Thông tin Mỹ thuật số 07-08

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Sáng Tạo Cần Gì?

 

Chỉ có cá nhân…
Ở trại sáng tác Đà Lạt tôi ngẫu nhiên đọc được mấy ý kiến của Cao Hành Kiện (người Hoa, giải Nobel văn học): “Sáng tác (văn học) từ trước tới nay là con sóng trào của tâm huyết cá nhân tác giả. Với các chủ nghĩa chẳng có bao nhiêu quan hệ”. “Tôi coi trọng hình thức lại càng coi trọng chân thật. Chân thật không chỉ giới hạn vào hiện thực bên ngoài, mà nằm từ cái cảm xúc tươi rói của con người sinh hoạt trong hiện thực”. Tác giả thuộc lớp nhà văn đổi mới của Trung Quốc đương thời với lớp họa sĩ đổi mới ở ta. Ta dễ dàng đồng ý với ông, ngay cả khi ông không được giải lớn.
Hoàng Đăng Nhuận
HÀ ĐĂNG NHUẬN. Chìa khóa. Sơn dầu. 150x180cm
Đặc điểm chính, những thay đổi chính trong sáng tạo mỹ thuật thời đổi mới, nhất là thập niên 1985 - 1995 là từ chủ nghĩa tập thể sang tự do cá nhân, từ hiện thực bên ngoài vào nội giới sinh động. Trại sáng tác Đại Nải, triển lãm Trừu tượng toàn quốc đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh… triển lãm cá nhân của các bậc thầy Phái, Nghiêm, Sáng và những triển lãm đầu tiên của hội họa Việt Nam tại Hong Kong, Singapore, Mỹ, Úc… không chỉ làm sôi động đời sống mỹ thuật mà cả giới văn hóa nghệ thuật nói chung. Nét nổi bật của hội họa thời này là “cửa mở hai chiều”: Mở ra với tất cả các trường phái, chủ nghĩa của nghệ thuật thế giới hiện đại (ngay cả các môn mới như installation, video art, perfomance cũng phát triển mau lẹ không ngờ). Mở ra với đời sống kinh tế thị trường và giao lưu quốc tế, xác lập vị thế của hội họa Việt Nam trong khu vực thí dụ các bảo tàng, các sưu tập lớn bày và mua tranh tượng Việt Nam, báo chí đưa tin, bài sôi nổi (không tính tới quảng cáo thương mại)… hình thành một thị trường nhỏ nhoi (hiện nay đang suy đồi). Mở vào với truyền thống nghệ thuật dân tộc trước thời Pháp, trước khi có trường mỹ thuật Đông Dương. Có người từng nói đùa “Họa sĩ Hà Nội cậy có lắm đình chùa!”. Nguyễn Trung cho rằng “Hội họa trừu tượng có nguồn gốc Á Đông”. Truyền thống văn hóa nghệ thuật Chăm, Kh’mer, Tày, Thái, Tây Nguyên mê hoặc nhiều tác giả. Mở vào với thế giới nội tâm cá nhân, những đau xót, vui sướng, ẩn ức, suy tưởng, triết lý cá nhân gần tới mức “cá nhân bằng mọi giá”.
Nhờ những sáng tạo ấy thay đổi ấy mà diện mạo, tinh thần của mỹ thuật Việt Nam thay đổi rất lớn, tương đương hai lần thay đổi trước đó là mỹ thuật Đông Dương và mỹ thuật kháng chiến – hiện thực XHCN. (cũng rộng lớn hơn những nỗ lực thay đổi của nhóm họa sĩ trẻ Sài Gòn những năm 70).
Điều đáng nói là sau sự đồng thuận của lãnh đạo Đảng về tự do sáng tác các thành quả to lớn trên hoàn toàn là kết quả nỗ lực của các cá nhân. Cơ quan chính quyền, Bộ Văn hóa, các Hội chỉ đứng sau, làm ngơ, không ngăn cản đã là tốt. Trừ ba triển lãm của ba họa sĩ lão thành nói trên toàn bộ kinh phí hoạt động do tài trợ và đóng góp cá nhân. Thực tế này vẫn tiếp diễn và cách ứng đối với các môn mới installation, performance, video art… đến hiện nay vẫn là như vậy. Tiền bạc và sự quan tâm của chính quyền, hội chỉ tập trung vào một lĩnh vực quan trọng nhưng tốn kém xấu xí là tượng đài. Thực tế này cũng vẫn tiếp diễn dù rất ê chề.
Trại sáng tác Đà Lạt lần này tuy chỉ có 15 họa sĩ nhưng cũng như một mẫu sinh thiết để “chuẩn đoán” cho tình trạng hội họa nước ta hiện nay.
Họa sĩ khóa kháng chiến Lưu Công Nhân chống ba - tong đến thăm các “đàn em”. Ông đang bận kiểm kê lại tài sản hội họa của mình. “Cái được của mình vẫn là hiện thực XHCN, xem lại mới thấy nhiều cái còn bừa bộn quá, chưa đâu vào đâu” ông tâm sự.
CHẾ CÔNG LỘC. Nỗi đau của rừng.
Sơn dầu. 180x150cm
Các họa sĩ từ trung niên và lớn tuổi thì đều đã định hình, hoặc vẽ trừu tượng, hoặc vẽ có hình, hoặc triết lý, hoặc tình cảm. Ta không thể đòi hỏi ở họ những đột phá, những bùng nổ như họ đã làm trước đây 10, 20 năm, song ta có quyền hy vọng ở họ sự chín muồi của các phong cách cá nhân và những tác phẩm hội tụ những gì thú vị trong hội họa của họ. Tất nhiên cũng có người đã mệt mỏi. Có người phân thân tay làm để bán, tay vẽ “cho mình”. Một sự phân thân tôi nghi ngờ từ khía cạnh tâm lý học và nghệ thuật học.
Lớp trẻ mà ba trại viên là thí dụ vẽ rất mạnh mẽ, khác hẳn nhau thực như Kati, giàu trang trí như Phương hay “đương đại” không chủ nghĩa nào như Sơn. Họ cùng tồn tại không đối lập, không có mâu thuẫn “tiền phong và bảo thủ” “Cũ và mới” như thời đổi mới. Họ cũng hòa nhập với khung cảnh chung của hội họa quốc tế mà không cần chọn điểm nhìn từ ngoài vào hay từ trong ra như thế hệ trước. Họ cũng không băn khoăn trở về với truyền thống tiền thực dân hay học hỏi chủ nghĩa hiện đại phương Tây. Họ cũng tự nhiên tiếp cận vấn đề con người trong xã hội Việt Nam hiện nay, con người toàn cầu thời @ hay những nỗi niềm riêng ta. Những chủ đề đó không còn là vấn đề “đấu tranh” như trong thế hệ trước. Họ ít dính líu trực tiếp về bút pháp với các “đàn anh”. Chính nhìn vào hai lớp họa sĩ này mà ta có thể yên tâm mà hy vọng.
Hai “thế lực” nằm ngoài tầm nhìn về sự sáng tạo (không tham gia trại) là những người bán chạy, lo lặp lại mình và làm việc với các gallery và những người làm tượng đài lo thu xếp hợp đồng với các quan chức.
Như vậy có thể nói sáng tạo là sáng tạo thẩm mỹ cá nhân, độc lập qua đó tác động vào xã hội. Nó vượt qua minh họa ý thức hệ, triết lý, tôn giáo và đạo đức bằng những hiện thực bề ngoài. Thực tế là nó không câu nệ vào các thứ chủ nghĩa về nghệ thuật của phương Tây hay truyền thống cũng như các chủ nghĩa về tư tưởng như dân tộc, hiện sinh, cực quyền…
Chỉ có chính quyền và các doanh nghiệp…
Làm thế nào để sáng tạo cá nhân của mình tác động vào xã hội đương thời thì người sáng tạo có vẻ hoàn toàn bất lực. Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy nếu tác phẩm của mình không được bày, không được mua, không được dùng thậm chí bị phá hủy họ cũng đành chịu mà thôi. Hơn nữa tác phẩm mỹ thuật lại là một đồ vật chiếm chỗ trong không gian. Ai cho nó chiếm một chỗ trong không gian công cộng, không gian đô thị, không gian tâm linh, không gian xã hội, không gian thẩm mỹ. Chỉ có chính quyền làm được điều đó thông qua thực hiện luật pháp về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Và để chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, phi độc quyền, độc đoán thì kinh phí cho mỹ thuật được phân trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà tài trợ tự do.
Chúng ta hiện không có những thứ trên nên mỹ thuật bó tay, trì trệ là chuyện dĩ nhiên. Muốn thay đổi chỉ có cách:
- Quốc hội phải làm luật quản trị mỹ thuật.
- Chính quyền phải chịu trách nhiệm về đời sống văn hóa, thẩm mỹ của môn nghệ thuật rất cụ the và thiết thân này. Không hoàn thành trách nhiệm cũng phải chịu các hậu quả như làm ô nhiễm môi trường, để xảy ra tai nạn giao thông hay tệ nạn xã hội, dịch bệnh y tế…
- Doanh nghiệp và các nhà tài trợ có nghĩa vụ đóng góp phát triển mỹ thuật, nghĩa vụ đó được thực hiện qua các luật lệ ưu đãi khuyến khích.
NGUYỄN TẤN CƯƠNG. Khỏa thân xanh.
Tổng hợp. 130x100cm
Tuy nhiên hiện nay chính quyền các cấp với các người cầm quyền cụ thể nếu có ý thức chút ít về mỹ thuật thôi, (không né tránh, run sợ hay thả nổi do không hiểu biết) có thể đi những bước đột phá. Thí dụ thành phố vừa bỏ ra hơn 2 tỷ làm trại Điêu khắc đá lần 1, quá rẻ và mới chỉ như muối bỏ bể so với đô thị này. Tuy nhiên nhận thức kiểu: thành phố hỗ trợ sáng tác, tạo sân chơi, phó mặc chất lượng, không chọn lựa tác giả, chủ đề, không xác định cách sử dụng tác phẩm. Còn tác phẩm thì ngẫu hứng, chơi 45 ngày và 50 triệu đồng cho vui rồi tác phẩm muốn ra sao thì ra, để đâu thì để là thiếu trách nhiệm về cả hai phía và vẫn mang tính phong trào. Giả dụ như thành phố có một quy hoạch, chiến lược dài hạn thu hút các tài năng điêu khắc trong và ngoài nước làm cho thành phố trong 10 năm tới có một bộ mặt điêu khắc mới sinh xứng với tầm vóc đô thị, coi đó như là một mục tiêu văn hóa xã hội trọng tâm (như phong trào 3 giảm chẳng hạn). Thành phố chủ động yêu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp hình thành một hệ thống tài trợ cho dự án này (và mỹ thuật nói chung), tạo những phương thức cho họ tham gia xóa đói về mỹ thuật.
Rồi khi đó thành phố sẽ thấy cần yêu cầu quốc hôi làm luật lệ về mỹ thuật, tài trợ mỹ thuật để dần dần hoàn chỉnh hệ thống quản trị mỹ thuật trong nền kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa. Khi đó chính quyền thành phố sẽ hết lúng túng, lo sợ, rụt rè và thiếu trách nhiệm như hiện nay.
Thế thì các Hội Mỹ thuật làm gì? Quan điểm của tôi là: các hội như hiện nay, tức là như thời bao cấp vừa làm chính trị vừa xin tiền “còm cõi” của chính quyền vừa làm phong trào nghiệp dư là không thích hợp với hiện thực đất nước bây giờ và mai sau. Khi hệ thống quản trị mỹ thuật hình thành các hội nghề nghiệp thuần túy, tự nhiên sẽ hình thành và hoạt động theo pháp luật. Lúc đó may ra hội mới có hiệu quả thiết thực.
Chỉ có tuổi trẻ…
Mới đây tôi có được xem lại khá nhiều tranh của Bùi Quang Ánh, một họa sĩ đi B liền một mạch từ 1968 tới 1975. Tôi cũng biết một số người sưu tập nước ngoài nghiệp dư rất tìm mua tranh của các họa sĩ lớp Đông Dương và “tranh chiến trường”. Tôi cũng được xem hai pho tượng cuối rất đẹp của Mai Chửng ở Gallery Tự Do. Muốn thành một trung tâm mỹ thuật lớn thành phố nên gìn giữ những di sản mỹ thuật của mình, trọng vọng các tác giả của mình. Giá như thành phố có một dự án sưu tầm tất cả những tranh được vẽ ở chiến trường. Những tác phẩm của các bậc lão  thành trước 1975. Một số tác phẩm của thời kỳ đổi mới, không phải chi cho Bảo tàng thành phố (hiện nay không hấp dẫn) mà cho cả các tòa nhà công quyền, công cộng của thành phố. Cũng nên tổ chức những thành phố lớn có tính chất tôn vinh cho các tác giả lớn tuổi có sự nghiệp đồ sộ, quảng bá, tác phẩm của họ trên mọi phương tiện đại chúng. Các thế hệ đó phần đã là di sản, phần còn đang ở giai đoạn chín muồi về nghệ thuật là vốn rất quý của thành phố.
Tuy nhiên 90% hoạt động, động lực và tương lai mỹ thuật là ở lớp trẻ, họ cần được thành phố biết tới, tạo điều kiện hoạt động. Họ cũng phải được huy động vào việc quản trị nghệ thuật trong môi cảnh kinh tế thị trường. Đại hội tất cả các hội đều than thở quá ít đại biểu, hội viên trẻ. Một anh bạn vong niên cao tuổi ở Hà Nội viết thư cho tôi than “sao các ông, bà 70 rồi còn chấp hành làm gì?”. Bộ trưởng Giáo dục Singapore 45 tuổi kêu gọi các bạn trẻ mau chóng thay thế ông vì ông đã “quá già”. Thời Trần các vua 40 đã làm thái thượng hoàng, lui về Yên Tử để dấn thân, gánh vách sơn hà theo một cách khác. Tôi dự cảm rằng sẽ có một lớp tác giả mỹ thuật Việt Nam mới rất đáng nể hiện ở lứa tuổi trên dưới 30. Nếu hỏi nên làm thể nào để họ sẽ trở thành các nhà sáng tạo lớn cho thành phố, cho đất nước tôi không biết trả lời sao. Tuy nhiên tương lai sáng tạo là của họ.
 
N.Q
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 07-08