Tạo Hình Từ Trái Cây Nam Bộ
|
Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, là một trong những nước ở vùng Đông Nam Á được thiên nhiên ưu đãi, nên có nhiều loại trái cây độc đáo. Bất kỳ miền nào, địa phương nào ngoài những loại trái cây chung còn có thêm những loại trái cây đặc sản riêng. Nhưng nhiều nhất và phong phú nhất về chủng loại là ở đất Nam Bộ và nhất là mùa nào cũng có. Người ta sẽ nghĩ ngay đến măng cụt Lái Thiêu; chôm chôm, nhãn Long Khánh; nhãn Bạc Liêu; bưởi Năm Roi, mít tố nữ Lái Thiêu; dâu, sầu riêng, sapôchê Cái Mơn; đu đủ, sung, cam mật, nhãn lồng Tiền Giang; vú sữa Cần Thơ; mận Mỹ Tho; quýt đường Vĩnh Long; măng cụt Chợ Lách; xoài cát Hòa Lộc; dưa hấu Tây Ninh, Bạc Liêu; dừa Bến Tre;…
Do “quả” (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm, cũng là quà tặng của tự nhiên nên những sản vật này được kết tinh từ mồ hôi, công sức của người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong trang trí mâm ngũ quả ngày Tết của tổ tiên. Cũng do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ, đồng thời cũng nhằm thể hiện tính trang trí trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu nệ, cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả, nhưng vẫn gọi là “mâm ngũ quả”. Bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài, được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo”.
Tuy vậy, trong cách trưng bày giữa miền Nam và miền Bắc có sự khác nhau cơ bản như: người Nam thì không chưng chuối vì cho rằng có âm giống từ “chúi”, thể hiện sự nguy khó, không ngẩng lên được nên không dùng. Hay cũng không chưng cam bởi câu “quýt làm cam chịu”. Cũng theo tên gọi, các loại trái ở Nam Bộ, người ta thích thơm (thơm tho, thơm danh), sung (sung túc); cũng như thêm “chân đế” là 3 trái thơm thể hiện sự vững vàng đủ một câu thể hiện sự mong ước khiêm tốn gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (cầu vừa đủ xài); hoặc trên mức đầy đủ một bậc là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (cầu vừa đủ xài sung)… Nhưng mâm ngũ quả của người Bắc thì bao giờ cũng phải có nải chuối và bưởi, đào, quýt, hồng hoặc lựu và không thể thiếu cam. Ngoài ra cũng chỉ thêm ít trái cây nhập ngoại như táo, lê,… mà thôi.
Theo dòng thời gian và theo sự phát triển các đặc sản của vườn cây ăn trái mà càng xuôi về phương Nam, sự trưng bày mâm ngũ quả càng thay đổi, nhất là đồng bằng Nam Bộ thường phong phú hơn về chủng loại, nhưng lại bình dị hơn về ý nghĩa. Vì thực tế cuộc sống vừa khắc nghiệt vừa rộng mở và luôn luôn sôi động, biến đổi nhanh chóng đã khích lệ mọi người sống với nhau chân thành, giản dị độ lượng đôi khi xuề xòa. Đó chính là cơ sở xã hội của tâm lý lạc quan yêu đời, thích bông đùa ở người dân Nam Bộ. Do đó, chỉ cần chưng dưa, dừa, thơm là đã thấy đồ sộ rồi chưa kể những trái cây vừa kể trên và có trái gì thì chưng trái ấy miễn sao vừa mắt là được.
Từ đó, nghệ thuật tạo hình từ trái cây bắt đầu rải rác xuất hiện, nhất là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi được mệnh danh là xứ sở của trái cây quanh năm. Đến năm 1996 khi khu du lịch Suối Tiên tổ chức lễ hội trái cây Nam Bộ đầu tiên thì đã có những cuộc thi hẳn hoi và coi đây là một nét văn hóa truyền thống hàng năm và cũng xuất hiện thêm nhiều nơi như Đầm Sen, Tao Đàn,… vào dịp lễ, Tết.
Tạo hình từ trái cây hiện nay được thực hiện chủ yếu là: gắn kết, chạm khắc hoặc kết hợp cả hai cho một tác phẩm. Từ ý tưởng tạo hình cho phù hợp với chủ đề và không gian trưng bày, các nghệ nhân sẽ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Có khi nó chỉ là những con vật như long, phụng, khủng long, rồng, hổ, cá sấu… hoặc cao hơn nữa là tượng Nữ thần Tự Do, tháp Effel, chợ Bến Thành hoặc 3 vị thần linh Phước, Lộc, Thọ… Đặc biệt nhất là sự tái tạo những tác phẩm điêu khắc, hội họa nổi tiếng của các danh họa trong nước và thế giới. Chất liệu để tạo nên những tác phẩm đó 100% là từ trái cây, hoa lá cành, thân cây đến rau củ quả chỉ thấy trong chế biến các món ăn. Các nghệ nhân thực hiện quá trình trang trí thông qua các công đoạn gắn kết, sao cho càng giữ nguyên hình dáng trái cây càng tốt. Còn với những quả bầu, bí, dưa hấu, xoài, sầu riêng, dứa, ớt, cà pháo, cà tím… dưới mũi dao khéo léo của các nghệ nhân sẽ trở thành những hình hài sinh động với các con vật, đồ vật mang phong cách trang trí rất lớn và có thể tạo nên những đĩa, mâm, giỏ, hay thuyền, xuồng, thúng trái cây khổng lồ bắt mắt và hấp dẫn.
Những nghệ nhân đã thực hiện những tác phẩm nghệ thuật baroque hoành tráng, bởi một tác phẩm có thể chiếm một diện tích tương đối lớn và bố cục hoàn toàn chắc chắn bằng một bệ trái cây lớn nâng đỡ toàn bộ những hình hài bên trên mà không cần trợ giúp bằng khung thép hay gỗ. Hoặc tạo các hình hài lên thân cây chuối rồi sau đó mới sắp trái cây vào những khoảng trống sao cho càng kín càng tốt.
Màu sắc rực rỡ hoàn toàn tự nhiên của cây trái, tương phản mạnh của những dáng vẻ cầu kỳ, phức tạp mà phóng túng của rồng, phụng, lân, khỉ,… nó như một ban hợp xướng khi mà tất cả các giọng cùng cất lên hát bản hòa âm vì lúc đó không phân biệt được giọng riêng rẽ nào, mà cái thú vị là sự pha trộn, là nhịp điệu chung: những màu xanh tươi của các loại lá xen lẫn với trái tượng trưng cho đời sống cảm xúc, trạng thái hài hòa, tự do, nó là biểu tượng thiên nhiên, là sự phát triển và tái tạo; Màu đỏ của thanh long, của mận xen lẫn với ớt, cau cảnh biểu tượng của mặt trời, ngọn lửa ấm áp, là màu dành cho tình yêu, sự may mắn, phát tài phát lộc; Màu chàm của thốt nốt, dừa nước xen lẫn với cà tím, me tây thể hiện cho óc tưởng tượng, khả năng sáng tạo; Màu vàng của bưởi, đu đủ xen lẫn với những bông hoa cúc thể hiện sự rực rỡ, vui vẻ, hạnh phúc, năng động, sự thông thái, tự tin… tạo cho người xem một cảm xúc vừa quen mà vừa lạ. Quen ở chỗ chúng ta bắt gặp những trái cây vẫn thấy xuất hiện hàng ngày ngoài chợ, lạ là chúng ta đang thưởng thức những tác phẩm điêu khắc, sắp đặt bằng chất liệu trái cây. Những tác phẩm đã phần nào thể hiện tính chân thực, chất phác, có nét tưởng tượng của nghệ nhân, ngoài mong muốn nâng niu thành quả lao động họ còn có một khát vọng một niềm tin về sự thịnh vượng của quê hương.
Có thể nói tạo hình từ trái cây ở Nam Bộ đã mang đến cho chúng ta một đời sống tinh thần, một nét văn hóa mới và độc đáo.
H.C.
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16