Thông tin Mỹ thuật số 09-10

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Họa Sĩ Trẻ, Tại Sao?

Huỳnh Phú Hà
 

Sắp tri thiên mệnh Họa sĩ Phú Hà trưởng ban Họa sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Thành phố trông đạo mạo như một bậc “trưởng lão” vừa mở một triển lãm cá nhân với 20 bức sơn dầu đặc sắc. Những phương án trang trí Á đông kết hợp với những hình nền đối lập hẳn; những cánh hoa bay, những con chim giấy, những hạt nắng, hạt mưa như dăng bện “hoa mắt” mà rất êm ả. Mặt tranh và mặt phẳng nền như lộn từ trong ra ngoài, tràn ra khỏi khung làm cả phòng tranh như một sắp đặt có chủ ý. Phía sau cái “nền ngoài” ẩn hiện những hình thể khi tả thực gợi cảm, khi cách điệu tượng trưng: thiếu nữ, em bé, con đò... Có lẽ ông đã rẽ vào một nẻo đường mà mình tin rằng “do mình đi mà thành”.     

Triển lãm mới đây của CLB họa sĩ trẻ TP dành cho những người dưới 45, tôi sợ mình đọc nhầm con số, chỉ năm mùa xuân nữa là “tri thiên mệnh” mà còn trẻ sao? Theo Khổng, biết mệnh trời tức là đã làm hết việc của mình, còn theo hiện sinh thì là ta đã thực hiện cuộc đời mình rồi. Giữa những năm 1980 rất nhiều hội viên cao tuổi phản đối dữ dội Ban nghệ sĩ trẻ (dành cho người dưới 35 tuổi) của Hội NSTH VN; sợ phân biệt đối xử, lo họ phủ nhận quá khứ, lo các bạn trẻ “làm loạn”, mất gốc, “ăn phải bả tư sản”, lo địch lợi dụng “diễn biến hoà bình”, lo các “em” sức yếu mở cửa ra học hỏi thế giới thì “trúng gió”. Nhưng rồi phái trẻ doimoi cũng thắng, mang lại một giai đoạn rạng rỡ cho hội họa Việt Nam (được dư luận chuyên môn bên ngoài coi như là một phát hiện về văn nghệ ở Châu Á như văn học Ấn Độ, điện ảnh Trung Quốc... cùng thời - lưu ý của Nguyễn Trọng Chức tại Bàn tròn về mỹ thuât TP của tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật tháng 12/2005). Và họ đã  chứng minh rằng các nỗi lo trên là bằng thừa! Mới đây tôi nghe một vị chủ tịch hội đồng của Hội TP nói: “Các họa sĩ trẻ làm sắp đặt biểu diễn… là có vấn đề trong đầu, nghệ thuật là cái đẹp, chứ không phải lung tung như thế!”. Tuy nhiên bây giờ thì không có những cái lo vô lối như trước đây 20 năm nữa. Đã 10 năm các họa sĩ trẻ làm các môn mới này và họ đang dần dần khẳng định chỗ đứng của mình trong mỹ thuật và xã hội Việt Nam. Sức ì quán tính và sự bảo thủ trong ý thức, trong cảm nhận thẩm mỹ là những sự thật lịch sử ở bất kỳ thời nào, nơi nào. Và cũng là “chuyện người ta thường tình”. Picasso từng “làm loạn” hội họa Châu Âu bằng chủ nghĩa lập thể khi ông mới hơn 26 tuổi. Nhưng rồi chính ông cũng nhất định không chịu là “có thứ tranh trừu tượng” khi các họa sĩ trẻ hơn đưa ra “phát kiến” mới này!     

Liêu Nguyễn Hướng Dương
 

Nếu thống kê cẩn thận ta sẽ nhìn thấy những chứng cứ rõ ràng đứng về phía họa sĩ trẻ (dưới 35 hay 45 tuổi). Đặc biệt, mỹ thuật không có thần đồng như âm nhạc hay thơ ca. Tranh của các danh họa thời ấu thơ vẫn chỉ là tranh thiếu nhi chứ không phải hội họa. Nhiều thiên tài như Caravagio, Rafaello hay Tolouse - Lautrec và Modigliani đều qua đời  khi chưa tới bốn mươi. Trường hợp trên 40 mới học vẽ như Gauguin hay về già mới là “gừng cay” như Tề Bạch Thạch vẽ tôm cua hiếm hơn rất nhiều. Ở ta Nguyễn Phan Chánh vẽ Chơi ô ăn quan năm 39 tuổi. Tô Ngọc Vân vẽ Bên hoa huệ năm 37 tuổi, Nguyễn Gia Trí vẽ Hoa phù  dung năm 36 tuổi Lê Phổ vẽ Mẹ con năm 31 tuổi, Trần Văn Cẩn vẽ Em Thuý năm 33 tuổi, Vũ Cao Đàm làm tượng Người con gái Việt Nam năm 31 tuổi... muộn thì cũng như Nguyễn Sáng vẽ Kết Nạp Đảng ở Điện Biên Phủ năm 41 tuổi! Quy luật phổ biến là tài năng bộc lộ những năm 25 - 35 và chín muồi vào thập niên tiếp theo 35 - 45. Vậy thì đại bộ phận các bậc thầy của chúng ta đều thuộc CLB Họa sĩ Trẻ cả! Tại sao lại có Họa sĩ trẻ   Vấn đề này đặc biệt nổi lên từ cuối thế kỷ 19 ở châu Âu khi không khí hàn lâm đã quá “nồng nặc”, nặng nề, công khai cản trở sự phát triển của nghệ thuật. Đó cũng là phản ứng tương đương với sự thay đổi của xã hội tiền tư bản, tiền công nghiệp sang chủ nghĩa đế quốc công nghiệp hóa và cách mạng vô sản. Từ đó trở đi mỹ học của cái mới, của cái khác, của cái lạ đã thay thế mỹ học của cái hoàn chỉnh cổ điễn “đã được làm ra” khi chúng ta chưa sinh ra. Thay vì nhìn về quá khứ người ta nhìn về tương lai. Hình ảnh thời hoàng kim Hy - La, Phục Hưng hay Nghiêu Thuấn, Đường - Tống  đáng noi theo đã được thay bằng hình ảnh một tương lai mới mẻ, khác trước và bất định. Bước đi của mỹ thuật thế  kỷ 20 gấp gáp gấp 10 lần các thế kỷ trước và thành tựu của nó cũng lớn vô cùng. Như vậy, ở mọi nơi, chống bảo thủ và để theo kịp bước phát triển xã hội (thậm chí đi trước, dự báo những phát triển đó) là lý do tồn tại của khái niệm Họa sĩ trẻ và các hình thức tổ chức như Hội, CLB, giải thưởng, cuộc thi, liên hoan, trại sáng tác… gắn liền với danh xưng này.   

Lim khim Katy
 

Cách hoạt động đó gắn với các nhu cầu văn hóa xã hội nhiều hơn với   bản chất nghệ thuật của các họa sĩ ở lứa tuổi này. Cần nhìn vào bản chất vấn đề và coi thái độ vỗ vai, xoa đầu, động viên, chiếu cố, của các bậc đàn anh như là tàn dư của xã hội gia trưởng lạc hậu. Điều đó dẫn tới thái độ “mắng át đi” hay “ca ngợi, động viên quá đà” làm cho các “tài năng trẻ” mất hút ngay khi còn trẻ. Trong xã hội hiện đại người còn trẻ (dưới 35 hay 45) thường còn thiếu sự vững vàng về kinh tế, thiếu các mối quan hệ xã hội rộng lớn và khả năng xử lý tính phức tạp của chúng, thiếu những khả năng tự công bố tác phẩm, thiếu điều kiện để giao lưu, cọ xát, trao đổi học thuật… Điều đó mâu thuẫn với năng lực sáng tạo dồi dào của họ và nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng thì các thành tựu nghệ thuật - có khi là ở trình độ bậc thầy như trên đã nêu - sẽ bị vùi lấp, quên lãng, chậm được công nhận, chậm xã hội hoá và cộng đồng sẽ bị thiệt thòi.  

Mặt khác quan trọng không kém  của các hình thức hoạt động Họa sĩ trẻ là ở đây lớp công chúng tiên tiến nhất có điều kiện phát hiện các tài năng, ủng hộ những cái mới. Lớp công chúng nhạy cảm với cái đẹp mới, với thẩm mỹ của thời mình là sự hỗ trợ quyết định cho họa sĩ trẻ. Đồng thời họ cũng tìm thấy ở các họa sĩ trẻ  những đồng minh lớn trong cuộc “đấu tranh” chống sự bảo thủ và trì trệ vốn là một thuộc tính của bất kỳ sự vận động nào. Như vậy ta không thể khoanh “vấn đề họa sĩ trẻ” vào việc “nâng đỡ bồi dưỡng tài năng” của các “đàn anh” trong một Hội đoàn mà phải coi đó là một vấn đề ở tầm xã hội rộng lớn, quan trọng hơn nhiều. Nhà nước, chính quyền các cấp, các nhà tài trợ, giới nghiên cứu phê bình, các trường đào tạo… đều cần hợp tác, đồng hành với Họa sĩ trẻ trong chiến lược văn hoá xã hội. Cần xoá bỏ thái độ bàng quan, đứng ngoài và kẻ cả “chờ xem mấy em quậy thế nào” bởi chỉ vài năm nữa thôi một số trong “mấy em” đó sẽ là những bậc thầy của chúng ta.


Nguyễn Quân

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 09-10