Lớp Hội Họa Ngày Giải Phóng Bến Tre
|
Lớp Hội họa Giải phóng miền Nam tại rừng Tây Ninh,
1973. Ký họa của Trường Chăm |
Đầu tháng 8 năm 1973, tại một vùng giải phóng – ấp 3A thuộc xã Thạnh Phú Đông, Giồng Trôm – Bến Tre đã diễn ra buổi tiễn đưa tôi đi dự lớp Hội họa Giải phóng miền Nam tại khu căn cứ “R” thuộc rừng Tây Ninh mà sau này tôi mới biết biêt danh là B 11.
Buổi tiễn đưa, ngoài đồng chí Hà Mãnh – Trưởng tiểu ban Văn nghệ Bến Tre, đồng chí Lê Huỳnh – phó tiểu ban, nhà viết kịch cải lương còn có vị khách rất đặc biệt mà sau này trên đường đi học tôi luôn theo sát chân anh trên đường đi đến “R” đó là họa sĩ Cổ Tấn Long Châu. Họa sĩ đi thực tế Bến Tre (quê vợ) sau sự mô tả của họa sĩ Huỳnh Phương Đông và họa sĩ Lê Lam (người mà đã bám trụ Bến Tre lâu nhất, đã sống và vẽ trong những năm chiến tranh ác liệt).
Những dư âm của lời đồng chí Trưởng tiểu ban dặn dò tôi trước lúc lên đường đã có một ý nghĩa rất chiến lược và rất thực tế. Ở Bến Tre lúc bấy giờ vì ngoài tôi mới tập làm “thợ vẽ” chỉ còn duy nhất họa sĩ Lê Dân (Bảy Dân) mà anh Bảy Dân phải ở căn cứ cồn rừng suốt vì anh đang dưỡng thương nặng. Vì vậy, nhiệm vụ của tôi là phải đi học để trở về mở các lớp hội họa cấp tốc tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho cách mạng hiện tại và tương lai sau này.
Không ngờ những lời căn dặn của tổ chức đã trở thành hiện thực. Không ngờ ở đây, không phải là mình thiếu quyết tâm và năng lực học mà vấn đề là chiến tranh ác liệt quá! Cái rủi ro thường chiếm đến 90% vậy mà mình vẫn còn sống và trở lại đúng với nơi mình đã đi; cũng cây đủng đỉnh, cũng mái nhà lá ẩn dưới bóng dừa xanh, nhưng đầy vết bom đạn; Bên những vách đất tấn xung quanh như chính là vành đai bảo vệ cho lớp học vẽ. Những họa sĩ tương lai bắt đầu nhen nhóm từ đây mang tên: “Lớp hội họa giải phóng Bến Tre khóa đầu tiên do chính họa sĩ Bến Tre giảng dạy”. Đó là một ngày đáng nhớ nhất – ngày 9 tháng 9 năm 1974.
|
|
Tiến lên toàn thắng ắt về ta. 1972. Khắc gỗ.
Tranh lưu bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. |
Bến Tre ngày toàn thắng.
Tranh cổ động (bản gốc). |
Học trò của tôi là đối tượng cán bộ đang hoạt động văn hóa văn nghệ ở các huyện và các ban ngành. Đó là: anh Minh Trấn (Ba Tri), anh Minh Tiến – Mỏ Cày và anh Văn Châu – Châu Thành, số còn lại là anh Tri Phong – ngành Công đoàn lao động tỉnh và 2 anh Huỳnh Văn Giới, Trần Xuân Hòa thuộc người của cơ quan tiểu ban Văn nghệ tỉnh.
Lớp được mở với thời gian là 4 tháng, về chương trình học là sự sao y của chương trình tôi đã học và được ghi chép kỹ, đồng thời có rút gọn lại cho phù hợp với thời gian học. Đáng lưu ý là học lý thuyết thì ít nhưng thực hành và học thực tế thì nhiều, ví dụ như: học môn kẻ chữ, vẽ trang trí trình bày sách báo, trang trí hội nghị, vẽ hình họa, tập sáng tác tranh (lúc bấy giờ chưa có khái niệm bố cục). Do luyện tập nhiều anh em đã vẽ được tranh cổ động ở mức đơn giản chỉ từ 1 đến 2 màu mà thôi. Không khí học tập rất say sưa, ai cũng tập kẽ, vẽ, ký họa và làm tranh khắc gỗ. Tay nghề khắc của anh em rất thành thạo, thậm chí là điêu luyện nữa.
|
Lớp Hội họa Giải phóng. Bến Tre 1974.
Bút sắt. Tranh của Trường Chăm |
Nói là thầy trò cho oai vậy thôi! Chứ tuổi tác sàn sàn nhau, cùng là đồng chí, đồng đội. Vả lại học trò này quỷ lắm, nghịch ngợm, tiếu lâm đủ cả. Nhất là tiếu lâm, ai cũng có “một kho” chứng tỏ vốn sống phong phú của mình. Anh em thay nhau làm mẫu “bán khỏa thân” để vẽ, do thay phiên nhau nên xảy ra lắm chuyện cười. Anh này vẽ anh kia, không giống, không đúng đã đành mà có khi lại cách điệu thái quá. Đăặc điểm làm đề tài cho hội tiếu lâm. Từ hình họa đã biến thanh tranh châm biếm tưởng là vô bổ nhưng rất có lợi cho việc vẽ tranh đả kích, châm biếm của anh em sau này.
Lớp học lẽ ra kết thúc vào khoảng tháng 12 năm 1974 nhưng vì phải phòng động, chạy càn, nên lớp phải leo qua tháng 2 năm 1975. Nhưng không ai trong lớp học biết rằng đó chính là thời gian tiến gần với giờ khắc lịch sử, chiến thắng của nhân dân miền Nam, của cả dân tộc ta, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Thật vậy, tranh khắc gồ, tranh cổ động của lớp học thầy trò tôi năm ấy đã góp phần rực rỡ trong sắc màu chiến thắng ở Bến Tre
Trường Chăm
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 07-08