Thông tin Mỹ thuật số 13-14

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Làng Nghề Sơn Mài Tương Bình Hiệp (Thị Xã Thủ Dầu Một - Tỉnh Bình Dương)

Sơn mài
Mài tranh

Theo nguồn sử liệu địa phương thì đến giữa thế kỷ 18, lớp lưu dân từ miền Bắc, từ xứ Ngũ Quảng xa xôi đã xuôi theo dòng sông Sài Gòn đến tụ cư, lập nghiệp ở huyện Bình An (Thủ Dầu Một). Trong số đó, có nhiều người tìm về vùng đất Tương Bình Hiệp hoang vu, cùng hợp sức khai phá đất, làm nông nghiệp dọc theo triền sông Sài Gòn. Mãi đến năm 1861, khi Pháp chiếm huyện Bình An thì địa danh Tương Bình Hiệp mới xuất hiện và trở thành một trong mười xã thôn của tổng Bình Thổ thuộc tỉnh Thủ Dầu Một.
Đến cuối thế kỷ 18, theo dòng di dân, nhiều lớp thợ sơn mài từ đất Quảng Bình, Thuận Hóa đã mang theo nghề sơn vào tận xứ Đồng Nai, Gia Định trong đó có Tương Bình Hiệp. Tuy nhiên, Tương Bình Hiệp, thoạt đầu mới chỉ có một vài hộ chuyên làm sơn son thếp vàng và pha chế sơn then. Đến mãi về sau, làng nghề Tương Bình Hiệp dần dần phát triển, thợ Thủ sơn mài trở nên nổi tiếng khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh. Theo lời một số nghệ nhân, vào khoảng cuối những năm 30 của thế kỷ XX, hai ông Năm Nhương và Ba Lắm sau khi học xong lớp dạy nghề sơn mài ở Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một đã về làng mở cơ sở sơn mài. Sau đó, khoảng cuối thập niên 40, ông Lê Văn Có – mọi người thường gọi thầy giáo Có hay giáo Sơn cũng trở về làng dạy nghề cho con cháu và lớp thanh niên trong làng. Cứ thế, kỹ thuật sơn mài được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sơn mài
Cẩn xà cừ

Thập niên 50 của thế kỷ trước, với sự xuất hiện của xưởng sơn mài Thanh Lễ do hai  ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thanh Lễ gây dựng đã tạo nên một mốc son mới cho chiếc nôi sơn mài Tương Bình Hiệp. Với sự đóng góp của những nghệ nhân tài hoa, xuất sắc như: Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trương Văn Cang, Trần Văn Nam và một số thầy giáo Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một như: Châu Văn Trí, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Tuyền  đã góp phần đưa loại hình sơn mài bước sang một giai đoạn mới, mẫu mã sản phẩm ngày một đa dạng, nổi tiếng. Từ xưởng vẽ, sơn mài bước ra ngoài cuộc sống, đi về các làng nghề tạo nên sự hội ngộ diệu kỳ giữa họa sĩ và nghệ nhân. Nhiều cơ sở sơn mài mọc lên, sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu sử dụng của khách hàng và Tương Bình Hiệp trở thành một thương hiệu nổi tiếng.
Sơn mài gồm nhiều thể loại như: sơn lộng; sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng và sơn khắc,… Sơn truyền thống dùng ở Tương Bình Hiệp là một hỗn hợp sơn Nam Vang và sơn Phú Thọ được pha chế riêng khác với các vùng khác trong nước. Trong khâu chế biến sơn, đánh sơn cho chín được xem là một khâu quan trọng, đòi hỏi tay nghề, quá trình tích luỹ kinh nghiệm lâu năm của người thợ sơn. Để tạo sơn quang đen, người thợ cho sơn sống vào chảo sắt và phải dùng chày sắt đánh sơn ở ngoài trời nắng để sơn được đẹp màu. Sau khi pha tòng chỉ xong, tiếp tục đánh sơn cho đến khi nào sơn dẻo lại, trong, thấy màu đen bóng, mượt là được. Còn đánh sơn cánh gián thì ngược lại. Sơn sống được đổ vào loại chậu gỗ và dùng chày gỗ đánh quấy sơn. Người thợ đánh sơn trong nhiều ngày cho đến khi sơn chín, nổi bọt lăn tăn, sơn trong suốt tựa màu cánh con gián nên gọi là sơn cánh gián. Với sơn cánh gián, người nghệ nhân pha chế các màu khác nhau, nhưng pha với liều lượng như thenào còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, tay nghề của từng người. Chẳng hạn như, để pha được màu marông trông sang trọng, ấm áp làm khung tranh, hay làm mặt bàn, ghế thì đó còn là một bí  quyết sử dụng phù hợp lượng bột chu đỏ với bột chu hồng cánh sen.

cơ sở sơn mài
Một số cơ sở sơn mài tại làng Tương Bình Hiệp

Sau khi đã có nguyên liệu sơn, tùy theo loại sản phẩm mà cốt được tạo bằng những chất liệu khác nhau, như: gỗ dùng làm bàn ghế, tủ, bình; ván ép dùng làm tranh, hộp; gốm dùng làm bình, tượng; vải hay giấy dùng làm cốt cho những sản phẩm thường có kiểu dáng nhẹ, mỏng như  bát đĩa, lục bình,... người thợ mới bắt đầu thực hiện khâu phất vải cho cốt mộc. Sau công đoạn phất vải, thông thường người thợ phải qua 5 công đoạn sơn: sơn bó, sơn hom, sơn lót, sơn quang thí, sơn quang và sau mỗi lớp sơn đã khô đều phải đem ra mài nước. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nghệ nhân Tám Khiêm, chỉ mài sau khi hoàn tất xong từng công đoạn, không cần thiết cứ mỗi lớp mỗi mài và tuỳ thuộc vào tạo tác loại sản phẩm là tranh khổ lớn, khổ bé, là cẩn ốc, cẩn trứng, dát vàng dát bạc hay là một loại đồ mỹ nghệ cụ thể nào đó mà sơn có thể lên 16 đến 30 lớp.
Đối với sản phẩm cẩn ốc, sau khi phất vải xong, người thợ lấy sơn sống trộn đều với bột thạch cao để làm sơn hom. Khi hom chừng 2-3 lớp thì đem cẩn ốc. Các nghệ nhân đã biết khai thác màu sắc, chất liệu từ nhiều loại ốc khác nhau như: xà cừ, ngọc nữ, bào ngư, trai đỏ, trai trắng, xác trắng, xác vàng, vẹm xanh,… để tô điểm, sáng tạo cho tác phẩm của mình. Căn cứ theo đề tài định khảm, ốc được lựa chọn cẩn thận, sau đó người thợ vẽ can lại mẫu lên từng mảnh ốc. Theo nét vẽ, những người thợ sẽ thực hiện khâu cưa ốc rồi mới ráp lại thành hình. Ở công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người thợ lành nghề khi cưa những đường nét thật mảnh mà tránh bị đứt gãy. Cưa ốc xong đem ghép ốc theo đúng mẫu rồi dùng sơn sống dán từng mảnh ốc lên bề mặt sản phẩm. Ốc dán xong, đem hom tiếp cho đến khi nào sơn bằng mặt ốc là được. Công đoạn cuối, người thợ phủ lên tranh một lớp sơn quang bóng, đem ủ cho thật khô rồi mới tiến hành đánh bóng cho sản phẩm.
Dù vẽ hay cẩn ốc, tranh và sản phẩm sơn mài đều được mài dần ra, cắt bỏ lớp sơn, màu phía trên để lộ lớp màu cần giữ lại. Sau khi đã mài hoàn chỉnh là công việc đánh bóng, cũng hết sức công phu, tỉ mỉ.

một số tác phẩm sơn mài
Các sản phẩm sơn mài

Trong những năm vừa qua, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều doanh nhân, nghệ nhân đã co những biện pháp để sản xuất sơn mài hàng loạt. Mẫu mã trở nên luôn luôn mới, đáp ứng cho mọi loại hợp đồng và khách hàng trong, ngoài nước. Tuy nhiên, trong cái nhộn nhịp của thị trường sơn mài áp dụng kỹ thuật mới, sơn mài truyền thống làm từ chất liệu sơn ta đang thiếu vắng dần. Ví dụ như nhiều nghệ nhân đã kết hợp dùng sơn PU làm lớp sơn phủ ngoài, giúp cho việc sản xuất trở nên nhanh và dễ dàng hơn nhưng chính kiểu làm sơn mài giả này sẽ làm mất đi vẻ đẹp của sơn mài truyền thống và làm mất danh tiếng làng nghề. Đáng lo là lớp thợ trẻ bây giờ ít  người còn mặn mòi, tâm huyết với nghề sơn mài truyền thống. Vì dùng sơn ta giá thành cao, kỹ thuật pha chế lại phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức nên ngày nay, đa phần các cơ sở đều dùng sơn Tây - loại sơn hạt điều làm chất liệu chính cho sơn mài, vì loại sơn hóa chất đáp ứng được màu sắc, cho ra sản phẩm nhanh, không mất nhiều công, giá thành lại rẻ. Có thể nói trăn trở về một làng nghề truyền thống đang dần mai một và liệu ngày mai, trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, kỹ thuật dùng sơn ta trong quy trình sản xuất sơn mài còn giữ được sức sống của nó? 
Song có một điều không thể phủ nhận, là độ bền, độ bóng đẹp của chất liệu sơn ta đã làm cho sản phẩm sơn mài trở thành thứ ngôn ngữ của thời gian. Vẫn có những người khách sành điệu tìm đến các sản phẩm sơn mài đích thực, điều đó càng chứng tỏ được sức bền và một vẻ đẹp lộng lẫy của sơn ta. Cũng chính vì thế, bác Tám Khiêm và một số ít ỏi nghệ nhân trong làng vẫn đặt yêu cầu chất lượng sản phẩm lên hàng đầu  và vẫn âm thầm trung thành với chất liệu sơn ta... Thiết nghĩ, tìm một con đường để phát triển là tất yếu song cũng hết sức khó khăn khi mà loại hình sơn mài mỹ nghệ truyền thống vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung cho một chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Tương Bình Hiệp theo đúng nghĩa.

B.T.H

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 13-14