Nghề Curator Và Nghệ Thuật Đương Đại
|
LÊ THỊ VIỆT HÀ. Vỡ. Sắp đặt tại S.O.C |
Nghề curator (quản lí, tổ chức triển lãm) được biết đến ở Việt Nam trong khoảng một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, khái niệm chính xác về nghề này như thế nào vẫn là điều mơ hồ với đại đa số dân chúng Việt Nam, thậm chí với chính các nghệ sĩ. Việc không có các curator chuyên nghiệp là thiệt thòi lớn đối với mỹ thuật đương đại Việt Nam, trong việc xác định vị trí của nó ở chính Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt nó là một thiệt thòi không nhỏ đối với thế hệ các họa sĩ trẻ Việt Nam. Bởi nghệ thuật ngày nay không chỉ dừng lại ở các bức tranh hội họa đơn thuần được treo trên tường, mà nghệ thuật đương đại chiếm lĩnh cả không gian thưởng ngoạn quanh nó.
Có lẽ chưa bao giờ người ta lại thấy thiếu vai trò của những curator cho các triển lãm nghệ thuật đương đại đến vậy . Và ở đâu đấy, người ta nói đến một sự độc quyền nào đó của một vài người đang đứng ra đảm trách nhiệm vụ này. Rồi lại có những phản ứng của một số nghệ sĩ đương đại không đồng tình bởi curator này độc tôn cho chỉ một nhóm nghệ sĩ và gạt bỏ những nghệ sĩ khác. Điều đó có nghĩa khi không có một đội ngũ curator khác nhau thì các triển lãm cũng thiếu đi sự đa dạng của cái nhìn hay quan điểm nghệ thuật đa dạng để thiết lập nên những góc nhìn. Và thiếu đến nỗi tất cả những trung tâm muốn tổ chức các hoạt động về nghệ thuật đương đại, khi không biết nhờ cậy đến ai, thì lại dồn vào vai chỉ một người, cũng có nghĩa chỉ có một gu thẩm mỹ, một cách lựa chọn. Do đó chỉ có một số họa sĩ trẻ nào đó được co cụm lại thành một nhóm chuyên triển lãm, còn các nhóm khác, những người khác lại phải tự thân vận động. Bởi vậy, tình trạng những gương mặt quen thuộc thường xuyên xuất hiện như không có sự thay đổi nào cả. Không cộng nhập thêm những người mới và cũng chẳng có những ý tưởng mới, cách triển lãm mới.
Vai trò của curator trong nghệ thuật đương đại
Có lẽ không cần đến một curator thì các triển lãm ở Việt Nam vẫn được tổ chức không hề hấn gì. Tuy nhiên chúng chỉ giống như việc góp gạo thổi cơm chung mà thôi. Cho dù đó là triển lãm mang tầm quốc gia hay của một nhóm nghệ sĩ cho đến cả những triển lãm Việt Nam đi nước ngoài. Dường như không có một ý tưởng nào cả và ngoài mục đích là triển lãm một cách thuần tuý là bán tranh. Cách thức chọn tranh cũng vậy, hoàn toàn cảm tính, hoặc do quen biết. Triển lãm toàn quốc năm 2000 đã được nhìn nhận như một hội chợ mang tính phong trào là chủ yếu, tính chuyên nghiệp là thứ yếu. Người ta cũng sẽ không nghi ngại rằng triển lãm toàn quốc năm nay (2005) vẫn đi theo cái vết xe đó, bởi dường như không có một sự thay đổi nào cả trong cung cách tổ chức. Cho dù không ít các ý kiến nói rằng cần phải tổ chức chúng như những Biennal nghệ thuật. Và một điều quan trọng có lẽ chưa người làm tổ chức nào nghĩ đến là vai trò giáo dục, hay hướng dẫn của một triển lãm kể cả những triển lãm đương đại. Do đó điều thường xuyên được nghe những lời than phiền từ các nghệ sĩ cũng như người tổ chức rằng nghệ thuật Việt Nam nói chung không có công chúng huống chi là “khó hiểu như nghệ thuật đương đại”.
Điều này cho thấy vai trò của các curator không phải nhỏ trong bối cảnh xã hội hiện nay. Đặc biệt khi nghệ thuật ngày nay đã không còn đơn giản là việc treo những bức tranh lên như thế nào. Với các loại hình đa phương tiện mới, thì vai trò của người curator càng quan trọng. Làm thế nào để nghệ thuật đương đại nói riêng có công chúng, và làm thế nào để vấn đề các nghệ sĩ đương đại đặt ra không chỉ dành riêng cho một nhóm người mà được sự quan tâm chung của toàn xã hội (?). Làm thế nào để các phương tiện thông tin đại chúng đánh giá một cách đúng đắn và khách quan về các loại hình nghệ thuật này mà không phải là nhìn từ một con mắt sống sượng qua các hiện tượng biểu hiện.
|
Sắp đặt của Trần Lương tại Richard F.Brush Art Gallery, Mỹ. 2000 |
Do đó, trách nhiệm của một curator là vô cùng quan trọng. Nếu nghệ thuật đương đại đặt vai trò của ý tưởng lên trước, có tính quyết định cơ bản đối với hình thức của tác phẩm, thì đối với một triển lãm đương đại nó cũng có vai trò không kém. Ngoài ra họ còn là người kết nối các họa sĩ trẻ lại với nhau trong một môi trường nghệ thuật mới. Lựa chọn những ai, và đặt ra cách làm việc như thế nào cho hợp lý. Tuy rằng, nghệ thuật đương đại Việt Nam mới chỉ cập nhật được khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhưng nó cũng đã có những sự phân hoá nhất định. Điều mà các nhà phê bình thường định danh là các phong cách như nghệ thuật có khuynh hướng dân gian, hay nghệ thuật ý niệm… Như vậy đối với việc tập hợp họa sĩ và tổ chức triển lãm một cách chuyên nghiệp đã cần đặt ra những vấn đề khác nhau. Chúng ta chưa làm được điều này, nên triển lãm của Việt Nam thường lỗ chỗ, thường thì các nghệ sĩ tự tập hợp lại với nhau để triển lãm. Chỉ trừ một số các triển lãm có sự tham gia của các quản lý người nước ngoài, ví dụ triển lãm ở số 30, Hàng Than. Thường các chủ đề ý tưởng được đặt ra khá rõ ràng đối với các triển lãm chung của nhiều tác giả. Từ việc có ý tưởng cho đến việc tạo nên một triển lãm là một con đường dài. Các ý tưởng của họa sĩ có thể có những điểm chung nhưng vẫn là những tiếng nói đơn lẻ. Người làm curator còn phải bao quát được nhiều khía cạnh khác như: xã hội, con người chứ không chỉ riêng nghệ thuật. Nên curator không chỉ là người có năng lực tổng quan để có thể trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện cùng tồn tại trong một không gian sao cho hiệu quả nhất. Họ còn là người trung gian chuyển tải các ý tưởng để công chúng có thể hiểu được nghệ thuật là gì. Họ cũng là người đi tìm các nguồn tài chính cho các cuộc triển lãm bởi nghệ thuật đương đại đa phần là phi lợi nhuận. Cuối cùng là phổ biến các thông tin triển lãm bằng con đường truyền thông, đây là trách nhiệm nặng nề nhất của các curator. Đặc biệt trước yêu cầu càng ngày càng cao của xã hội và thế giới, thì nhà tổ chức phải là người có cái nhìn đa chiều về nghệ sĩ và người thưởng ngoạn. Họ là người quyết định hiệu quả triển lãm như thế nào, có thu hút được công chúng quan tâm hay không, có nâng cao được tầm hiểu biết về nghệ thuật hay không. Cũng có nghĩa họ chính là một mắt xích quan trọng trong việc xã hội hóa nghệ thuật ngoài vấn đề của các nhà giáo dục. Do đó việc xây dựng và đào tạo đội ngũ curator cũng là một chiến lược quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật.
Hệ thống bảo tàng và nghệ thuật đương đại:
Đây là vấn đề thứ hai chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này. Mới xem qua thì tưởng chừng nghề curator và vấn đề các bảo tàng chẳng có gì liên quan với nhau. Bởi đơn giản là từ trước tới giờ chúng ta chưa bao giờ có một cách làm hay cái nhìn đồng bộ. Việc trưng bày các bảo tàng ở Việt Nam nhìn đi nhìn lại thì không khác bao xa với thể thức các nhà truyền thống, cho dù đó là Bảo tàng nghệ thuật hay lịch sử, quân đội. Bảo tàng nào cũng đều có phòng trưng bày các triển lãm không cố định. Nhưng lại không có một curator chuyên nghiệp để tổ chức cho các hoạt động của phòng triển lãm này. Do đó chúng có chức năng giống với các nhà triển lãm đơn thuần. Đâu thuê triển lãm thì tổ chức, tất nhiên là có kiểm duyệt. Đối tượng tham quan của bảo tàng phần nhiều là dành cho du lịch và khách ngoại quốc. Với người Việt, dường như việc đến bảo tàng không nằm trong các lịch trình đi chơi, tham quan của đại đa số người dân. Bởi đơn giản các bảo tàng (ngoại trừ bảo tàng duy nhất là Bảo tàng Dân tộc học) dường như không làm gì để cuốn hút quảng đại quần chúng và biến nhu cầu đến thưởng thức nghệ thuật, tham gia vào các hoạt động của họ thành nhu cầu thường xuyên. Đồng thời ở đó cũng không có các hoạt động để tạo nguồn lượng khách tham quan tương lai.
Để đạt được điều này, việc đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu là một cách làm vô cùng phổ biến của đa phần các bảo tàng trên thế giới, cho dù đó là bảo tàng đương đại hay bảo tàng cổ điển. Ra vào các trung tâm như Pompidou, Bảo tàng Louvre hay các Nationnal museum ở các nước trên thế giới hàng ngày chính là các học sinh phổ thông. Họ đến đấy để học cả những môn học khác mà không chỉ riêng nghệ thuật. Điều này đã làm nên thói quen đến bảo tàng của tất cả mọi người chứ không chỉ một nhóm hay một giới quan tâm đến nghệ thuật. Như vậy muốn nghệ thuật có được công chúng thì bảo tàng nói chung và nghệ thuật nói riêng cần sự nỗ lực từ rất nhiều phía. Từ chương trình giáo dục ở trường phổ thông, từ hoạt động của các bảo tàng, nhà triển lãm, từ những người làm quản lý tổ chức triển lãm nghệ thuật (curator)… Tức luôn cần phải nghĩ đến thế hệ tương lai trong mọi hoạt động thì hiệu quả của việc làm triển lãm hay làm bảo tàng, làm giáo dục mới có được thành quả lâu dài góp phần thúc đẩy sự phát triển. Càng giáo dục trẻ em hiểu thế nào là nghệ thuật càng sớm thì càng tốt, bởi chúng là thế hệ nghệ sĩ cũng như công chúng tương lai của nghệ thuật và các Bảo tàng.
|
MELLA JARRSMA. Nơi ở của tôi. Sắp đặt tại S.O.C |
Đến đây ta thấy rằng rất cần sự hiện diện vai trò của các curator. Và không chỉ curator hoạt động trên một lĩnh vực mà đa dạng trong các lĩnh vực nghệ thuật. Chính đội ngũ này sẽ làm hoạt động của các Bảo tàng trở nên sống chứ không chỉ là một nơi thụ động chờ người đến thuê phòng triển lãm như ở ta hiện nay. Chưa bao giờ Bảo tàng Mỹ thuật tổ chức được một cuộc nói chuyện hay chiếu phim giới thiệu về nghệ thuật hay một loại hình nghệ thuật nào đó (cho dù là mỹ thuật cổ hay cận, hiện đại, đương đại) cho mọi đối tượng không riêng giới mỹ thuật. Và như thế đương nhiên là không bao giờ có các buổi nói chuyện khi diễn ra các triển lãm, ngoại trừ họp báo. Bởi đơn giản là các triển lãm này không thuộc chương trình chủ động của Bảo tàng, mà là sự ký kết giữa người thuê và người cho thuê.
Ngoài ra ở Việt Nam, cho đến tận bây giờ việc chưa có một bảo tàng nghệ thuật đương đại là một sai lầm nghiêm trọng với xã hội và nghệ thuật Việt Nam. Không có bảo tàng đương đại đồng nghĩa với việc chúng ta không có một đối trọng cơ bản để tiếp nhận và phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam. Các sự kiện, tác phẩm đương đại không được lưu giữ, thất thoát ra nước ngoài, hoặc biến mất cùng thời gian bởi đặc trưng của nghệ thuật đương đại thường là diễn ra chỉ trong một khoảng thời gian nhất định (như perfomance art). Cho dù một vài năm trở lại đây Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có lưu tâm đến vấn đề này và mới bắt đầu mở cửa để triển lãm các tác phẩm nghệ thuật có tính đương đại. Các nghệ sĩ làm xong tác phẩm có thể cũng có những phương tiện lưu giữ như video hay các hình thức ảnh chụp cá nhân. Nhưng điều quan trọng cần thiết là bảo quản, lưu giữ chúng một cách hệ thống. Điều này rất cần đến vai trò của bảo tàng. Việc chưa có bảo tàng nghệ thuật đương đại cũng như những người làm công việc lưu giữ các tác phẩm của các họa sĩ trẻ, (có thể ngày nay chưa thành danh, nhưng các tác phẩm của họ lại có một giá trị tốt, cũng như một tiềm năng nghệ thuật, điều mà các curator phải có khả năng phát hiện) đồng nghĩa với việc chúng ta đã để chảy máu chất xám trong suốt hơn 10 năm nghệ thuật đương đại Việt Nam hình thành và phát triển. Tất nhiên ở đây tôi không phủ nhận là hàng năm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn tiếp tục làm giàu có bộ sưu tập tranh của bảo tàng hàng năm, nhưng họ sưu tầm như thế nào chẳng ai hay. Bởi lẽ không có phòng trưng bày cho các tác phẩm mới đó. Họ mua về xếp trong kho, bao giờ có kế hoạch trưng bày thì đem ra. Nhưng cái kế hoạch trưng bày này dễ phải đến hơn chục năm nữa may ra mới được lập. Có những tác phẩm mà họa sĩ biết mình được bảo tàng mua nhưng mua xong rồi chẳng bào giờ có thể tìm kiếm được nó trong việc trưng bày cả.
Sai lầm khác không kém phần quan trọng đối với xã hội chính là giá trị giáo dục thế hệ tương lai thông qua các hoạt động nghệ thuật đương đại. Điều này tuy là chức năng chung của mọi loại hình bảo tàng cho dù có phải là nghệ thuật đương đại hay không, nhưng đối với các loại hình nghệ thuật mới, tính chất gần gũi cũng như tiếng nói phản ảnh các vấn đề đương đại sẽ giúp con người có thể xích lại gần nhau hơn. Bảo tàng đương đại sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xã hội hoá nghệ thuật. Đồng thời nó cũng sẽ là cửa ngõ để tiếp nhận giao lưu với các loại hình đương đại thế giới vào Việt Nam. Đây là điều hết sức cần thiết bởi lẽ hiện nay nghệ thuật thế giới chiếm 70% là các loại hình mới, còn 30% còn lại dành cho các thể loại nghệ thuật giá vẽ. Đặc biệt trong xu thế hội nhập hiện nay, việc không có một bảo tàng cho nghệ thuật đương đại đã làm hạn chế, và đẩy nghệ thuật đương đại Việt Nam ra ngoài lề, khi trên thế giới nó đang chiếm vai trò chính thống. Bảo tàng này sẽ đánh dấu cho các sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam và đem đến những cơ hội để tổ chức các liên hoan nghệ thuật quốc tế. Như thế có nghĩa xoá đi các khoảng cách, mở rộng tầm nhìn cho các nghệ sĩ Việt Nam. Muốn có được điều này thì chúng ta trước hết phải có được những nhà tổ chức, quản lý có tầm nhìn chiến lược, tức các curator chuyên nghiệp.
T.T.H
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16