Thông tin Mỹ thuật số 11-12

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Nét, Nhịp Điệu Trong Tranh VAN GOGH

Vangogh

VINCENT VAN GOGH. Những đống cỏ khô (gởi Jonh Russell) khoảng 31-7 đến 3-8-1888. Sử dụng bút lau sậy, bút lông ngỗng, mực, than chì, trên giấy dệt, khổ 9,5x12,25 inches. Viện bảo tàng nghệ thuật Philadelphia

Van Gogh, hoặc Vincent, vì ông thích được gọi với tên này hơn, đã viết cho người em là nhà buôn bán tranh nghệ thuật Theo vào đầu tháng 9 - 1880, khi ông vừa mới quyết định trở thành một họa sĩ: “Giờ đây anh nhìn sự vật với đôi mắt khác hơn trước lúc bắt đầu vẽ”. Ông đã diễn tả cảm quan của mình về sự vật một cách nhẹ nhàng như vậy. Cuộc triển lãm ”Vincent Van Gogh: The Drawing” do Viện Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam và Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York tổ chức đã đem đến cho người xem một cái nhìn thú vị, tổng quát về những tác phẩm tạo hình đẹp nhất của nghệ sĩ tên tuổi Hà Lan này. Khoảng 100 trong hơn 1200 tác phẩm đang được lưu giữ của Vincent được chọn ra, nổi bật lên với sự diễn tả tính mãnh liệt của những cảm xúc không kìm nén được và được vẽ thành từng nhóm liên tiếp nhau, trong ba năm cuối đời của Vincent. Đây cũng là những tác phẩm mà các nhà tổ chức muốn đặt vào một tầm quan trọng lớn hơn: Chúng có thể làm tăng thêm sự hiểu biết, giá trị của những tác phẩm khác, nếu như những trải nghiệm phong phú nhất có thể có được ở cuộc triển lãm này được đặt  trên khái niệm diễn giải về quá trình phát triển qua từng giai đoạn sáng tác của nghệ sĩ. Việc sắp đặt tại Viện bảo tàng Metropolitan được cân nhắc kỹ lưỡng, từ những nhãn tiêu đề đẹp, những bản văn viết trên tường đến những hiện vật trưng bày hỗ trợ như bút chì, bút lau sậy từng được họa sĩ sử dụng trong các bức vẽ đồ họa.

VanGogh

Vườn nho già và người đàn bà nông dân. Từ 20 đến 23-5-1980. Sử dụng cọ, dầu và màu nước, than chì trên giấy sọc, khổ 17,5x21,25 inches. Viện bảo tàng Van Gogh, Amsterdam

Trong một bài viết cho catalogue, Susan Alyson Stein đã đưa ra những nhận xét sau: Danh tiếng nổi như cồn của Vincent phần lớn có thể tiên đoán được, dựa vào sự ủng hộ nhiệt tình với các bản vẽ của những người hỗ trợ ông không hề biết mệt mỏi như Emile Bernard. Một trong mhững bạn đồng học tại sudio Ferdinand Cormon, nơi ông học vẽ lối chính thống sau khi đến Paris năm 1886. Khi Vincent tìm ra những lối vẽ không chính thống ngày một nhiều hơn, nhất là vào mùa hè năm 1888 lúc ông sống một mình tại  Arles, ông vẫn cho Bernard biết diễn tiến công việc của mình qua việc gửi thư kèm theo những mẫu vẽ với sự chú trọng không kém đến nội dung và cách trình bày. Cũng trong thời gian tương tự về diễn tiến tạo hình của mình cho một người bạn học trong những lớp học ở Cormon, họa sĩ người Úc John Russell. Nhưng phần lớn những bản vẽ của Vincent lại được gửi cho Theo, người đã xếp đặt những tác phẩm này liên kết với nhau như một bộ sưu tập riêng trong căn hộ ở Paris. Có lẽ nhận thức được việc Theo đánh giá cao những tác phẩm này, người vợ goá của ông, Joanna Van Gogh - Bonger đã khẳng định rằng: Những bản vẽ hình của Vincent, dù sớm hay muộn, cũng sẽ xuất hiện ở nhiều cuộc triển lãm.
Có thể hiểu được những nỗ lực của bà, trong một bối cảnh mà khuynh hướng chủ đạo bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, xem một tác phẩm đồ họa cũng có giá trị ngang bằng với hội họa và điêu khắc. Và trước khi Van Gogh qua đời năm 1890, những họa sĩ không theo lối chính thống như Whistler, Ensor và Rodin đã trình bày những tác phẩm đồ họa trong các cuộc triển lãm. Tuy nhiên lịch sử nghệ thuật vẫn chưa lưu ý đến giá trị của rất nhiều bức vẽ hình. Trong bài viết có tựa đề “Nghệ thuật thế kỷ 19” do đồng tác giả Robert Rosenblum và H.W. Janson viết năm 1985 đều không có đánh giá nào về các bức vẽ hình. Cho nên, việc khảo sát một cách nghiêm túc về các tác phẩm đồ hoạ thế kỷ 19 vẫn chưa được thực hiện.
Gần một nửa số tác phẩm trong triển lãm Những chặng đường sáng tác của Van Gogh năm 1935 tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York là tranh đồ họa.

VanGogh

Những cây Birch xén ngọn. Nửa đầu tháng 3-1884. Sử dụng bút mực, than chì được nhấn thêm với màu nước loãng trên giấy dệt, khổ 15,5x21,37 inches

Nhưng vào năm 1965, khi  MOMA xuất bản tác phẩm kinh điển của John Rewald “Hậu trường phái Ấn tượng: Từ Van Gogh tới Gauguin”, những tranh vẽ hình của Vincent, dù được ca ngợi, vẫn không nhận được sự quan tâm bằng những bức tranh đầy màu sắc lộng lẫy của ông. Nhìn chung, những bản vẽ hình không có chỗ để phát triển so với những bức tranh nhiều màu sắc trong suốt thế kỷ 20. Ví dụ như sách nghệ thuật đầy rẫy những phiên bản mầu và các viện bảo tàng tràn ngập các tác phẩm hội họa đầy màu sắc được trưng bày. Nhưng hoàn cảnh mới không đến nỗi quá bi thảm, ở chỗ ít ra thì nghệ thuật vẽ hình của Vincent đã được quan tâm: Cuộc triển lãm “Van Gogh ở Arles” năm 1984 tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan do Ronald Pickvance tổ chức đã gây được sự chú ý trong cách thức trình bày để cho những bản vẽ hình cũng có tầm quan trọng như những bức sơn dầu. Hoặc như cuộc triển lãm tưởng niệm 100 năm ngày mất của Vincent tại hai Viện Bảo tàng Otterlo và Amsterdam, với qui mô lớn tương tự, dù đáng tiếc là các bản vẽ hình và các bức tranh sơn dầu được triển lãm riêng rẽ tại hai viện trên. Mặt khác, catalogue cho hai cuộc triển lãm đều được trình bày đẹp, lôi cuốn sự chú ý của người xem và thúc đẩy họ quan tâm đến Vincent nhiều hơn nữa.

Có hai khuynh hướng được đặt ra: Một là xuất bản các bản vẽ hình của Vincent nhiều hơn. Hai là tăng thêm sự phân tích tinh tế của các nhà chuyên môn về giá trị  đáng trân trọng của chúng. Từ năm 1996, mọi tư liệu và chi tiết về gần 500 bản vẽ hình của Vincent luôn có sẵn, được đánh giá trong catalogue đặc biệt dành cho các học giả. Quyển thứ tư và là quyển cuối cùng của bộ catalogue này, theo dự định sẽ ra mắt vào năm tới. Cũng từ năm 1996, để thu hút nhiều người xem hơn, học giả David Brooks đã thu thập những bản vẽ hình và tranh của Vincent bằng hình ãnh kỹ thuật số cho một catalogue trực tuyến www.vggallery.com.

VanGogh

Những con thuyền trên biển. Khoảng 30-5 đến 5-6-1888. Sơn dầu trên vải bố, khổ 17,38x20,88 inches. Viện Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Pushkin, Moscow

Tuy nhiên cho tới nay, trước khi thời gian làm phai màu các tác phẩm, Brooks vẫn chưa khởi sự chuyển tải  những hình ảnh có thể còn giữ được gần với nguyên dạng ban đầu. Theo như Van Heutgen giải thích trong tác phẩm “Vincent van Gogh: The Drawing”: Những người xem tranh ngày nay cần hiểu rằng nhiều bản vẽ của Vincent còn lại đến hôm nay bị cảm nhận khá sai lạc là bản vẽ phác thảo. Vì thời gian, một số vết mực đen đã chuyển thành mầu nâu, những loại mực aniline mà tác giả sử dụng trong nhóm tác phẩm 1888 đã mờ gần như mất hẳn; phức tạp hơn, trong một số bản vẽ dùng hai loại mực khác nhau thì cả hai đều bị hư hại, có khi một loại mực bị phai còn loại kia ngả mầu sậm hơn. Nhận thấy sự hư hại thì dễ nhưng tìm ra phương tiện phục chế  mới là khó. Cuối cùng, Van Heutgen nhận được sự trợ giúp của nhà khoa học Roy S. Bern để tái sản xuất chính xác những loại mầu dùng trong các bản gốc sử dụng loại giấy xám xanh rất dễ bạc mầu. (Gần đây, Berns - giáo sư tại Học viện Công nghệ Rochester, đã cung cấp những bức hình được hiệu chỉnh màu tương tự cho một triển lãm ở Seurat tại Học viện Nghệ thuật của Chicago). Bên cạnh việc phục chế bản vẽ, Van Heutgen cho tái sản xuất bản in mầu những cuốn sách năm 1920. Mặc dù những người phụ trách tuyển chọn những bức vẽ còn trong tình trạng tốt nhất cho bài khảo cứu này,  nhiều bản vẽ độc đáo trong catalogue cho thấy màu sắc chắc đã đổi thay nhiều.  Nhưng một chi tiết thú vị khác lại được phát hiện: Khi so sánh với bản vẽ tham gia thuộc Vellekoop, có những bằng chứng để tin rằng một số các bản vẽ ngả sang tone nâu, thực hiện tại viện tâm thần nơi Vincent ở năm 1889, được thể hiện một cách sáng tạo bằng loại mực có mầu dễ phai. Nếu vậy, những bản vẽ phủ sơn dầu mỏng năm 1889 hoá ra tốt hơn nhiều những bản vẽ mực. Catalogue còn có phần phụ lục rất hữu ích được thực hiện bởi nhân viên bảo quản tư liệu của Viện bảo tàng Metropolitan, Marjorie Shelly, nguời cung cấp một số những loại mực khác nhau trong buổi phát hành bản vẽ Vincent.

VanGogh

Những con thuyền trên biển (gởi Jonh Russell). Khoảng 31-7 đến 3-8-1888. Sử dụng bút lau sậy và mực, than chì trên giấy dệt, khổ 9,5x12,5 inches. Viện bảo tàng Solomon R.Guggenheim , New York

Sự thiếu hiểu biết của chúng ta về mục đích sử dụng màu sắc của Vincent, chưa tệ bằng sự bàng quan của chúng ta về những gì ông muốn đạt tới trong những tác phẩm đầy khát vọng thể hiện trên mặt giấy. Xuất thân từ một gia đình buôn bán tranh nghệ thuật, chắc hẳn ông đã biết rõ sự lựa chọn gắt gao trên thị trường về các bản vẽ hình. Bắt đầu trong năm 1880, những lá thư của Vincent thường xuyên cho thấy ông muốn kiếm sống bằng việc bán các bản vẽ minh họa cho sách hoặc cho các tạp chí đương thời như “The Illustrated London News” hoặc “The Graphic”, hai xuất bản phẩm bằng tiếng Anh được ông ưa chuộng. Kế đến, đầu năm 1882, người chú buôn bán tranh nghệ thuật của ông, Cornelis van Gogh, đặt cháu mình làm các bức vẽ của nhà Hague, một dự án có tầm quan trọng rất lớn đối với hoạt động của các phòng tranh nghệ thuật thời ấy giữa thế kỷ 19. Trong khi chưa có bản vẽ sao chụp nào được xuất bản để giao cho ông chú, Vincent phát hiện ra khả năng khả năng in thạch bản (lithographic) dựa trên những hình vẽ minh họa cuối năm 1882. Ngoài ra, có thể coi như ông đã hoàn thành những mong ước ban đầu về nghệ thuật khi tạo ra những bản vẽ cho sách hoặc các tác phẩm tiêu biểu từ phiên bản với những tập bản vẽ mà ông gửi cho Bernard và Russell năm 1888, những bản vẽ mà cuối cùng lại trở thành phiên bản cho những bức họa của ông. Hơn nữa, vì quá trình 7 năm làm việc miệt mài cho Công ty Nghệ thuật và sao chép Nghệ thuật quốc tế Goupil & Cie, nên Vicent là một người thành thạo về phiên bản nghệ thuật.

VanGogh

Mùa gặt ở Provence (gửi Jonh Russell) khoảng 31-7 đến 3-8-1888. Sử dụng bút lau sậy

Ông treo các phiên bản lên tường trong căn phòng ở Dordrecht, nơi ông làm việc cho một người bán sách một thời gian ngắn năm 1877. Tại Amsterdam, nơi ông chuyển đến sau đó để nghiên cứu thần học, ông tiếp tục mua những tranh ảnh không đắt lắm về phủ lên tường. Cũng chẳng khác gì mấy khi ông ở nhà Hague đầu năm 1881, dù lúc đó có thêm người khởi xướng, những bản vẽ của ông góp lên tường là các hình sao chép từ những cuốn tạp chí tiếng Anh.  Dù thời kỳ đầu hay sau này, có thể đoán ra được vì kiểu cách thể hiện như bản khắc của các bản vẽ, với rất nhiều những nét bút, cọ ngắn trông như những vết khắc cho đường viền cũng như để tả chất hay khối. Dù là các bức vẽ ghi lại những nơi nổi tiếng, nhiều bức trong số những bức ấn tượng nhất ở thời kỳ đầu tại triển lãm Metropolitan trông như những bản sao từ những bản khắc tưởng tượng in bằng những mầu mực rất ăn với nhau.
Khi đến Paris năm 1886, Vincent cố gắng phát triển một kiểu vẽ ít các đường vạch hơn. Một mặt, ông cố gắng để trở nên thành thạo phong cách vẽ theo truyền thống học thuật của Cormon. Mặt khác, ông chăm chút vào cách thể hiện ít đường vạch hơn, nhiều mầu sắc hơn mà các nghệ sĩ chuyên tranh khắc gỗ người Nhật rất ưa chuộng, những người mà tác phẩm của họ khiến Vincent nghiên cứu hàng giờ liền tại phòng tranh nổi tiếng của Siegfried Bing. Trong khi triển lãm Metropolitan hầu như lờ đi những bản vẽ mang tính học thuật của ông, những bản vẽ màu nước kiểu Paris lai Nhật này hiện đang gây sửng sốt cho người xem, một kiểu”Thoát ly Lục địa” giữa giai đoạn đầu và sau này trong việc vẽ phác họa của Vincent.

VanGogh

Những cây bách. Từ 20 đến 25-6-1889. Sử dụng bút lau sậy, bút mực, than chì trên giấy dệt, khổ 24,5x18,5 inches. Viện bảo tàng Brooklyn, New York

Tuy nhiên, sự nổi tiếng của cuộc triển lãm gần đây là nhờ các bản vẽ sử dụng loại bút làm từ cây lau sậy mà Vincent thấy mọc nhiều ở Arles. So với đường nét của bút lông và bút chì, nét vẽ của bút lau sậy tinh tế hơn rất nhiều, khiến cho các bản vẽ mà chỉ giới hạn từ một đến hai độ tone mực đen và nâu của Vincent trông giống như các bức thư pháp Nhật. Nhưng sự nhuần nhuyễn của những nét bút trong những bản vẽ này, cũng như những bản vẽ mả ông thực hiện ở Hà Lan và Bỉ đầu năm 1880, lại trông như những bức tranh được làm từ bản khắc theo những tác phẩm của các họa sĩ mà Vincent yêu thích như Millet; hoặc tốt hơn, trông giống sự phối hợp đồng thời giữa tô mảng và vẽ nét. Chỉ cần một lượng mực tối thiểu trên một nét vẽ, một cây bút lau sậy có thể tạo ra một vệt mực tương đương với vệt mực được làm ra từ công cụ khắc bản vẽ. Vì vậy, những bản vẽ sử dụng bút lau sậy của Vincent dường như là bằng chứng cho việc thực hiện bản khắc. Trong chừng mực nào đó, các dị bản tinh tế, có khi lên tới ba bản giống nhau, mà Vincent vẽ theo kiểu những bức hoạ ở Arles có lẽ phải đặt trong tình trạng được in ấn, hoặc chỉ là những xuất bản phẩm không mấy quan trọng, được in riêng để tặng bạn thân. Mặc dù bản thân Vincent không phải là thợ in thì ông cũng là người buôn bán tranh và sưu tầm tranh ảnh in, và đó chính là nguyên nhân khiến cho kiểu diễn đạt trong các bức vẽ rất gần với loại tranh khắc, đến nỗi trông chúng khác hẳn các bức vẽ của các họa sĩ bậc thầy thế kỷ 19.
Dĩ nhiên là còn nhiều điều chưa được đề cập đến, nhưng chắc chắn Vincent đã đánh giá cao việc sử dụng bút lau sậy trong các bản vẽ hình, được thực hiện giống hệt các bức ký hoạ vẽ cọ phức tạp của các hoạ sĩ theo trường phái Ấn tượng cổ điển như Monet, hoặc vẽ chấm điểm của những người bạntheo trường phái Hậu Ấn tượng, Seurat và Signac chẳng hạn.
Thực ra, ngay sau khi quyết định một cách đáng tiếc không triển lãm những bản vẽ sử dụng bút lau sậy đẹp nhất tại Amsterdam tháng 6 - 1888, Vincent thực hiện chuyến du ngoạn tới vùng bờ biển Địa Trung Hải. Có lẽ, bên bờ biển này, Vincent lần đầu tiên tìm cách thể hiện chủ đề có dạng chuyển động mang tính ấn tượng mạnh mẽ nhất, với việc họa những ngọn bọt biển đang đùa trên nước, ”Boats at Sea, Saintes-Maries-de-la-Mer”. Và có lẽ, khi thực hiện những bản vẽ sử dụng bút lau sậy mà gần như dựa hoàn toàn trên những bức họa này, ông cảm thấy mình đang phối khí cho bộ tứ đàn dây. Nhưng quan trọng hơn, chắc hẳn ông nhận thấy bản vẽ phiên bản đẹp hơn bức hoạ nguyên bản, bởi vì lối miêu tả mang phong cách riêng của ông có thể bắt được sự chuyển động hiệu quả hơn sơn dầu. Một nhận thức như thế có vẻ như là sự đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp vẽ của ông. Khi ông vẽ ngoài trời ở Provence, ông cho biết, vì những cơn gió lạnh phía bắc “tấm toan lúc nào cũng rung lên. Nhưng lúc tôi đang vẽ thì chẳng có gì phiền đâu!”. Thực ra, ông tự hỏi, liệu những cơn gió tương tự có thể giải thích tại sao việc dùng cọ trong những bức họa của Cézanne ở Provence đôi khi quá khó khăn hay không. Dù trong trường hợp nào, từ thời điểm này trở đi, việc vẽ cọ trên những bức họa của Vincent sẽ có sự logic về nhịp điệu của các bản vẽ hình, mà tự chúng dự báo về một loại ngôn ngữ tạo hình giàu tính khuôn mẫu của tranh khắc.

VanGogh

Cửa sổ studio. 9-1889. Sử dụng cọ, sơn dầu, phấn đen trên giấy sọc hồng, khổ 24,38x18,75 inches. Viện bảo tàng Van Gogh

Việc đến Arles tháng 10 - 1888 của Gauguin, người rất coi thường nguyên tắc trường phái Ấn tượng và cương quyết vẽ từ sự tưởng tượng hơn từ thực tế, chấm dứt đột ngột giai đoạn vẽ thử nghiệm của Vincent. Mặc dù nhập viện sau sự ra đi bất ngờ của Gauguin cuối năm 1888, họa sĩ Vincent đã thoát khỏi ảnh hưởng của những khuynh hướng khác, có thể tiếp tục thực hiện những khát vọng chưa thành trong việc kết hợp giữa vẽ hình và hội họa. Cách tạo hình độc đáo đã đưa ông đến một thế giới không bình thường, thậm chí quay cuồng, một thế giới mà làm cho tác phẩm của ông rung lên như có gió lướt qua ngọn cỏ, có lá cây đang xào xạc, có những đám mây đang trôi xa. Một cơn suy nhược nặng đầu năm 1890 cản trở kế hoạch cuối cùng của ông để triển lãm một số các bản vẽ hình và tranh ở Brussels. Sau đó không lâu, ông tự kết liễu cuộc đời, để lại phong cách vẽ vẫn tiếp tục phát triển sau khi ông qua đời. Cám ơn những mẫu bản vẽ phong phú của Vincent. Rõ ràng là sự quyết định nhìn thế giới với một con mắt khác của ông và làm cho nghệ thuật đồ họa cũng có ảnh hưởng như nghệ thuật hội họa được chia sẻ bởi nhiều họa sĩ thế kỷ 20, từ Matisse và Ernst đến Johns và LeWitt.

PHẠM THỊ KIM OANH
(Dịch từ Art in America,
tháng 3 - 2006

Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12