Thông tin Mỹ thuật số 07-08

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Cũ - Mới Của Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh

Trong thời gian vừa qua, trên báo chí đã đăng rất nhiều bài viết của các chuyên gia về Mỹ thuật Việt Nam nói về thực trạng và những báo động của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Vậy ý kiến của anh về vấn đề này thế nào? Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có chung hiện trạng như vậy không?  

  • Họa sỹ Quách Phong:      
Họa sĩ Quách Phong
Họa sĩ Quách Phong

   Tôi chưa xem những bài báo ấy và chắc nhiều người cũng không quan tâm đến vì lâu nay người ta quên Lý luận Phê bình! Nếu có thì cũng không có gì mới… Chuyện biết rồi nói mãi …hàng mấy chục năm nay rồi… Đại loại một số vẽ ít mà ca thì quá nhiều, mới tìm tòi được chút gì hơi lạ lạ thì dùng quá nhiều mỹ từ về tâm linh thần thánh để ca ngợi. Theo tôi cái tội là ở sự ca không đúng, chứ tìm tòi sáng tạo, đạt hay chưa là chuyện hàng ngày của nghệ sỹ, có tìm tòi sáng tạo thì nghệ thuật mới phát triển chứ? Mà đã tìm tòi sáng tạo thì nó phải mới và phải lạ, có nghĩa là chưa quen, chưa thấy bao giờ. Nếu người quen nhìn cái cũ quá lâu rồi thành tiềm thức định kiến khi nhìn thấy cái mới, lạ thì tá hỏa lên và báo động ngay. Tôi không tán thành kiểu phê bình thấy cái gì là lạ thì hoặc ca ngợi quá đáng hoặc phê phán mạt sát bằng cách này hay cách khác làm mất ý chí sáng tạo không chỉ cho người đó mà cho những người có hoài bão sáng tạo khác.

  • Họa sỹ Nguyễn Quân:

  Các “chuyên gia” mỹ thuật của ta không nhiều, lại ít ai bỏ công tìm hiểu cái gì cho tường tận. Ở một  hội thảo mới đây của Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tôi như được nghe lại các băng ghi âm đã phát từ 20 năm hoặc lâu hơn thế và những lời “mắng mỏ” hay “xoa đầu” lớp trẻ. Các “curator”, nhà báo nước ngoài thì “cưỡi ngựa xem hoa”, đi du lịch, gặp vài người rồi “ô ô, a a…!” mấy câu hữu nghị, kể công thực dân, (trừ các chị như Nora, Natasa, Veronika  rất thân quen với các họa sĩ Hà Nội).
  Báo chí  thì ngại đăng những bài chuyên sâu, sợ “độc giả không hiểu”! Biên tập gạch tất cả những gì phê phán chính quyền hay lãnh đạo văn nghệ, mất hết cả dũng khí chống tiêu cực, chỉ thiên về ca ngợi chung chung mong chót lọt hợp đồng tượng đài hay bán lẻ được vài tấm tranh, in quảng cáo và tin vắn cho mục “công nghiệp giải trí! Các bàn tròn có lẽ chẳng anh hữu trách nào xem!… Đại loại tình hình như vậy nên mặc dù phê bình my thuật ta, so với các ngành khác, không phải yếu kém, số lượng bài viết, đầu sách, hội thảo…tăng hàng trăm lần so với 20 năm trước đây, thông tin nhiều hơn hẳn, tác động cũng rõ ràng hơn nhưng vẫn làm ta nản lòng. Trong thực tế đó viết được, đăng được cả loạt bài như của Phan Cẩm Thương là rất đáng quý. Sự tranh luận “suông” của các nghệ sĩ với nhau đâu có ích gì. Tôi thấy các bài đặt vần đề rộng, nhiều ý kiến sâu, nhiều gợi ý cụ thể. Tất nhiên tôi cũng như những “chuyên gia” khác cũng sẽ có những điểm không đồng ý vì viết ra mà ai cũng đồng ý thì chỉ “đạt” 50%!

  • Họa sỹ Nguyễn Sơn:

  Theo tôi chỉ có một số bài viết thực sự áp sát vào thực trạng của nền mỹ thuật đương đại. Những bài viết này được thực hiện bởi vài tác giả kỳ cựu như: Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng… các bài viết không những phản ánh thực tế mà còn có giá trị đánh thức những góc còn ngủ quên trong đời sống mỹ thuật nước nhà. Đa số các bài viết còn lại chỉ đạt mức độ giới thiệu nghệ sỹ, mách bảo một phong cách là lạ hay thậm chí chỉ một bản tin. Quan hệ giữa các nhà lý luận và nghệ sỹ là mối quan hệ hai chiều. Ta có thể nói vui là “có thể nương nhau mà sống”. Quả thật cứ nhìn vào đời sống của ngành phê bình mỹ thuật trên các mặt báo thì biết ngay tình hình, sự quan tâm của các nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ trẻ với giới phê bình. Tôi không muốn nhìn thực trạng Mỹ thuật Việt Nam với góc độ hẹp là chỉ quan tâm đến bề mặt tác phẩm mà tôi muốn nhìn cả mối quan hệ con người của các nghệ sỹ. Trong thời điểm hiện nay không còn có các cá nhân tạo lập được đỉnh cao nghệ thuật như thế kỷ trước, chính vì vậy, vai trò dẫn dắt và gợi mở của các nhà Lý luận Phê bình hơn bao giờ hết là rất quan trọng, để mở ra tiền đề cho nền nghệ thuật cộng đồng. Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cùng chung hiện trạng đó là điều đương nhiên. Đôi khi các hiện tượng, các triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tiêu điểm hoạt động mỹ thuật của Việt Nam. Ví dụ: ở Hà Nội có nhóm 5 người, Thành phố Hồ Chí Minh có nhóm 10 người ở thời kỳ “Đổi mới”, đây là những mốc quan trọng của Mỹ thuật Việt Nam.       

  • Họa sỹ Hồ Hữu Thủ:
Hồ Hữu Thủ
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ

Về mỹ thuật không nên nói ở khía cạnh kinh tế vì theo tôi nó không thực tiễn. Tôi nghĩ rằng cái cốt yếu của nghệ thuât hiện đại bây giờ, điều mà người ta quan tâm tới là nghệ thuật đó có đáp ứng được nhu cầu của thời đại này hay không? Đặt trong bối cảnh đó thì mới giải quyết được. Bây giờ có nhiều hình thức biểu hiện trong nghệ thuật, có khi chỉ là sự phá phách. Chúng ta có một số vốn rất quí là văn hóa truyền thống mà chúng ta không biết khai thác. Bây giờ người ta đang hướng về Phương Tây để mà sáng tạo và cứ tưởng đó là những mô hình tốt nhưng thực tế không phải như thế, cái nhầm lẫn của giới trẻ là họ tưởng rằng cái mô hình đó có thể giải quết đươc vấn đề con người. Thực ra, sự sáng tạo nó tiềm tàng trong mỗi tâm hồn, trong mỗi con người chúng ta và nếu biết phát huy nó thì đó là số một. Vậy bây giờ vấn đề là không phải chúng ta phải theo cái gi? Theo mô hình của nước này hay nước kia mà chúng ta phải đi ngược vào trong tâm hồn của mình, trong dân tộc của mình, để phát huy điều đó.

  • Họa sỹ Trịnh Thanh Tùng:
Trịnh Thanh Tùng
Họa sĩ Trịnh Thanh Tùng

   Mỹ thuật của TP. Hồ Chí Minh chúng ta đã góp sức rất tích cực cho sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam. Tuy vậy chúng ta đồng thời cũng rơi vào trạng thái “Trụ”, chung thực trạng “Bế” trong sáng tạo nghệ thuật. Ở góc độ nào đó lĩnh vực mỹ thuật đương đại cùng vài loại hình mới du nhập (bà con xa với hội họa, gần gũi với sân khấu và điện ảnh hơn) cũng chưa đại diện được ngôn ngữ tạo hình, tạo sắc diện mới lạ cho nền mỹ thuật vốn cằn cỗi hiện nay. Những nghệ sĩ cao niên hiện nay so với các sáng tác của chính họ khoảng nửa thế kỷ trước, liệu có gì khác lạ? Có mấy ai đã từng bứt phá chính mình để dấn thân tìm cái lạ trong cái đẹp, hay đã xơ cứng trong “lối cũ ta về” và tự mãn với cái của ta, đã tiêu biểu cho ta vậy.

Sự xuất hiện của các khuynh hướng mới trong mỹ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, tuy ít người theo nhưng tiếng nói và sự tác động của nó vào xã hội rất mạnh. Vậy theo anh tương lai của nó thế nào?  

  • Họa sỹ Quách Phong:       

    Những kiểu cách nghệ thuật như sắp đặt, biểu diễn…và còn có thể có những hình thái nghệ thuật khác lạ nữa… v.v... Theo tôi không sao cả cứ để nó tự nhiên tự tại, tự tồn tự vong và tự biến thái theo các hình thái ý thức. Lãnh đạo và định hướng nghệ thuật không có nghĩa là phải làm vách ngăn tường chắn. Theo tôi các viện và nhà trường nên tích lũy tri thức nghệ thuật nhiều hơn, rộng hơn nhất là khoa học nghệ thuật, gọi là nghệ thuật học của thời nay, thì hiện tại và chủ động trang bị cho sinh viên. Khi họ có kiến thức, có tri thức về nghệ thuật một cách sâu rộng và khoa học thì tìm tòi sáng tạo của họ đúng và hiệu quả hơn. Hiện nay các họa sỹ trẻ khát vọng sáng tạo nhưng còn khá lúng túng mày mò.

  • Họa sỹ Nguyễn Quân:   
Chân dung tự họa - Nguyễn Quân
Chân dung tự họa - Nguyễn Quân

      Các bộ môn nghệ thuật đương đại (installation, video art, performance..) vật vã qua hơn 10 năm mới được như bây giờ. Cần phải ghi công những người đi đầu nhiều “dũng khí” từ Trương Tân, Trần Lương, Bảo Toàn, Lê Thừa Tiến... tới  Minh Thành. Ly Hoàng Ly, Châu Giang, Mai Anh Dũng, Bùi Công Khánh… các nơi hỗ trợ họ hoạt động như DL Bình Quới, Không gian Xanh, L’Espace, Goetheinstitut, Hội đồng Anh….Đáng chú ý là gần đây ba trường mỹ thuật ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đều có thử  dậy các môn này và tổ chức hoạt động. Ở Hà nội có hai địa chỉ tư nhân chuyên về Mỹ thuật Đương đại là Nhà sàn Đức và Ryllega. Ngoài đặc điểm ngôn ngữ, chúng  có hai đặc điểm hoạt động là phi lợi nhuận (không bán được, cần tài trợ) và gắn với công chúng hình thành tác phẩm với công chúng. Tác động xã hội mạnh vì các môn này thường xuất phát từ một ý tưởng, một ý niệm, một cách đặt vần đề. Thế nên nó cũng dễ trở nên nông cạn, dàn trải hay minh họa. Các performance còn liên kết đa ngành (cả động tác, âm thanh, ánh sáng..) nên hấp dẫn thị giác song cũng dễ thành tiết mục tạp kỹ. Nếu installation và video art có thể đi vào bảo tàng thi performance luôn là một sự kiện tức thời, băng đĩa ghi lại chỉ là tư liệu. Tác phẩm tốt thì ở môn  nào cũng hiếm. Tuy nhiên tôi rất thích một số tác phẩm Mỹ thuật Đương đại của ta, không thể nói họ kém hơn hay chỉ theo đuôi nước ngoài được.

  • Họa sỹ Nguyễn Sơn:

 

Họa sĩ Nguyễn Sơn
Họa sĩ Nguyễn Sơn

  Các khuynh hướng mới ngày càng phát triển không phụ thuộc vào số lượng người theo mà chỉ phụ thuộc vào cá nhân nghệ sỹ, bởi nó thuộc phạm trù tinh thần. Còn các hình thức trình bày, thể hiện tác phẩm, ngôn ngữ biểu đạt như: nghệ thuật sắp đặt, ý niệm, trình diễn… đó là sự tự do lựa chọn của sự sáng tạo cá nhân. Các nghệ sỹ vẫn luôn vận động tìm tòi những điều mới lạ để gửi gắm ý tưởng, nên có trăm ngàn cách thể hiện khác nhau. Với tôi thì: thật với bản thân là mới trong sáng tạo!         

  • Họa sỹ Hồ Hữu Thủ:  

   Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước đang có xu hướng bắt trước thế giới bên ngoài mà không biết cái cốt tủy của nghệ thuật nằm ở đâu? Về nghệ thuật sắp đặt thì theo tôi tranh cổ điển là một loại sắp đặt được nằm trên giá ve, còn Nghệ thuật Sắp đặt bây giờ là được nằm ở ngoài không gian ba chiều nhưng nó gây phản ứng cho người thưởng ngọan một cảm giác không hay lắm, nó không gây cảm xúc mà là phản cảm. Có nhiều người cho rằng Nghệ thuật Sắp đặt chỉ lạ mà thôi chứ không mang đến cái đẹp và cũng không phục vụ được gì, lạ thì phải đẹp thì mới có giá trị, còn Nghệ thuật Sắp đặt chỉ lạ mà không đẹp.

  • Họa sỹ Trịnh Thanh Tùng:

   Những hiện tượng mới bên lề mỹ thuật chính thống, bạn hãy xem một lễ hội của người dân tộc anh em, và triển lãm sắp đặt, cái nào truyền cảm nhiều hơn, cái nào đi vào tâm linh nhiều hơn thì cái đó thắng, cái nào không bị thời gian đào thải thì cái đó sẽ vĩnh cửu. Chúng ta cảm nhận rằng tuổi trẻ hồn nhiên và rất nhạy cảm thế giới quan, nên sự sáng tạo của họ hoàn toàn trong sáng và đầy mỹ cảm.   

  •  Họa sỹ Trương Hán Minh:
Họa sĩ Trương Hán Minh

   Theo cá nhân tôi thì trong nghệ thuật, cái gì có chiều sâu, phản ánh được tính thời đại và có mỹ cảm thì sẽ tồn tại, dù mới đến mức nào mà không có chiều sâu thì chỉ là phong trào mà không thể tồn tại lâu được. Vì vậy mà không cần lo xa, qua thời gian cái gì không phù hợp, không đẹp, không có chiều sâu sẽ tự bị tiêu diệt theo đúng qui luật nghệ thuật. Nghệ thuật phải được điều tiết cho phù hợp với phương hướng của xã hội và phải hướng sự phát triển đó theo qui luật của thời đại và tự nhiên. Đó là sự phát triển vững mạnh vì có cái cũ thì mới có cái mới, có cái mới rồi nó sẽ cũ đi và cái mới lại xuất hiện… và tất nhiên nghệ thuật phải luôn luôn mới nhưng phải phù hợp và phản ánh đượ ư tưởng thời đại. Có người thì cái gì cũng phải mới phải cách tân, có người thì đào sâu tuy rằng nó cũ nhưng tính vững chắc cao, tất nhiên xã hội thì phải đa dạng thì nghệ thuật mới phong phú, vì vậy nên cứ để nó phát triển tự nhiên là tốt nhất.

Nhiều người cho rằng: các khuynh hướng mới này xuất hiện ở Việt Nam đã làm cho ngôn ngữ , ý tưởng và chất liệu sáng tác chuyển tải được nội dung và những vấn đề nhạy cảm của xã hội, với sự phát triển của nghệ thuật mới đó, mỹ thuật truyền thống có còn chỗ đứng và vai trò gì trong xã hội không?  

  • Họa sỹ Quách Phong:        

   Còn có sợ những cái mới nó lấn át hoặc làm mất những giá trị của nghệ thuật truyền thống không? Điều đó không bao giờ có. Những giá trị truyền thống chân chính nó vẫn tự tồn tại với nền tảng xã hội lâu đời của nó và nó phải đổi mới cho phù hợp với thời đại bằng sự tác động của nghệ thuật mới. Còn những cái lỗi thời nó sẽ mất đi theo qui luật tự nhiên.

  • Họa sỹ Nguyễn Quân:        

    Các môn mới chỉ làm cho mỹ thuật phong phú thêm, chúng chẳng “giết chết” ai cả. Hội họa, điêu khắc …truyền thống vẫn phát triển và khẳng định “chỗ đứng”. Các môn mới thường lợi dụng, áp dụng một phần ngôn ngữ của các thành tựu ở các môn cũ và sau đó đến  lượt các môn cũ hưởng lợi, chịu tác động của các môn mới  và trở nên tự do hơn. Trường hợp nhiếp ảnh và hội họa từng là như vậy.

  • Họa sỹ Nguyễn Sơn:

   Mỹ thuật truyền thống không phải là dăm ba bộ hoa văn, hiện vật…mà chính là cách làm nghệ thuật của dân tộc. Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay là cách mà các cụ nhà ta vẫn làm, hoặc nói như kiểu ẩn dụ, theo kiểu mưa dầm thấm lâu… mọi thời đều có. Chính vì vậy mà các nghệ sỹ muốn nói cho dân ta hiểu thì vẫn phải dùng đến ngôn ngữ Việt. Và khi đứng chung với các nền văn hóa khác thì vẫn coi văn hóa Việt như là cái gốc để phân biệt trong việc tiếp nhận, thưởng thức, phô bày sự độc đáo. Nhưng mỗi thời sẽ có cách thể hiện mới cho phù hợp với nhịp sống.       Họa sỹ Hồ Hữu Thủ:   Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn…sẽ biến mất theo thời gian bởi vì bản thân nó mang nặng tính diễn tả ý tưởng, mà ý tưởng thì rất là hạn chế. Trong nghệ thuật giá vẽ mình có thể trình bày tâm hồn của mình một cách dễ dàng hơn là sắp đặt vì bản thân của sắp đặt không có giá trị, nó là sự đua đòi, nó sản sinh ra bởi hình thức trình bày về sân vườn, nhà cửa…một cách hài hòa mà nghệ thuật sắp đặt chưa chắc đã là hài hòa, chưa chắc đã gây được mỹ cảm. Cái gì mà xuất phát từ trong tâm hồn chúng ta thì nó mới vĩnh cửu còn nếu nó xuất phát bằng ý tưởng thì sẽ bị đào thải. Mỹ thuật truyền thống không thể nào không vĩnh cửu được nhưng bắt buộc phải phát triển, nếu không thì mãi mãi cũng chỉ vậy thôi, phải có nhiều hình thức đa dạng khác nũa.

Anh có đánh giá như thế nào về Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh?          

  • Họa sỹ Quách Phong:

  Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có ba vấn đề cần quan tâm: tiềm năng, tài năng và nhu cầu nghệ thuật. Nghệ thuật ngoài xã hội phổ biến là nghệ thuật thương mại, sao chép rẻ tiền. Hãy đi dọc theo các đường phố, các gallery… kể cả các họa sỹ có tài đã từng vẽ tranh tốt họ vẫn vẽ “tranh rẻ tiền”, “tranh chợ” để bán. Tư duy thực dụng phát triển mạnh, các tư duy, tìm tòi sáng tạo chỉ thực hiện cho một số khách hàng đặc biệt, hoặc các cuộc phát động đặc biệt. Vì sao? Vì môi trường sáng tạo nghệ thuật, làm sao tạo được môi trường nghệ thuật lành mạnh là vấn đề khác.

  • Họa sỹ Nguyễn Quân:

   Tôi không thể làm báo cáo hay kế họach cho Mỹ thuật, cũng không thể làm dự báo thời tiêt. Mới đây tôi có dự vài  trại sáng tác  và vẫn có thông tin về các triển lãm. Tôi có cảm giác ở các môn nghệ thuật truyền thống  sau một thời gian trì trệ, thương mại hoá (tranh du lịch và tượng đài) sẽ có một thế hệ họa sĩ mới với một thẩm mỹ khác hẳn lớp chúng tôi thời đổi mới! Có lẽ là thẩm mỹ của thời của họ. Còn các môn mới – Nghệ thuật đương đại - thì đã qua giai đọan tập sự, thử sức, đã đủ lực, tới lúc phải đi sâu, chuyên nghiệp hơn nếu không muốn trở nên dễ dãi nhàm chán. Mà cái “thói quen”, “tật” hay “bệnh”… cố hữu làm ta khó có các tác giả lớn trong mỹ thuật và văn nghệ nói chung là thói quen ngại học, sợ tri thức, thậm chí còn nguỵ biện là “biết nhiều, nghĩ nhiều thì mất cảm hứng, không sáng tác được”! Lớp họa sĩ mới có nhiều người ham học không sợ tri thức, muốn thực sự là một trí thức là điều đáng lạc quan. Cái tôi lo nhất là về phía giới có quyền và giới có tiền không quan tâm tới mỹ thuật, không nhận thức được tầm quan trọng và ích lợi cụ thể của mỹ thuật về chính trị cũng như về kinh tế, tinh thần cũng như tiền bạc, vẫn lãng phí vô vàn vào tượng đài và các công việc phi thẩm mỹ khác. Điều đó cản trở hình thành một môi trường tốt cho mỹ thuật phụ vụ dân sinh ở một đại đô thị như thành phố ta.

Thực hiện Lê Bá Thanh

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 07-08