Thông tin Mỹ thuật số 09-10

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Cổ Vật Xứ Huế Ở Châu Âu

Hơn 3 tháng trời “sục sạo” trong hàng chục bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở 3 nước Đức, Bỉ và Pháp, tôi đã “mục kích” hàng trăm món đồ cổ quý hiếm của Việt Nam, trong đó có rất nhiều cổ vật đến từ xứ Huế của tôi. Bài viết này giới thiệu những cổ vật có gốc gác từ cố đô Huế mà tôi đã “phát hiện” trong hành trình Theo dấu cổ vật Việt Nam vừa qua.        

gốm pháp lam Cổ vật Huế
Trên: Bình dâng rượu bằng pháp lam Huế nhưng được ghi là pháp lam Trung Quốc. Sưu tập của Bảo tàng DTM Muenchen
Dưới: Bình rượu bằng pháp lam Huế. Sưu tập của Phillipe Truong

Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhiều nhà sưu tập châu Âu đã sưu tầm và đưa về chính quốc nhiều món cổ vật Việt Nam, trong đó có cổ vật Huế. Tiếp theo, những người lính viễn chinh quân đội Pháp, và sau đó là quân đội Hoa Kỳ, cũng đã “nhặt nhạnh” nhiều cổ vật mang về nước để làm vật kỷ niệm một thời chinh chiến ở Việt Nam. Sau năm 1954 và đặc biệt là sau năm 1975, nhiều người Việt Nam, khi ra định cư ở nước ngoài, đã mang theo nhiều cổ vật gia bảo để làm “của” nơi xứ người. Thế rồi, vì một lý do nào đó, họ (hoặc thân nhân của họ) lại mang những món gia bảo ấy rao bán trong các cuộc đấu giá đồ cổ ở Paris, London, Frankfurt, Berlin... như sưu tập Cổ Trung Ngươn (bán năm 1988), sưu tập Bảo Đại (bán năm 1994), sưu tập Bảo Long (bán năm 1995), sưu tập Hồ Đình (bán năm 1996), sưu tập Nam Phương (bán năm 1996), sưu tập Hà Thúc Cần (bán năm 1996)...

Những bảo tàng và sưu tập tư nhân ở châu Âu đã sở đắc nhiều cổ vật Việt Nam từ những phiên bán đấu giá này, và dĩ nhiên, cả từ nguồn cổ vật xuất khẩu trái phép từ Việt Nam, được bày bán công khai trong các cửa hàng bán đồ cổ ở nước ngoài.   Xứ Huế có hai nhóm cổ vật nổi danh khắp hoàn cầu là đồ sứ ký kiểu (còn gọi là bleus de Huế) và pháp lam Huế. Vì thế nhiều bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở nước ngoài đã tìm mọi cách để có được những cổ vật thuộc hai nhóm ấy. Về đồ sứ ký kiểu (ĐSKK), hầu như các bảo tàng mà tôi có dịp viếng thăm ở Đức, Bỉ, Pháp đều sở hữu nhiều món ĐSKK quý giá. Đáng chú ý là các sưu tập ĐSKK thuộc: Bảo tàng Linden Stuttgart (Đức), Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia (Bỉ), Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Bỉ), Bảo tàng Guimet (Pháp), Bảo tàng Mỹ thuật Rennes (Pháp)... Những bảo tàng này đã cử người theo sát các phiên bán đấu giá cổ vật Việt Nam ở Pháp, Đức, Anh trong những năm 1980 và đã mua được những món bleus de Hue tuyệt đẹp. Trong kho của Bảo tàng Linden Stuttgart đang cất giữ những chiếc bát sứ và đĩa sứ vẽ rồng hoàn hảo niên hiệu Thiệu Trị và Tự Đức. Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia (Bỉ) thì sở hữu những chiếc tô và tìm sứ ký kiểu thuộc các triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị mà họ mua được từ cuộc bán đấu giá của cựu hoàng tử Bảo Long, trong khi, Bảo tàng Hoàng gia Mariemont lại sở đắc nhiều món cổ vật quý, đặc biệt là chiếc ống nhổ trang trí long phụng, hiệu đề Nội phủ thị trung, thuộc dòng ĐSKK thời Lê - Trịnh (cũng được giới cổ ngoạn xếp vào dòng bleus de Hue), một trong bốn chiếc tương tự được biết đến trên toàn thế giới. Riêng sưu tập ĐSKK của Bảo tàng Guimet (Pháp), gồm toàn những đồ ngự dụng thuộc các triều từ Minh Mạng đến Khải Định, thì vẫn đang được bảo quản trong kho, chưa bao giờ được đưa ra trưng bày. Tuy nhiên, người có sưu tập ĐSKK quý giá nhất là TS. Jochen May ở Neustadt (Đức). Ông bắt đầu sưu tầm đồ gốm Việt Nam từ hơn 20 năm nay và đã sưu tầm được hơn 300 món, trong đó có khoảng 150 món ĐSKK cực kỳ quý hiếm. Khi đến thăm sưu tập ĐSKK của ông, tôi vô cùng kinh ngạc vì ông có nhiều ĐSKK quý giá và phong phú như thế. Riêng nhóm ĐSKK thời Lê - Trịnh, ông sưu tầm đủ các hiệu đề: từ Nội phủ thị trung-hữu-nam-bắc-đông-đoài đến Khánh xuân và Khánh xuân thị tả. Đối với nhóm ĐSKK thời Nguyễn, TS. Jochen May cũng sưu tầm đủ các niên hiệu, từ Gia Long đến Khải Định. Jochen May cho hay ông đã tham dự hầu hết các cuộc bán đấu giá đồ gốm sứ Việt Nam tổ chức ở Paris, London và New York, đặc biệt là những phiên rao bán các ĐSKK của cựu hoàng Bảo Đại và của cựu hoàng tử Bảo Long. Nhờ vậy mà ông đã mua được những món đồ toàn bích, chất lượng cao để hợp thành một sưu tập ĐSKK hoàn hảo và ấn tượng.   

Cổ vật Huế Cổ vật Huế Cổ vật Huế
Các bộ uống trà bằng pháp lam Huế. Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes

Về cổ vật pháp lam, đáng chú ý là những món pháp lam Huế ở Bảo tàng Dân tộc học Berlin. Trước nay, các nhà nghiên cứu châu Âu gần như không có thông tin về nghề làm pháp lam ở Huế dưới thời Nguyễn. Vì thế, khi sưu tầm được những cổ vật pháp lam Huế, họ thường xếp chúng vào sưu tập pháp lam Trung Hoa. Trong kho của Bảo tàng Dân tộc học Berlin có 3 món pháp lam Huế để lẫn trong sưu tập pháp lam do lò Quảng Đông (Trung Quốc) chế tác. Khi tôi nói với TS. Siegmar Nahser, phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Berlin, rằng những món pháp lam này do Pháp lam tượng cục ở Huế chế tác vào thời Thiệu Trị, thì ông ấy rất ngạc nhiên và cho biết thêm: “Những cổ vật này đến từ Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á của Đông Đức trước đây. Sau ngày nước Đức thống nhất, các bảo tàng ở Đông Berlin và Tây Berlin sáp nhập với nhau, nên có nhiều hiện vật chưa được thống kê và kiểm định trở lại. Chúng tôi cứ nghĩ những cổ vật này là pháp lam Trung Hoa nên để chung trong sưu tập Trung Hoa. Cám ơn anh đã giúp chúng tôi hiểu rõ xuất xứ của những cổ vật này”.     
 

Cổ vật Huế Cổ vật huế
Chiếc ống nhổ sứ ký kiểu hiệu đề Nội phủ thị trung ở Bảo tàng Hoàng gia Mariemont Hộp trầu bằng pháp lam Huế, đời Minh mạng.
Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes
Bộ đồ uống trà bằng pháp lam Huế, đời Minh Mạng.
Sưu tập của Philippe Truong

Sưu tập pháp lam Huế thú vị nhất mà tôi “tìm được” trong chuyến khảo cứu này thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Rennes (Pháp). Khi được TS. Françoise Coulon, quản thủ bảo tàng, hướng dẫn tôi đi thăm hệ thống kho cổ vật của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes, tình cờ tôi nhìn thấy mấy món pháp lam để lẫn với mấy món đồ đồng và đồ ngà cũ kỹ trong một góc kệ. Tôi ngỏ ý muốn được xem kỹ những món đồ này thì TS. Françoise Coulon cho biết: “Cách đây hơn 15 năm, bảo tàng chúng tôi nhận được một nhóm cổ vật do những người lính lê dương quê ở vùng Bretagne, từng tham chiến ở Đông Dương, hiến tặng. Trong đó có những món đồ này. Tôi không nghiên cứu về nghệ thuật châu Á nên không có nhiều thông tin về nhóm hiện vật này. Vì thế, đành tạm xếp chúng vào nhóm hiện vật chờ giám định. Nếu anh có thông tin gì về nhóm hiện vật này, xin vui lòng cung cấp chúng tôi”. Khi những hiện vật này được đưa đến phòng giám định, tôi thật sự mừng rỡ khi nhận ra chúng là những cổ vật pháp lam thuộc hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị. Đó là những quả hộp, chậu kiểng và các bộ đồ uống trà trong hoàng cung Huế trước đây. Trên những món pháp lam này còn dán những chiếc tem nhỏ ghi rõ xuất xứ từ Annam (tức xứ Trung Kỳ, theo cách phân chia thời Pháp thuộc. Hai xứ kia là Tonkin, tức Bắc Kỳ và Cochinchine, tức Nam Kỳ, cũng xuất hiện trên những chiếc tem dán lên một số hiện vật khác).

Hiện tại, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế đang sở hữu hơn 100 hiện vật pháp lam, nhưng không có bộ đồ uống trà nào, trong khi một bảo tàng xa lạ nơi đất khách quê người này lại sở đắc đến 3 bộ đồ trà bằng pháp lam Huế. Thật là một bất ngờ thú vị. Sau này, khi giới thiệu ảnh những món pháp lam Huế tôi chụp ở Rennes với Philippe Truong, nhà nghiên cứu gốm sứ cổ ở Paris, thì anh cho hay: “Người châu Âu không hề biết rằng Việt Nam từng làm ra những món pháp lam tuyệt hảo. Vì thế, họ cứ nghĩ đó là đồ Tàu. Đôi lúc, tôi cũng mua được từ người Pháp những món pháp lam Huế với giá rất rẻ do họ không hiểu giá trị của chúng”. Rồi anh cho tôi xem những món pháp lam anh mua được ở các phiên chợ trời cuối tuần ở Paris với giá tương đương 3 ổ mì Tây.   

Các bộ đồ uống trà bằng pháp lam Huế, đời Minh Mạng. Sưu tập của Philippe Truong

Còn nhiều cổ vật độc đáo và lạ lùng của xứ Huế mà tôi đã tình cờ bắt gặp trong những ngày lang thang ở châu Âu như bộ sanh tiền hình rồng, sơn son thếp vàng, dùng trong dàn nhạc lễ tế Nam Giao, hiện đang trưng bày ở Bảo tàng nhạc cụ Brussels (Bỉ). Hay bức trướng thêu 12 thắng cảnh xứ Huế dựa theo tập thơ ngự chế Thần kinh nhị thập cảnh của vua Thiệu Trị, hiện là vật gia bảo trong tư gia của bà Thái Kim Lan, một giáo sư Việt kiều ở thành phố Muenchen (Đức)...    

Đi một ngày đàng, thấy một sàng... cổ vật, vừa vui lại vừa buồn. Vui vì ở nơi xa quê hương, cổ vật Việt Nam được trân trọng như những trân phẩm văn hóa đặc sắc, giúp bạn bè hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật Việt Nam. Buồn vì những di sản văn hóa quý giá của dân tộc sao cứ... lẳng lặng ra đi, lẳng lặng thuộc về người khác, trong khi chúng ta, những chủ nhân thực sự, lại có quá ít cơ hội để giữ lại cho Huế, cho Việt Nam những trân bảo ấy.

T.Đ.A.S.

 

 

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 09-10