làng nhắc đến như Đốc Phủ Kiểng, Phó Hoài, ông Hương Liêm… Qua một thời gian dài với biến động của thời cuộc, cơ ngơi của các nhân vật trên không còn lại gì, chỉ duy nhất ngôi nhà của ông Hương Liêm là vẫn tồn tại như một bằng chứng về thời kỳ vàng son của chủ nhân nó khi xưa.
Ông Hương Liêm có 6 ngôi nhà gồm một ngôi nhà chính là nơi thờ cúng và nghỉ ngơi của ông bà, 5 ngôi nhà phụ được bố trí hai bên và phía sau để làm nơi sinh hoạt, nhà kho, nhà xay lúa, nhà cầu. Cổng và các ngôi nhà phụ đã bị hư hỏng hoàn toàn, dấu tích còn lại chỉ là những thềm đá. Ngôi nhà hiện còn mà người dân trong vùng thường gọi là nhà ông Hương Liêm hay Huỳnh Phủ, là ngôi nhà chính cũng là ngôi nhà lớn và đẹp nhất bấy giờ. Căn cứ vào bức hoành phi mừng tân gia cho họ Huỳnh do tri huyện Bảo An họ Võ tặng vào năm Giáp Thìn và các dòng chữ ghi trên khán thờ ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm thì ngôi nhà được hoàn thành trước năm 1904 (Giáp Thìn), vì năm 1904 là năm tổ chức tân gia và hai năm sau đó 1906 (Bính Ngọ) phần nội thất thờ tự mới thực hiện. Như vậy, ngôi nhà được xây dựng khoảng cuối thập niên 80 hoặc đầu thập niên 90 của thế kỷ XIX.
|
Bộ cửa chính |
Thợ làm nhà là những người thợ ở Miền Trung vào, nơi vốn nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ từ lâu đời. Các thợ mộc được tính tiền công mỗi ngày bằng hình thức đong dăm bào bằng chén ăn cơm. Ông vốn là người tỉ mỉ nên dù giá công cao nhưng thợ không được làm quá 1 chén dăm bào một ngày vì như vậy cho là làm dối. Theo lời kể phải hơn 13 năm ngôi nhà mới xây dựng xong. Nhìn các công trình chạm khắc gỗ dày đặc và tỉ mỉ ở nội thất, chúng ta thấy thời gian xây dựng kéo dài là hoàn toàn hợp lý. Khi mà ở thời điểm bấy giờ toàn bộ từ các chi tiết nhỏ như tiện, đục, bào, chạm đều được làm bằng thủ công.
Nét đẹp chạm khắc của ngôi nhà
|
Bao lam hàng cột trước khám thờ |
Huỳnh Phủ là một trong những công trình kiến trúc nhà ở bằng gỗ đẹp mang phong cách nghệ thuật nhà Nguyễn và được xếp vào loại di tích kiến trúc nghệ thuật. Qui mô xây dựng khá lớn nhưng phần chạm khắc trang trí cho ngôi nhà mới là phần có giá trị nhất.
1. Qui mô kiến trúc ngôi nhà:
Qui mô kiến trúc ngôi nhà hiện còn gồm ngôi nhà chính có diện tích 244,77m2 với một căn phụ bằng gạch nối liền ở góc phải. Nhìn từ bên ngoài và theo các hàng cột phía trước của ngôi nhà ta thấy có chín gian, nhưng thực ra đây là ngôi nhà ba gian được mở rộng ra bốn phía mà thợ mộc xưa ở Nam Bộ gọi là “Nhà tám đấm, tám khuyết” – một kiểu nhà rất to ngày xưa và chỉ có những người thật sự giàu có mới có khả năng xây dựng. Nhà xây dựng trên nền cao 0,7m chung quanh được kè đá xanh, thềm cũng được viền bằng những thanh đá xanh. Vách và hàng cột ngoài cùng làm bằng vôi gạch, nhưng nội thất và sườn nhà làm bằng các loại gỗ có giá trị cao như: gỗ lim, thau lau. Nhà có 80 cây cột (48 cột gỗ và 32 cột gạch ở hàng thứ tư) làm theo kiểu nhà xuyên trính (nhà rường ở Huế) với hai hàng cột cái gồm 8 cây – còn gọi là đại trụ – đứng song song nhau. Các cây cột cái cao trên 5,5m có chu vi 1,2m được gắn kết với nhau từng cặp theo chiều ngang bởi các cây trính và theo chiều dọc mỗi hàng có một thanh gỗ dài xuyên qua 4 cây cột. Mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói có hoa văn. Hai đầu song được xây kín và trang trí hình một bông hoa 4 cánh rất sắc xảo.
2. Trang trí chạm khắc của ngôi nhà:
Hình trang trí được chạm khắc khắp nơi trong nhà, từ vì kèo, khung cửa, bao lam tới vách ngăn. Các tấm chạm đã đạt tới trình độ cao của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Bên cạnh các đề tài truyền thống thể hiện ước vọng về sự trường tồn, thanh tao, quyền quí là các hoa văn chạm khắc theo xu hướng tả thực với sự quan sát diễn tả rất sinh động các đối tượng miêu tả. Đầy hơn trong không gian chạm khắc này là các vật dụng đồ gỗ, nó cũng được đóng cùng lúc và cho riêng căn nhà với sự chạm khắc tỉ mỉ, cầu kì, cẩn ốc xà cừ như bàn, ghế, trường kỷ, bàn thờ…
|
|
|
Vách tường được tạo bởi ô hộc và chấn song |
Chi tiết cánh cửa |
Quấn thư trên đầu cột |
Phần chạm khắc trang trí đầu tiên là các bộ phận kiến trúc như vì kèo, đầu kèo, cuối đuôi kèo, đuôi kèo đòn tay, cột, xuyên, trính rất công phu và sắc xảo… và trên cả những cái đố sát nền nhà cũng được chạm trổ, điều thật khó tìm thấy ở các ngôi nhà rường cổ khác trên nhiều địa phương trong cả nước.
Gần như các kèo của ngôi nhà đều được chạm trổ. Kèo chạm ít thì chạm ở đầu kèo như chạm nổi hình đầu rồng theo lối hoa lá hóa long, hoặc một chùm trái lựu. Kèo chạm nhiều thì chạm kín hai mặt kèo, hoa văn được chạm sinh động như các loại trái cây Nam Bộ, với các con vật gần gũi như chuột, chim… các loại hoa lá như dây leo, dưa hấu, hoa mẫu đơn, cúc cùng các vật dụng như cuốn thư, đàn tỳ bà. Từ hàng cột thứ ba ra hàng cột thứ tư là những thanh gỗ nhỏ, mỏng hơn làm dạng đầu rồng đuôi phụng; phần cạnh trên có hình cong gợn sóng, phần lõm xuống là nơi các cây đòn tay đi qua, tạo vẻ đẹp thanh thoát mà chắc chắn cho các cây đòn tay. Đặc biệt, gần cuối đầu kèo nơi giao với đầu cột hàng tư, mỗi cây được chạm hình một trong các tứ linh với phong cách đặc trưng của Huế gồm sen hóa quy, Phật thủ hóa long, mai hóa lân, cúc hóa phượng. Cùng sự xuất hiện họa tiết hoa văn ngũ phúc (5 con dơi) hay các vật trong bát bửu : bút, cuốn thư, bầu rượu, đoản đao… được cách điệu. Đây là những đề tài dân gian truyền thống, thể hiện sự mong muốn của người xưa về hạnh phúc. Các hoa văn chạm nổi theo kiểu đối xứng hai mặt của từng cây kèo, đối xứng kèo mái nhà trước và kèo mái nhà sau, đối xứng góc.
|
Khám thờ |
Nhà có hai lớp vách gọi là vách đôi, lớp ngoài là tường, bên trong là vách gỗ. Phần trang trí nội thất chạm khắc tập trung ở lớp vách gỗ bên trong bao quanh năm gian nhà: 3 gian chính ở giữa và 2 gian phụ hai bên. Hoa văn ở các cửa, vách được đục chạm trong các ô lớn nhỏ hình vuông hoặc hình chữ nhật có khung viền gọi là trám hay ô hộc. Các trám hình chữ nhật được đặt nằm hoặc đứng xen với các trám suông tạo nên sự hài hòa, vui tươi cho mặt vách. Các ô hộc được trang trí hoa văn chìm nằm sâu trong khung viền, chạm lộng trang trí hoa văn lồi lên bằng mặt khung viền được sử dụng cho chạm nổi. Hoa văn chạm trên vách khá phong phú như hoa sen, khế, đào lộn hột, lựu, mãng cầu… cùng các con vật như lân, sóc cùng các đồ án dây hóa long, mai hóa long, bách điểu, cá hóa long, dưa hấu hóa phụng. Trong các trám còn sử dụng hình chạm lộng chữ Hỷ, Phúc và chữ Thọ.
Các trám ở phần khuôn sáo được chạm lộng để thông gió và lấy ánh sáng từ bên ngoài. Trám chữ nhật được lộng chữ rất tinh xảo hoặc chấn song to nhỏ đều đặn, thưa, dày khác nhau tạo sự thay đổi dễ chịu về thị giác. Còn các trám vuông lộng chữ hoặc hình các loại trái cây có bố cục đẹp mang tính địa phương như mãng cầu, bưởi, khế, măng cụt, điều chen giữa các bản chạm hoa hồng, hoa cúc…
Bốn cây cột cái phía ngoài và các cột ở năm cửa trước đều có liễn áp cột. Các liễn được viết bằng chữ Hán với hình thức đa dạng chữ lồng trong hoa lá, tranh và chữ “nhất họa nhất thi”, hoa lá nằm trong chữ và được bố trí đối xứng theo từng gian, chữ và hoa văn được cẩn xà cừ tỉ mỉ, công phu và khéo léo. Phần vách từ xuyên trở xuống có các hoa văn đa dạng nhất. Tùy theo mỗi cửa hoặc mỗi vách mà hoa văn được thể hiện khác nhau theo khung bao với các đố ngang, đố dọc. Hoa văn trang trí trên khung cửa chạm nổi xen với cẩn ốc xà cừ. Cửa giữa là cửa lớn nhất có hình cánh cung, khung cửa và kỷ đều có chạm trổ cầu kỳ văn hoa dây, tổ ong, cuốn thư. Trên cao là tấm biển “HUỲNH PHỦ” viết bằng chữ Hán theo lối đại tự được sơn son thếp vàng. Phần khung được chạm nổi kiểu truyền thống hoa dây, cuốn thư và tổ ong. Phần giữa đố dọc trang trí hoa văn chạm nổi xen kẽ với hoa văn cẩn xà cừ rất tinh tế. Dọc hai bên là mô típ hoa lựu, tùng lộc, mai điểu, bướm, phía trên là hoa dây leo, lựu, dơi, đàn tì bà được chạm khắc theo lối cách điệu. Các hình ảnh quen thuộc của mẫu đơn, sen, hạc, bách điểu, dơi, cá, lựu hóa cá, lựu hóa rồng hoặc phụng và các hoa văn hoa lá có cẩn xà xừ làm tăng thêm vẻ đẹp của cửa. Phần hai góc phía ngoài cánh cung chạm trổ mai trĩ, mai lan duyên dáng, uyển chuyển rất đẹp mắt. Đố ngang chia phần trên của khung bao lam làm 3 tầng; giữa phần này có một trám vuông lớn được chạm 3 con lân đang nhảy múa dáng rất động. Hoa văn các trám chữ nhật nhỏ được lộng chữ Thọ (kiểu Hán tự). Các trám còn lại được chạm trổ rất điêu luyện, khối của các mô típ rất cao, nét khắc trau chuốt, gần như tả thật các con vật gần gũi như tôm, cua, cá, xen cây cỏ. Còn cửa gồm 4 cánh rất dày, làm tbeo kiểu chuỗi dưới là trám chạm nổi sen – vịt – ếch và sen – chim – cá – lúa đối xứng ở hai bên, cảm nhận về thiên nhiên trù phú.
Giống như phần cửa giữa, cửa hai gian hai bên đều chạm trổ phức tạp. Phần giữa của các đố trong có các hoa văn chạm nổi như dây dưa hấu, sóc, chim, nho, bướm… các dây nho và dưa hấu được chạm nối quấn nhau và đều được hóa rồng, hóa phụng. Các ô hộc xen kẽ nhau bằng những hình vuông, chữ nhật đứng, nằm chạm nổi các mô típ hoa văn như lân, phụng, dây leo xen kẽ với các hoa văn cẩn xà cừ. Ở chân là bình hoa mẫu đơn, hai bên là mai – lan – trúc – điểu với thân mai được chạm hình rồng (mai hóa long) duyên dáng, tỉ mỉ. Hai góc ngoài chữ U chạm một chùm quả lựu cách điệu. Cửa vào hai gian phụ làm theo kiểu “thượng song hạ bản” có khung bao bên ngoài được trang trí các hoa văn chạm nổi dày đặc, sinh động như: hoa lan, lựu, dưa hấu,… xen kẽ với các hoa văn cẩn ốc xà xừ, khoảng giữa là các song tiện hình chuỗi. Riêng khu hình vòng nguyệt được trang trí các mô típ hoa văn dây hóa long, hoa mẫu đơn – chim trĩ, dưa hấu hóa long, sóc… Các ô hộc được chạm nổi hai lớp rất công phu với hình loan, phượng vờn mây.
|
Vách và gian cửa bên, sự kết hợp giữa các ô hộc và chấn song. Các đồ án được chạm trổ và cẩn ốc |
Các cửa đầu song có hình cánh cung kích thước giống như cửa hai gian chính thức phía trước nhưng hoa văn trang trí khác nhau. Các trám vuông to nhất ở đố ngang phía trên chạm hình lân (cửa trái), hình long, phụng (của phải) các trám chạm nổi rất sắc xảo, các loại cây trái xen với chạm lộng các chữ Vạn và chữ Phúc. Phần khung cửa ở các đố dọc, đố ngang được chạm đục hoa văn đủ loại. Ba gian thờ chính là nơi trang trọng nhất của ngôi nhà nên tất cả hoa văn câu chữ trang trí đều được sơn son thiếp vàng hoặc cẩn xà cừ. Bốn cột cái có bao lam cột bao quanh với thủ quyển ở đầu và liễn áp cột, trên khuôn sáo ở ba gian thờ chính treo ba bức hoành: Gian giữa “HIẾU ĐỆ TRUNG TÍN”, bên phải “THỌ NAM SƠN”, bên trái “LAN QUẾ PHƯƠNG”. Bao lam cột có khung bao bên ngoài, phía trên là các trám, dọc hai bên khung bao lam các hoa văn được chạm nổi theo từng cụm dạng tứ quý: Mai – Lan – Cúc – Trúc, chân khung bao lam có kỷ gỗ kê chân áp cột hình nửa chiếc độc bình, miệng bình là đĩa ngũ quả: lựu, điều, khế hoặc đào tiên, xoài; thân bình chạm nổi hình hoa mai, cúc, trúc.
Hoa văn ở khám thờ của mỗi gian mang tính chất khác nhau nhưng đều trang trí phức tạp. Bao lam cột chạm nổi cầu kỳ, hình lưỡng long chầu nhật, hai bên lan – bách điểu (gian giữa); chạm hình mai hóa long, chuột – quả – lựu, sóc – hoa lan (gian bên phải); bao lam giữa là cuốn thư mở, hai bên bao lam là đơn trĩ cùng với chuột – hoa lan (gian bên trái). Liễn áp cột ở hai cột gian giữa là 24 bức tranh minh họa được chạm và cẩn ốc xà cừ về truyện Thập Nhị Tứ Hiếu. Mỗi bức tranh có 3 câu thơ gồm 20 chữ trích trong sách “Nhị Thập Tứ Hiếu”. Khám thờ làm hai lớp kiểu long trụ chạm hình tứ linh, chân long trụ chạm hình lân, trên đỉnh là hình lưỡng long chầu nhật, dọc theo bao lam hình quy, phụng và hoa lan. Hoặc chạm hình loan phượng chầu nguyệt ở trên đỉnh, hai bên chạm long giáng, hoa mẫu đơn – trĩ; cúc – trúc; tùng lộc; mai – lan…
Tùy theo kiểu chạm khắc mà hoa văn khác nhau, hoa văn chạm lộng, ngoài lọng hình còn có lọng chữ (Hán tự) hoặc song; chạm lưới với hoa văn hình tổ ong. Đặc sắc và công phu nhất là hoa văn ở các trám với kiểu chạm nổi hai lớp, lớp bên trong có hình chữ thập, hình mắt lưới, hình tròn, hình cánh hoa… lớp này làm nền cho lớp hoa văn chạm nổi bên ngoài. Hoa văn ở từng mảng không đơn thuần mà thường là kết hợp các loài động thực vật trong cùng một chủ đề: sen – vịt – ếch, chim – sen, chim – gà – hoa cỏ; mai – đào… Điều làm cho các hoa văn trang trí hấp dẫn sinh động là dù cùng một chủ đề nhưng các nghệ nhân đã thể hiện chúng ở các tư thế khác nhau, không có sự trùng lắp ngay cả trong cùng mảng trang trí. Hai con cùng loại trong một trám được làm ở tư thế ẩn hiện hoặc đối nghịch nhau như cua một con nằm úp, một con ngửa; chim, chuồn chuồn, bươm bướm: con bay, con đậu. Có nơi các con thú được thể hiện ẩn trong cây lá, chim chóc treo lơ lửng trên cành, luồn lách qua những cây trái thật sinh động.
Đồ án trang trí còn thể hiện sự phóng khoáng của các bậc thầy tài hoa trong việc kết hợp đề tài dân dã là các loài động thực vật quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của cư dân địa phương như chuồn chuồn, lựu cá, chim, mãng cầu… xen với các đề tài theo khuôn mẫu đã có tứ linh; tứ quý, tứ thời. Các mô típ phương Tây cũng xuất hiện một cách nhuần nhuyễn như hoa hồng, nho, sóc, chuỗi ngọc. Đây là một di tích kiến trúc có nhiều yếu tố mỹ thuật quý giá, đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử trang trí của mỹ thuật truyền thống Việt Nam tại Nam Bộ.
Phạm Thanh phương
Ảnh trong bài: Nguyễn Thành Công
Tài liệu tham khảo:
[1]- Bảo tàng Bến Tre : Lí lịch di tích.
[2]- Tạp chí “Kiến trúc nhà đẹp” số tháng 7 năm 2002.
[3]- Qua lời kể của ông Huỳnh Ngọc Chất, 74 tuổi cháu đời thứ 5 của ông Huỳnh Ngọc Khiêm và ông Tô Quang Minh 80 tuổi – cháu rể đời thứ 5 của ông Huỳnh Ngọc Khiêm.
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12