Thông tin Mỹ thuật Số 03-04

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

một số tham luận tại Đại hội Đại biểu Hội Mỹ thuật Việt Nam lần VI

Trích tham luận:
VỀ MÔ HÌNH TỔ CHỨC HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM KHÓA VI (2004 - 2009)
Lê Quốc Bảo - Uỷ viên Ban kiểm tra MT Hội khoá V

        Hội đồng nghệ thuật TW Hội là “cơ quan tư vấn” của BCH có nhiệm vụ tham gia, thẩm định những giá trị nghệ thuật… và tham gia thành lập các Hội đồng xét chọn giải thưởng…
Để hoạt động của Hội đồng nghệ thuật có tính độc lập tương đối của nó, không nên có nhiều ủy viên BCH tham gia Hội đồng nghệ thuật TW Hội như khóa V. 6/7 thành viên Hội đồng nghệ thuật TW Hội là ủy viên BCH. Chẳng lẽ các ủy viên BCH tham gia Hội đồng nghệ thuật là làm tư vấn cho chính mình sao?. Một con người không thể cùng một lúc đứng trên hai tuyến đầu của hoạt động Hội. Hơn thế các thành viên Hội đồng nghệ thuật TW Hội phải thường xuyên sáng tác, mà sáng tác phải thật tốt mới hội đủ tư cách đi thẩm định những giá trị nghệ thuật.
Theo tôi Hội đồng nghệ thuật TW Hội khoá VI chỉ nên bầu 05 người đại diện cho 05 chuyên ngành. Nhất thiết phải có đại diện của hai chuyên ngành trang trí và phê bình mỹ thuật. Như vậy, chúng ta có 01 ủy viên BCH là chủ tịch Hội đồng nghệ thuật và 04 ủy viên Hội đồng nghệ thuật ngoài BCH. Cộng lại chúng ta vẫn có 11 người đứng trên tuyến đầu như khóa V.
Tuy chỉ là một cơ quan tư vấn song có một vị trí đặc biệt nhạy cảm, có tác động quyết định đến “sự sống còn” của một tổ chức Hội nghề nghiệp mang đặc thù sáng tạo.
Chúng ta cần một cuộc cách mạng về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng nghệ thuật TW Hội.
a/. Về cơ cấu tổ chức hội đồng nghệ thuật của Hội đồng nghệ thuật TW Hội.
1/. Hội đồng nghệ thuật TW Hội ngoài việc thẩm định còn có trách nhiệm to lớn tổng kết mọi mặt về nghệ thuật.
2/. Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành có trách nhiệm thẩm định nghệ thuật chuyên ngành và tổng kết về nghệ thuật của chuyên ngành mình.
Đó là hai Hội đồng nghệ thuật “cứng” do bầu cố định ngoài việc thẩm định giá trị nghệ thuật. Hàng năm phải công bố quan điểm chính kiến của mình về những lĩnh vực nghệ thuật phụ trách trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phải thấy được trách nhiệm của Hội đồng nghệ thuật, phải đối thoại với hội viên và công chúng yêu mỹ thuật. Hội đồng nghệ thuật nào dù là thế giới hay trong nước đều có quan điểm nghệ thuật và chính kiến riêng. Nếu không muốn nói là định hướng nghệ thuật như trong điều lệ đã xác định.
Phải sớm khắc phục một căn bệnh nguy hiểm, cố hữu của các Hội đồng nghệ thuật  của Hội ta từ trước đến nay. Không công bố quan điểm, chính kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi khi trao giải. Như thế là thiếu trách nhiệm với hội viên và công chúng yêu mỹ thuật.
Chỉ có tổng kết, tổng kết tốt và thường xuyên nạp thông tin cho mình mới mong thẩm định đúng và tổng kết tốt.
...

Trích tham luận:
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT – TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ CỦA ĐẢNG
T.S họa sĩ Trang Phượng - Bí thư Đảng đoàn – Q. Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT TP. Hồ Chí Minh
...
    Gần đây Bộ Nội vụ tổ chức các cuộc tập huấn “về nâng cao năng lực cho các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam” lại đánh đồng các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp với các tổ chức xã hội, Hội nghề nghiệp là chưa nhận thức được tính chất của từng tổ chức. Chưa thấy được nguy cơ diễn biến hòa bình, tự triệt tiêu tổ chức chính trị của Đảng. Mà Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ.
Sai lầm trong kinh tế, gây tổn thất về tiền của, vật chất, sai lầm của các tổ chức nghề nghiệp gây thiệt hại về kinh tế. Còn sai lầm của tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp (các Hội văn học nghệ thuật) có thể làm tan rã xã hội, dẫn đến nguy cơ thay đổi chế độ chính trị.
Như chúng ta đã biết: do tệ nạn tham nhũng và quản lý lỏng lẽo làm cho Nhà nước thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Nếu số tiền đó đầu tư cho các công trình văn hóa, nghệ thuật thì nó trở thành sản phẩm vô giá cho đời sau. Nhưng sự mất mát đó dù có lớn lao bao nhiêu nó cũng là hữu hạn. Còn giải quyết sai lầm về tổ chức văn hóa, nghệ thuật nó sẽ gây tổn thất vô hạn, có khi chúng ta phải trả giá bằng nhiều thế hệ Việt Nam, mà không có cơ hội để khắc phục.
Trong lịch sử cận đại chúng ta cũng đã chứng kiến những thảm họa như: “Cách mạng văn hóa” của Trung Quốc, và sự tan rã của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu như thế nào.
Đảng ta rất quan tâm và đánh giá đúng mức lực lượng văn nghệ sĩ. Ngay từ  những ngày đầu thành lập Đảng, lực lượng này nằm trong Ban Tuyên huấn Bộ chính trị trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo.
Đảng luôn chú trọng bồi dưỡng chính trị cho họ, trao đổi quan điểm lập trường của họ, để binh chủng văn nghệ sĩ này đủ mạnh tiếp tục chiến đấu với kẻ thù trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Đất nước ta trong xu thế hội nhập trong khu vực và thế giới. Hơn lúc nào hết, ta cần phải nuôi dưỡng, chăm sóc đội ngũ này, đủ sức đề kháng và đủ mạnh để chiến đấu với cuộc chiến tranh xâm lược văn hóa mà họ là đội ngũ chủ lực. Trong cuộc chiến không có tiếng súng, không có giới tuyến, nhưng không kém phần ác liệt, chúng ta phải đấu tranh để giành giật lại từng con người, ngay cả trong bản thân mỗi chúng ta.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư thành uỷ TP. Hồ Chí Minh nói: “Các Hội Văn học Nghệ thuật là tổ chức chính trị đặc biệt…” sự đánh giá đó thật xác đáng, vì các tổ chức chính trị của ta gồm: Mặt trận tổ quốc, Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Những tổ chức này tập hợp, vận động chính trị trong từng giới của mình. còn giới văn học, nghệ thuật thì bằng nghề nghiệp của mình vận động, truyền bá tư tưởng, chủ trương, chính sách của Đảng cho toàn xã hội. Nói cách khác, họ làm chính trị bằng nghề nghiệp của mình, nó nhuần nhuyễn và thắm sâu vào lòng người, tiếng nói của họ còn ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng quốc tế.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, chúng tôi mong rằng mỗi Nghị quyết của Đảng được các cơ quan Chính phủ thể chế hóa về mặt Nhà nước để thống nhất hành động, đừng để trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

    Đất nước ta trong xu thế hội nhập trong khu vực và thế giới. Hơn lúc nào hết, ta cần phải nuôi dưỡng, chăm sóc đội ngũ này, đủ sức đề kháng và đủ mạnh để chiến đấu với cuộc chiến tranh xâm lược văn hóa mà họ là đội ngũ chủ lực. Trong cuộc chiến không có tiếng súng, không có giới tuyến, nhưng không kém phần ác liệt, chúng ta phải đấu tranh để giành giật lại từng con người, ngay cả trong bản thân mỗi chúng ta.
    Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh nói: “Các Hội Văn học Nghệ thuật là tổ chức chính trị đặc biệt…” sự đánh giá đó thật xác đáng, vì các tổ chức chính trị của ta gồm: Mặt trận tổ quốc, Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Những tổ chức này tập hợp, vận động chính trị trong từng giới của mình. Còn giới văn học, nghệ thuật thì bằng nghề nghiệp của mình vận động, truyền bá tư tưởng, chủ trương, chính sách của Đảng cho toàn xã hội. Nói cách khác, họ làm chính trị bằng nghề nghiệp của mình, nó nhuần nhuyễn và thắm sâu vào lòng người, tiếng nói của họ còn ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng quốc tế.
    Đảng ta là Đảng cầm quyền, chúng tôi mong rằng mỗi Nghị quyết của Đảng được các cơ quan Chính phủ thể chế hóa về mặt Nhà nước để thống nhất hành động, đừng để trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
    ...

Trích tham luận:
VÀI Ý KIẾN NHỎ TỪ HỘI ĐỊA PHƯƠNG
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế
    ...
    Là một Hội được Đảng, Nhà nước công nhận là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, nhưng hiện nay không thực sự bình đẳng với các hội đoàn chính trị khác trong hệ thống chính trị. Đó là ngân sách chi cho các hoạt động Hội chỉ là hỗ trợ chứ không phải là cấp phát, các hội Văn học nghệ thuật hiện nay không biết sẽ ra sao, nếu tương lai là một tổ chức phi chính phủ? Đường hướng sáng tác thế nào? Đó là vấn đề cần được xác định để chuẩn bị tinh thần cho việc tồn tại trong xu thế phát triển hiện nay.
    Vấn đề định hướng sáng tác mà Đại hội V của Hội đã rất nhiều đại biểu nêu ra, thì nhiệm kỳ qua đã chứng tỏ việc điều chỉnh và định hướng đã rõ nét, đó là sự tự do sáng tạo, độc lập trong tư tưởng và hướng về bản sắc dân tộc, Hội đã đầu tư những tác phẩm với nội dung lịch sử, cách mạng dân tộc, phản ánh cuộc sống thực tế trong sự phát triển xã hội của đất nước và có những chính kiến về loài trừ những tác phẩm có xu hướng dung tục cũng như những tác phẩm phản ánh những bất lợi về mặt chính trị, điều đó cũng được thể hiện trong việc xét giải hằng năm của Hội đã nói lên phần nào kết quả…
    …
    Triển lãm các khu vực như đã duy trì trong nhiều năm qua là một cách làm hay, tuy nhiên cũng nên nâng cấp thêm. Vấn đề có nên tổ chức triển lãm vùng trong thời gian nào đó, ví dụ 2 năm Hội tổ chức 1 lần cho cả vùng như ở miền Trung và Tây Nguyên, vùng Nam bộ chẳng hạn để có dịp giao lưu trao đổi tác phẩm, tạo sự thay đổi chứ nếu các tỉnh chơi với nhau thì nhịp điệu sẽ không có gì mới, nhàm chán, ít học hỏi rút kinh nghiệm thêm, mà triển lãm vùng cũng tạo cho hội viên đi lại dễ dàng hơn, gần gũi nhau hơn.
    Cũng nên lưu tâm đến triển lãm nữ tác giả, nên tổ chức triển lãm nữ tác giả toàn quốc theo định kỳ như 3 năm một lần chẳng hạn.
    Về đối ngoại: Các tỉnh lẻ hình như chuyện đi sáng tác hay mới đi triển lãm ở nước ngoài là hết sức hiếm hoi, Hội cần quan tâm hơn nữa nếu có những cơ hội để các tác giả ở các tỉnh lẻ có điều kiện mở mang.
    …
    Vấn đề tổ chức trại sáng tác là việc làm tốt tuy nhiên cần có hình thức phong phú hơn, bên cạnh tổ chức trại hiện nay ở Hà Nội, và các nhà sáng tác của Bộ VHTT lâu nay cần nên kết hợp với địa phương nhưng cũng là công tác xã hội hóa và tuyên truyền mỹ thuật đến với công chúng.
    Cơ sở ở các nhà sáng tác hiện nay hình như để dành cho những trại viết chứ chưa để dành cho loại hình mỹ thuật, nên cần có xưởng vẽ, xưởng điêu khắc.
Về điều lệ Hội cần nên đặt vấn đề gạch tên ra khỏi Hội những người không thiết tha với Hội, Hội không phải là thứ trang sức, có người vào Hội chỉ lấy cái danh để thực hiện việc làm ăn, còn sáng tác và tham gia công tác chung của Hội thì hầu như không bao giờ hoặc thi thoảng. Do đó cần nghiêm khắc việc đánh giá hội viên, là ngoài việc không nộp hội phí, cần nên nêu tên Hội viên nào không tham gia nộp tác phẩm ở 2 kỳ triển lãm khu vực và không tham gia sinh hoạt Hội thì xem như tự ý nghỉ sinh hoạt Hội.
    ...

Trích tham luận:
VAI TRÒ CỦA CÁC HỘI VHNT ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG MỸ THUẬT
 Đỗ Ngọc Dũng - Trưởng Chi hội Mỹ thuật Phú Thọ - Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ
    ...
    Với tư cách là một hội viên đồng thời cũng là người làm công tác ở một Hội VHNT địa phương tôi xin được nêu một số ý kiến có tính tham góp như sau:
    Thứ nhất: Về triển lãm mỹ thuật ở khu vực trong cả nước. Đây có thể nói là một sáng kiến và nỗ lực lớn của Hội kế tiếp kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước. Các triển lãm này về quy mô tổ chức và chất lượng tác phẩm ngày càng được nâng cao. Đây chính là việc làm thiết thực đưa mỹ thuật đến nhiều vùng miền của đất nước, phục vụ được nhiều đối tượng đồng bào, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục và nâng cao nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của nhân dân. Điều quan trọng nữa là triển lãm mỹ thuật khu vực hàng năm đã tạo ra không khí hoạt động mỹ thuật sôi động cho các họa sĩ địa phương và các hội viên trung ương ở địa phương tạo ra được nhiều tác phẩm mỹ thuật có chất lượng cao. Chính vì vậy mà nhiều tác giả đã trưởng thành qua triển lãm khu vực và gặt hái được nhiều giải thưởng. Điều này đã được đề cập trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. Song theo tôi cần phải được đánh giá sâu hơn trong báo cáo.
    Thứ hai: Báo cáo cũng cần làm rõ hơn vai trò cũng như những cố gắng của các Hội VHNT địa phương trong việc tổ chức các hoạt động mỹ thuật, đầu tư các trại sáng tác mỹ thuật, động viên các họa sĩ của địa phương sáng tác nhiều tác phẩm mỹ thuật trong điều kiện kinh phí hạn hẹp và phải lo hoạt động cho nhiều chuyên ngành...
    Thứ ba: Hiện nay có một số ý kiến cho rằng triển lãm mỹ thuật khu vực nên tổ chức 2 năm một lần. Theo tôi không cần phải như vậy mà vẫn nên tổ chức một năm một lần. Như vậy càng thôi thúc các họa sĩ sáng tác thường xuyên và liên tục. Có điều Ban chấp hành, Văn phòng TW Hội, HĐNT của Hội sẽ phải bận rộn hơn, nhưng Hội ta đã làm và làm tốt trong nhiều năm qua.
    Thứ tư: Cũng liên quan đến triển lãm mỹ thuật khu vực. Đó là việc tổ chức hội thảo, tọa đàm sau khi khai mạc triển lãm là việc làm cần thiết, nhưng là của những người làm chuyên môn. Vì vậy không nên để các đại biểu tới dự khai mạc phải mất thời gian ngồi nghe, nhiều khi là miễn cưỡng. Vì vậy, Ban chấp hành nhiệm kỳ tới nên chăng bố trí tọa đàm, hội thảo và thời gian thích hợp có thể là mời các đoàn hoặc đại diện các đoàn xem triển lãm và tổ chức tọa đàm hội thảo trước khi khai mạc. Đồng thời nhiệm kỳ tới BCH cũng nên tính toán có hình thức triển lãm giao lưu giữa các khu vực, có thể 2 hoặc 3 năm triển lãm chung giữa 2 khu vực, hoặc vài năm 1 lần triển lãm khu vực đưa về thủ đô Hà Nội, nhằm mở rộng tầm nhìn và hiểu biết cũng như học hỏi lẫn nhau giữa các họa sĩ.
    Thứ năm: Về vấn đề đầu tư, kể từ năm 1999 đến nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đầu tư nhiều tỷ đồng ngoài ngân sách hoạt động thường xuyên và kinh phí giải thưởng hàng năm cho Trung ương Hội để đầu tư cho việc sáng tạo những tác phẩm chất lượng cao. Việc đầu tư, có thể nói đây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Song Ban chấp hành, HĐNT của Hội trong nhiệm kỳ qua đã xét duyệt, phân loại tác phẩm để đầu tư là đúng tiêu chí, vô tư và rất khách quan và đã có những hình thức đầu tư mới như nghiệm thu tác phẩm từ triển lãm khu vực. Đây cũng là một sáng kiến được sự đồng tình của hội viên. Tuy nhiên nhìn trên danh mục tác giả tác phẩm nhận đầu tư, số tác giả ở các địa phương xa Hà Nội còn quá ít. Nên chăng BCH nhiệm kỳ tới có cơ chế thích hợp, quan tâm hơn đến các họa sĩ ở các địa phương miền núi, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Vì phần lớn các họa sĩ ở các địa phương này còn gặp nhiều khó khăn về môi trường sáng tác, về điều kiện làm việc.
    ...

Trích tham luận:
CẦN CÓ PHÒNG TRƯNG BÀY TRIỂN LÃM MỸ THUẬT CÓ TÍNH ĐẶC CHỦNG Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Họa sĩ Y Nhi Ksor - Đại biểu tỉnh DakLak

    Đối với ngành Múa, Âm nhạc, Điện ảnh… đều có sàn diễn, sân khấu, ánh sáng, âm thanh hiện đại để cho các nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn công bố tác phẩm của mình thì đối với giới mỹ thuật cũng cần có những sân chơi đặc chủng. Đề nghị Hội Mỹ thuật Việt Nam có kiến nghị với chính phủ tạo điều kiện cho mỗi tỉnh nên có phòng trưng bày triển lãm mỹ thuật hiện đại để hàng năm chúng ta có nơi hoạt động có tính chuyên nghiệp hơn.
    Triển lãm mỹ thuật khu vực hàng năm là một hoạt động tích cực sáng tạo của tổ chức hội, đã kích thích nhiều thế hệ họa sĩ sáng tạo. Vì vậy, cần duy trì và nâng cao chất lượng, đặc biệt là các tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa. Đề nghị các nhà phê bình lý luận mỹ thuật cần quan tâm hơn đến mỹ thuật ở các vùng dân tộc ít người, nhằm định hướng sáng tác hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta.
    So với các thành phố lớn thì ở các nơi Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung, miền Tây Nam bộ về phong trào mỹ thuật yếu hơn trong lúc ở những vùng đó cũng đang ẩn chứa tiềm tàng khả năng mỹ thuật. Đặc biệt “Chất nghệ sĩ” đối với các dân tộc Tây Nguyên rất lớn. Vì vậy, xin kiến nghị với Hội Mỹ thuật Việt Nam nên có một chính sách cụ thể hơn đối với tác giả là người dân tộc ít người để có một nền nghệ thuật tạo hình mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta cần có một nền mỹ thuật phát triển đồng đều ở toàn khu vực.
    Chú trọng tạo nguồn nhân lực phát triển nhân tài bằng hình thức giao lưu, triển lãm ở các cơ sở, đào tạo, mở trại sáng tác nhằm phát hiện năng khiếu bồi dưỡng phát triển để có một đội ngũ càng đông đảo, vững mạnh hơn, hiện đại hơn. Có như vậy, chúng ta mới có được một nền mỹ thuật phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc, tiến tới hội nhập, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.
    ...
 

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật Số 03-04