Thông tin Mỹ thuật số 11-12

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Vài Suy Nghĩ Về Tính Truyền Thống Trong Tranh Sơn Mài Việt Nam Hiện Đại

Trần Văn Cẩn

TRẦN VĂN CẨN. Tát nước đồng chiêm. 1985. 60,4x91,7cm

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam gần một thế kỷ đồng hành cùng các họa sĩ tâm huyết luôn tìm tòi, nghiên cứu làm giàu đẹp thêm tiềm năng lớn lao của chất liệu tạo hình độc đáo này. Từ một chất liệu trang trí cổ truyền họ đã  góp công chuyển thành chất liệu nghệ thuật. Tính truyền thống ấy càng đậm đà hơn qua bàn tay điêu luyện và yêu nghề của các nghệ sĩ nhiều thế hệ đã biết tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới và dân tộc làm phong phú thêm ngôn ngữ của nghệ thuật sơn mài Việt Nam hiện đại.
Từ thực tế sáng tác phong phú, đa dạng của thời kỳ có quá nhiều khúc xạ trong nghệ thuật hiện nay, một điều chúng ta nhận thấy là: Nếu như trước đây các họa sĩ trẻ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã học tập và sử dụng kỹ thuật tạo hình, phối cảnh, màu sắc, bố cục của hội họa châu Âu nhưng lại chuyên chở được nét đặc sắc cái hồn của phương Đông trong cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của mình đối với chất liệu của dân tộc, thì ngày nay, cũng với chất liệu ấy, các họa sĩ trẻ đang khoác cho nó một chiếc áo mới với đủ mọi màu sắc, xu hướng của thời đại. Đây là một tín hiệu đáng vui mừng nhưng đồng thời cũng là hồi chuông báo động về những khuynh hướng lệch lạc của một số họa sĩ chạy theo “kinh tế thị trường” đánh mất tính truyền thống của chất liệu dân tộc.

Truyền thống, theo họa sĩ - nhà lý luận phê bình Nguyễn Quân đã viết: “Như một khái niệm quan trọng trong thời đại giao lưu và thông tin ngày nay, thật không dễ định nghĩa”. Tuy nhiên, phần ngữ nghĩa cốt lõi của nó theo suy nghĩ của ông, “truyền thống là sự lấy lại những suy nghĩ, những xúc cảm, những hành vi của một tập đoàn xã hội, của một con người hay một dân tộc. Truyền thống giúp cho con người giữ lại những thành quả của quá khứ để không phải làm lại từ đầu. Truyền thống vì thế là bậc thang để nhân loại tiến lên phía trước”. (Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật số 4 (87), 1989 trang 16 - 20)

Nguyễn Tư Nghiêm
NGUYỄN TƯ NGHIÊM. Chân dung thiếu nữ. Sơn mài. 1989. 51x36cm

Thiết nghĩ, bảng màu của sơn mài truyền thống tự thân nó ít ỏi, tuy nhiên từ trước tới nay chưa có ai – kể cả các họa sĩ nổi tiếng – dám cho là mình đã khai thác hết khả năng của chất nhựa cây kỳ diệu mà tự nó đã có thể biến hóa thành hai màu chủ yếu: Cánh gián và then, rồi từ hai màu này lại có thể tạo ra vô số những sắc nhị và sắc độ khác nhau. Việc tiếp thu truyền thống trong tranh sơn mài trước hết là ở khâu chế biến nhựa sơn qua các công đoạn nghiêm ngặt, vất vả và khả năng ứng dụng chất nhựa sơn vào tác phẩm của từng nghệ sĩ như thế nào, chứ không phải vay mượn một loại sơn công nghiệp ngoại nhập khoác lên nền vóc những vật liệu mỹ nghệ rẻ rúng, không chịu được sự thử thách của mắt nhìn và thời gian.

Họa sĩ không chỉ vẽ bằng mắt và tay mà vẽ bằng cả trái tim và cái đầu nữa. Do đó, khi nói đến tính truyền thống trong tranh sơn mài không thể chỉ đề cập đến kỹ thuật chất liệu mà phải xem xét cả phong cách tạo hình và nội dung chủ đề. Đây lại chính là bản lĩnh sáng tác của họa sĩ, là khả năng biểu cảm nghệ thuật thông qua phong cách trong bố cục, trong việc xây dựng hình tượng điển hình và trong bút pháp, màu sắc diễn tả. Bởi vì, chất liệu dù có quý giá, quan trọng nhưng sẽ vô hồn nếu thiếu bàn tay của người nghệ sĩ mang đến cho nó một sức sống rung động lòng người. Vì vậy, cần có những họa sĩ tài năng, cảm nhận sâu sắc chất liệu và làm chủ kỹ thuật biểu hiện. Để có được một bố cục, một phong cách tạo hình và một chất liệu phù hợp với chủ đề tư tưởng của một tác phẩm không phải là một công việc dễ làm và trong một sớm một chiều của một người “dễ tính”… Để có được tính truyền thống đó, người nghệ sĩ phải sống, học hỏi và lao động như thế nào?!

Sau cùng, truyền thống được nhắc đến như một phương pháp nhìn nhận, chắt lọc và tái hiện cuộc sống. Cha ông ta từ bao đời nay với đức tính cần cù, trung thực, lạc quan, vị tha để chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt cũng như mọi quân thù xâm lược, đã hình thành nên một “cách nhìn” vô cùng thực tế, cụ thể nhưng cũng vô cùng tinh tế, lạc quan, cho nên, công chúng thưởng thức khó có thể chấp nhận xu hướng gợi cảm thông qua những tín hiệu nghệ thuật, nhất là với những gợi cảm “vô hình” hay “siêu hình” như hiện nay của một số họa sĩ.

Nguyễn Văn Minh
NGUYỄN VĂN MINH. Chiều quê. Sơn mài. 60x80cm

Do đó, khả năng nắm bắt và tái hiện cuộc sống thực tế như là mạch giống nòi chảy xuyên qua bao thế hệ nghệ sĩ, như một lời động viên hun đúc: Vẽ cái gì, vẽ cho ai và vẽ như thế nào? Họa sĩ có quyền chọn một đề tài nhất quán trong sự nghiệp sáng tác cũng có thể cùng lúc vẽ nhiều đề tài phản ánh cuộc sống vận động quanh mình. Cái cần học ở truyền thống, ở các tác giả lớn là cách nhìn đời sống chứ không phải là những nét hình cụ thể trong tác phẩm. Tất cả là ở thái độ của người vẽ trước cuộc sống. Bởi vì, nghệ thuật chính là con người nghệ sĩ thông qua tác phẩm được công chúng chấp nhận. Đó chính là một yếu tố không thể thiếu của truyền thống và cũng chính là quan điểm nghệ thuật của người viết vậy.

Quy luật phát triển của nghệ thuật Việt Nam là sự thống nhất giữ truyền thống và hiện đại, giữa nhân tố bản địa và nhân tố ngoại nhập, giữa đối tượng được phản ánh với chủ thể phản ánh. Vấn đề đặt ra không phải là mới hay cũ về mặt hình thức và phương tiện biểu hiện mà ở chỗ nó đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân Việt Nam. Người viết hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, và một vài suy nghĩ trên không nằm ngoài việc khẳng định sự thành công của nghệ thuật sơn mài Việt Nam hiện đại bên cạnh việc tiếp thu tính truyền thống đã làm nên tính độc đáo của một chất liệu dân tộc để chia sẻ cùng các anh chị tâm huyết (nhất là các họa sĩ trẻ) trong việc làm giàu đẹp thêm ngôn ngữ của nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

N.V.M

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12