Kỷ Niệm 400 Năm Ngày Sinh REMBRANDT
|
Đại đội dân binh của Đại úy Frans Banning Cocq (Thường được biết là "Tuần tra đêm"). 1642. Sơn dầu. 371x437cm |
Rembrandt sinh ngày 15/7/1606 tại Leyden trong một gia đình giàu có. Ông có năng khiếu hội họa từ bé, luôn thích thú với những tranh minh họa trong Thánh kinh, hay thuận tay ký họa đầy mặt vở học lúc đến trường. Đầu tiên, ông học chữ Latin rồi vào Đại học học Chính trị Pháp luật. Nhưng Rembrandt rời bỏ ngành này rất nhanh để theo học hội họa trong các xưởng vẽ. Ông học nghề những năm đầu tiên tại Leiden trước khi đến Amsterdam. Sau khi học nghề xong ông trở về Leiden và làm một họa sĩ độc lập. Ông vẽ một số tranh trong xưởng vẽ tại Leiden. Năm 1625, Rembrandt mở một xưởng vẽ riêng.
Những tác phẩm của Rembrandt có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển hội họa Phương Tây 400 năm qua, ông được xếp vào 10 danh họa lớn nhất thế giới (những bậc thầy khác là Leonardo da Vinci, Michelangelo, Albreeht Durer, Paul Rubens, Eugene Delacroix, Anguste Rodin, Vincent Van Gogh, Henri Matisse, Pablo Picasso).
Ong là một họa sĩ Baroque mà không phải Baroque, như Michele Barilleau và Francois Giboulet đã từng nói về ông: “Trái lại với hội họa Baroque, Rembrandt - nhà nhân văn chủ nghĩa Tin lành - lại gắn bó với việc biểu hiện cái đẹp bên trong và thầm kín của con người. Ông sử dụng ánh sáng - bóng tối như một chất thơ tạo hình và như một phương tiện kỹ thuật để nhấn mạnh hình ảnh”.
|
Tự họa. 1639. Khắc kẽm. 20,5x16,4 |
Từ năm 1630, Rembrandt chuyển đến ở hẳn Amsterdam, ở đây ông vẽ bức tranh nổi tiếng “Bài học giải phẫu của bác sĩ Tulp” (1632). Rembrandt nổi tiếng trong việc vẽ chân dung , nhất là chân dung tập thể, đó cũng là sự độc đáo mà trước ông người ta ít thấy ở những họa sĩ khác. Ông không những nổi tiếng về tranh sơn dầu, mà còn có sở trường về tranh khắc đồng (Etching) phát minh ra cách khắc đồng bằng sáp và axít. Ông đã để lại một di sản 600 bức sơn dầu, hơn 1300 bức tranh khắc, 2000 bức ký họa và đồ họa cho hậu thế. Nhưng riêng ông, cho đến lúc mất, vào năm 1669, chẳng có một cái gì cho riêng mình, ngoài sự cô đơn, một cuốn Thánh Kinh, và sự nghèo khó. Những bức chân dung tự họa vào lúc tuổi già, mặt đầy vết nhăn, chứng tỏ sức chịu đựng và sự đau đớn khôn nguôi.
Rembrandt vẽ chân dung tự họa đến gần 100 bức, lúc còn thanh niên, ông tự thể hiện mình là một người dè dặt, khiêm tốn, lúc trưởng thành là một người có sự nghiệp, tự tin trong công việc, thành đạt trong cuộc sống, còn lúc về già thì lộ rõ vẻ nghèo đói, khô kiệt. Wendy Beckett bình luận về bức chân dung Rembrandt tự vẽ lúc tuổi già là: “Nét mặt của ông không bộc lộ một tham vọng nào, và cái nhìn dường như hướng về chúng ta ít hơn hướng về lòng mình với sự tỉnh ngộ sáng suốt. Đó là sự thú nhận cảm động của một người ý thức được giới hạn của mình, của cái nghệ thuật rất cao biết nhìn nhận thất bại”.
|
Tự họa tại Saint Paul (55 tuổi). 1661. Sơn dầu. 91x77cm |
Bức tranh danh tiếng nhất của ông, bức “Tuần đêm” đạt tới đỉnh cao của chân dung tập thể được bố cục như một tranh sinh hoạt, cùng với tác phẩm “Đại biểu nghiệp đoàn buôn vải”, “Bài học giải phẫu của bác sĩ Tulp” là mẫu mực của một sự phân tích tâm lý sâu sắc, qua dáng vẻ ngoại hình đã kể lại cuộc đời nhân vật, những con người thị dân bình thường đã trở thành đối tượng nghệ thuật. Ông đã là người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực sau này – Ngay cả khi vẽ nhân vật nữ, ông không cố ý làm đẹp, mà mô tả họ như chính những phẩm chất trong con người bình dân. Nghệ thuật của Rembrandt luôn luôn được cách tân trong những chặng đường khác nhau của cuộc đời ông. Các nhà phê bình đã dùng những ngôn từ như “chiều sâu vô hạn”, “sự tìm kiếm sắc bén” để miêu tả cách dùng màu sắc của Rembrandt. Càng về cuối đời ông càng sử dụng cách vẽ sơn dầu có chất cảm dầy và mạnh, trông như những vệt bút và những mảng màu trừu tượng. Tuy vậy, cách vẽ này làm cho tranh của ông chứa đựng “đặc chất nội tại của tinh thần”. Trong sự tĩnh lặng, tranh Rembrandt hàm chứa một tình cảm nồng nhiệt và trong kỹ năng tả thực chuẩn xác của ông bộc lộ nỗi sung sướng cũng như niềm đau khổ vô hạn.
Rembrandt mất này 4/10/1669 tại nhà riêng của ông ở Rozengracht. Ông được mai táng ngày 8/10 trong một nghĩa địa vô danh ở Westerkerk, Amsterdam. Rembrandt đã từng trải qua quãng đời sung sướng cũng như những đau khổ. Ông hiểu rõ sự phù du của cuộc sống, nhưng có lẽ cũng như nhiều nghệ sĩ lớn khác, ông cũng hiểu rõ giá trị vĩnh hằng trong nghệ thuật của bản thân mình.
B.T
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 13-14