Thông tin Mỹ thuật số 11-12

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Hợp Tác Đức - Việt Trong Dự Án Bảo Tồn Tranh Tường An Định Cung

Trung Lập Đình ở phía trước An Định Cung. Ảnh: T.H

An Định Cung là công trình kiến trúc độc đáo của vương triều Nguyễn (1802 - 1945) ở Huế vào đầu thế kỷ XX. Từ năm 1902, nơi đây là phủ đệ của hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con trai vua Đồng Khánh (1885 - 1889). Năm 1916, Bửu Đảo được đưa lên làm vua, lấy niên hiệu là Khải Định, thay cho vua Duy Tân (1907 - 1916) vừa bị thực dân Pháp bắt đi đày ở đảo Réunion (Madagasca, châu Phi). Sau khi lên ngôi, năm 1917, vua Khải Định cho khởi công xây dựng cung An Định, đến mùa đông năm 1918 thì hoàn thành. Nhà vua cho xây dựng An Định Cung để ban tặng cho hoàng trưởng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này).
Được xây dựng bởi một équipe thợ giỏi của Huế lúc bấy giờ như: Đệ nhất xảo thủ Nguyễn Văn Khả, thợ vẽ Lương Quang Duyệt, cung An Định là một tổng thể kiến trúc với gần 10 hạng mục công trình trong một khuôn viên rộng hơn 3 ha nằm ven bờ sông An Cựu. Cung An Định là một bằng chứng điển hình cho sự kết hợp giữa hai phong cách: kiến trúc châu Á và kiến trúc châu Âu.
Vào đầu thế kỷ 20, kiểu kiến trúc Tân cổ điển (néo-classique) phong cách châu Âu đã bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ vào Việt Nam. Khải Tường Lâu, công trình kiến trúc chính, hiện vẫn tồn tại ở An Định Cung, là một trong những kiến trúc tiêu biểu cho phong cách này. Với sự nỗ lực của các kiến trúc sư người Pháp; của các họa sĩ và nghệ nhân truyền thống Việt Nam, phần trang trí nội và ngoại thất của Khải Tường Lâu là đỉnh cao của sự kết hợp giữa thể loại tranh tường và các phù điêu trang trí. Đặc biệt, toàn bộ nội thất của hai tầng dưới và phần tường của tầng 3 được trang trí nổi bật bằng các bức tranh vẽ trên tường và trần theo motif và kỹ thuật của châu Âu, kết hợp với các đề tài trang trí Huế một cách nhuần nhuyễn, đã mang lại một hiệu quả thẩm mỹ cao. Ở sảnh chính của tầng 1 có 6 bức tranh tường rất đẹp, vẽ cảnh lăng tẩm các vua nhà Nguyễn, được đánh giá là những kiệt tác của nghệ thuật tranh tường Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.
Sau gần 90 năm tồn tại, thời gian, khí hậu khắc nghiệt của miền Trung và sự tàn phá của chiến tranh đã làm cho An Định Cung bị hư hại trầm trọng: Cửu Tư Đài, nhà hát cung đình trong An Định Cung bị sụp đổ hoàn toàn; các bức tranh tường ở nội thất Khải Tường Lâu bị phai mờ, biến dạng; nhiều mảng tường trước đây được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết rất tinh xảo đã bị phủ bằng nhiều lớp vôi dày hoặc bị mồ hóng và hơi ẩm làm ố màu; nhiều hạng mục công trình ngoại thất khác cũng bị hư hại hoặc thay đổi chức năng. An Định Cung trở nên hoang phế trong một thời gian di.

Chuyên gia Đức đang hướng dẫn các họa sĩ Việt Nam cách làm xuất lộ họa tiết ẩn dưới các lớp vôi. Ảnh: T.H

Ngày 27/2/2002, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định bàn giao An Định Cung cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế) quản lý sử dụng, đồng thời phê duyệt Dự án đầu tư tu bổ, chỉnh trang An Định Cung phục vụ Festival Huế 2002 và 2004. Năm 2002 và 2004, Trung tâm BTDTCĐ Huế và Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung (Phân Viện KHCNXD miền Trung) đã trùng tu hoàn chỉnh phần ngoại thất; tu sửa lại trần gỗ tầng 3 của công trình và chỉnh trang hệ thống sân vườn bên ngoài. Tuy nhiên phần nội thất của công trình đòi hỏi phải có sự tu bổ khoa học và chuyên môn cao, nhất là việc phục hồi các bức tranh tường trong Khải Tường Lâu, nên cần phải có sự tham gia của chuyên gia bảo tồn châu Âu trong việc phục hồi các tác phẩm nghệ thuật này. 
Chương trình bảo tồn phục hồi trang trí nội thất An Định Cung với sự tham gia của các chuyên gia đến từ châu Âu, là ý tưởng đề xuất của ông Thomas Ulbrich, chuyên gia về lịch sử Nghệ thuật châu Á, Phó Giám đốc Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Leibniz (Berlin, CHLB Đức), là chuyên gia tư vấn tình nguyện cho Trung tâm BTDTCĐ Huế trong lĩnh vực bảo tồn bảo tàng. Ý tưởng này được Trung tâm BTDTCĐ Huế và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho xúc tiến các hoạt động. Đầu năm 2003, Đại sứ quán CHLB Đức ở Việt Nam đã chấp thuận tài trợ bước đầu 17.580 euro để mời chuyên gia phục hồi tranh tường từ Đức sang thực hiện giai đoạn I của chương trình: Bảo tồn phục hồi 6 bức tranh ở sảnh chính Khải Tường Lâu - An Định Cung và tiến hành đào tạo kỹ thuật phục hồi tranh tường theo công nghệ châu Âu cho một số học viên ở Huế.
Tháng 4/2004, với sự nhiệt tình và tâm huyết của 4 chuyên gia bảo tồn đến từ Đức, cùng với sự hỗ trợ tích cực của 9 học viên thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế, Phân Viện KHCNXD miền Trung và Đội Nề ngõa truyền thống Huế, công việc bảo tồn và phục hồi sáu bức tranh tường trang trí ở sảnh chính Khải Tường Lâu đã được hoàn thành sau 2 tháng thi công.

Một mảng họa tiết trong Khải Tường Lâu xuất lộ sau khi bóc tách các lớp vôi. Ảnh: T.H

Tuy nhiên, An Định Cung vẫn còn khoảng 3.610 m2 tranh và họa tiết trang trí trên trần và tường của 3 tầng công trình đang trong tình trạng bị bong lóc, ố màu hoặc bị các lớp vôi quét tường (của những tu bổ sai quy cách trước đây) bao phủ. Công việc quan trọng nhưng đầy khó khăn là phải tìm mọi cách bảo tồn các họa tiết trang trí trong nội thất Khải Tường Lâu và trả lại cho nơi này diện mạo vốn có của nó. Để làm được điều đó cần phải có sự nghiên cứu khoa học tỉ mỉ và toàn diện, đồng thời phải có nguồn nhân sự có chuyên môn cao để thực hiện công việc một cách bền vững và có chất lượng cao.

Trong hai năm 2004 - 2005, Hiệp hội Leibniz đã tiếp tục phối hợp với Trung tâm BTDTCĐ Hue lập dự án xin tài trợ cho giai đoạn 2 của chương trình: Bảo tồn phục hồi nội thất và đào tạo kỹ thuật tại An Định Cung - Huế, gửi đến Bộ Ngoại giao Đức để xin tài trợ. Theo dự án này, phía Đức sẽ hỗ trợ phần tài chính để mời chuyên gia quốc tế sang giúp Trung tâm BTDTCĐ Huế tôn tạo tranh tường nội thất An Định Cung, còn Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ đóng góp kinh phí đối ứng cho công tác chuẩn bị vật liệu chuyên dụng và điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết. Điểm nổi bật trong chương trình hành động giai đoạn 2 là không chỉ chú trọng công tác bảo tồn phục hồi các phần tranh tường còn lại của Khải Tường Lâu, mà còn đào tạo tại chỗ kỹ thuật bảo tồn (đặc biệt là bảo tồn phục chế tranh tường trên vật liệu gạch đá) cho các chuyên gia người Việt tại Huế. Hiệp hội Leibniz cũng đề xuất thiết lập Phòng Nghiên cứu Bảo tồn Phục chế tranh tường (và vật liệu liên quan) tại Huế, với sự giúp đỡ và phối hợp của các chuyên gia thuộc Đại học Potsdam ở Đức.

Trên: Bức tranh tường vẽ cảnh lăng Gia Long trước và sau khi tu bổ.
Giữa: Bức tranh tường vẽ cảnh lăng Minh Mạng trước và sau khi tu bổ.
Sau: Bức tranh tường vẽ cảnh lăng Thiệu Trị trước và sau khi tu bổ

Đây là một ý tưởng đáng hoan nghênh, vì hiện nay ở Việt Nam nói chung và ở khu vực Huế nói riêng, chưa có chuyên gia hay nghệ nhân đích thực về lĩnh vực này. Đức là quốc gia còn lưu giữ nhiều công trình và tác phẩm nghệ thuật cổ, cũng là nơi có công nghệ bảo tồn và phục chế các tác phẩm nghệ thuật cổ phát triển ở trình độ cao trên thế giới. Huế là nơi còn gìn giữ được những di tích kiến trúc cổ của Việt Nam và một số công trình ảnh hưởng phong cách châu Âu, và là môi trường lý tưởng để nghiên cứu, áp dụng các công nghệ bảo tồn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Được sự bảo trợ của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Hiệp hội Leibnz và Trung tâm BTDTCĐ Huế đã ký kết một dự án thực thi trong 3 năm (2005 - 2007), với 3 giai đoạn, mang tên: Bảo tồn phục hồi  nội thất và đào tạo kỹ thuật tại An Định Cung - Huế. Dự án này có nguồn vốn đầu tư là 444.810,7 euro, trong đó, Hiệp hội Leibnz đóng góp 355.000 euro và Trung tâm BTDTCĐ Huế đóng góp 89.810,7 euro.
Trong giai đoạn I (12/2005 - 2/2006), dự án đã triển khai một số hạng mục công việc, như: Sửa chữa gia cố một số nơi của trần nhà tầng I và II; Khởi động chương trình phục chế toàn bộ tranh tường; Hướng dẫn lý thuyết phương pháp luận về công nghệ bảo tồn tranh tường của Đức và kỹ năng thực hành tại chỗ cho gần 20 học viên người Việt (đa số là sinh viên ngành hội họa của Trường ĐH Nghệ thuật Huế và Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội cùng một sochuyên gia của Trung tâm BTDTCĐ Huế); Tiến hành bóc tách các bề mặt tường còn bị vôi bao phủ; Xem xét đặc điểm và đưa ra biện pháp bảo tồn; Thực hành ứng dụng phương pháp bảo tồn công nghệ Đức và phục chế các họa tiết tranh tường theo nguyên gốc.
Sau khi hoàn tất giai đoạn 1, các chuyên gia Đức đã trở về nước, số học viên tham gia chương trình tạm lui về tiếp tục công việc của mình.
Giai đoạn II (6/2006 - 12/2006) của dự án sẽ bắt đầu vào tháng 6 tới với các hạng mục công việc sau: Tiếp tục hoạt động phục hồi tranh tường tại các công trình tiếp theo; Bóc tách các bức tường, thành cửa sổ, mái đưa, bề mặt trần nhà; Làm sạch và gia cố các bề mặt; Bổ sung và hoàn chỉnh các bề mặt; Tẩy rửa, bổ sung và gia cố lại các bề mặt còn nguyên gốc; Tiếp tục gia cố trần nhà (bóc tách, tẩy rỉ, sơn chất chống rỉ, trát vữa); Hướng dẫn học viên thực hành ứng dụng phương pháp bảo tồn tranh tường công nghệ Đức vào phục chế tranh tường tại An Định Cung.
Giai đoạn III (6/2007 - 12/2007) sẽ hoàn tất các phần việc còn lại mà dự án đã vạch ra: Tiếp tục các hoạt động phục chế tranh tường còn lại; Tổng kết chương trình phục hồi và cấp bằng chứng nhận của Trung tâm BTDTCĐ Huế và Hội Leibniz cho học viên; Báo cáo về quá trình hoạt động của chương trình phục hồi đề xuất phương hướng hành động cho thời kỳ mới (nếu có). Tiến hành các hoạt động quảng bá, giới thiệu hoạt động phục chế qua việc làm phóng sự, phim tư liệu quảng bá trên truyền hình, báo chí.
Dự án Bảo tồn phục hồi  nội thất và đào tạo kỹ thuật tại An Định Cung - Huế đang trong quá trình diễn tiến. Hy vọng khi kết thúc, dự án sẽ đạt được các mục tiêu tốt đẹp mà những người điều hành và tham gia dự án này hướng đến. Đó là:
- Nội thất Khải Tường Lâu của An Định Cung được bảo tồn và phục hồi một cách toàn diện và chính xác nhất theo những tiêu chuẩn bảo tồn và trùng tu quốc tế được nêu trong Hiến chương Venice 1964 của Trung tâm Di sản Thế giới thuộc UNESCO. Vẻ đẹp lộng lẫy của di tích vốn có trước đây sẽ được hoàn trả lại để tiếp tục được tái sử dụng thích nghi nhằm phát huy giá trị của nó trong tương lai - Trung tâm BTDTCĐ Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế được thừa hưởng một công nghệ kỹ thuật bảo tồn phục chế tranh tường và vật liệu gạch đá khá hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế để tiếp tục công việc bảo tồn khu di sản Huế.
- Đào tạo, bồi dưỡng được một lực lượng học viên phục chế người Việt Nam gồm đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nghiên cứu bảo tồn của Trung tâm BTDTCĐ Huế và một số đơn vị liên quan trong tỉnh với các mục tiêu: ứng dụng các phương pháp bảo tồn, kỹ thuật chuyên nghiệp và công nghệ bảo tồn truyền thống; sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật chuyên dụng nhằm ứng dụng các kiến thức và công nghệ bảo tồn của Đức và quốc tế vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam; thực hiện các dự án bảo tồn phục hồi trang trí nội thất mẫu mực cho khu di sản Huế và các khu di sản khác ở Việt Nam.
- Góp phần tạo việc làm cho một số lao động trẻ và sinh viên mới ra trường. Lực lượng học viên tham gia phục chế trong dự án này sẽ có cơ hội tìm được công việc chuyên môn phù hợp ở Trung tâm BTDTCĐ Huế hoặc những cơ quan liên quan khác sau khi dự án kết thúc.
- Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, mỹ thuật và kiến trúc có cơ hội nghiên cứu, tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật Huế và công nghệ bảo tồn trùng tu di tích của châu Âu và kỹ thuật truyền thống của Việt Nam, góp phần tư liệu hóa các thông tin, kỹ thuật công nghệ và kinh nghiệm.
- Cộng đồng địa phương và du khách trong và ngoài nước có dịp chiêm ngưỡng thêm một di tích quan trọng của di sản văn hóa Huế, đồng thời được biết thêm về công tác tu bổ di tích để thêm phần ý thức gìn giữ và bảo vệ tài sản văn hóa của đất nước.
- Củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tổ chức Đức, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là mối quan hệ giao lưu tốt với các chuyên gia Đức sẽ tạo được sự thiện cảm với bạn bè công chúng Đức, thu hút lượng khách du lịch Đức đến Huế, đồng thời, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Đức và Việt Nam.

 

Trân Huyền

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12