Đại hội Đại biểu toàn Quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ VI (Nhiệm kỳ 2004 – 2009)
|
Toàn cảnh Đại hội |
Thực hiện kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ VI thành hai cấp: Đại hội cơ sở theo khu vực và Đại hội Đại biểu toàn quốc. Sau khi đã tiến hành đại hội cơ sở ở 9 khu vực, trong 3 ngày 22 -23 - 24/12/2004 tại Hội trường Ba Đình Hà Nội - Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ VI (Nhiệm kỳ 2004 -2009) đã được cử hành trọng thể với sự hiện diện của đồng chí Phan Diển - đại diện Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Nguyễn Khoa Điềm – uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương cùng sự tham dự của gần 100 vị khách mời và 501 hội viên là đại biểu chính thức từ 9 khu vực trong cả nước.
Tại đại hội, các đại biểu đã lần lượt nghe các đồng chí trong ban chấp hành đương nhiệm đọc báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ V (2000 – 2004) trong đó chú trọng về hoạt động sáng tác và công bố tác phẩm - với các mảng đi thực tế, trại sáng tác, tài trợ sáng tác, triển lãm, về giải thưởng mỹ thuật hàng năm, nghiên cứu lý luận phê bình, phối hợp với các cơ quan & tổ chức trong và ngoài nước …, hoạt động của các tổ chức Hội và công tác hội viên (với các mảng tổ chức bầu cử, cơ quan trực thuộc, công tác hội viên…), công tác tài chính và công tác đối ngoại cũng như báo cáo phương hướng công tác nhiệm kỳ VI. Ngoài ra các đại biểu cũng nghe báo cáo kiểm điểm công tác của ban chấp hành, hội đồng nghệ thuật, ban kiểm tra và nghe báo cáo điều lệ Hội Mỹ thuật Việt Nam Nhiệm kỳ VI (sửa đổi).
Trong những ngày tiến hành đại hội - nhiều hội viên cũng đọc tham luận trình bày tâm tư nguyện vọng của mình và góp ý kiến cho công tác tổ chức Hội trên nhiều khía cạnh. Ví dụ: ở lĩnh vực tổ chức Hội - ý kiến đóng góp của hội viên là cần nâng cao tính chuyên nghiệp của Hội bằng cách kết nạp hội viên có năng lực nghiệp vụ chứ không đơn thuần chạy theo chỉ tiêu kế hoạch. Hội có nhiệm vụ tạo sự giao lưu cho các hoạ sĩ để phát triển nghề nghiệp, mở trang web để hội viên khi cần có thể trực tiếp tra cứu. Lấy thành phố Cần Thơ làm tâm điểm cho đồng bằng sông Cửu Long để vươn ra thế giới bên ngoài, thành lập Liên chi hội Đồng bằng sông Cửu Long để hội viên các tỉnh miền Tây có điều kiện trao đổi giao lưu học hỏi.
Về giải thưởng hằng năm - nhiều hội viên cho rằng triển lãm khu vực hàng năm là một cơ hội rất tốt để anh em trong ngành gặp nhau học hỏi, trao đổi nghề nghiệp hầu thấy được khả năng của chính mình và cần tổ chức triển lãm giao lưu giữa nhiều khu vực hơn nữa. Tuy nhiên, theo nhiều hội viên - Hội đồng Nghệ thuật cần công tâm hơn trong chấm giải, phải có cách thẩm định cao nhất để tạo mức tương xứng sao cho hấp dẩn được nhiều đối tượng tham gia, nên xem xét lại giá trị giải thưởng trên cả hai lĩnh vực tinh thần lẫn vật chất để xứng đáng với tầm khu vực và quốc gia, ngoài ra cần rà soát lại những giải thưởng trong mấy năm qua để khẳng định được sự tiêu biểu của nó và bớt dần đi tính phong trào, chủ động có phương án sao cho những tác phẩm phát huy tác dụng chứ không phải bị công chúng thờ ơ và lãng quên ngay từ sau khi phát giải. Ngoài ra, để có được một tài năng - Hội cần phải có quá trình theo dõi và bồi dưỡng để tạo một phong cách riêng, phải có chính sách để thực hiện tốt việc đầu tư. Cần tạo được sự liên kết với với các cơ quan du lịch để quảng bá chuyên ngành và hội nhập hai chiều.
Cũng có ý kiến cho rằng Hội có nhiều đề xướng nhưng thiếu nghiên cứu và cần phải cụ thể hóa những việc làm được - bởi một thực trạng đang diễn ra là hiện nay, nhiều triển lãm liên tiếp ra đời nhưng lại thiếu những tác phẩm để đời. Nên chú trọng bồi dưỡng chính trị cho những họa sĩ trẻ tài năng và cương quyết đưa ra khỏi Hội những người không tuân giữ điều luật. Các hội viên làm công tác đào tạo cũng cho rằng Hội nên tạo mối quan hệ với các trường dạy về mỹ thuật - để chuẩn bị trước cho mình một lực lượng hoạ sĩ trẻ và công chúng am hiểu nghệ thuật đông đảo. Ngoài ra, cũng cần có phương thức gắn kết giữa đối tượng hoạ sĩ lớn tuổi và trẻ tuổi trong việc kế thừa và phát triển sự nghiệp dân tộc. Chú ý và giúp đỡ để hội viên các tỉnh xa (đặc biệt là các hội viên sinh sống ở Tây Nguyên) có điều kiện giao lưu học hỏi để phát triển nghề nghiệp.
Ngoài ra, Hội và Hội đồng Nghệ thuật Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hoá Thông tin các tỉnh để có sự thẩm định chất lượng hầu đạt được chất lượng cao ở các công trình tượng đài. Và cuối cùng để có thể khắc phục được những nhược điểm đang tồn tại trong ngành và nâng cao chất lượng nghệ thuật - nhất thiết ngành mỹ thuật cần phải quy tất cả những hoạt động xung quanh nó trở thành chuyên nghiệp từ không gian, bảo tàng, báo chí, thông tin, quyền lợi của người được Hội tài trợ và các cấp lãnh đạo chính quyền cũng như Hội phải có tầm nhìn rộng trong quy hoạch và chú ý để có các bảo tàng đáp ứng bộ mặt văn hoá thế giới.
Cũng trong ba ngày diển ra Đại hội Mỹ thuật - không khí sinh hoạt học thuật chuyên ngành bao trùm khắp thủ đô Hà Nội. Nhiều triển lãm song hành lần lượt mở ra: hai triển lãm cá nhân của hoạ sĩ Trần Duy và Phạm Thanh Liêm tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Triển lãm Kỷ niệm 60 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Bảo tàng Quân đội , Triển lãm giao lưu hàng năm của giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng tại Bảo tàng Mỹ thuật, Triển lãm về Dân tộc Thái tại Bảo tàng Dân tộc học … khiến các đại biểu toàn quốc về dự đại hội sau giờ làm việc chính thức tại hội trường phải di chuyển như con thoi suốt các địa điểm trưng bày và tốn khá nhiều phim ảnh để thoả mãn nhu cầu trau dồi tri thức của mình trong hoàn cảnh đặc biệt ngàn năm một thưở này.
Và sau hai vòng đầu phiếu - kết quả cuối cùng của sự chọn lựa cũng nói lên sự tín nhiệm của hội viên đối với nhân sự của Ban Chấp hành cũ - bởi những thành công đạt được từ các công việc đã triển khai trong suốt nhiệm kỳ V như đi thực tế, trại sáng tác, triển lãm, tài trợ sáng tác, công tác hội viên… ba đồng chí mới được thay vào từ các đồng chí cũ tự nguyện rút. Đại hội đã bầu 11 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam Nhiệm kỳ VI.
Ngay sau đó, Ban Chấp hành TW đã bầu Chủ tịch Hội, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Trưởng Ban Kiểm tra.
Năm năm một lần, Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam là cơ hội đặc biệt có một không hai để các anh chị em đồng nghiệp cùng ngành trên cả nước (trong đó đa phần là bạn bè cũ đã cùng chung học dưới một mái trường) hội tụ về gặp gỡ nhau cùng sinh hoạt - ngoại trừ hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bầu đại biểu và lấy theo đa số phiếu, các tỉnh thành khác thường bố trí theo phương thức sắp xếp thay nhau đi.
Nguyễn Kim Loan
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật Số 03-04