Thông tin Mỹ thuật số 07-08

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Thay Đổi Vận Mệnh 180 Độ

 

Có một nghịch lý, họ cùng là những đứa con lai, cùng là sự pha trộn của các dòng máu Tây âu, Mỹ… và Việt, thế nhưng trong xã hội dưới con mắt của mọi người họ là được hoặc bị những cách đối xử hoàn toàn khác nhau. Đây cũng là chủ đề của cuộc triển lãm “Thay đổi vận mệnh 1800”của Braford Edwards tại Viện Goethe Hà Nội.      
Braford Edwards
Tác phẩm sắp đặt của BRAFORD EDWARDS
Người ta đã viết nhiều về cái gọi là những đứa trẻ bụi đời, những đứa con lai còn sót lại tại Việt Nam sau ngày thống nhất năm 1975. Hoàn cảnh của những đứa trẻ này được miêu tả bằng những hình ảnh không mấy tươi đẹp. Nhiều đứa trẻ đã bị cả cha – những người lính Mỹ lẫn mẹ Việt bỏ rơi. Đa phần trong số đó trở thành những đứa trẻ mồ côi lang thang mà số phận đã buộc họ phải vật lộn để có thể tồn tại nơi hè phố. Đương nhiên, mỗi đứa con lai đều có một hoàn cảnh riêng, và không phải lúc nào cũng là kết quả của sự thường thấy nhất với cha là lính Mỹ và mẹ người Việt thuộc tầng lớp thấp. Tuy nhiên dù cha mẹ có là ai chăng nữa cũng chẳng quan trọng gì khi họ không ở bên. Thậm chí kể cả những đứa trẻ may mắn hơn khi còn mẹ ở bên cạnh, nhưng luôn phải đối mặt với một môi trường xã hội không hòa đồng về màu da, mà chỉ cần liếc mắt một cái ai cũng biết đó là con lai. Những đứa trẻ này là một phần ruột thịt đầy đau đớn và nước mắt, là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hiện diện của những kẻ ngoại xâm, là vết tích đậm nét về sự chiếm đóng và xung đột. Bất hạnh thay, chúng phải hứng chịu những mũi dùi xuất phát từ sự nhầm lẫn của quá khứ. 
Từ khi đất nước đổi mới và việc nhiều người nước ngoài trở lại Việt Nam, sự hồi hương của những người Mỹ gốc Việt. Giống như một vòng xoay của số phận, không chỉ riêng từng con người, mà cho cả một đất nước và những thế hệ nối tiếp. Thế  hệ trước chưa kịp ráo nước mắt, chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau, thì một thế hệ những ông bố bà mẹ tương lai của một dòng con lai mới đã đến Việt Nam. Và chẳng mấy chốc cái nhìn dường như đã xoay chiều. Bởi người ta yêu nhau và bắt đầu một cuộc sống gia đình, mà những khác biệt về văn hoá không là yếu tố cản trở, thậm chí còn là tác nhân cho những duyên nợ này.     
Braford Edwards
Một góc gần của tác phẩm sắp đặt của BRAFORD EDWARDS 
Sau những năm 90 của thế kỷ XX, thế hệ này càng ngày càng trở nên đông đảo. Một thái độ khác hẳn, với những đứa con của lính Mỹ vẫn giữ cái nhìn e dè nhưng có phần trọng vọng. Chúng được yêu thương, chiều chuộng, ngưỡng mộ và được hưởng một chế độ đặc quyền đặc lợi hơn hẳn những đứa trẻ Việt. Chúng giờ đây lại là biểu tượng của sự hy vọng và sự thịnh vượng cùng với việc Việt Nam tích cực tham gia vào cộng đồng quốc tế và sự phát triển văn hoá xã hội tiến bộ. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta lại được chứng kiến vận mệnh của một nhóm người được thăng hoa từ những gì thấp nhất lên đến gần đỉnh của xã hội hiện tại. Sự thay đổi đó là nhanh chóng và mãnh liệt chỉ trong vòng 20-30 năm ngắn ngủi của đời người. Vậy thế nào là giá trị xã hội? Phải chăng chính sự mở cửa về kinh tế, và tính chất toàn cầu hoá đã lật ngược lại thái độ và sự tiếp nhận nhiệt tình của xã hội trong khi còn người sinh ra vốn không chọn được cho mình một số phận. 
Hiện tượng này, giống như một cái cây phả hệ với những cành la cành bổng. Những đứa con lai như thể là những “trái” của một cái cây được lai giống. Và cuộc đời của chúng như một bản nhạc với đứa này là đau thương, bi ai, nhưng với đứa kia là thơ mộng và lãng mạn. Cái cây mà Braford Edwards tạo nên được lẩy ra từ chính ý tứ này.   
Tuy chỉ là một cuộc triển lãm với hình thức bày đặt đơn giản nhưng tác phẩm này đã khiến con người ta phải giật mình mà suy nghĩ lại về những vấn đề xã hội. Những vết thương chiến tranh không chỉ là để lại dấu tích trên thân thể những nạn nhân chất độc da cam sau hàng chục năm chiến tranh, mà còn để lại trong chính dòng giống lai tạp của người Việt. Còn những đứa trẻ sau những năm 90 của thế kỷ XX lại là dấu ấn của một xã hội mà tính toàn cầu đã xâm lấn đến tận những thế hệ tương lai và của tương lai. Người ta không nói đến điều đó là tốt hay xấu, nhưng đó là hiện thực xã hội mà ta cần phải nhìn nhận.
 
T.T.H
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 07-08