Thông tin Mỹ thuật số 15-16

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Triển Lãm Thiết Kế Đồ Họa Của Khoa Mỹ Thuật Ứng Dụng Trường Đại Học Mỹ Thuật Tp.HCM Tại Hà Nội

Mỹ thuật ứng dụng
Chủ nhiệm khoa Mỹ thuật Ứng dụng Huỳnh Văn Mười đang trao đổi với sinh viên Mỹ thuật Hà Nội tại phòng triển lãm. Ảnh: B.H.L

Hai năm một lần, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội lại có dịp gặp nhau trong những lần triển lãm giao lưu giữa các giảng viên, cán bộ, nhân viên của hai trường và dường như đã thành thông lệ. Năm nay Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một triển lãm nằm trong chương trình nhưng có một điều hơi khác, đó là triển lãm những bài tập và bài tốt nghiệp của sinh viên Khoa Mỹ thuật Ứng dụng chứ không phải triển lãm các tác phẩm của các giảng viên, cán bộ, nhân viên như thường lệ. Chính điều này đã tạo ra một sự khác lạ và đã được đón tiếp một cách nồng nhiệt và để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.
Triển lãm đã khai mạc vào chiều ngày 20 tháng 12 năm 2006. Đây là cuộc triển lãm quy mô lớn  lần thứ hai của Khoa (lần thứ nhất vào tháng 3 năm 2003 tại  Nhà Triển lãm thành phố Hồ Chí Minh). Lần triển lãm này Khoa Mỹ thuật Ứng dụng  trình bày trên 200 bài học tốt bao gồm đủ các thể loại: các bài học cơ bản về typography, phương án sáng tác từ bài học hình họa, logo, biểu tượng, giấy tờ văn phòng, bìa sách, tạp chí, tập thơ,  brochure, catalog, poster (chính trị xã hội, quảng cáo thương mại, phim ảnh, sự kiện văn hoá…), lịch treo tường, tem thư, banner, bao bì… Phong cách trình bày triển lãm cũng khá ấn tượng, với các tấm  poster phóng lớn treo choán từng vách tường, đập vào mắt người xem, các khối hộp vuông in hình các logo treo lơ lửng trong không gian trên một bề mặt bàn ngổn ngang sản phẩm bao bì. Trong không khí nhộn nhịp của triển lãm, việc biếu và phát các catalogue riêng cho cuộc triển lãm này thật sự gây ấn tượng cho người tham dự. Catalogue trình bày đẹp, sang trọng và có nội dung phong phú đã trở thành tài liệu tốt cho ai cần nghiên cứu về design.

Mỹ thaut65 ứng dụng Mỹ thuật ứng dụng
Quang cảnh phòng triển lãm. Ảnh: B.H.L  

Triển lãm đã thu hút đông đảo các sinh viên, giảng viên  mỹ thuật của các Trường: Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học mở, Đại học Kiến trúc, các nhà thiết kế, nhà lý luận và báo giới… Qua những nhận xét, đánh giá của các nhà chuyên môn, các nhà báo, nhà phê bình lý luận, sinh viên các trường… thì đây là một triển lãm được trưng bày với qui mô lớn, hoành tráng, rực rỡ và sang trọng. Trong từng tác phẩm đã toát lên được tính nghệ thuật, tính chuyên nghiệp và tính công nghiệp cao, có thể đáp ứng cho quá trình phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam. Quy mô của triển lãm cho ta thấy đây là thế mạnh của Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, thế mạnh đó được thể hiện trong từng tác phẩm riêng và trong toàn bộ triển lãm. Trong cuộc họp báo trước đó, thế mạnh này đã được các nhà báo, nhà nghiên cứu mỹ thuật nói đến như một thế mạnh hiển nhiên của một địa bàn kinh tế sôi động là thành phố Hồ Chí Minh.

Mỹ thuật ứng dụng Mỹ thuật ứng dụng Mỹ thuật ứng dụng

Qua triển lãm, thông qua ý kiến, dư luận, sự đánh giá của của giới chuyên môn, sinh viên các trường mỹ thuật tại thủ đô và chính chúng ta cũng có dịp nhìn lại mình để rút được những bài học quý giá:
- Sự ra đời của Khoa Mỹ thuật Ứng dụng trường ta trong 16 năm qua là quyết định vô cùng đúng đắn của nhà trường. Khi đưa một khoa mang tính dịch vụ xã hội vào một môi trường nghệ thuật tạo hình thuần túy.
- Thành quả đào tạo đã chứng minh nội dung, chất lượng giảng dạy có hiệu quả: cởi mở, sáng tạo, phong phú; tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng phục vụ các yêu cầu của xã hội về thiết kế đồ họa, truyền thông thị giác về phương diện thiết kế hai chiều…  gìn giữ, tạo được uy tín của nhà trường.
- Sự chuẩn bị cho triển lãm khá chu đáo. Từ khâu in ấn, trình bày đến đóng gói bao bì cho cuộc triển lãm. Điều này chứng minh qua sự tích cực động viên, lăn xả, sự động viên, giúp đỡ kịp thời của thầy cô, cán bộ, công nhân viên và sinh viên Khoa mỹ thuật ứng dụng, cùng  sự hỗ trợ của Truờng Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
- Mặc dù triển lãm không kéo dài, nhưng qua cuộc triển lãm này thông qua các giao lưu  trực tiếp và cả các ý kiến trên mạng internet giữa sinh viên Khoa Mỹ thuật Ứng dụng trường ta với sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, với nhiều chuyên gia giảng dạy về thiết kế đồ họa, đã tạo thêm sự tự tin cho lực lượng lãnh đạo, thầy trò của trường về sự định hướng, thành quả, chất lượng giảng dạy và học tập của chúng ta trong thời gian qua.
- Môi trường đào tạo của chúng ta hiện nay (kể từ bên trong và không khí hoạt động chuyên môn về mỹ thuật ứng dụng ở thành phố này) là rất tốt: sự tương tác về tư duy sáng tạo, sự nghiên cứu tự học của sinh viên, sự thể nghiệm và trải nghiệm của sinh viên trong suốt quá trình học và sau khi ra trường. Tương lai, chúng ta chỉ cần mở rộng thêm không gian, chuyên ngành đào tạo cũng như sự mở rộng về lĩnh vực giao lưu quốc tế nhiều hơn nữa về các mặt có tác động đến tầm nhìn, chất lượng  về chuyên môn giảng dạy và học tập. 
- Sắp tới, chúng ta cần chuẩn bị chu đáo thêm về một số phương tiện thông tin về nội dung, chương trình, bài giảng và phương pháp giảng dạy chuyên ngành này để dành cho những cuộc giao lưu, triển lãm, hội thảo hợp tác giữa các trường trong tương lai (nếu có). Đặc biệt là các cuộc triển lãm sắp tới cần có sự đổi mới, độc đáo hơn.
Giờ đây, chúng ta không quá chủ quan và tự hào nhưng có quyền hy vọng rằng trong tương lai và cụ thể là bắt đầu năm mới 2007, chúng ta có thể mở thêm một số chuyên ngành tối cần thiết cho nhu cầu đổi mới của xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ mà cả nước chúng ta đang bước đầu hội nhập vào WTO; thời kỳ mà nguồn nhân lực, nhân tài của chúng ta cần phải đa dạng và có chất lượng; thời kỳ mà uy tín Nhà trường cần được mở rộng và củng cố.

U.H.

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16