Tính Cách Của Thành Phố
|
BÙI HẢI SƠN. Lúa nước. Inox, thủy tinh |
Người Sài Gòn và Nam Bộ gọi Tp. Hồ Chí Minh là Thành phố, phân biệt với các thành phố khác trong cả nước. Bởi thành phố này khác hẳn các thành phố khác. Là thành phố hiện đại, thực dân đầu tiên ở Việt Nam nay Thành phố đang ngấp nghé ở cửa vào câu lạc bộ siêu đô thị và trung tâm kinh tế tài chính của toàn khu vực. Nhiều người thường hỏi về bản sắc của văn hóa, cụ thể hơn là của mỹ thuật nơi đây so với Hà Nội. Lại hay có câu hỏi, yêu cầu lạ lùng là : Làm sao có nền văn học, nghệ thuật, có tác phẩm ngang tầm đất nước, tầm thủ đô, tầm thành phố. Mà thực tế là ngược lại, chính các tác phẩm đã và đang có xác định tầm của đất nước, của kinh đô hay Thành phố!
Còn người sáng tác thì đâu có đặt cho mình trách nhiệm phải ngang tầm nào. Họ chỉ mong tác phẩm của mình, tính cách nghệ thuật của mình được người xem chấp nhận mà thôi.
Trước đây, gần hai chục năm có một triển lãm của 10 họa sĩ thế hệ đổi mới bày toàn tranh trừu tượng tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Lúc đó trừu tượng còn mập mờ vùng cấm kỵ. Song, cái quan trọng là các đồng nghiệp thấy rằng hình như trừu tượng “hạp” với tính cách của thành phố này và hình như ở đây trừu tượng là chính nó hơn là ở các nơi khác (trong khi họa sĩ Hà Nội hợp hơn với những di sản thôn quê, đình chùa…) Ý nghĩ ấy có thể là ngây ngô nhưng lại khá đúng sự thực.
|
|
|
TRẦN VIỆT HƯNG. Những cái chai nhảy múa. Đá, thủy tinh |
HOÀNG TƯỜNG MINH. Kết nối I. Sắt |
NGUYỄN THÀNH TUỆ. Chân dung. Composite |
Và Symposium Điêu khắc Sài Gòn 2006 vừa khai mạc ngày 14/10 tại tòa nhà Hội Mỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh, bày 34 tác phẩm của 10 người: Trần Thanh Nam, Lương Văn Thạnh, Vĩnh Đô, Bùi Hải Sơn, Phan Nhất Phương, Trần Việt Hưng, Ngô Liêm, Hoàng Tường Minh, Nguyễn Thành Tuệ, Nguyễn Anh On - sau 20 năm lại cho tôi một ấn tượng và một hy vọng mạnh mẽ như vậy. Vài trăm khách khai mạc ai cũng thấy đây là highlight - điểm sáng của đời sống mỹ thuật, của điêu khắc ta suốt cả thập niên vừa qua. Lánh xa cái mệt mỏi của tượng đài, cái nhàm chán của tượng trang trí, phủi hết bụi bặm của cuộc làm - ăn bằng “giả nghệ thuật”, chối từ những khuôn khổ bao cấp các tác giả tự tổ chức một symposium nghệ thuật và học thuật với một vẻ tươi trẻ và sự sung sức bất ngờ (dù họ đều đã trên 40 cả rồi!).
|
NGÔ LIÊM. Đôi. Composite |
Đằng sau sự khác nhau của mỗi người, tôi lại thấy những dòng chảy chung, tạo nên một khuynh hướng hay một tuyên ngôn của nhóm? Trước hết là đồng thanh “nói không” với cái đã nhàm chán của sự tả thực hời hợt, của chủ đề to tát mà trống rỗng. Không hoàn toàn lạ hoắc nhưng ở đây không thấy những cái làm ta phải thốt lên “biết rồi nói mãi”. Tính kết cấu, kiến tạo trở thành da thịt và hơi thở chứ không chỉ là khung xương của tác phẩm. Các kết cấu thép, Inox, gốm, đá, kính tĩnh của Trần Việt Hưng, Trần Thanh Nam, Ngô Liêm vững chãi; các kết cấu động của Bùi Hải Sơn, Phan Nhất Phương chuyển động thật tế nhị, trữ tình…. Những băng thép đỏ uốn lượn của Vĩnh Đô yểu điệu như múa lụa. Việc sử dụng hỗn hợp các chất liệu xây dựng hiện đại tự nó cũng có tác dụng làm mới những gì đã quen.
Tính ý tưởng cũng xuyên suốt triển lãm. Hình như cái quan trọng trong sáng tác hiện thời là phải có ý tưởng , thời của kinh tế trí thức và sở hữu trí tuệ mà lại! Trong khi Chat của Nguyễn Thành Tuệ nối hai nửa đầu bằng các xoáy Inox đùa hơi lộ về các kết nối ảo thì Bẫy của Nguyễn Anh On hài hước vỗ mặt với một cái giống như cái bẫy chuột đen xì và hai trái đỏ ai cũng đoán là bầu vú. Kết nối 1 và 2 của Hoàng Tường Minh gợi nhà cao tầng hay cáp quang nhưng lại giễu cợt sự kết nối hóa ra ràng buộc, làm rối lẫn nhau!
Nét chung cuối cùng tôi nhận thấy ở đây là sự giã từ thẩm mỹ modernism với những trò chơi hình khối và ngôn ngữ thuần túy mà phần lớn các tác giả U50, U60 còn luyến tiếc. Có hơi hướng hậu hiện đại ở đây chăng? Theo tôi, nhãn mác chưa quan trọng, cái chính là tính chất đã đổi.
Có thể hơi quá khi tôi nghĩ rằng, triển lãm này tạo ra được tính cách đô thị hiện đại của thành phố chúng ta nhưng xin cho tôi quyền hy vọng, bởi tôi biết ngoài các tác giả ở đây thành phố còn khá nhiều tài năng khác nữa.
Địa phương nào cũng hô là chiêu hiền, tìm người tài nhưng tài năng tại chỗ đây đâu có ai dùng! Tiếc thay.
N.Q.
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 13-14