Người vẽ
Tôi khẳng định: Người vẽ trước hết là một con người.
Con người chung chung đang chuyên cầu cho đến được Con người (chữ con người viết hoa) hoàn thiện cao quý!
Nhắc đến những danh hoạ như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… bao giờ công chúng cũng hình dung về họ là những nhà văn hoá trước khi nghĩ đến họ là những họa sĩ; mặc dù công chúng từ lâu đã biết tên tuổi của những họa sĩ này gắn liền với nghiệp vẽ.
Nhân cách, vị trí của bậc danh hoạ như vậy nên họ chính là những người con ưu tú của dân tộc góp phần rạng rỡ dân tộc trước bạn bè quốc tế.
Người vẽ cầu cho đến được con người cao quý thì cầu thế nào ?
Rất nhiều sách vở và trường lớp đào tạo chuyên sâu cho người học vẽ đã hướng dẫn họ nhiều, rất nhiều kỹ năng, kỹ thuật, nắm bắt chất liệu, hình khối, không gian… Cho đến khi hễ động tay động chân thì người chưa từng học vẽ bao giờ dẫu có nằm mơ cũng không dám mơ tới.
Tuy vậy chướng ngại mà người vẽ vượt qua đến đây chưa phải đã hết.
Khổng Tử nói: Không đọc Thi (Kinh Thi) thì lấy gì nói chuyện với đời.
Tôi theo tinh thần của ông mà lạm triển khai câu đó thế này:
Không học tiếng nói chân chính của CON NGƯỜI thì lấy gì nói chuyện với CON NGƯỜI.
Học để làm gì ?
Đạo học xưa gói gọn lại một chữ cốt yếu: Học để làm NGƯỜI.
Ngày nay khoa học công nghệ phát triển nhanh và vượt bậc, cái học không còn dừng lại ở Thi, Thư, Lễ, Nhạc… Nghĩa là khoa học xã hội mà cái học bây giờ gồm cả khoa học tự nhiên. Khoa học tự nhiên bề thế, thiết thực cho việc thay đổi và vực dậy nền kinh tế nghèo đói lạc hậu, thiết thực cho việc kiếm được miếng cơm, manh áo… Không ai phủ nhận vai trò của khoa học tự nhiên, nhưng nó đang là gánh nặng đè lên vai mỗi người, đây là thời đại của khoa học công nghệ! Người ta ngơ ngác nhìn nhau, rồi phì cười vì một câu hỏi không hợp thời thượng! Học để kiếm cơm! học để kiếm tiền! rõ chưa!
Thưa không, học vẫn chỉ là để cầu cho được làm NGƯỜI!
Điều đáng buồn là với câu hỏi tương tự: Vẽ để làm gì?
Có ít người trả lời thẳng vào vấn đề mà họ đang biết. Vẽ để trình bày những ý tưởng, những suy nghĩ của mình, vẽ để biểu hiện, vẽ vì yêu vẽ và thích vẽ… có người còn ước ao “giá như chúng ta có thêm kiến thức hơn nữa để làm được những tác phẩm nghệ thuật tốt hơn”. Rặt những câu trả lời vô trách nhiệm… với chính con người họ.
Marx viết “soi mình và tự nhận ra mình thoạt tiên chỉ trong một người khác” (Marx, Tư bản).
Cùng với tiến trình phát triển, con người tự nhận ra mình không chỉ duy nhất một lối như vậy. Cái cách nhận ra mình được nâng lên ở nhiều mức độ và nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn: nhìn vào người khôn mà học, nhìn vào người dại mà sửa mình (ý Khổng Tử).
Nghệ thuật tạo hình ra đời góp thêm một cách soi mình – cái soi mình với đầy đủ ý nghĩa hơn khẳng định bước tiến dài của loài người so với dự thành nhân.
“Quan sát nét vẽ ở đứa trẻ trong độ tuổi 16 – 17 tháng, nhận thấy ở độ tuổi này đứa trẻ có thể bắt chước một vạch trên giấy, tất nhiên vạch do đứa trẻ không thẳng như vạch của người lớn – do đó hãy còn là một hình cánh cung ít nhiều ngoằn nghoèo, nhưng nó đã muốn thiên về đường thẳng, và như thế mà phân biệt rõ ràng với hình vẽ nguệch ngoạc của con tinh tinh vốn chỉ là một hành xử đơn giản cảm giác – vận động”. (Trần Đức Thảo – Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức)
Nét vẽ bắt chước đầu tiên của đứa bé không là gì cả - nhưng đối với đứa bé nó là tất cả sự tập trung, là tất cả sự nỗ lực tác động vào ngoại giới để thức tỉnh; bắt đầu cho việc nhận thức chính mình – sự tồn tại của nó khẳng định bằng cái mốc tác động vào ngoại giới và làm thay đổi ngoại giới.
So sánh với nét vẽ của những trẻ lớn hơn ta nhận thấy nét vẽ ở những trẻ có độ tuổi càng cao càng có khả năng điều khiển để nét vẽ đi gần tới nét thẳng hơn, điều đó cho thấy biểu hiện cảm giác đang dần được điều hoà và thay thế bằng nét vẽ điều khiển của lý trí. Cùng với độ tuổi phát triển ở người trưởng thành nét vẽ trở nên chắc chắn và càng chắc chắn hơn ở người vẽ chuyên nghiệp, nhưng nó chỉ được biểu hiện ra vẻ sung sức, chín chắn, tinh giản và tài hoa ở những cây bút đại gia mà thôi. Điều này khẳng định người vẽ phải khổ công rèn luyện, phấn đấu và tu dưỡng để điều hoà nét bút!
Nét vẽ đầu tiên của đứa bé là bắt đầu sự thức tỉnh nhận biết về mình ở mức sơ khai, nó ít nhiều định hình và mở đầu dấu hiệu năng lực hình dung khái quát hoá (ở động vật không có khả năng này) – ở đâu có năng lực hình dung khái quát hoá ở đó có sự sáng tạo. Năng lực này theo cùng người vẽ một khi họ còn thăng tiến trên con đường sáng tác nghệ thuật và nó sẽ bám chặt lấy họ trong mọi chi tiết của bức vẽ; Nó là tất cả những khổ công rèn luyện, đa dạng hoá, thậm chí không ít người trở nên thảm bại, tồi tệ trước những trở ngại mà họ buộc phải vượt qua, chỉ có gắng sức để hoàn thiện bức vẽ, sự vượt trên trở ngại, sự chinh phục trở ngại người vẽ mới tiến gần đến một hoạ sĩ chân chính – một con người chân chính.
Thẩm Tông Khiên (danh hoạ Trung Quốc thế kỷ 18) nói:
“Trong quá khứ mỗi thế hệ chỉ có được vài người trong số hàng ngàn hoạ sĩ là xuất chúng, tính bất tử ấy là do phẩm chất kiệt xuất trong các tác phẩm của họ. Có bốn cách để đạt mục tiêu cao:
- Giữ tâm trí cho tinh khiết, loại bỏ hết mọi phàm ý.
- Đọc sách tốt để hiểu được thế giới của những qui luật nội tại
- Tránh nổi tiếng sớm để vươn tới mục đích cao hơn.
- Làm bạn với bậc văn nhân để gần gụi những hình thức cổ điển.
Với bốn điều cẩn trọng ấy, người ta hẳn sẽ tiến xa vươn cao trong hội họa”.
Ngày nay cả bốn cách ấy bị lý lẽ tục tĩu của kẻ phàm phu mượn cớ thời kinh tế thị trường cười chê mai mỉa. Thay vì đặt mục tiêu cao, tâm trí họ vướng bận toàn những toan tính phàm phu, nói như rồng leo, làm như mèo mửa, đầy rẫy tự phụ kiêu căng, nói gì đến chuyện giữ tâm trí cho tinh khiết, loại bỏ hết mọi phàm ý!
Tay không sờ đến sách, nghề rèn hời hợt, sáng chiều lê la chè chén, làm đủ điều tục tĩu đồi bại, thần trí hôn ám nói gì đến chuyện phát hiện những quy luật nội tại đòi hỏi kỳ công quan sát tinh tế!
Con người tục tĩu như thế, tâm tính như thế nhưng một sớm một chiều xảo quyệt phô trương thanh thế, bỗng chốc tiếng nổi như cồn, trong lòng run run sợ sợ nhưng vẻ ngoài phục trang oai phong; dù cho đó chỉ là hư trương nhưng cũng làm mờ mắt nhiều kẻ tục trong chốn nhân gian. Ngày mỗi ngày lý lẽ dâm xảo của kẻ tục không chỉ đủ cho kẻ ấy bằng lòng với chính nó thêm phần vênh vang tự đắc mà còn là thuốc độc ngấm vào thịt da con đỏ. Bỉ ổi thay ! Đáng chết ngần nào? nói chi đến chuyện đặt mục tiêu cao ? những kẻ đáng chết ấy làm sao bạn với văn nhân cho được nói gì đến chuyện gần gụi những hình thức cổ điển?
Làm sao mà một kẻ có chú thông minh năng khiếu lại trở nên như vậy?
Phải nói rằng trong cái đạo học của họ có vấn đề vậy !
Sách Mạnh Tử viết: TỰ NHI PHẤT ÁI, THỈ GIAO CHI DÃ; ÁI NHI PHẤT KÍNH, THÚ SÚC CHI DÃ; CUNG KÍNH GIẢ, TỆ CHI VỊ TƯƠNG GIẢ DÃ; CUNG KÍNH NHI VÔ THỰC, QUÂN TỬ BẤT KHẢ HƯ CÂU.
Đoạn này được cụ Phan Bội Châu giải thích rằng: “Nuôi cho mà ăn mà không lòng yêu mến, thế là lấy cách đối đãi với heo mà giao tiếp với mình đó vậy. Ví dầu có lòng yêu mến mà chẳng lòng kính trọng, thế là lấy cách nuôi muông mà nuôi mình đó vậy. Vì dầu có ái mà lại có cung kính là ở trong đạo giao tế thiệt cũng khác xa với “thỉ giao thú súc rồi”. Nhưng cung kính như thế nào mới thật là cung kính ? cung kính há phải xem ở nơi lễ vật đó ư? Cung kính là gốc ở trong lòng có sẵn, tất ở trước khi chưa bày lễ vật ra mà đã tỏ rõ ra tấm lòng Cung kính đó vậy. Giả như cung kính ở bề ngoài mà xét ra không tình thực thời quân tử chẳng thể câu nệ ở hư văn mà thừng (thừa) nhận lấy cung kính ấy”. (Phan Bội Châu – Khổng Học Đăng – Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin 1998 – tr.690).
Đạo giao tế giữa người với người là vậy.
Vẽ tranh mà chẳng yêu tranh, yêu nghề, xem tranh như món hàng mua bán đổi chác ấy chẳng qua chỉ như nuôi heo mà bán lấy tiền vậy!
Có lòng yêu tranh yêu nghề mà không kính trọng nghề mình cũng chỉ là lấy cách đãi muông mà đãi tranh mình, nghề mình đó vậy!
Có lòng yêu tranh lại có cung kính thì trong đạo giao tế với chính tác phẩm của mình đã là khác xa với cách đãi tranh như heo như muông, nhưng cung kính mà chỉ tìm cho hình thức tân kỳ, phô diễn kỹ thuật, sơn son thếp vàng, lồng khung treo cao thì mới chỉ là khoa sức bề ngoài đó vậy! Cái cách cung kính như vậy là tự mình làm mờ mắt mình, chẳng là đã coi khinh công chúng lắm ư ? Người vẽ có đạo không thể nhận nhầm thứ cung kính đó vậy.
Chỗ chuyên lo cho sự cung kính là chỗ chuyên cầu cho chính được cái thân ( chữ thân, trong – tu thân, tề gia…) chỗ chuyên cầu cho chính được cái thân là lo cho chính cái tâm vậy, muốn chính được cái tâm phải chăm lo tu tâm vậy.
Lại lời Mạnh Tử dạy rằng:
NHÂN HỮU KÊ KHUYỂN PHÓNG; TẮC TRI CẦU CHI; HỮU PHÓNG TÂM NHI BẤT TRI CẦU, AI TAI!
Nghĩa là: người ta thường có con gà con chó chạy đi mất thì hết sức tìm kiếm nó; sao có người để tâm mình chạy đi mất mà không biết tìm kiếm nó về thế thì xem cái tâm mình không quý hoá bằng gà, chó, chẳng là đau đớn lắm hay sao ?
Gốc tâm của con người là ở lòng NHÂN (chữ NHÂN trong Luận ngữ) “NHÂN” là cội gốc cho lòng lành, trong lòng người ta vẫn có sẵn cái đức nhân ấy, cũng như các thứ trái mà có cái hột để làm mộng, giống trái mà không hột tức là trái chết, lòng người ta mà không có đức NHÂN là lòng chết, sự đau đớn của người ta không gì bằng bất NHÂN.
Bút mực chỉ là công cụ làm lộ sinh linh của NGƯỜI.
Người vẽ trước hết là một con người. Kẻ không có lòng nhân dù cho có khéo léo đến mấy thì bút mực của nó cũng chỉ làm nhơ bẩn và xúc phạm đến tính thuần khiết của bề mặt toan, vóc, lụa hay giấy vẽ mà thôi.
Kẻ tu thân (trong câu tu thân, tề gia…) lấy tâm làm gốc, muốn chính được tâm phải biết vấn tâm, cái học có được qua tâm mới là học vấn vậy.
Người vẽ chẳng những phải tu tâm, mà còn phải vượt ngại ngay trong mỗi bức vẽ của chính mình nhưng chung quy vẫn là tu tâm vậy!
Tôi nhắc lại câu hỏi vẽ để làm gì? Trả lời – vẽ để tu tâm! Vẽ là phương tiện để tu tâm, phương tiện thì nhiều nhưng cứu cánh chỉ có một. Kết quả cuối cùng mà thông qua phương tiện để đạt tới chỉ là tu tâm.
Người ta không vẽ bằng kiến thức – Kiến thức được tinh luyện ở Tâm, nghệ thuật là tiếng nói từ Tâm mà ra!
P.H.H
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 07-08