Thông tin Mỹ thuật số 17-18

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

100 Năm Giáo Dục Mỹ Thuật Trung Quốc (1906-2006) Nhìn Từ Học Viện Mỹ Thuật Trung Ương Bắc Kinh

Từ Bi Hồng
Sau chiến tranh chống Nhật, Từ Bi Hồng (đứng ngoài cùng bên phải) trở thành hiệu trưởng

Đôi nét lịch sử Trung Quốc  vào thời Ngũ Đại, Tây Thục năm 935 sau công nguyên, tại Tứ Xuyên lần đầu tiên thiết lập một viện mỹ thuật có tính chất hoàng gia- Hàn lâm Đồ hoạ viện. Sang tới thời nhà Tống năm 960, Tống Thái Tổ cho thành lập Hàn lâm Đồ hoạ viện tại Khai Phong. Trung Quốc là một đất nước lạ kỳ, từ anh thợ mộc đến hoàng đế đều mơ làm hoạ sĩ. Trung Quốc cũng là một đất nước có truyền thống giáo dục rất lâu đời. Nhưng giáo dục mỹ thuật với tư cách là một hoạt động giáo dục thực sự chỉ bắt đầu từ thời cận đại. Trong tiếng Hán, hoạ sư không có nghĩa là thầy giáo dạy hoạ, họa sư nguyên chỉ người có chức nghiệp hội hoạ, tương đương với từ hoạ sĩ trong tiếng Việt. Giáo dục mỹ thuật (GDMT) với tư cách là một môn học độc lập, danh từ này lần đầu tiên được xuất hiện trong tiếng Đức năm 1880, nguyên văn là: Kunsterzichung hoặc  Kunstlerische Erzichung.
Giáo dục hiện đại Trung Quốc  hình thành từ giữa thế kỷ 19, và nhận nhiều ảnh hưởng to lớn từ văn minh phương Tây (ban đầu gián tiếp qua Nhật Bản). Trong thể chế giáo dục mới bắt  đầu hình thành ở Trung Quốc  sớm có GDMT. Một thế kỷ sự nghiệp GDMT gắn liền với sự thăng trầm của chính lịch sử Trung Quốc thế kỷ 20. Về lịch sử giáo dục mỹ thuật Trung Quốc cận đại và hiện đại có nhiều cách phân chia thời kỳ khác nhau tuỳ theo từng mức độ nghiên cứu. Mong có một cách trình bày đơn giản, người viết xin được chia 100 năm GDMT Trung Quốc theo ba thời kỳ lớn:
Giai đoạn 1906-1949; 1949-1979; 1979 đến nay.
Năm 1906, năm thứ 32 Quang Tự nhà Thanh, trường Sư phạm Lưỡng Giang ở Nam Kinh thiết lập môn học “Hoạ đồ” (vẽ tranh) và “Thủ công”. Ngoài việc mời các hoạ sư đến dạy các môn quốc hoạ, trường còn mời những hoạ sĩ đi du học ở Nhật Bản tới dạy vẽ hình hoạ, sơn dầu,… và những kiến thức của mỹ thuật Âu châu khác nữa. Học mỹ thuật phỏng theo lối Tây dương từ dụng cụ, hoạ phẩm đến phương pháp giảng dạy. GDMT buổi ban đầu có sự đóng góp to lớn của Thái Nguyên Bồi. Năm 1912, sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, trong bài phát biểu “Ý kiến đối với phương châm cải cách giáo dục” ông đã khởi động cuộc cách mạng về học chế, giáo trình một cách hệ thống theo hướng hiện đại. Từ bài phát biểu “Để Mỹ dục thay thế các học thuyết tôn giáo” (1917), cho đến bài phát biểu “ Vận động văn hoá chớ quên Mỹ dục” (1919), cho thấy tâm huyết của ông đối với sự nghiệp GDMT của Trung Quốc. Năm 1927, chính phủ Dân quốc dưới sự chủ trì của Thái tiên sinh đã triệu tập hội nghị lần thứ nhất Ủy viên giáo dục nghệ thuật các học viện. Với một tầm nhìn văn hoá chiến lược, Thái Nguyên Bồi tiên sinh ý thức được sự gắn kết của kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, để GDMT trở thành một bộ phận quan trọng trong cuộc vận động văn hoá mới ở Trung Quốc  những năm đầu thế kỷ. Một thế hệ trí thức mới Trung Hoa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục với vận mệnh của đất nước. Lối học để làm quan thay bằng học để làm người, để chấn hưng đất nước. Cái tai hại của mỹ  thuật Trung Quốc cả nghìn năm nay là chỉ loanh quanh vào mấy đường bút, đó là mỹ thuật của mấy ông quan, dăm ba kẻ sĩ bất đắc chí. Trung Quốc có một truyền thống điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng vô cùng quí báu lại luôn bị coi rẻ là mỹ thuật dân gian, là mỹ nghệ. Nền giáo dục mỹ thuật mới quyết tâm bù đắp thiếu sót này.

Trường Nghệ thuật Bắc Kinh
Trường Nghệ thuật chuyên nghiệp quốc gia Bắc Kinh năm 1920 là tiền thân của CAFA sau này Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh (CAFA) ngày nay

Từ Nhật Bản, cách mạng “Duy tân Minh trị” thúc đẩy nghệ thuật thiết kế tách khỏi những ràng buộc nghệ thuật truyền thống, hình thành khái niệm mỹ thuật công nghệ. Mỹ  thuật gắn liền với công nghệ mới. Năm 1917, Trần Chi Phật (Chen Zhi Fo) viết tài liệu giảng dạy đầu tiên về đồ án thiết kế “Đồ án giảng nghĩa”.
Nửa đầu thế kỷ 20 Trung Quốc chìm đắm trong sự xâu xé của các nước đế quốc và nội chiến (1). Nhưng giáo dục mỹ thuật đã đi được một chặng đường dài, đặt nền móng cho giáo dục mỹ thuật phổ thông và chuyên nghiệp sau này.
GDMT giai đoạn 1949- 1979

Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập. Đây là một thời cơ mới để phát triển GDMT.
Từ Bi Hồng tiên sinh là người thành công khi đưa các kiến thức, phương pháp đào tạo khoa học của các học viện mỹ thuật Châu Âu vào Trung Quốc. Sau ba năm bắt đầu khởi động đầu tàu GDMT Trung Quốc, với cương vị giám đốc Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh (CAFA), năm 1953 hoạ sĩ  Từ Bi Hồng đột ngột qua đời. Giáo dục mỹ thuật Trung Quốc nói chung và Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh kể từ sau khi Từ Bi Hồng mất đã không tiến mà còn thụt lùi nhiều bước.
Học viện Mỹ thuật Trung ương từ một học viện theo hướng chuyên môn cao, đa chuyên ngành đã chuyển thành một học viện tạo hình thuần tuý. Các môn học về kiến trúc, nghệ thuật ứng dụng bị cắt bỏ, một bộ phận giáo sư, hoạ sĩ rời khỏi CAFA. Năm 1956 thành lập Học viện Mỹ thuật Công nghệ. Giáo dục mỹ thuật phổ thông chỉ còn lại việc dạy vẽ, dạy tô, dạy đồ theo các mẫu sẵn có. Giáo dục mỹ thuật chuyên nghiệp quá thiên về phát triển nghệ thuật tạo hình thuần tuý, độc tôn một vài trường phái, chủ nghĩa.
Giai đoạn 1979 đến nay
Công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình đã đưa Trung Quốc trở về hoà nhập với thế giới. Giáo dục mỹ thuật phổ thông đã nhanh chóng đi trước một bước so với giáo dục chuyên nghiệp. Năm 1979, Bộ Giáo dục Trung Quốc  quyết định gộp hai môn học “Thủ công” và “Hoạ đồ” thành một môn học Mỹ thuật. Năm 1981, Trương Văn Kì (Zhang Wen Qi) trong bài viết “Bàn về tư tưởng chỉ đạo để biên tập tài liệu giảng dạy mỹ thuật mới và đặc điểm của  giáo án” đề xuất môn mỹ thuật học nhất thiết phải bao gồm các kiến thức hội hoạ, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc, cải biến tình trạng phiến diện đơn giản coi “vẽ tranh” là mỹ thuật. Nhờ hoạt động nghiên cứu, dịch thuật giới thiệu tri thức giáo dục mỹ thuật thế giới, Trung Quốc đã tham khảo được nhiều kinh nghiệm mô hình giáo dục mỹ thuật trên thế giới.
Năm 1999-2000, GDMT Trung Quốc đánh dấu bằng một sự kiện đáng nhớ với khoá học Nghiên cứu nghệ thuật đương đại do giáo sư Cát Bằng Nhân (Ge Peng Ren) hướng dẫn. Giáo sư Cát Bằng Nhân, Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh Trung Quốc, đã nhận định về Giáo dục Mỹ thuật chuyên nghiệp Trung Quốc với hai đặc điểm “kỳ quái” như sau:

Tác phẩm của FANG LIJUN trưng bày tại Today Art Museum, Bắc Kinh, 2006

Một là từ khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tới nay, toàn bộ hệ thống GDMT từ giáo học đại cương, kết cấu tri thức, cơ chế đào tạo, phương pháp đào tạo không hề thay đổi. Hai là trong khi từ thập niên 80 lại đây, Trung Quốc  đã thay đổi mô hình kinh tế từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường, lối sống, chất lượng sống đã hoàn toàn thay đổi về chất, Trung Quốc  hội nhập với thế giới, toàn bộ các ban ngành đã thay đổi rất nhiều nhưng riêng ngành mỹ thuật vẫn giậm chân tại chỗ”.
Năm 2001, CAFA chuyển sang một địa điểm mới, cùng với một ngài tân hiệu trưởng, quốc hoạ gia Pan Gongkai. CAFA đã mời các hiệu trưởng của các học viện hàng đầu thế giới và lãnh đạo của bảy học viện mỹ thuật Trung Quốc còn lại, long trọng tổ chức một cuộc hội thảo có tên: Vượt lên thách thức- Đối diện tương lai. Kể từ năm 2001, GDMT ở Trung Quốc  thực sự bước vào giai đoạn mới với sự khởi đầu của CAFA. Từ một học viện nghệ thuật tạo hình thuần tuý, trong vài năm lại đây trường phân thành các học viện như Học viện Tạo hình, Học viện Thiết kế, Học viện Kiến trúc, Học viện Nhân văn. GDMT được lãnh đạo trường coi là một trong những nhiệm vụ trung tâm. Tổ GDMT trước đây được chuyển thành Khoa GDMT, thuộc Viện Nhân văn của CAFA.
Khoa Mỹ thuật thành lập tháng 12 năm 2002, khoa chia thành hai bộ môn: nghiên cứu GDMT và  Nghiên cứu giáo dục thực tiễn nghệ thuật. Tiếp thu kinh nghiệm, học tập mô hình GDMT chuyên nghiệp ở các nước Âu Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan. Đặc biệt là sự kết hợp với Đại học Columbia đã tổ chức được hai khoá tập huấn về GDMT chuyên nghiệp trong các trường đại học và cao đẳng. Có thể nhận thấy ba phương hướng chính của Khoa GDMT là :
- Nghiên cứu GDMT
- Quản lý GDMT
- Giáo dục Sư phạm Mỹ thuật (2)
Các môn học chuyên ngành nghiên cứu GDMT gồm có: Đông Tây giáo dục lịch sử mỹ thuật, Nghệ thuật phát triển tâm lý học, Bảo tàng và GDMT, Quản lý và GDMT cộng cộng. Mỹ thuật giáo dục phương pháp luận. Sư phạm Mỹ thuật gồm có các kiến thức chuyên ngành như: Sáng tác mỹ thuật, Cơ sở tạo hình, Chất liệu, Thiết kế.
Các trường mỹ thuật đã chuyển mình từ trường nghệ thuật tạo hình sang trường nghệ thuật thị giác. Năm 2003 là năm rất đặc biệt với GDMT Trung Quốc, sự tăng vọt số học sinh đăng ký thi vào các trường mỹ thuật (3).

Từ Bi Hồng - ngu công dời núi
TỪ BI HỒNG. Ngu Công dời núi (trích đoạn)

Giáo dục chuyên nghiệp mỹ thuật bắt đầu khởi động, trong thông tri ngày 21/3/2005 của Bộ Giáo dục Trung Quốc về việc “ Chỉ đạo thiết lập chương trình khung trong toàn quốc cho các trường mỹ thuật (chuyên nghiệp phổ thông) bậc đại học”.
Trong chương trình khung mới này, có rất nhiều môn học mới mà trước đây chưa từng có như: Mỹ thuật và giáo dục nhân văn, Các trước tác văn hoá nghệ thuật kinh điển, Nghệ thuật xã hội học, Giáo dục bảo tàng mỹ thuật, Tài nguyên giáo dục mỹ thuật địa phương, Văn hoá thị giác và truyền thông, Di sản văn hoá thế giới, Các trào lưu mỹ thuật hiện đại đương đại, Lịch sử Design hiện đại, Nhiếp ảnh, Nghệ thuật đa truyền thông, Mỹ thuật giáo dục lí luận và thực tiễn, Lí luận giáo dục mỹ thuật trung học, Lịch sử giáo dục mỹ thuật thế giới, Phương pháp nghiên cứu giáo dục và cách viết luận văn,… Với khung chương trình mới này, căn bệnh kinh niên lâu nay khinh “văn” trọng “thuật” trong chính đội ngũ những người làm mỹ thuật và giáo dục mỹ thuật sẽ được cải thiện.
Ngày 1/4/2004 Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh (CAFA) kỷ niệm 86 năm thành lập (1918-2004). Trong nghi lễ long trọng, với sự hiện diện của  các vị lãnh đạo văn hoá nhà nước Trung Quốc, Bộ Giáo dục, và phu nhân Từ tiên sinh. Ngài giám đốc học viện, hoạ sĩ Pan Gongkai (Phan Công Khải) đọc diễn văn và cử hành nghi thức đặt bức tượng Từ Bi Hồng (Xu Beihong), vị hiệu trưởng đầu tiên của Học viện. Trong lời phát biểu, hoạ sĩ Pan Gongkai có nói: “ Bức tượng Xu Beihong tiên sinh được kính cẩn đặt tại đây, biểu hiện sự hoài niệm chân thành từ trái tim chúng ta. Một đời học thuật của tiên sinh cho chúng ta một truyền thống học thuật thâm hậu tốt đẹp, chúng ta nguyện giữ vững và phát triển ưu thế đa chuyên ngành. Nhưng chúng ta cần có sự khai thoáng và có chí tiến thủ, trong một thế giới phát triển kinh tế cuồn cuộn và xu hướng toàn cầu nhất thể hoá như vũ bão, nếu không tiến về phía trước tức là thụt lùi” (4). Bức tượng mô tả Từ Bi Hồng mặc trang phục truyền thống, khuôn mặt đầy suy tư, trong phong ba vẫn kiên định cất bước. Đấy cũng là hình ảnh của giáo dục mỹ thuật Trung Quốc trong thế kỷ 21 được nhìn thấy từ khuôn viên của CAFA. 

T.H.Y.T.

(1) Trong giai đoạn vô cùng gian nan này, riêng Bắc Kinh Mỹ thuật học hiệu (nay là Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc kinh) đã phải đổi tên 8 lần, chuyển địa điểm 4 lần.
(2) Mỹ thuật Sư phạm Giáo dục: Đào tạo nên một đội ngũ chuyên thực hiện nhiệm vụ giáo dục mỹ thuật. Học viện Mỹ thuật Quảng Châu năm 1981 thành lập khoa Mỹ thuật Sư phạm Giáo dục. Tới năm 1989 cải tên thành khoa Giáo dục Mỹ thuật, trong đó có Ban Nghiên cứu giáo dục mỹ thuật.
(3) Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên năm 2003 chỉ tiêu tuyển sinh đại học là  hơn 900 SV, nhưng số thí sinh đăng ký là 19.000!
(4) Báo Tân Học Viện số 26 ngày 30/4/2004

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 17-18