INGRES Trong Tiền Sảnh Của Ngôi Nhà Hội Họa Hiện Đại
Kẻ tò mò, bị bệnh thần kinh, lập dị… là những tố chất đã kết tụ và ngự trị trong Ingres với những dồn nén và ám ảnh về những cuồng si trong trí qua hình tượng phụ nữ khỏa thân đẹp tuyệt trần của ông. Hai triển lãm có ý nghĩa đặc biệt ở Louvre và Montauban trong năm 2006, đã giới thiệu chi tiết tất cả những đặc sắc và cảm hứng thăng hoa của bậc thầy Ingres qua nét vẽ gợi cảm bằng những đường cong uốn lượn, thanh tú, nhẹ nhàng.
|
INGRES(Jean Auguste Dominique), 1780-1867 |
Lời nói của bậc thầy Ingres với người thừa kế xuất sắc nhất của mình là Degas, đầy vẻ phóng khoáng: “Nét bút chì phải dạo chơi trên giấy như một chú ruồi trên tấm kính”. Trong một công thức hiển nhiên và nghịch lý, Ingres đã nói về tranh của ông: như là cái nhìn (tấm kính) phải sờ mó được (con ruồi). Điều này có nghĩa là đường nét khi vẽ không biết đích xác đi về đâu nhưng nó tạo được những điểm nhìn làm thay đổi diện tích bề mặt bức tranh. Toàn bộ nền hội họa hiện đại đều đã tập trung vào ông, người mà vào thời đó, đã được nhìn nhận ở một câu đả kích nhức nhối: “Ingres chính là một người Trung Quốc đi lạc trên những đường phố Athènes”. Người ta, vào thời ấy, đã không biết gì về “một người Trung Quốc” mà người Trung Quốc này lại lạc lối ở Athènes, thì rõ là không ai hiểu được gì cả. Điều đó cũng giống như người ta đã cho ông là không bắt kịp sự trong sáng, rõ ràng của chủ nghĩa cổ điển. Trước phản đối của mọi người về hội họa của ông có còn tuân thủ những khuôn thước của nghệ thuật cổ điển (“Nhiếp ảnh thì thật đẹp, nhưng không bàn đến ở đây”) ông đã phản ứng dữ dội và phẫn nộ phát biểu cả với Delacroix rằng: “Với hội họa thì những đầu máy xe lửa cũng không nhìn thấy gì hết”. Ingres là họa sĩ hiện đại hơn hết, và như Rimbaud (Arthur Rimbaud, 1854 – 1891, Nhà thơ Pháp): “hoàn toàn hiện đại”. Đó là một “sự khuấy động”, có thể sử dụng từ ngữ này của Baudelaire (Charles Baudelaire, 1821 – 1867, nhà thơ Pháp) trong nhận định về cái đẹp của thế kỷ XIX: “Một bậc thầy của những đường cong gợi cảm, thanh thoát, người đã cởi bỏ chiếc áo ngực của phụ nữ!”, câu nói vui về Ingres của Giám đốc mỹ thuật Bảo tàng Louvre, Stéphane Guégan, và ông còn nói thêm: “Cuối cùng thì Ingres hiện đại hơn cả Delacroix, người vẫn còn đang mơ về một sự thống nhất hài hòa của hội họa. Thực thế, Ingres đã làm một việc tập hợp, sắp xếp và kết dán những hình mẫu lộn xộn, rải rác, tập trung làm rõ một chi tiết nào đó, mà đôi khi nó làm ảnh hưởng đến tổng thể bức tranh. Picasso mỗi khi trở lại lâu đài Vauvenargues của mình đã không bao giờ bỏ sót việc đến thăm lại, nhìn ngắm lại người u mê lộng lẩy của Ingres: tác phẩm Jupiter và Thétis ở Bảo tàng Aix-en-Provence (minh họa ngang bên cạnh). Lúc tham quan Bảo tàng Louvre, Barnett Newman, khi đối diện với Người đàn bà trong nhà tắm ở Valpinçon đã thốt lên: “Tôi yêu thích kiểu thức này khi ông ta thể nghiệm ở đơn sắc”.
TÌNH CUỒNG SI CỦA MỘT KẺ TÒ MÒ
|
|
Nữ phục vụ nhà tắm (còn gọi là "Người đàn bà trong nhà tắm ở Valpincon). 1808. Sơn dầu. 146x97cm. Chi tiết của vết cắt bằng dao và nét vẽ bằng tay |
LUCIO FONTANA. Concetto Spaziale. Attese. 1962. Sơn dầu. 65x50cm |
Chúng ta trở lại với con ruồi – như là cây bút chì, trên một tấm kính – như là tờ giấy. Trong nghệ thuật cổ điển, tấm kính tạo nên vết cắt trong suốt, rõ ràng, ngăn cách giữa người xem và tác phẩm cũng như nội dung hư cấu của bức tranh đó. Tấm kính này thì lạnh lẽo bởi vì nó kiến tạo nên một khoảng cách thị giác không thể vượt qua.
|
Nghiên cứu cho tác phẩm "Nhà tắm". Chì tha. 62x49cm. Bản vẽ đã cho thấy một Ingres cuồng nhiệt, hỗn độn và mạnh mẽ. Hình vẽ biểu lộ sự gần gũi với Delacroix và trực tiếp ảnh hưởng đến "Những người nữ phục vụ nhà tắm" của Degas |
Đối với Ingres, nó là một bức vách trong trẻo một cách kỳ lạ. Bức tranh Nhà tắm là một nhà chứa tưởng tượng (trang 25). Toàn bộ tác phẩm của Ingres gần như chỉ là những khuê phòng, những nhà chứa lạ lùng. Tình cuồng si của kẻ tò mò, của người tâm thần và ức chế. Sự kỳ ảo của ông không bao giờ sờ mó được. Đó là một thứ điện ảnh hư cấu. Bóng nhẵn, lạnh buốt. Những tấm lụa sáng bóng qua nét vẽ của Ingres như đốt cháy mắt nhìn bởi tuyết và những hình tượng phụ nữ khỏa thân của ông giống như cẩm thạch. Ta có thể nói, những tác phẩm đó hết sức “hàn lâm” và vượt thời gian. Sự diễn tả nhẹ nhàng, mịn màng đã chinh phục hoàn toàn người xem trong trạng thái bị ám ảnh đầy khêu gợi, những tác phẩm của ông biểu lộ những xúc động chết chóc, mang nặng xúc cảm hoa tình. Paul Claudel còn đi xa hơn, đó là phẩm chất Nhà tắm của “chiếc bánh mật”. Đáng tiếc rằng lúc đó những hình vẽ gợi cảm của Ingres đã không làm triển lãm ở Paris, không tổ chức bởi Adrien Goetz tại Montauban, thành phố quê hương của họa sĩ (nơi mà người ta rất chú trọng đến những kỹ thuật lắp ghép như ông). Ta thấy rõ rằng Ingres đã đi sâu trong thế giới hội họa gợi tình đến mức “dâm họa” (Ingres, cũng như Courbet, đều đã táo bạo tìm về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc thế tục để diễn tả). Tuy nhiên, có một con ruồi… nó lao lên mặt phẳng diện tích và nhả nước bọt trên lớp biểu bì mà nó đã nghe thấy được bằng sự mò mẫm, thăm dò. Lộ trình phong cách của Ingres là quanh co, uốn lượn với một chút điên dại. Những cảm giác đã khẳng định hội họa của ông, khẳng định được ước vọng chân thực của ông, thần tình ái của ông đã hiện lên trong nét vẽ. Sự khát khao của ông đó là tình cuồng si, mà sự thèm khát đó đã được thêm vào trong tác phẩm Cung phi một đốt xương sống lưng căng phồng, nuột nà của Thétis. Ta có thể nói về nội dung “nâng hình” này, bởi vào thời đại của Ingres, những tiêu chuẩn của cái đẹp Hy – La là thống trị tuyệt đối và còn đối kháng lại với những tìm tòi của Manet, của Picasso. Nhưng hình vẽ của Ingres biểu lộ tình cảm trong sáng và nóng bỏng sự nhiệt thành hơn là sự nâng hình. Tất cả đã nói lên sự hội tụ của các yếu tố: hình dáng, sắc độ, đường viền giới hạn hình bên trong và hình xung quanh cũng như màu sắc. Đó chính là kết tinh của sự đam mê cháy bỏng và kỹ thuật điêu luyện, đã làm rung động người xem qua những hình đẹp và những dáng hay. Không ngạc nhiên khi Degas và Picasso hay Matisse và Wesselman đều chịu ảnh hưởng của Ingres.
THẦN KINH VÀ ĐAM MÊ
|
|
INGRES. Jupiter và Thestis. 1811. Sơn dầu. 327x260cm |
PABLO PICASSO. Hình nghiên cứu dựa theo tranh Jupiter và Thestis của Ingres. Bút dạ. 27x37cm |
Bằng một từ, hình vẽ của Ingres thì hết sức mãnh liệt: “phải kết thúc bởi sự điên loạn và cuồng si”, ông ta đã nói: “Nếu đối nghịch với Delacroix theo những tiêu chuẩn “nâng hình”, phá cách và màu sắc thì thật là ngu ngốc”. Một nghệ sĩ lớn luôn hợp nhất được cả hai. Delacroix, họa sĩ của màu lục và đỏ, đã suy nghĩ rằng người ta cần phải có thể “vẽ một con người trong khoảng thời gian rơi từ mái nhà xuống” và Ingres là một người thích dùng màu chói sáng. Ở Bảo tàng Louvre có ký họa của Ingres Roger giải cứu Angélique (1819) trong đó người đàn bà khỏa thân bị trói ở mảng đơn sắc đỏ… “người ta không chết vì nóng, ông ta nói, người ta chết vì lạnh”. Và cũng như thế, câu nói tuyệt vời về đường nét “phải căng như là dội bom, phải mềm mại như cái giỏ chứa đựng hình dáng”. Mỗi khi người ta tán dương nghệ thuật vẽ chân dung của ông thì ông như cáu điên lên. Vì đối với ông ta phác họa chân dung giai cấp tư sản cũng có nghĩa là đề cập đến lịch sử và vinh quang của thế kỷ đã có được những nhà khoa học như: Michelet, Auguste Comte và Sainte-Beuve… từ phần dưới thấp. Cá nhân chủ nghĩa, tự kỷ quá đáng của giai cấp trung lưu đã chiếm đoạt mọi quyền hành làm cho ông tức giận và chán ngán. Ông không ưa một ai, công chúng xa lánh ông, còn giai cấp quý tộc thì mâu thuẫn với ông. Ông là một người tư sản không bao giờ chịu nổi lời nói của giai cấp quý tộc: “tác phẩm hội họa, chính là vinh hoa của nghệ thuật”, một nhận định mang đầy tính thương mại, còn ông thì cho rằng: “tác phẩm hội họa, chính là sự cao cả của nghệ thuật”. Vậy là nó đã vô ý thức đối lập nhau, như bên cạnh hình người quá chi tiết của Ông Bertin (1832), một ông chủ nhà xuất bản, là tấm lưng trần của người nữ phục vụ trong nhà tắm Valpinçon. Sấp và ngữa. Thẳng mặt (ngữa), với y phục trang trọng, sự mạnh mẽ đầy nam tính. Xoay lưng (sấp), là đường cong mềm mại của một người nữ lõa thể. Thẳng mặt, một quý tộc tiếng tăm có thể được phô bày từng nét trên mặt của ông ta cho đến những tỳ vết nhỏ nhất. Chiếc lưng của người nữ phục vụ (người mẫu) trong tư thế giấu tên giấu mặt, không ai biết, chiếm một bề mặt diện tích lớn – “Valpinçon” chính là tên của người sở hữu bức tranh! Người đàn bà là hàng hóa. Bức tranh cũng vậy. Phải có tất cả thiên tài như Ingres để chuyển đổi cả hai bằng một cái gì đó thăng hoa. Ông là một người bị cô lập, luôn giận dữ, luôn bất mãn (ông đã thốt lên: “tuổi già của tôi sẽ trả thù cho tôi”), ông tranh luận không mệt mỏi, đồng thời là nhà mô phạm độc đoán, người đã chỉnh sửa những hình vẽ cho học trò của mình bằng những đường rạch, cào của móng tay và bắt học trò phải quay đầu lại, không được nhìn khi họ đang đi ngang qua trước một tác phẩm của Rubens ở Bảo tàng Louvre. Ingres, quả thật, là một họa sĩ lập dị và thánh thiện! Theo Kant (Emmanuel Kant, 1724 – 1804, nhà triết học Đức): “Trong nghệ thuật chỉ có được sự thăng hoa khi nào lý trí sáng suốt và tình cảm dữ dội không còn hợp nhất, không gặp gỡ nhau. Và, những điều nghịch lý trong tác phẩm của Ingres là ở chỗ đó, căng thẳng và nhịp nhàng, giữa sự mạnh mẽ của mảng và uốn lượn của đường nét, giữa màu và hình, giữa bị sắc cuồng lõa thể và cái vỏ bề ngoài của giới trưởng giả, quý tộc”.
Nguyễn Văn Minh (Dịch từ tạp chí Beaux Arts, 2/2006)
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 15-16