Thông tin Mỹ thuật số 09-10

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Bảy Chàng Samurai Của Truyện Mangan

Trích từ Hội thảo “Khám phá bản sắc văn hóa dân tộc trong truyện tranh (Manga) và phim hoạt hình (Anime)” do Quỹ Tokyo, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Tp.HCM và NXB Trẻ tổ chức Tại Khách sạn New World tháng 12-2005
Tôi vốn là một nhà soạn nhạc. Tôi sáng tác bài hát minh họa cho các phim hoạt hình như Đôrêmôn, Đường sắt Ngân hà 999 (Galaxy express 999) và hát minh họa cho các bộ phim đó. 
Nghề nghiệp của tôi là như vậy. Ở Nhật Bản tôi cũng được biết đến với tư cách là nhà phân tích truyện tranh và là người sưu tầm, sở hữu một số lượng lớn tạp chí truyện tranh và truyện tranh. 
Ở Nhật Bản có rất nhiều tạp chí chuyên đăng truyện tranh. Nếu tính cả tuần san, nguyệt san và tạp chí phát hành cách tuần thì có khoảng 150 loại tạp chí. Chỉ có 4 tuần san dành cho thiếu niên, nhưng số lượng bán ra hàng tuần vượt 10 triệu bản. Tôi là người sưu tập 4 tuần san này, bao gồm Jump, Sun day, Magazine từ năm 1957 đến nay và Champion từ năm 1976 đến nay. Tổng cộng có khoảng 6000 cuốn.
Hôm nay, tôi muốn được chia sẻ với quí vị những hiểu biết của mình về truyện tranh. Tôi muốn kể về 7 chàng Samurai (võ sĩ) đã xây dựng nền tảng cho văn hóa truyện tranh Nhật Bản và các tác phẩm của họ. Cống hiến của 7 tác giả, truyện tranh đã phát huy vai trò to lớn trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa của Nhật Bản.
 
Chàng Samurai thứ nhất: 
Chiba Tetsuva
Một trong các tác phẩm tiêu biểu của ông: Cuộc đấu ngày mai, một câu chuyện dựa trên đề tài đấm bốc.  Tác phẩm này dược đăng liên tục trên tuần san thiếu niên từ năm 1967 và được rất nhiều độc giả yêu thích. 
Các tác phẩm của Chiba Tetsuya có sức lôi cuốn kỳ lạ. Càng đọc, chúng ta càng cảm giác như các nhân vật đang sống trong câu chuyện. Theo tôi, đó là do người đọc đã thực sự đồng cảm, và bị cuốn theo các nhân vật.
Để người đọc dễ hiểu, diễn đạt của truyện tranh thường theo một số qui định. Ví dụ khi diễn đạt một người đang chạy, họa sĩ vẽ hình ảnh đôi chân ở nhiều vị trí liên tục và bụi đất bay lên. Khi vẽ người đang cáu giận, họa sĩ thường vẽ những đường vòng phát ra quanh đầu anh ta, vẻ mặt cáu kỉnh và các dấu hiệu bực tức.
Nhưng ông Chiba không theo những qui ước biểu hiện thông thường khi diễn đạt cảm xúc và hoạt động của nhân vật. Ông rất giỏi dùng hình ảnh và động tác để diễn đạt tình cảm và hành động của nhân vật. 
Ông không giả vờ mà đã vẽ hết mình và lôi cuốn được sự đồng cảm của độc giả.
 
Chàng samurai thứ 2: 
Akatsuka Fujio 
Ông được biết đến như một tác giả truyện tranh tài năng với những hình ảnh xen kẽ hài hước.
Khi đọc truyện tranh của Akatsuka điều không thể quên được không chỉ là sự dí dỏm hài hước, mà còn cả số lượng nhân vật xuất hiện, tính đặc sắc và sức lôi cuốn của các nhân vật này. ông Akatsuka đã xây dựng nên nhiều hình tượng nhân vật. Đặc biệt là các nhân vật lấy mô típ từ động vật. Đây là nhân vật mèo Nyarorne. Đây là chú bọ lông Kemunpasu. Còn đây là nhân vật nửa chó nửa lươn Unagiinu. Các nhân vật này thật đáng yêu.
Trong số các nhân vật còn có Chibifuto, Iyami, Dekapan. Chibifuto (Nhỏ Phi) người lùn béo, Iyami (Càu Nhàu) lúc nào cũng nói những câu khó chịu, Dekapan là nhân vật một ông bố nhưng lúc nào cũng khoác trên người chiếc quần rộng thùng thình nên được gọi là Quần Rộng. Như thế, ngay trong tên nhân vật đã có yếu tố hài hước.
Akatsuka, dù không ý thức, đã xây dựng nên một loạt hình tượng nhân vật được người đọc yêu thích. Việc ông cho in một loạt truyện Moretsua Taro với nhân vật mèo Nyarome từ năm 1967 cho thấy ông đã làm việc này một cách đầy cảm tính.
 
Chàng samurai thứ 3: 
 
Fujiko Fujio  
Tác phẩm Đôrêmôn. 
Fujiko Fujio đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Đôrêmôn, Cậu quái vật, Con ma Q Taro . Fujiko Fujio có một bí mật rất lớn. Dưới cái tên Fujiko Fujio thực ra có 2 tác giả truyện tranh. Một người là Fujiko Fujio A, tên thật là Abiko Motoo. Một người nữa là Fujiko F Fujio, tên thật là Fujimoto Hiroshi. 
Một người sáng tác truyện và một người vẽ tranh ư? Thưa không. Cả hai là những tác giả truyện tranh độc lập. Thật kì lạ! 
Khi hỏi chính các tác giả tôi ngạc nhiên được biết rằng lúc đầu họ đã hợp tác trong sáng tác, nhưng sau đã tách ra sáng tác riêng. Tác phẩm hợp tác của họ là Con ma Q Taro. Các tác phẩm của ông Fujiko Fujio A (tên thật là Abiko Motoo) gồm Cậu quái vật, Cậu ninja Hattori, Khỉ Progolfer. 
Các tác phẩm của ông Fujiko F. Fujio (tên thật là Fujimoto Hiroshi) gồm Doraemon. Đại bách khoa Kileretsll, Paman... Nghe nói Fujiko F. Fujio thường vẽ trên các tạp chí học tập, còn Fujiko Fujio A thường vẽ trên các tạp chí thiếu niên. 
 
Chàng samurrai thứ 4: 
Yanase Takashi
Nổi tiếng với tác phẩm Anpanman.
Vốn là truyện được minh hoạ bằng tranh nên khó có thể coi là truyện tranh kiểu manga nhưng phim hoạt hình dựa theo truyện này rất ăn khách, tác giả Yanase là một tác giả truyện tranh và là Chủ tịch Hiệp hội Truyện tranh Nhật Bản nên tôi xin giới thiệu về ông với tư cách là chàng samurai thứ 4. 
Anpanman là câu chuyện về một anh hùng thường xuyên giúp những người đang đói bụng bằng cách cho họ ăn cái đầu của mình. Anpan là loại bánh nướng có nhân đậu. Dù bị ăn mất đầu nhưng sau đó anh được ông Jam nướng cho ruột cái đầu mới nên lại không sao. Khi đưa ra nhân vật Anpanman, ông Yamase đã hơn 50 tuổi.
 
Chàng samurai  thứ 5: 
Mizushima Shinji
Ông được coi là Vua của truyện tranh về bóng chày.
Mizushima đã sáng tác truyện tranh về bóng chày hơn 30 năm. Ông giải thích  rằng tác giả truyện tranh có thể trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực.
Tác phẩm của ông rất nhiều, từ Sportman Kintaro đến Binh khí bí mật đen, Ngôi sao của người khổng lồ, một thế hệ Karate ngu ngốc, hay truyện lấy đề tài đang được quan tâm là Tiger mask (Mặt nạ của đội Tiger).
Trên thực tế đã có nhiều độc giả truyện tranh loại này đã say mê và trở thành tuyển thủ thật sự. Ví dụ hầu hết các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp của Nhật Bản đều thú nhận do say mê Captain Tsubasa (Đội trưởng Tsubasa) mà là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tương tự, hầu như các tuyển thủ bóng chày của Nhật Bản đều hâm mộ Mizushima.
Một ví dụ nữa về ảnh hưởng xã hội của ông Mizushima là việc ông đã khiến xã hội công nhân các tuyển thủ bóng chày nữ. Truyện tranh đã thay đổi cả qui chế của bóng chày cho thấy ở Nhật Bản truyện tranh có ảnh hưởng thật lớn như thế nào.
 
Chàng samurai thứ 6: 
Hirokane Kenshi
Ông đã dựa trên kinh nghiệm công tác tại công ty của mình để tạo nên một mảng truyện tranh mới với nhân vật Trưởng phòng Shima Kosaku.
Nhân vật Trưởng phòng trong tập truyện nay đã thăng tiến thành Giám đốc và đang ở Trung Quốc. Không thể viết tiếp truyện  về Trung Quốc mà không nghiên cứu tình hình thực tế, nên nghe nói thỉnh thoảng ông sang Trung Quốc lấy thông tin với một lịch trình rất vất vả, đi và hỏi ở nhiều nhà máy, nhà xuất bản, viện nghiên cứu... Ông Hirokane gần đây đã được giải thưởng lớn và vinh dự nhất của Hiệp hội truyện tranh Nhật Bản với tác phẩm Chòm sao băng Hoàng kim, lấy đề tài về người già.
Từ giai đoạn này, các tác giả truyện tranh nếu chỉ vẽ giỏi không đủ mà cần có cả năng lực nghiên cứu. 
Ví dụ khi viết về nước ngoài phải học lịch sử và các quan hệ của nước đó. Vì vậy nếu không học nhiều vấn đề trong cuộc sống như xã hợi, kinh tế, chính trị... thì không thể viết truyện tranh được. Nếu so với quan điểm trước kia coi truyện tranh đối địch với học tập thì đây là một cách nghĩ trái ngược. 
Cuối cùng, thông điệp mà ông gửi tới thế hệ trẻ là: “Đừng chỉ đọc truyện tranh, nên học tập đi!
 
Chàng samurai thứ 7: 
Matsumoto Reiji
Ông Matsumoto sáng tác rất nhiều truyện tranh về vũ trụ và còn hoạt động với tư cách một dạo diễn phim hoạt hình.
Bài hát minh hoạ cho phim hoạt hình, của ông Matsumoto Đường sắt Ngân hà 999. Tôi sáng tác và trình bày bài hát này. Đây là bộ phim có số khán giả đông nhất Nhật Bản năm 1979. Còn bản nhạc này đã đứng vị trí đầu bảng xếp hạng top ten của Nhật Bản trong một thời gian dài.
Ông Matsumoto còn sáng tác Chiến hạm vũ trụ Yamato, một tác phẩm rất được hâm mộ. Điều dáng khâm phục ở ông là không chỉ trên truyện tranh mà trên thực tế ông rất say mê công việc về vũ trụ. 
Gần đây, ông trở thành Giám đốc danh dự của Bảo tàng Vũ trụ hàng không, kiêm Giám đốc Bảo tàng Big bang thuộc Bảo tàng nhi đồng của tỉnh Osaka.
 
 
EKAWA Yukihide
Nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sưu tầm manga
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 09-10