Họa Sỹ Ủ Văn An Và Các Tác Phẩm Tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh
Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ 4 tác phẩm sơn mài của họa sĩ Ủ Văn An. Đây là những tác phẩm ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên miền Bắc bằng sơn mài với màu son đằm thắm.
|
Vịnh Hạ Long |
Họa sĩ Ủ Văn An quê ở Gò Đen, Long An là một trong những họa sĩ Nam Bộ đầu tiên thi đỗ và đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông học khóa X của trường (từ 1934 đến 1939) cùng với các họa sĩ Hầu Hinh (Lào), Vương Hữu Dũng, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Mậu và điêu khắc gia Phạm Gia Giang. Sinh viên Khóa X được sự hướng dẫn trực tiếp của họa sĩ Imguimberty về chất liệu sơn dầu. Thầy Nam Sơn hướng dẫn về trang trí và cô Alix Aymé hướng dẫn về sơn mài. Ông là một trong những học sinh giỏi và được các thầy cô và bạn bè quý trọng vì khả năng vẽ hình họa cũng như kỹ thuật hội họa. Sau khi ra trường họa sĩ Ủ Văn An trở lại miền Nam vẽ tranh và thiên về chất liệu sơn mài truyền thống. Giai đoạn mà họa sĩ Ủ Văn An học tại trường cũng chính là lúc mà các họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Trần Quang Trân, Tô Ngọc Vân… đang tìm tòi, khám phá và sơn mài Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới - sơn mài mỹ thuật với những thay đổi về màu và vận dụng kỹ thuật hội họa phương Tây.
Sau khi vào Nam ông được người Pháp mời dạy ở Trường Mỹ nghệ thực hành Bình Dương, nhưng ông không thích và bỏ đi chu du khắp nơi từ Việt Nam đến Campuchia. Nhiều người đã nhìn thấy bộ tranh bản in rập của ông về phong cảnh đền, chùa, tháp cổ ở Campuchia, tiếc rằng bộ này sau đó đã bị bán ra nước ngoài. Năm 1942, ông tổ chức một triển lãm cá nhân tại khách sạn Continental với rất nhiều phác thảo cho sơn mài, đó là những phong cảnh trên đường đi chu du mà ông đã ghi chép lại. Nhưng sau này ông ít có điều kiện thể hiện hết những phác thảo đấy, nên tác phẩm của ông còn lại rất ít ở Việt Nam. Hiện nay trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh có 4 bức tranh sơn mài của họa sỹ Ủ Văn An. Những tác phẩm này đều vẽ nhữn phong cảnh ở vùng Bắc Bộ. Hầu như những tranh này ông đều thể hiện bằng chất liệu sơn mài từ những phác thảo mà ông đã làm khi còn học ở Trường Đông Dương:
Tranh “Vịnh Hạ Long” được tác giả sáng tác năm 1942, (kích thước 200 x 90cm). Bức này được vẽ trong năm ông tổ chức triển lãm cá nhân tại khách sạn Continental, Sài Gòn. Bức tranh được ghép từ 5 tấm vóc bằng nhau, bên trái là hình ảnh núi đá chiếm một diện tích lớn, để tương phản với bên phải là hình ảnh cô gái trẻ, khỏa thân đứng trước biển. Một sự tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên với vẻ đẹp con người theo hàm ý “tòa thiên nhiên” trong thiên nhiên. Dù được vẽ từ 1942 bút pháp và phong cách tranh của ông vẫn mới, khỏe khoắn, giản đơn không màng đến chi tiết rất gần với thẩm mỹ ngày nay.
|
|
|
Bến thuyền trên sông |
Phong cảnh |
Phong cảnh suối Rút |
Bức tranh “Bến thuyền sông Hồng” được họa sĩ sáng tác năm 1962, (kích thước 63 x 77cm). Một phong cảnh được nhìn với sự điển hình hóa các hình tượng, thuyền, những người gánh gồng và một vùng son đỏ mênh mông không rõ nước hoặc trời hoà với màu hoàng kim của nhóm nhân vật.
“Phong cảnh” (được vẽ năm 1963, kích thước 67 x 55cm) vẫn là một phong cảnh miền Bắc với lối diễn tả điển hình hóa. Cậu bé chăn trâu, bụi chuối, và một ngôi nhà cổ đủ nói lên một không khí làng quê Bắc bộ.
Một trong những tác phẩm đẹp nhất còn lại của họa sĩ là bức “Phong cảnh suối Rút” (kích thước 100 x 100cm). Tác phẩm này ông đã thể hiện từ phác thảo về phong cảnh ở xã Mai Châu, Hoà Bình. Với bố cục đặc trưng của ông, người và cảnh, đây là một cô gái Mường trong bộ váy dài màu đen, thon thả, trẻ trung trên một nền lộng lẫy bởi những chiếc thuyền gỗ phía xa. Núi, sông và trời vẫn là gam màu rất riêng của Ủ Văn An: không nhiều màu nhưng hài hòa của son, vàng, pha những mảng xám, với ông – một con người bình lặng, là đủ để lột tả nét đẹp của con người và thiên nhiên.
Họa sỹ Ủ Văn An là một trong những con người khá đặc biệt trong giới mỹ thuật Việt Nam: tài năng nhưng giản dị, trầm lặng, nhưng cũng thật bản lĩnh. Ông chỉ làm những điều mà ông say mê, cảm nhận. Thiên nhiên đối với ông là nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất được thể hiện trên chất liệu sơn mài với những gam màu truyền thống. Tranh ông vừa lung linh huyền ảo, vừa thơ mộng nhưng cũng rất bình dị, gần gũi.
Thanh Cao
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 13-14