Thông tin Mỹ thuật số 07-08

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Những Hình Tượng Chạm Khắc Trên Lá Vàng

Cho đến nay, văn hóa Oc Eo- Phù Nam đã được biết đến như một nền văn hóa bản địa phát triển ở phía nam Việt Nam trong những thế kỷ đầu Công nguyên. Hàng vạn di vật phong phú thuộc các chất liệu trong các lĩnh vực đời sống của văn hóa này đã được phát hiện ở khắp các tỉnh thành phía Nam, đã chứng tỏ tài năng sáng tạo và sức sống mãnh liệt của cư dân Oc Eo xưa.

Hiện vật hình voi. Chạm nổi trên lá vàng.
Binh Tả, Đức Hòa, Long An

Theo các thư tịch cổ, nghệ thuật kim hoàn trong xã hội Oc Eo thuở ấy rất phát đạt, người Phù Nam thích chạm trỗ, đúc nhẫn, vòng vàng, chén đĩa bạc… Ở Long An, nơi các di tích khảo cổ trên vùng Đồng Tháp Mười như Giồng Dung, Gò Đế, Gò Hàng, Gò Ô Chùa… các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật thể hiện có hoạt động sản xuất đồ kim hoàn tại chỗ như đồ trang sức bằng kim loại chì, thiếc, nhiều hạt chuỗi bằng thủy tinh, đá quý nhiều màu sắc, một số đồng tiền bằng kim loại chì, thiếc và vô số những những hạt vàng nhỏ như trứng cá; bên cạnh đó là những viên đá thử vàng, những phế vật (hạt chuỗi, khuyên tai, vòng tay) không hoàn chỉnh, thủy tinh nguyên liệu, xỉ và bọt thủy tinh… Trong bài viết này, tác giả xin được giới thiệu một vài hiện vật bằng vàng thể hiện nghệ thuật chạm khắc trên vàng của người nghệ nhân xưa (Gò Xoài, Đức Hòa, Long An).

Những cánh sen vàng: có hai lá vàng hình tròn được chạm thành hình bông sen mười hai cánh, đầu cánh nhọn, nhụy nằm chính giữa, bề mặt được chạm nổi những hạt sen tròn. Trong các đền thờ An Độ Giáo, bông sen đã mọc lên từ rốn của thần Vishnu tượng trưng cho Manị - Trái đất. Bông sen cũng tượng trưng cho nước và tạo vật. Nó còn thể hiện cho sự tự sinh. Đó là lý do mà thần Brahma tọa trên một đài sen. Khi đức Phật đản sinh, ngài bước đi bảy bước và ngay lập tức, những bông sen nở rộ dưới chân ngài. Mỗi vị Phật là một “Svayambhũ”- tự hiện hữu. Về ý nghĩa của các bông sen vàng và những cổ vật trong lòng di tích, G. Coedès - một học giả người Pháp cho rằng “Việc chôn báu vật dưới nền ngôi đền hay dưới bàn thờ là một tục cổ xưa của An Độ, vẫn được áp dụng ở một số nước khi lập Simas (trụ giới) đền, chùa” (G. Coedès, 1927).   

Những lá vàng mang hình voi: hình voi xuất hiện trên tám lá vàng hình chữ nhật (dài 2,9x3,3cm; rộng 2,6x3,0cm). Những hình voi này được chạm khắc ở nhiều tư thế đứng khác nhau. Trong đó, bốn hình trong tư thế nhìn ngang, đầu hướng về phía trước, ngà cong nhọn, vòi buông thẳng xuống dưới; có một hình còn có thêm nhiều chấm nổi nhỏ trên trán. Ba hình voi khác trong tư thế nhìn ngang, đầu hướng về phía trước , ngà cong, vòi buông thỏng rồi cong nhẹ lên. Trong đó, hai con voi có trang trí những chấm nhỏ nổi ở trán. Hình voi thứ tám thể hiện đầu quay ngang, ngà nhọn, vòi uốn cong lên đến miệng, trên trán có chấm nổi. Nhìn chung, những hình trên đều được khắc họa khá hiện thực, dáng cân đối, trong tư thế vận động. Việc tìm thấy tám lá vàng hình voi bố trí theo tám hướng xung quanh những di vật vàng khác bên trong ô cát ở trung tâm kiến trúc Gò Xoài làm chúng ta liên tưởng đến biểu tượng của tám vị thần “bảo vệ, canh giữ thế giới” trong An Độ Giáo. Hoặc là tám con voi giúp tám vị thần bảo vệ lãnh địa của mình. Đó là voi Airavata của Indra bảo vệ hướng đông, voi Sarvabhaura của Kubera- hướng bắc, voi Vâmana của Yama- hướng nam, voi Anjana của Varuna- hướng tây, voi Pudarika của Agni - hướng đông nam, voi Kumuda của Surya- hướng tây nam, voi Pushpadanta của Vayu- hướng tây bắc, voi Supratica của Soma (hay Isanhi) - hướng đông bắc.        

Bông sen vàng. Bình Tả, Đức Hòa, Long An

Những bông sen vàng giống như ở Gò Xoài (1987) đã từng được phát hiện trước đó ở Đại Hữu (Quảng Bình, năm 1926), Pông Tyuc (hạ lưu sông Mê Nam, Thái Lan, năm 1927); Trong cùng một khoảng thời gian  từ 1982 đến 1992 ở Cạnh Đền, Nền Chùa (Kiên Giang) Gò Thành (Tiền Giang), ở Giồng Xoài (Kiên Giang, 2001) và ở Cát Tiên (Lâm Đồng, 2002). Tương tự những lá vàng chạm hình voi ở Gò Xoài cũng đã được phát hiện ở di tích Gò Thành (Tiền Giang), Giồng Xoài (Kiên Giang, 2001) và ở Cát Tiên (Lâm Đồng, 2002).

Bên cạnh những dụng cụ và nguyên liệu chế tác thể hiện yếu tố nội sinh trong kỹ thuật chế tác kim hoàn, những hiện vật vàng phát hiện dưới lòng đất Long An đã được chạm khắc bằng một nghệ thuật điêu luyện với những đường nét trang trí nhuần nhuyễn và tinh xảo, mang yếu tố ngoại sinh. Như nhận xét của các nhà chuyên môn rằng những biểu hiện nghệ thuật ấy được hiểu rằng chúng mang yếu tố An Độ, Trung Á, có thể cả với thế giới  Địa Trung Hải, cùng những đặc thù bản địa.

V.T.H

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Phát Diệm- Đào Linh Côn- Vương Thu Hồng: Khảo cổ học Long An- Những thế kỷ đầu Công nguyên. Sở Văn hóa- Thông tin Long An. Long An- 2001.

2. Đào Linh Côn- Võ Sĩ Khải: Khai quật Cát Tiên- Lâm Đồng. Một số vấn đề Khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội- Hà Nội. 2004.

3. Đào Linh Côn- Nguyễn Thị Mỹ Hồng: Di tích Giồng Xoài (xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Một số vấn đề Khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội- Hà Nội. 2004.

4. Lương Ninh: Những bông sen vàng và giao lưu văn hóa Đông Nam Á. Trong tạp chí Khảo cổ học số 2/1996. Viện Khảo cổ học- Hà Nội.

5. Ramesh S. Gupte: Iconography of the Hindus, Buddhists and Jains. D.B. Taraporevala Sons & Co. Private LTD. Bombay- India.

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 07-08