Từ Hình Ảnh Đến Truyện Tranh
“Bao giờ việc nghiên cứu tranh truyện đã qua giai đoạn bí truyền và công chúng có văn hóa đã quan tâm đến nó giống như ngày nay họ quan tâm đến nghệ thuật Sonata, Operetta hoặc Ballad thì người ta có thể thông qua việc khảo sát có hệ thống ý nghĩa của nó, phát lộ ra được tầm quan trọng của nó trong việc chế định môi trường sinh hoạt hàng ngày và những hoạt động văn hóa của chúng ta”
Nhà dân tộc phong tục học Umbecto Eco, 1972
|
MORRIS. Lucky luke |
Tranh truyện, trong tiếng Pháp là Bande Dessinée, trong tiếng Mỹ là Comics. Tranh truyện ngày trước được in trên báo chí bằng tranh, chỉ được coi là dành cho người thất học. Người có văn hóa nếu cầm đọc sẽ bị coi là thất học. Ngày nay tranh truyện được yêu thích rộng rãi và chiếm vị trí danh dự trên các ngăn sách báo của thư viện.
Sự phát triển của thuật ngữ
Trong vòng nửa thế kỷ nay, cách nhìn nhận đối với bộ môn nghệ thuật này đã thay đổi nhanh chóng. Có thể nói là một sự phát triển vượt bậc, biểu hiện rất rõ trong cách định nghĩa từ này trong từ điển Petit Larousse Illustré.
Năm 1959 từ “philaactère” được giải thích là “Tranh liên hoàn” tìm thấy trong những công trình kiến trúc thời Trung thế kỷ và Phục hưng.
Bản in có sữa chữa năm 1968 đã thành “câu chuyện được thể hiện bằng tranh vẽ có kèm theo lời đối thoại của các nhân vật”. Và đến năm 1981, từ “tranh truyện” có kèm theo tiếng Anh “comics” và được giải thích là “một dãy tranh liên hoàn” kèm theo lời chú giải thuật lại một hành động (action) mà diễn biến của nó được trình bày thành từng bước nhảy từ hình ảnh này sang hình ảnh khác, không làm đứt quãng tính liên tục của câu chuyện cũng như sự hiện diện của các nhân vật. Kèm theo lời còn có bốn minh họa trích trong bốn tác phẩm truyện tranh nổi tiếng “Lillte Nemo in Slumberland” (Em bé Nemo ở Slumberland), “Tazan”, “Tintin” (nhân vật của rất nhiều truyện tranh được công chúng hâm mộ) trong “sự bí mật của tàu Lincorne”, Lucky Luke trong “Ma Dalton”.
|
SEGAR. Chàng thủy thủ Popey |
Burne Hogarth, đồng giám đốc của School of visual Arts (Trường nghệ thuật thị giác) tại New York viết năm 1967 như sau: “Một số người cho rằng đây không phải là một nghệ thuật thuần khiết, bởi vì nó còn phụ thuộc một phần vào lời chú giải và thực ra cũng chỉ là một thể loại văn học. Nhưng bảo nó là văn học sao được, khi tranh truyện cố từ bỏ cách thể hiện bằng ngôn từ mà chỉ sử dụng động tác (geste), dáng điệu, sự chuyển động?...”
|
|
|
Truyện tranh "The Spirit của họa sĩ Will Eisner. |
FEX MASON. Tarzan. |
ROY LICHTENSTEIN. Trong xe. 1963. Sơn magna trên toan. 172x203,5cm. Tác phẩm này được vẽ từ họa báo và chịu ảnh hưởng của thể loại Comic |
Antoine Roux trong cuốn “Tranh truyện có thể làm nhiệm vụ giáo dục” đã đưa ra 6 tiêu chuẩn của truyện tranh như sau:
1, Truyện tranh trước hết là thứ in ra để phổ biến.
2, Đây là một câu chuyện mang tính chất giải trí (điều này chưa hoàn toàn đúng, như sau đây chúng ta sẽ thấy).
3, Là một liên hoàn tranh.
4, Là một câu chuện có tiết tấu (rythmé). (thật ra không nhất thiết)
5, Ngoài tranh còn có lời chú giải. (không phải bao giờ cũng như vậy)
6, Truyện tranh có “bulles” (nghĩa là lời đối thoại của các nhân vật nằm ngày trong khung tranh, thường được thể hiện bằng những vòng tròn nhỏ và to giống như bong bóng xà phòng) về mặt lịch sử, là một hiện tượng Mỹ chủ yếu dành cho người lớn.
P. Fresnaut-Deruelle cho rằng: “tranh truyện là sự thể hiện bằng cả một hệ thống quan hệ hình ảnh lời văn, với đặc điểm là sử dụng những quả bóng độc đáo, một câu chuyện và chỉ giữ lại trong câu chuyện đó những yếu tố nhìn thấy được”. (Dessins et Bulles Bordas – 1972). Tổ sư của truyện tranh, nhà họa sĩ Thụy Sĩ Rodolphe Topffer, gọi truyện tranh là “văn học bằng tranh”.
Dù định nghĩa cách nào đi nữa thì ta cũng thấy truyện tranh khai thác sáng tạo của hai loại nghệ sĩ: họa sĩ và nhà văn. Vậy truyện tranh là sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình và văn học. Văn học không phải bao giờ cũng cần thiết, bởi vì một loạt tranh nối tiếp nhau, không cần lời chú giải, nhiều khi cũng vẫn làm người xem hiểu được diễn biến câu chuyện và hành động của các nhân vật.
Hơn nữa, truyện tranh không chỉ có chức năng giải trí cho người đọc mà còn truyền đạt được những thứ trừu tượng nhiều khi ngôn từ không thể diễn đạt nổi.
Nền “Văn minh” (civilisation) của hình vẽ
Từ cổ xưa con người đã dùng hình ảnh để đánh dấu sự hiện diện của họ. Ta hãy xem những hình khắc trên đá trong các động hoặc trên vách núi của người thượng cổ.
Thời Trung thế kỷ thì những “kinh thánh bằng hình ảnh” in mộc bản trên giấy hoặc hình vẽ trên tường nhà thờ. Trong thư viện của Vatican hiện nay vẫn còn giữ được một “cuộn tranh về sự tích thánh Josué” được làm trong khoảng từ TK IX đến TK X gồm những bức tranh liên hoàn kể về sự tích của thánh Josué, còn của Moise dẫn đường cho người Do Thái đến miền Đất hứa.
Tranh liên hoàn có chú thích bằng lời văn, đồng thời có cả những lời văn nằm ngay bên cạnh các nhân vật, giống như truyện tranh ngày nay.
Truyện tranh hiện đại thực sự mới phát triển gần đây cùng với sự phát triển của báo chí. Tại Hoa Kỳ người ta làm cuộc thăm dò và được biết trong nửa đầu TK XX, 60% đọc giả khi đọc báo lật xem trang có in truyện tranh trước rồi mới đọc đến những bài khác. Tuy nhiên, loại tạp chí in truyện tranh, trong một thời gian dài vẫn bị các bậc phụ huynh và giáo viên coi là “thứ rẻ tiền”, “thấp kém” thậm chí làm hư trẻ.
Thật ra, truyện tranh nhiều khi tác động khá mạnh đến văn hóa. Họa sĩ Picasso nhận được những truyện tranh Mỹ do bạn gái là Gertrude Stein gửi, ông đã xem một cách thích thú và đã lấy cảm hứng từ nó sáng tác khá nhiều tác phẩm trong đó có bức Ước mơ và dối trá của Franco (1937). Hoặc tập truyện tranh Con mèo bẩn thỉu của họa sĩ Herriman, khi được truyền bá sang Pháp đã trở thành mở đầu cho cả một trường phái trong hội họa: trường phái Dada!
Một số người cho rằng truyện tranh dành cho những kẻ không thích đọc văn chương đích thực! Điều này không đúng. Trong rất nhiều trường hợp hình vẽ làm tăng thêm niềm thích thú đọc ‘văn chương đích thực’. Chúng ta đều biết nhiều tác phẩm văn học chân chính được đông đảo đọc giả biết đến chỉ sau khi được quay thành phim và người ta xem phim đó. Đấy là trường hợp “Cuốn theo chiều gió”, “Bố già” và biết bao tác phẩm đích thực khác.
Rất nhiều đạo diễn và nghệ sĩ điện ảnh thừa nhận ảnh hưởng của truyện tranh tới sáng tạo của họ, gởi cảm hứng và cách xử lí trên màn ảnh như: Federico Fellini, Orson Welles, Alain Resnais, George Lucas,…
William Friedkin đã thú nhận rằng chính nhờ xem một khuôn tranh trong truyện tranh The spirit của họa sĩ Will Eisner mà ông đã hình dung ra được cảnh săn người trong tác phẩm The French Connection.
Truyện tranh ngày nay khác hẳn tranh liên hoàn ngày xưa ở chỗ nó được in ra hàng ngàn, hàng triệu bản.
Ngày nay truyện tranh thường được ấn hành dưới 3 hình thức:
1, Album bao gồm một hoặc nhiều câu chuyện trọn vẹn.
2, Sách tranh bao gồm một hoặc nhiều truyện tranh có khi không cần trọn vẹn.
3, Tạp chí tranh, ngoài truyện tranh còn có thêm những bài về truyện tranh và có khi cả bài về Điện ảnh.
Trích trong “La bande dessinée” Presse Universitaires, Paris – 1985)
Nguồn: Tài liệu lớp tập huấn vẽ tranh truyện
do ACCU và NXB Kim Đồng tổ chức. 1991
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 09-10